Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Nguyễn Tiến Trung: CHỌN ĐỘC LẬP TỰ CHỦ HAY ĐỘC ĐẢNG TỰ MÃN?

Ý kiến: Chọn độc lập tự chủ hay độc đảng tự mãn?

Th.S Nguyễn Tiến Trung

BBC 16 tháng 11 2015


Ngày chủ nhật 8/11 vừa qua, thế giới đã chứng kiến cuộc bầu cử lịch sử ở Miến Điện với sự tham gia tự do của 92 chính đảng. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập do bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi áp đảo. 

Người Việt Nam vui mừng cho nước bạn nhưng lại ngơ ngác nhìn nhau: bao giờ cho đến Việt Nam? Lại thêm một quốc gia Đông Nam Á bứt đi và bỏ lại Việt Nam phía sau. Mừng cho bạn và tủi cho mình. 

'Việt Nam khác Miến Điện'

Một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã tổ chức đi Miến Điện để học hỏi. Tuy nhiên, nhà cầm quyền dùng tiền thuế của dân để nuôi hẳn một đội ngũ “giáo sư, tiến sỹ” chuyên nghiên cứu phong trào dân chủ các nước để đề ra cách đối phó. Học được cách nào thì nhà cầm quyền có đối sách đó.

Một số ví dụ cụ thể, giới lãnh đạo đảng cộng sản sẽ diệt ngay từ trong trứng nước bất kì đảng phái nào xuất hiện chứ không để lớn mạnh đông người như đảng NLD.

Họ cũng sẽ không để cho bất kỳ ai trở thành một gương mặt lãnh tụ như Aung San Suu Kyi. Những ai có tiềm năng trở thành lãnh tụ của phong trào dân chủ sẽ không thể tự do ở trong nước mà chỉ có một con đường là bị trục xuất.

Các tổ chức xã hội dân sự không thuộc chính quyền thì sẽ bị cài người đánh phá, chia rẽ, trấn áp, sao cho mỗi tổ chức chỉ làng nhàng vài người không đáng kể.

Kể qua một số ví dụ để thấy rằng, mục tiêu chiến lược của phong trào dân chủ nước nào cũng giống nhau, nhưng sách lược ở từng nước sẽ phải khác nhau tùy vào hoàn cảnh mỗi nước. Học hỏi Miến Điện là tốt nhưng phải hiểu hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thì mới có thể thành công.
.
 
Nguyễn Tiến Trung: "Người Việt Nam vui mừng cho nước bạn nhưng lại ngơ ngác 
nhìn nhau: bao giờ cho đến Việt Nam? Lại thêm một quốc gia Đông Nam Á bứt đi 
và bỏ lại Việt Nam phía sau. Mừng cho bạn và tủi cho mình"

Chính trị nền tảng

Có người chê giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam kém. Nhưng hãy thử nhìn xem hơn một tỷ dân Trung Quốc vẫn đang bị kìm kẹp bởi Trung Cộng. Tiềm lực của phong trào dân chủ trong giới Hoa kiều, rồi Đài Loan, Hồng Kông rất lớn nhưng vẫn chưa thành công.

Nói vậy không phải để nhìn vào Trung Quốc rồi tự ti, mà phải nhìn vào Miến Điện để tự tin. Tự tin rằng bánh xe lịch sử sẽ đi tới. Tự tin rằng dân chủ hóa là xu thế không thể đảo ngược của thời đại.

Ở đây, tôi muốn trình bày những bài học mà tôi rút ra được từ sự thành công của Miến Điện và xa hơn một chút là Nam Phi.

Vấn đề không phải là chỉ trích, bắt bẻ hay dạy đời ai mà cần tập trung nỗ lực vào mục đích chung với một chiến lược tổng thể nhất quán để có thể đi đường dài, thậm chí lên đến hàng mấy chục năm như đảng NLD.

Bài học quan trọng nhất là Miến Điện, Nam Phi đã đi vào chính trị nền tảng: đó là tranh đấu trên tinh thần phối hợp cho quyền làm chủ của người dân phải được hiện thực và bình đẳng một cách cụ thể qua hiến pháp. Đó là mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trên “con đường dài đến tự do” (tên hồi ký của Nelson Mandela).


Quyền làm chủ hiện thực, bình đẳng qua hiến pháp

Trong bài khảo luận vinh danh cha mình, tướng Aung San, vào năm 1989, Aung San Suu Kyi đã viết: “Ở mức cơ bản nhất và trực tiếp nhất, dân chủ tự do có nghĩa là, về mặt hiến chế, một chính quyền mang tính đại diện, được bổ nhiệm dựa trên những điều kiện do hiến pháp quy định, thông qua những cuộc tuyển cử tự do và công bằng”.
.
 
