Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

GS. Nguyễn Minh Thuyết: TRƯỚC HẾT LÀ PHẢI VÌ QUYỀN LỢI CỦA DÂN

"Phê chuẩn Công ước chống tra tấn 
không gây ra khó khăn gì"

 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng việc gia nhập Công ước chống tra tấn không phải vì mục đích tuyên truyền mà trước hết là vì quyền lợi của người dân. Với việc phê chuẩn công ước này, pháp luật Việt Nam không phải thay đổi gì vì Hiến pháp và pháp luật nước ta cũng đã có những quy định đảm bảo quyền tự do về thân thể và quyền được tôn trọng nhân phẩm của mỗi người dân.

Hình ảnh Phê chuẩn Công ước chống tra tấn không gây ra khó khăn gì số 1
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "Việc gia nhập Công ước chống tra tấn không phải vì mục đích tuyên truyền mà trước hết là vì quyền lợi của người dân

 

Sáng 23/10, Quốc hội nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn). 

Đảm bảo quyền tự do về thân thể và nhân phẩm của mỗi người dân 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc gia nhập Công ước chống tra tấn trước hết là vì quyền lợi của người dân, chứ không phải để đấu tranh với “sự bôi nhọ của các thế lực thù địch” như phát biểu của một vị quan chức gần đây. Chúng ta kí và phê chuẩn công ước này là để cam kết với quốc tế đảm bảo quyền con người, quyền công dân như quy định của pháp luật quốc tế và của chính nước ta. 

Theo ông, gần đây, báo chí đăng khá nhiều vụ án oan mà những người bị kết tội ra tòa khai là bị bức cung, mớm cung hay nhục hình nên buộc phải khai nhận, trong đó có những người bị tuyên mức án rất cao. Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang chấn động cả nước gần đây là một điển hình. 

Ngoài án oan, còn khá nhiều vụ nghi can, thậm chí người dân bình thường đến cơ quan công an vì những va chạm hoặc vi phạm nhỏ trên đường giao thông, bị đánh đập hoặc chết bất thường ở trụ sở hay ở nơi tạm giam, tạm giữ như báo chí đã phản ánh. 

“Tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XII vào tháng 11 năm 2010, tôi đã đề nghị kiểm tra, xử lý và chấm dứt việc để chết người tại trụ sở cơ quan công quyền và nơi tạm giam, tạm giữ. Tuy nhiên, cho đến nay, các vụ việc tương tự vẫn diễn ra, thậm chí còn nhiều hơn.  Các cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu những nơi để xảy ra tình trạng đó.” – ông nói. 

Ông cho biết luật pháp Việt Nam cấm chuyện bức cung, nhục hình nhưng quy định đó không được thực hiện nghiêm; nguyên nhân là những người có hành vi bức cung, nhục hình và người phụ trách họ phần lớn không bị trừng trị và khi vụ việc được phơi ra ánh sáng thì những người có trách nhiệm lại tìm cách nói dối quanh. 

“Cho nên việc nước ta gia nhập Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc phải nói lên quyết tâm của nước ta thực hiện những quy định của pháp luật quốc tế và chính pháp luật Việt Nam về tôn trọng quyền tự do thân thể, tôn trọng nhân phẩm con người, chống bức cung, nhục hình” – GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh. 

Phê chuẩn Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam không phải thay đổi gì 

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, xét về khía cạnh pháp luật thì việc thực hiện Công ước chống tra tấn không gây ra khó khăn gì. 

Hiến pháp nước ta đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” (Khoản 1 Điều 20). Các văn bản pháp luật khác cũng quy định tương tự. Bởi vậy, có thể nói Công ước chống tra tấn phù hợp với pháp luật nước ta, chứ không gây khó khăn gì cho ta. 

Công ước chống tra tấn cho phép các quốc gia thành viên bảo lưu một số điểm như chấp nhận hay không chấp nhận quyền của Ủy ban điều tra về tra tấn. Việc dẫn độ tội phạm cũng có thể được xem xét để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 17 của Hiến pháp: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.”  

“Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế phải có đi mới có lại. Mình có chấp nhận dẫn độ tội phạm sang nước khác thì nước khác mới cho dẫn độ tội phạm từ nước họ sang nước mình.” – GS.TS Thuyết nói. 

Khó khăn lớn nhất trong việc gia nhập Công ước chống tra tấn là xóa bỏ tập quán nói không đi đôi với làm, pháp luật không được tôn trọng. Phải nói thẳng là việc bức cung, nhục hình nói lên sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, nhân phẩm con người của một số nhân viên công vụ; đồng thời nó cũng nói lên sự bất tài của họ. Tệ nhất là nạn bức cung, nhục hình để phá án nhanh, để được khen thưởng, thăng chức,… 

Nhân viên công vụ bất tài, tham lam là chuyện chưa dễ khắc phục ngay, nhưng chấm dứt việc đánh đập để buộc đối tượng phải khai là chuyện có thể làm ngay, chỉ cần thái độ cương quyết của cơ quan có thẩm quyền. 

Quốc hội vừa qua có đưa ra ý kiến thảo luận việc bổ sung vào BLHS quyền im lặng của bị can. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết thì đây là quyền được pháp luật các nước dân chủ quy định và thực hiện từ lâu rồi. 

Ông cho rằng:  “Thực ra lời khai chỉ là một trong những căn cứ để xét xử, và không phải là căn cứ quan trọng nhất. Thay đổi quan điểm xét xử trọng cung hơn trọng chứng cũng là một cách để chấm dứt tình trạng bức cung, nhục hình, ép nghi phạm khai nhận.” 

GS Thuyết nhấn mạnh: “Việc nước ta tham gia Công ước chống tra tấn sẽ tạo thêm sức ép để hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình. Quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp nước ta là thành quả cách mạng, thành quả văn minh của nhân loại, chứ không phải là những lời văn trang trí cho chế độ hay đối phó với dư luận. Những quyền thiêng liêng ấy nhất thiết phải được tôn trọng. Tổ chức, cá nhân nào đi ngược lại phải bị xử lý nghiêm khắc.” 

Theo Phương Hà
Nguoiduatin

2 nhận xét :

  1. Từ nói tới làm ở VN là một khoảng cách và một vấn đề.Ký đấy nhưng không làm hay nói một đằng làm một nẻo là chuyện quá nhỏ nên mong đợi gì ở đây

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ nói tới làm ở VN là một khoảng cách xa vời - In Vietnam, from say to do, it is so far!

      Xóa