Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

TẬP CẬN BÌNH ĐẾN VIỆT NAM NĂM NAY TRONG BỐI CẢNH NÀO

Tập Cận Bình đến Việt Nam năm nay

Người Việt
16-07-2015

HÀ NỘI 16-7 (NV) – Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội “phối hợp chặt chẽ” cho việc tổ chức chuyến viếng thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà người ta tin sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay.

Phó thủ tướng Trung Quốc, Trương Cao Lệ, bắt tay với phó thủ tướng CSVN 
Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp ở Hà Nội ngày 16/7/2015. 
(Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Trong cuộc gặp mặt với ông thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) yêu cầu phía Việt Nam như vậy mà ông được thuật lời trên bản tin của TTXVN là “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình coi trọng cao độ lời mời thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Việt Nam.”


Không thấy bản tin cho biết khi nào sẽ diễn ra chuyến thăm viếng Việt Nam của ông Tập Cận Bình, theo thông lệ được giữ kín cho tới cận ngày mới loan báo. Nhưng ít nhất, người ta thấy hệ thống thông tin tuyên truyền chính thức của chế độ Hà Nội phá lệ loan báo khá sớm về việc phối hợp “chặt chẽ” tổ chức đón tiếp.

Tháng 9 tới đây, ông Tập Cận Bình sẽ sang Hoa Thịnh Đốn về nhiều vấn đề hai nước đang đối diện từ tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu khoa học quân sự, thông tin cá nhân, thương mại đến tranh chấp Biển Đông.

Chuyến đi Hà Nội của ông Trương Cao Lệ diễn ra chỉ một tuần sau chuyến đi Hoa Thịnh Đốn của tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Giới bình luận thời sự quốc tế tin rằng việc ông Trọng đến Tòa Bạch Ốc chứng tỏ mối quan hệ giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn có dấu hiệu nồng ấm hơn, một điều đương nhiên làm Bắc Kinh khó chịu.

Cho tới nay, mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ chỉ là “đối tác toàn diện” nặng về kinh tế thương mại mà rất nhẹ về hợp tác an ninh quốc phòng. Sự giao tiếp có vẻ rất chậm chạp và từ từ nhích lên chứ không tăng tốc vì sự nghi ngờ chủ đích lẫn nhau vẫn chưa tan biến hẳn, trong khi còn có cái bóng quá lớn của Trung Quốc cập kè bên cạnh Việt Nam.

Việt Nam với Trung Quốc đã ký kết thành “đối tác chiến lược” từ lâu nhưng Việt Nam chỉ mua sắm võ khí trang bị quốc phòng từ Nga và một số quốc giá khác, không phải từ Trung Quốc.

Theo TTXVN, cuộc họp đầu tiên của ông Trương Cao Lệ ở Hà Nội là với ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau đó mới gặp ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

“Mục đích chuyến thăm Việt Nam của tôi là cùng với các đồng chí Việt Nam triển khai những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Đó là tăng cường hữu nghị, tin cậy chính trị; xử lý thỏa đáng bất đồng, hợp tác thực chất, cùng có lợi, cùng thắng, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển lành mạnh, ổn định, lâu dài,” TTXVN thuật lại lời phát biểu của ông Trương Cao Lệ.

Giữa tháng 6 vừa qua, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Phạm Bình Minh đã cầm đầu một phái đoàn sang Bắc Kinh họp kỳ thứ 8 của “Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.” Tường thuật nội dung của cuộc họp của chuyến đi này, TTXVN nói rằng hai bên “nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên Biển Đông.”

Trước đó, tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng đã cầm đầu một phái đoàn đông đảo các cấp sang Bắc Kinh hồi Tháng Tư nhằm “duy trì đại cục quan hệ” giữa hai nước.

Mối quan hệ “16 chữ vàng” và “4 tốt”giữa CSVN và Trung Quốc chùng hẳn xuống sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới khoan tìm dầu khí ở phía nam quần đảo Hoàng Sa hồi đầu Tháng 5-2014, tức trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc làm người Việt Nam tức giận, đốt phá hàng trăm cơ sở sản xuất kỹ nghệ của người ngoại quốc.

Những cuộc thăm viếng cấp cao giữa Hà Nội và Bắc Kinh đều thường xuyên nhắc nhở nhau về “đại cục” và “nhất trí kiểm soát bất đồng trên biển”. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên bồi đắp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, mở rộng một số đảo ở Hoàng Sa. Ngư dân Việt Nam đến gần ngư trường truyền thống ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu tuần Trung Quốc chận bắt, cướp phá, đánh đập, thậm chí đâm cho chìm tàu.

Tân Hoa Xã nói rằng ông Trương Cao Lệ đến Hà Nội vừa là chuyến thăm viếng để “xây dựng lòng tin” chính trị và vấn đề Biển Đông là một trong những điểm chính yếu được thảo luận. Liệu ông có chuẩn bị gì để hai bên ký kết khi ông Tập Cận Bình đến đây hay không, hoặc vẫn chỉ nói một đàng làm một nẻo?

Chờ xem cái duy trì “đại cục” và “nhất trí kiểm soát bất đồng trên biển” sẽ diễn biến ra sao. (TN)
____

– Xem thêm: Ông Tập Cận Bình có thể thăm Việt Nam cuối năm nay? (Phununet).

3 nhận xét :

  1. Mảnh đất hình chữ S này mong manh quá! Trước đây là chiến trường của hai phe: XNCN và TBCN. Nay đang là nơi giằng xé của hai nước lớn :Trung Quốc và Mỹ. Nếu VN quyết tâm làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ và Trung Quốc xung đột vũ trang trên biển Đông. Tất nhiên VN không phải là người "tọa sơn" nhìn mà chỉ có một đường duy nhất là cùng Mỹ chống lại TQ, hoặc cùng TQ chống lại Mỹ. Cả hai nước lớn đều không muốn hòn tên mũi đạn nào bay vào đất liền của họ. Chỉ có VN là chịu trận. Nhà máy điện hạt nhân sẽ là mục tiêu tấn công của TQ. Như thế, VN sẽ bị chia đôi. Hà Nội sẽ phải quy phục thiên triều vì đã bị cắt đứt đường tiếp tế từ phía Nam.
    Đường cao tốc Hà Nội - Lao Cai sẽ là xalooj cho xe cơ giới, xe tăng TQ "thần tốc tiến vào Hà Nội. TQ cũng không thể tiến vào phía Nam, vì Mỹ sẽ khoong để cho TQ làm điều đó. Kịch bản sẽ là VN một lần nữa bị chia làm đôi.
    Các nhà lãnh đạo đất nước phải lèo lái sao cho kịch bản này không thể xảy ra. Cách nào? Ngay từ bây giờ, VN phải là đối tác chiến lược của Mỹ, tiến tới là đồng minh của Mỹ thì mới có thời gian để nhờ Mỹ củng cố nội lực quốc phòng.

    Trả lờiXóa
  2. tình hữu nghị việt trung luôn luôn xảy ra trên biển đông hỏi ngư dân thì biết

    Trả lờiXóa
  3. Cs Tàu khi nào gặp khó khăn , suy yếu (chứng khoán khủng hoảng , nhà đất bong bóng, xuất khẩu trì trệ...) mới chịu hạ giọng thăm Vn , nhưng cứ có tí tiền là trịch thượng , kẻ cả , khinh người như cỏ rác ngay. Đúng là thứ giàu xổi!

    Trả lờiXóa