Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

AN GIANG: HÃY DÂN VẬN ĐỂ NGƯỜI BÁN VÉ SỐ ĐƯỢC WC VĂN MINH

Bán vé số thì không được vào nhà vệ sinh? 
Hữu Danh
Thứ Năm, ngày 21/01/2016 14:15 PM 

Ngay trên vách tường là dòng chữ "Vé số không được vào nhà vệ sinh" được chủ quán “cẩn thận” khắc rõ nét trên bảng mica màu xanh, chữ trắng.

Người nghèo thì luôn phải thiệt thòi - đó là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, thiệt thòi như ở An Giang, ghi hẳn ra bằng khẩu hiệu “Vé số không được vào nhà vệ sinh” có lẽ sẽ làm cho nhiều người giật mình vì tính hào hiệp, trượng nghĩa của người miền Tây đã không còn sót lại chút gì...

Tấm biển “Vé số không được vào nhà vệ sinh” trong quán cà phê.

Sáng 20.1, quán cà phê Cổng Mặt Trời, nằm trên đường Nguyễn Thái Học - sát vách với Ban Dân vận tỉnh ủy An Giang nhộn nhịp khách. Đây là quán lớn nhất nhì ở thành phố Long Xuyên, lại nằm ngay trung tâm hành chính của tỉnh nên lúc nào cũng đông khách.

Khách đông, người bán vé số cũng đông. Một người đàn ông gương mặt khắc khổ, ngoài 50 tuổi, hai chân bị liệt, cổ đeo một cái túi đựng vé số bò từ ngoài cổng vào quán. Người đàn ông bò nhanh về phía cuối quán, nơi có nhà vệ sinh. Ông dừng lại, chuẩn bị tư thế để có thể leo lên bậc thềm của nhà vệ sinh. Nhưng sau đó, ông thoáng chút ngần ngừ, rồi quày quả bò nhanh ra đường.

Ngay trên vách tường là dòng chữ "Vé số không được vào nhà vệ sinh" được chủ quán “cẩn thận” khắc rõ nét trên bảng mica màu xanh, chữ trắng. Người bán vé số biết chữ. Vé số cũng có tự trọng của vé số. Cho dù những việc tự nhiên nhất của con người - đi vệ sinh - thuộc về bản năng nhưng dòng chữ lạnh lùng trên tường đã khiến cho người đàn ông khốn khổ này không thể bò tiếp vào trong.
Khi người bán vé số bò ra, cái biển cấm vô cảm kia nằm ngay phía sau, trên lưng người đàn ông tội nghiệp. Như sợ những người bán vé số không thấy, cả hai bên vách tường, chủ quán đều cho gắn biển cảnh báo. Nhưng tôi không thể giơ máy ảnh chụp cái cảnh bất nhẫn ấy. Tôi vờ như không thấy. Tôi cảm thấy xấu hổ vì cái cách của nhóm người lành lặn ứng xử với người yếu thế. Tôi kêu tính tiền, thề với lòng sẽ không ghé quán này thêm lần nào nữa. Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến mấy hôm nay, dư luận sục sôi chuyện các sếp công ty xổ số lãnh lương “khủng". Chỉ tính trên bảng lương, có chữ ký, các lãnh đạo vé số đều có mức thu nhập 600 - 700 triệu đồng (ở Tiền Giang là 730 triệu đồng). Có doanh nghiệp xổ số, lương của các bác bảo vệ cũng trên 40 triệu đồng/tháng.

Tiền nhiều, các sếp xổ số thường xuyên đưa cán bộ lãnh đạo đi nước ngoài "học tập kinh nghiệm xổ số". Ở Tiền Giang, ở Bình Phước, tiền dư đến mức công ty xổ số phải "huy động" cả cán bộ nghỉ hưu đi Mỹ, đi Tây "học tập kinh nghiệm". Tiền nhiều thì chơi nhiều, hưởng nhiều, tất cả đều "đúng quy trình".