Aung San Suu Kyi: “Chúng ta cần phải làm việc gắn bó với hết thảy những ai đang cố sức
 vì dân chủ. Tôi không có ý nói đến thái độ hợp tác nửa vời - chúng ta cần làm việc chung 
với nhau bằng trọn trái tim và tâm hồn”

Trong cuộc trò chuyện với Bill Richardson, nghị sĩ đảng Dân Chủ Mỹ ngày 14/2/1994, Aung San Suu Kyi đã tuyên bố: “Khi chúng tôi xây dựng một nền dân chủ, chúng tôi muốn thấy một nền dân chủ dựa trên những nguyên tắc vững bền, chứ không phải dựa trên bất kỳ nhân cách nào”.

Điều đó có nghĩa là nền dân chủ phải được dựa trên “những nguyên tắc vững bền” được minh định rõ trong bản hiến pháp chuẩn mực của toàn dân chứ không thể dựa vào một cá nhân lãnh tụ nào, hoặc hi vọng vào một đảng mới thay thế sẽ tốt hơn.

Aung San Suu Kyi vẫn thường nói: “trung thành với các nguyên tắc còn quan trọng hơn cả việc trung thành với cá nhân”.

Do đó, chúng ta cũng có thể biết rằng mục tiêu quan trọng nhất của NLD thời gian tới vẫn là sửa đổi lại bản hiến pháp để nó trở nên công bằng, vì có công bằng mới “vững bền”. Đó chính là lực lượng vũ trang phải phi chính trị, phục vụ cho chính quyền dân cử, và không có quyền tự bổ nhiệm 25% đại biểu quốc hội và một số vị trí bộ trưởng.
Tinh thần hợp tác

Suốt cả đời đấu tranh, Aung San Suu Kyi đã luôn bày tỏ thiện chí đối thoại với các tướng lãnh quân đội. Bà thường có những lời lẽ tôn trọng với họ, khẳng định rằng bà không bao giờ báo thù những đau khổ mà họ đã gây cho người dân nói chung và với gia đình bà nói riêng.


Aung San Suu Kyi đã luôn nhắc nhở thành phần đối lập rằng chớ có đưa ra những phát biểu có tính chất phỉ báng các lực lượng vũ trang, “bởi có một sự khác biệt giữa các lực lượng vũ trang và những kẻ đang lạm dụng sức mạnh của các lực lượng vũ trang…”
.
 
Đảng NLD đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong kỳ bầu cử vừa qua

Cuối cùng, thiện chí của bà đã giành được sự tin tưởng của các tướng lãnh. Họ đã bắt tay với bà để cùng nhau đưa cả dân tộc đi tới.

Tương tự như vậy ở Việt Nam, chúng ta cũng cần hiểu rằng bản thân các đảng viên cộng sản cũng bị mắc kẹt trong chính hệ thống độc đảng phản dân chủ do các thế hệ cộng sản tiền bối đã tạo ra.

Các đảng viên không có quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử cả với chức vụ nhà nước cũng như chức vụ đảng. Ngoài ra họ còn bị kìm kẹp bởi 19 điều đảng viên không được làm. Nghĩa là tự do của họ còn bị giới hạn nặng nề hơn cả dân thường.

Chính vì vậy, cuộc cách mạng dân chủ sắp tới cần phải giải phóng cho cả những người cộng sản. Công cuộc phối hợp cải tổ cần sự hợp tác giữa từng người dân, từng tổ chức, và chào đón cả các đảng viên cộng sản.

Một lực lượng rộng lớn vì một mục tiêu chiến lược chung như vậy mới có thể hiện thực hóa được quyền làm chủ của người dân, giành được sự ủng hộ của quốc tế.

Nói như Aung San Suu Kyi: “Chúng ta cần phải làm việc gắn bó với hết thảy những ai đang cố sức vì dân chủ. Tôi không có ý nói đến thái độ hợp tác nửa vời - chúng ta cần làm việc chung với nhau bằng trọn trái tim và tâm hồn.”

Ở Việt Nam, chúng ta cũng cần hiểu rằng bản thân các đảng viên cộng sản cũng bị mắc kẹt trong chính hệ thống độc đảng phản dân chủ do các thế hệ cộng sản tiền bối đã tạo ra... Cuộc cách mạng dân chủ sắp tới cần phải giải phóng cho cả những người cộng sản
Nguyễn Tiến Trung
Để làm được như vậy cần có tinh thần bao dung chính trị và kiên nhẫn rất lớn, nhất là từ phía những người bị áp bức, để cho cả dân tộc cùng tiến lên, cả đảng cộng sản cũng tiến lên để trở thành một chính đảng dân chủ.

Cần hiểu rằng ở Việt Nam hiện tại, chống đối, thù hận thì gây rắc rối trước hết cho bản thân. Còn đứng riêng rẽ một mình một nhóm nghĩa là không có khả năng phối hợp, không có chiến lược khả thi. 


