Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

PHẢI XỬ TỬ HÌNH NHỮNG KẺ CÓ "MÁU THAM NHŨNG"


 Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. ảnh: Ngọc Quang.

Phải xử tử hình những kẻ có "máu tham nhũng"

Báo Giáo dục

 
Ông Vũ Quốc Hùng: "Chúng ta nói rằng Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì dứt khoát phải hành động mạnh mẽ vì lợi ích của dân".

LTS: Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được thảo luận trong đó đáng chú ý có đề nghị, đối tượng phạm tội tham nhũng nếu khắc phục ít nhất ½ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra cho Nhà nước thì có thể được xem xét giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, nếu là lỗi cố ý và gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn phải xét xử nghiêm minh với hình phạt cao nhất.

Phạm tội nặng thì phải tử hình
Bỏ tử hình để nhằm thu hồi tài sản cho nhà nước là một giải thích rất hợp lý, xu hướng này nhiều nước thế giới đã và đang hướng đến. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu nói bỏ tử hình là đồng nghĩa thỏa hiệp với tham nhũng thì cũng chẳng sai. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi có nghe chuyện này qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây đúng là vấn đề không đơn giản khi phải đặt ra lựa chọn giữa việc thu hồi tài sản cho nhà nước hay dứt khoát xử tử hình kẻ tham nhũng.
Quan điểm của tôi rất rõ ràng, không thể bỏ hẳn hình phạt tử hình với những kẻ phạm tội tham nhũng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên cứng nhắc, mà cần có cách ứng xử phù hợp trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Nếu phạm tội do quá trình kinh doanh có những thiếu sót không phải là sự chủ ý, mà do cơ chế khiến người ta không thể thoát khỏi thì có thể vận dụng những biện pháp khác nhau để xử đúng người, đúng tội; đồng thời cũng thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi tài sản cho nhà nước. Đối với những trường hợp như vậy thì nên tạo điều kiện để người mắc sai lầm có cơ hội chuộc tội.
Nếu cứng nhắc, cực đoan trong xét xử thì sẽ có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc về sau.
Còn với những trường hợp phạm tội có chủ đích, gây ra thiệt hại lớn không chỉ cho đơn vị ấy mà còn làm ảnh hưởng tới nhiều ngành khác thì sao, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đối với những trường hợp ấy thì yêu cầu thu hồi tài sản đặt ra cũng chỉ là một phần của quá trình xét xử, nhưng dứt khoát phải nghiêm khắc, phải xử tử hình.
Tôi lấy thí dụ, có những kẻ tham nhũng giống như một thứ bệnh đã ăn vào máu. Để thực hiện cho được hành vi tham nhũng thì những kẻ ấy thậm chí dùng luật rừng với những ai chống lại hoặc có ý định nói ra sự thật. Với những kẻ như vậy thì dứt khoát không thể dành cho nó sự sống.
Trong những trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng phải xác định cho được, tội ấy đi kèm với động cơ ra sao, và tác hại gây ra như thế nào, đến mức nặng thì vẫn phải xử tử hình. Còn việc thu hồi tài sản về cho nhà nước lại là một câu chuyện khác mà các nhà chức trách phải thực hiện cho được.
Như vậy đặt ra vấn đề làm thế nào để đo được động cơ phạm tội? Để đo được chính xác không khó, nhưng khó là phải thượng tôn pháp luật. Sống và làm việc phải theo pháp luật, ai làm trái pháp luật thì người đó phải chịu tội.
Mất lòng tin là mất tất cả
Thưa ông, những tổng kết của Đảng ta trong thời gian qua đã chỉ rõ rằng, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp và công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả thực sự đáp ứng được mong muốn của nhân dân. Báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội những năm gần đây cũng tiếp tục khẳng định nội dung này. Tuy nhiên, số vụ bị khởi tố, xét xử án tham nhũng thì lại giam đi. Ông có lo ngại trước những mâu thuẫn này không?
'Bỏ tử hình tham nhũng, xã hội sẽ loạn, nhân dân sẽ không tha cho chúng ta'
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi rất lo ngại trước tình hình này. Tôi tin rằng nếu hỏi bất cứ một người dân chân chính nào thì cũng sẽ nhận được câu trả lời là chưa hài lòng với kết quả chống tham nhũng.
Điều nguy hiểm là không chỉ có tham nhũng lớn gây thiệt hại nặng nền cho doanh nghiệp nhà nước, mà còn có tham nhũng chính sách, tham nhũng vặt tràn lan trong đời sống xã hội. Có lần, tôi nghe một Đại biểu Quốc hội ví von là tham nhũng vặt tràn lan khắp các ngõ ngách.
Chúng ta phải thấy rằng, tham nhũng không chỉ gây ra ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng. Và từ đó, những kẻ phá hoại tìm cách lợi dụng chia rẽ nội bộ, ở nhiều nơi còn bị lợi dụng làm rối loạn đời sống xã hội. Nhưng trên thực tế xử lý các vụ việc ấy quá chậm chạp, nhiều khi vì lý do này, lý do khác nên không làm cho đến nơi, đến trốn.
