Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

SẼ CÓ ĐỔI CHIỀU LÀM LỆCH CÁN CÂN QUYỀN LỰC TẠI ĐẠI HỘI XII


Đại hội 12 'sẽ đổi cán cân quyền lực'

BBC tiếng Việt
13.01.2016

Một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, thường viết về chính trị Việt Nam, nhận định với BBC rằng Đại hội Đảng Cộng sản XII hứa hẹn “thay đổi”.

Ông David Brown là viên chức ngoại giao từng làm việc ở đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Hiện đang ở thăm Hà Nội trong lúc diễn ra Hội nghị Trung ương 14, ông trả lời phỏng vấn của BBC qua email.


Đầu tiên ông cho biết không khí và sự quan tâm chung đến sự kiện chính trị này tại thủ đô Việt Nam.

David Brown: Tại Hà Nội, người dân thảo luận nhiều. Có cảm giác lan rộng rằng Đại hội Đảng XII có thể đem đến thay đổi đáng kể trong cân bằng lãnh đạo, có thể rồi sẽ dẫn tới những chính sách hiệu quả hơn.

Tầm mức bàn luận lan rộng chưa từng thấy cũng thể hiện qua các bài blog trên mạng và Facebook.

BBC: Vì sao ông cho rằng đây sẽ là Đại hội Đảng có ảnh hưởng to lớn nhất trong nhiều thập niên?

Ba lần đại hội trước chỉ luân chuyển các vị trí trong Đảng với mục tiêu cân bằng quyền lực, chứ không tính đến thay đổi.

Nếu ông Dũng thành công trong nỗ lực trở thành Tổng bí thư và có thể quyết định vị trí Thủ tướng, Việt Nam sẽ có thể thực thi các cải tổ kinh tế từ lâu bị ngăn chặn.
David Brown
Đại hội 12 quan trọng vì thay đổi có thể xảy ra. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã phá vỡ mọi quy tắc trong nỗ lực chi phối cả đảng và nhà nước. Ông tập hợp được người ủng hộ chiếm đa số trong Ban chấp hành Trung ương hiện tại. Ông tạo cho mình nhãn hiệu là một nhà cải cách tương đối.

Nếu ông Dũng thành công trong nỗ lực trở thành Tổng bí thư và có thể quyết định vị trí Thủ tướng, Việt Nam sẽ có thể thực thi các cải tổ kinh tế từ lâu bị ngăn chặn. Nói ngắn gọn là từ bỏ “chủ nghĩa xã hội theo cơ chế thị trường” và tập trung cho quản lý kinh tế tốt, thay vì tham gia vào nền kinh tế.

BBC: Cho đến khoảng hai tháng trước, dường như đa số nhà quan sát nghĩ rằng Thủ tướng Dũng sẽ được tái cử để thành Tổng bí thư. Hiện tại, lại có cảm giác thách thức cho ông Dũng to lớn hơn người ta tưởng. Ông có ngạc nhiên không?

Như có thể tiên liệu, chiến thuật của ông Dũng không được lòng của một khối đáng kể các đảng viên kỳ cựu. Có ý kiến nói ông ấy không thực sự trung thành với việc duy trì kiểm soát của Đảng đối với mọi tầng nấc quyền lực. Thành ra không ngạc nhiên khi xảy ra phản ứng “ai lên cũng được, trừ ông Dũng”.

BBC: Với các chính khách Mỹ trong năm bầu cử tại Mỹ này, họ có quan tâm ai sẽ lãnh đạo Việt Nam từ 2016?

Không. Nhưng người ta sẽ chú tâm đáng kể về chính trị Việt Nam nói chung và ý chí thực hiện cam kết của các nhà đàm phán về TPP, khi TPP được đưa ra trước Quốc hội Mỹ để xin thông qua cuối năm nay.

Quý vị có thể xem thêm ý kiến của ông David Brown về Đại hội 12 trên báo South China Morning Post tại đây.Các ý kiến về sự kiện chính trị này xin gửi vềvietnamese@bbc.co.uk


.

3 nhận xét :

  1. Không biết ai "thân Mỹ", kẻ nào "thân Tầu" trong lãnh đạo CSVN nhưng điều thấy rõ nhất là đại bộ phận Nhân dân VN muốn Đất nước phát triển theo hướng các nước văn minh như HK, Nhật và Phương Tây nói chung. Hầu như không ai muốn "dính" tới cái thằng bạn, thằng đồng chí "4 tốt" rất đểu cáng của đảng ở bên kia biên giới. Thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chúng là dân mừng lắm rồi. Mong các ông UVTW và đại biểu dự ĐH 12 hiểu thấu được lòng Dân.

    Trả lờiXóa
  2. PHẢN ĐỐI và ĐỒNG THUẬN
    Không biết kết quả của NH 14 như thế nào. Nhưng, vừa kết thúc ĐH thì BCT thông báo đồng thuận và ủng hộ Hiệp định TPP, đồng thời phản đối TQ bay vào không phận của VN quản lý. Điều gì đã xảy ra?

    Trả lờiXóa
  3. Tôi hy vọng Thủ tướng vượt qua được đỉnh cao này để rộng đường cải tổ theo hướng thân Hoa kỳ , Nhật và Tây âu...,tiến đến mở rộng dân chủ tự do.
    CCB

    Trả lờiXóa