Độc lập tự chủ

Việt Nam hiện nay cũng như Miến Điện trước kia, là một quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc từ kinh tế đến chính trị. Nhu cầu độc lập, tự chủ đang là một nhu cầu thiết yếu của đất nước. Nếu không độc lập, tự chủ thì bao nhiêu máu xương của ông cha, kể cả máu xương các chiến sỹ cộng sản chống lại chế độ thực dân trở thành vô nghĩa.

Thế nhưng, đất nước không thể gọi là độc lập, tự chủ khi nhà nước lại lệ thuộc vào chỉ một tổ chức chính trị, nhà nước trở thành công cụ cho một đảng chính trị.

Một quốc gia không thể có độc lập, tự chủ khi từng người dân còn chưa có quyền làm chủ của mình, căn bản nhất là quyền quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia qua trưng cầu dân ý, quyền phúc quyết hiến pháp, quyền tự do ứng cử bầu cử, quyền sở hữu đất đai, tài sản của mình.

Nói như bà Aung San Suu Kyi trên tạp chí Times ngày 29/8/1988 thì “một hệ thống chính trị mà phủ nhận quyền được hưởng các quyền tự do cá nhân của nhân dân tức là đi ngược lại với lý tưởng độc lập”.

Chính bản thân Hồ Chí Minh cũng nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”.

Các tướng lãnh Miến Điện hiểu rất rõ điều trên nên để “thoát Trung”, họ không có con đường nào khác là trao quyền làm chủ lại cho nhân dân để đất nước được “độc lập, tự chủ”.

Họ đã từ chối ngõ cụt “độc đảng, tự mãn” mà điểm cuối là đất nước lệ thuộc vào ngoại bang, lãnh thổ bị xâm lược, kinh tế kiệt quệ.

Bà Aung San Suu Kyi có “sức mạnh mềm” là lòng bao dung, trí tuệ, kiên nhẫn và một mục tiêu chính nghĩa. Các tướng lãnh có “sức mạnh cứng” là súng đạn, nhà tù. Nhưng cuối cùng họ phải nhờ đến “sức mạnh mềm” của bà để kết nối ra thế giới văn minh và “thoát Trung”.
.
 
Tổng thống Myanmar Thein Sein gặp gỡ đại diện các đảng phái và hướng tới việc 
chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ cho đảng NLD

Kết luận

Tôi muốn dành đoạn này trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hòa bình 1991 cho bà Aung San Suu Kyi do con trai bà đọc để gửi đến các vị lãnh đạo đảng Cộng sản:

“Trong thâm tâm của những kẻ đương quyền giờ đây ở Rangoon cũng biết rõ rằng số phận sau cùng của họ cũng sẽ như tất cả các chế độ độc tài khác muốn áp đặt quyền hành của mình thông qua nỗi sợ hãi, đàn áp và căm thù… cuối cùng, thông qua sự bất lực hoàn toàn về mặt kinh tế, chế độ hiện tại rồi sẽ tiêu vong.”

Và tôi muốn gửi đoạn này trong bài diễn văn của Aung San Suu Kyi ngày 3/12/1988 đến các bạn bè tôi trong phong trào dân chủ: “Nếu các bạn hỏi chúng ta sẽ giành được dân chủ hay không, sẽ có tổng tuyển cử hay chăng, thì đây tôi sẽ trả lời như thế này: Đừng nghĩ những điều này sẽ xảy đến hay không. Chỉ cần tiếp tục làm những gì mà bạn đang tin là đúng, Sau này kết quả của những gì bạn đang làm sẽ trở nên rành rành trước mắt chúng ta thôi. Trách nhiệm của chúng ta là làm điều xứng đáng.”

Và tôi cũng dành đoạn kết này cho Nhân Dân Việt Nam bằng lời khẳng định của Aung San Suu Kyi đăng trên tờ The Independent ngày 12/9/1988: “Câu hỏi thứ ba người ta cũng thường hay hỏi tôi là tôi có tin rằng phong trào vì dân chủ của nhân dân sẽ thành công hay không. Câu trả lời dứt khoát là CÓ. Trái với tiên đoán của những người hoàn toàn chẳng biết gì hết về tâm trạng của Miến Điện ngày nay, tôi tin rằng nhân dân không chỉ giành được dân chủ, mà họ còn sẽ có thể làm cho đất nước tươi đẹp hơn.”

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một cựu tù nhân lương tâm hiện đang sống tại Sài Gòn.


.

1 nhận xét :

  1. Nhìn hình ảnh bà Aung San Suu Kyi cứ như nhìn thấy Hai Bà Trưng của VN !

    Trả lờiXóa