Tôi lấy thí dụ như vừa rồi việc khai thác mỏ than ở Yên Bái. Xã thì bảo là có chỉ đạo từ cấp trên, nhưng cấp trên thì lại trả lời là không. Chuyện ấy đâu có phải là con kiến, mà là những chiếc máy xúc, những chiếc xe tải cỡ lớn chạy suốt đêm ngày. Chẳng lẽ chính quyền địa phương lại không hay biết? Hay là biết rồi nhưng làm ngơ vì có quyền lợi gì ở đó?
Đối với những trường hợp như vậy, tôi cho rằng phải xử lý hết sức nghiêm minh thì mới mong giữ vững niềm tin trong nhân dân. Phải tìm cho được đối tượng nào, nhóm lợi ích nào bảo kê cho những việc làm phi pháp ấy.
Chúng ta nói rằng Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì dứt khoát phải hành động mạnh mẽ vì lợi ích của dân.
Nói xa hơn nữa thì đó phải là sự gương mẫu của những người đứng đầu trong đời sống chính trị quốc gia, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Gương mẫu đã đành nhưng chưa đủ, mà còn phải sắc sảo, phải gần dân, sát dân và phải có đòi hỏi cao đối với đạo đức cán bộ, năng lực của cán bộ.
Tham nhũng ngân sách là câu chuyện phổ biến ở Việt nam. Ảnh minh họa: Thời báo kinh tế Việt Nam.
Nhưng thưa ông, trong đời sống xã hội từ xưa tới nay luôn tồn tại nhiều mối quan hệ đan xen chằng chịt, nó là một thách thức với công tác cán bộ. Theo kinh nghiệm của ông thì làm thế nào để chọn được cán bộ có phẩm chất năng lực và đạo đức tốt, đồng thời cũng giúp cho họ không bị sa chân vào cám dỗ?
Ông Vũ Quốc Hùng: Ở ta, chuyện nể nang, né tránh, sợ sệt, sợ liên lụy là khá phổ biến. Với những lực cản như vậy thì công tác chống tham nhũng không đạt được kết quả như mong muốn cũng là điều dễ hiểu.
Và nguy hiểm hơn là bây giờ ma lực của đồng tiền lại quá mạnh, khiến cho cán bộ có thể bị mờ mắt mà làm liều. Còn những người tử tế thì lại càng e ngại, bởi vì nhiều vụ sai phạm thì quá rõ ràng nhưng xử lý không nghiêm minh, như vậy thì làm sao phát động được phòng chống tham nhũng?
Có khi biết cán bộ sai phạm rồi, nhưng vì lo ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức nên xử kín, cách chức là xong. Nhưng các cụ ta đã có câu “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, với thời buổi công nghệ hiện nay thì chẳng thể dấu được chuyện gì.
Không minh bạch đấy chính là một vấn đề đáng lo ngại làm sứt mẻ niềm tin của nhân dân. Mất lòng tin là mất tất cả. Tôi mong rằng các nhà lãnh đạo luôn ghi nhớ điều này.
GS Nguyễn Minh Thuyết: 'Quản lý cán bộ lỏng lẻo, đa phần sẽ hư hỏng'
Chúng ta có luật phòng chống tham nhũng; có luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Đảng cũng rất chú trọng tới việc xây dựng các cơ quan phòng chống tham nhũng.
Điều đó cho thấy các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng đã nhìn thấy những vấn đề còn tồn tại với nạn tham nhũng.
Nhưng nếu chỉ là quyết tâm của một số người thì rất khó đi đến thành công, mà cần sự quyết tâm của cả hệ thống, mà trước tiên vẫn phải là những người đứng đầu. Đối với các tổ chức Đảng, chính quyền nếu không kiên quyết chống tham nhũng thì dứt khoát phải xử lý cán bộ, không để cho họ giữ những vị trí quan trọng nữa.
Nạn tham nhũng lan tràn cũng đồng nghĩa với sự suy yếu của một số tổ chức Đảng cơ sở, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đối với các tổ chức Đảng cơ sở thì đã có nghị quyết nâng cao năng lực và tính chiến đấu. Nhưng đúng là trong bối cảnh có quá nhiều tiêu cực như hiện nay thì đã có những tổ chức Đảng cơ sở chưa phát huy được sức mạnh lãnh đạo.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, tôi cho rằng, nếu Trung ương gương mẫu và quyết tâm thì mọi việc vẫn trôi chảy.
Thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy mỗi khi bàn về chính sách hay dự án này dự án khác, dư luận thường có xu hướng phản đối rất mạnh. Đấy chính là hệ quả của vấn đề giảm sút lòng tin. Nhân dân sẵn sàng đóng góp tiền của để xây dựng dân tộc này, từ bao đời nay vẫn vậy, nhưng quan trọng là tiền của họ có được dùng đúng lúc, đúng chỗ không, và có công khai không?
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)

4 nhận xét :

  1. "Phải xử tử hình những kẻ có "máu tham nhũng", ôi kinh quá, thế thì phải bắn từ thằng đội trưởng đội thuế, đội trưởng cảnh sát giao thông trở lên thì gần hết mẹ toàn đảng rồi ông Hùng ạ. Chính ông, tôi đã từng làm đơn tố cáo bọn sâu đất ở Lạng Sơn mà ông có trả lời đâu, bây giờ ông nói phét gì đấy?

    Trả lờiXóa
  2. "Quản lý cán bộ lỏng lẻo, đa phần sẽ hư hỏng". Vậy các nước mà "ta" vẫn gọi là "phát triển" quản lý cán bộ kiểu gì? Các quan chức đảng-nhà nước đi tham quan-học tập nhiều lắm mà?

    Trả lờiXóa
  3. Tử hình nó để nó khai ra thằng to hơn thì có mà chết cả chùm à.

    Trả lờiXóa
  4. “Tuần tra biển khống, “rút ruột” Nhà nước hàng tỉ đồng”.

    Trả lờiXóa