Ở vùng ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp xổ số nộp ngân sách cả ngàn tỉ đồng/năm. Với nhiều địa phương, thu từ xổ số là nguồn thu chính. Để có nguồn thu này, các công xổ số đều dựa vào lực lượng bán vé số dạo. Họ là ai? Là trẻ em, thay vì được đến trường thì áo quần rách rưới, tay cầm xấp vé số đi "bán cái rủi may"; là những ông bà lão bảy - tám mươi tuổi, lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu thì phải còng lưng mời từng tờ vé số; là những người tật nguyền, khi mà hệ thống an sinh xã hội còn quá kém, phải vừa bò vừa lết ngoài đường, bò lết dưới chân trai thanh gái lịch trong những quán cà phê, nhà hàng để bán từng tờ vé số bằng cách kêu gọi lòng thương...

Những người khách ở Hà Nội vào miền Nam công tác lần đầu, thường rất ngạc nhiên, có khi khó chịu vì chỉ một cữ cà phê sáng mà phải lắc đầu từ chối vé số đến vài chục lần. Ít ai nghĩ đến nguồn thu ngân sách ở ĐBSCL một phần rất lớn là do lực lượng vé số dạo mang lại. Người bán vé số chỉ hy vọng đủ cơm để sống qua ngày, vì không bán vé số, cũng không còn nghề nào để lựa chọn. Trong khi cán bộ và sếp ngành xổ số không biết cách nào tiêu cho hết tiền thì người bán vé số chỉ mơ từng bữa được no. Nhiều tỉnh thành phía Nam thu ngân sách khủng nhờ những đôi chân yếu ớt của hàng chục ngàn con người khốn khổ ngày ngày “đi bán ước mơ”. Vậy mà, chuyện “đi vệ sinh” cho đàng hoàng, sạch sẽ với họ cũng chỉ là ước mơ xa xỉ.

Bước ra khỏi quán Cổng Mặt Trời, tôi nhìn thấy người đàn ông vừa bò vừa lết trên vỉa hè, về hướng trụ sở UBND tỉnh. Các cán bộ của Ban Dân vận tỉnh uỷ An Giang đang căng một băng rôn nội dung "Chăm lo tết cho người nghèo" phía trong sân. Chỉ cách một bước chân, tôi mong họ sẽ bước qua quán cà phê này 1 lần, nhìn thấy tấm biển tàn nhẫn kia và ít nhất, họ giúp người nghèo có cái quyền “đi vệ sinh”. 

__________

Kính đề nghị Ban Dân vận tỉnh ủy An Giang, cơ quan sát nách quán cà phê Cổng Mặt Trời hãy làm công tác dân vận với chủ quán cà phê này, để người bán vé sđược đi vệ sinh một cách văn minh. 

 
.

8 nhận xét :

  1. Quán nằm ở An Giang nhưng chủ nhân chưa chắc người Miền Tây! Cái kiểu viết như thế này khó có thể là người Miền Tây! Tác giả bài viết nên kiểm tra lại.
    Riêng về An Giang, thời gian gần đây nhiều chuyện chẳng hay ho gì xảy ra, khác hẳn với thời kỳ ông Nguyễn Minh Nhị! Từ chuyện ông quan to An Giang trù dập những người nhận xét ông có cái mặt "kênh kiệu" đến mới đây có "thằng cu" mất dạy lên FB đòi đập và đặt bom đài tưởng niệm "Nghĩa sỹ Hoàng Sa", rồi bây giờ là chuyện này nữa. Chẳng lẽ An Giang không còn "an" nữa?

    Trả lờiXóa
  2. Thật ra, ngay ở Mỹ, cũng có khi chủ một cửa tiệm (thường là tiệm nhỏ) đề bảng "No Public Restrooms - Không phải nhà vệ sinh dành cho công chúng. Nói chung, người chủ cửa tiệm có quyền từ chối việc xử dụng cho người đi đường không phải khách hàng của tiệm.
    Ngoài ra, những nhà hàng lớn có khi họ cũng treo bảng nhỏ "Jackets Required" có nghĩa là nên mặc áo quần chỉnh tề, không mặc jeans hay T-shirt, có thể họ sẽ từ chối tiếp.

    Cái nầy cũng không dính dáng gì đến chính quyền phải can thiệp, chỉ là sinh hoạt của xã hội văn minh lịch sự thôi. Cũng chẳng phải vấn đề gì thuộc tình thương hay bác ái quá lớn. Bởi vì, người đi đường nói chung ở Mỹ họ vẫn con có nhiều nơi khác cho công chúng xử dụng nhà vệ sinh tự do.

    Trả lờiXóa
  3. Xin chủ quán cà phê Cổng Mặt Trời giải thích dùm cho, vì sao ông/bà lại kỳ thị người bán vé số?

    Trả lờiXóa
  4. Lại chợt nhớ câu thơ của Bác Hồ...Buồn ỉa cũng không cho..

    Trả lờiXóa
  5. Đây là trường hợp phương tiện và dịch vụ công cộng thiếu thốn, không đủ để phục vụ công chúng, khiến cho những cơ sở tư nhân phải chịu gánh nặng xã hội.

    Nhà hàng có nhà vệ sinh để phục vụ khách hàng của họ. Họ phải bỏ tiền thuê người dọn dẹp sạch sẽ ngày mấy bận, phải chịu điện nước cho nhà vệ sinh, v.v.

    Nếu những người làm ăn suốt ngày ngoài đường như bán vé số, bán hàng rong, v.v. vì không có nhà vệ sinh công cộng nên đều đến dùng nhà vệ sinh của nhà hàng, thì tạo thêm gánh nặng cho nhà hàng.

    Dòng chữ nghe có vẻ cạn tàu ráo máng, vô nhân tính, nhưng nếu phải trách ai thì nên trách chính quyền đã kh6ong phục vụ dân chúng tốt. Nhà hàng không có bổn phận phục vụ tất cả những người có nhu cầu phải dùng nhà vệ sinh tại con đường đó.

    Trả lờiXóa
  6. ở các đô thị sợ nhất là không có nhà vệ sinh

    Trả lờiXóa
  7. Nhìn nhận vấn đề phải khách quan. Bài viết có phần đúng vì tình người nhưng tiệm của người ta chứ không phải nhà vệ sinh công cọng. Nói vậy thì các khách sạn đén 5 sao, các nhà hàng ... đều phải là nhà vệ sinh công cọng cả sao. Đúng là trách nhiệm của chính quyền, không nên trách chủ quán. Xây biểu tượng đàn kìm cả trăm tỷ, xây một số nhà vệ sinh công cọng không làm được.

    Trả lờiXóa
  8. Ở Mỹ các thành phố không có cái vụ xây nhà vệ sinh công cộng bao giờ. Nhưng công chúng cần tiểu tiện thì đi đâu ? Đây là vấn đề thiết kế đô thị và sinh hoạt của xã hội phải lo liệu và giải quyết. Nói chung, mỗi thành phố có Hội Đồng của TP tại đó lo chuyện này. Dĩ nhiên, những gì thuộc an toàn lớn thì thuộc luật pháp của Liên Bang quy định chung.

    Thông thường, luật Thiết Kế Đô Thị đòi hỏi các khu buôn bán lớn Shopping Malls bắt buộc phải có nhà vệ sinh công cộng bên trong cho công chúng xử dụng tự do. Các rạp hát cũng thế. Ngoài ra, các nhà hàng fast food như MacDonald hay Bugger King, KFC, v.v... đều có nhà vệ sinh, khách hàng có thể xử dụng.
    Nếu đang lái xe trên xa lộ thì các khu dừng chân Rest Area mỗi 50 miles đường, mọi người có thể rẽ vào nghỉ xe và đi vệ sinh . Các khu này rất đẹp, có băng ngồi nghỉ, cây bóng mát, bãi đậu xe rộng. Nhiều người lái xuyên bang đường dài ghé lại nghỉ hoặc ngủ trong xe lấy sức để lái xe tiếp.

    Những khi có dịp lễ nhiều người tụ tập xem thì Hội Đồng Thành Phố phụ trách tổ chức an ninh trật tự và các mướn những toa nhà vệ sinh di động của các công ty vệ sinh tư nhân phục vụ công chúng rất chu đáo, không bao giờ có cảnh chen lấn bừa bãi dơ bẩn .

    Trả lờiXóa