Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN LÀ LÝ THUYẾT HỖN ĐỘN VÀ MÙ MỜ

Thủ tướng chủ trì sơ kết thể chế kinh tế thị trường

20:15, 14/07/2014

Lời dẫn của Dân Choa: 
Sáng nay ông Vương Đình Huệ đã thay mặt ông Dũng báo cáo tổng kết lại chương trình kinh tế của Việt Nam trong 5 năm qua. Con đường phát triển mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao và gắng sức để hoàn thiện về mặt lý thuyết. Đấy là kinh tế thị trường định hướng Chủ nghĩa xã hội.

Cho đến nay thì lý thuyết này được thực tiễn chứng mình là một thứ lý thuyết hỗn độn. Ngay ông Huệ cũng nhấn mạnh, nó chẳng rõ nét chút nào cả, chẳng biết là loại lý thuyết gì :

"chất lượng thể chế kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, chưa trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia; nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là định hướng XHCN còn chưa đủ rõ; chưa có đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường; môi trường kinh doanh, vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế; việc gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, chi phí gia nhập thị trường còn lớn; công tác quản lý, điều hành giá còn lúng :túng, bất cập..."

Từ tháng 3 năm nay mối quan hệ giữa ông Huệ và ông Dũng được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt ông Huệ đã nghe theo lời khuyên của ông Dũng, huy động sức lực của toàn Ban kinh tê (gồm 32 tiến sĩ, 60 thạc sĩ ) khảo sát các doanh nghiệp và địa phương để hoàn thành báo cáo này.

Tuy ông Dũng và ông Huệ không đưa ra ý cụ thể, nhưng kết quả bản báo cáo cho thấy cả hai ông đều không có xu hướng tán thành con đường định hướng CNXH như ông Nguyễn Phú Trọng.

Chinhphu.vn - Việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề hết sức lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Sáng 14/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về triển khai công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết số 21-NQ/TW).  

Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và phân công Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết này.

Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết gồm 23 thành viên do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Theo Báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW do ông Vương Đình Huệ trình bày, Thường trực Ban Chỉ đạo-Ban Kinh tế Trung ương đã khẩn trương phối hợp hiệu quả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy… tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết.

Bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương (ngày 19/3/2014), Ban Chỉ đạo đã tổng hợp báo cáo của các Tỉnh ủy, Thành ủy, Bộ ngành và các đơn vị cơ sở; tiến hành khảo sát thực tiễn có trọng tâm, trọng điểm tại một số địa phương; tổ chức tọa đàm, hội thảo để lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia.

Ban Chỉ đạo đã tổ chức Đoàn công tác làm việc, nghe ý kiến tại 9 Bộ, ngành; 7 địa phương trọng điểm và 25 tập đoàn, tổng công ty, 9 ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

Từ báo cáo của 14 Ban cán sự đảng các Bộ, ngành và báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy; báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến của Đoàn công tác; kế thừa nguồn tài liệu từ tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua gần 30 năm đổi mới; tham khảo các tài liệu, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tham vấn ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học… Ban Chỉ đạo đã hoàn thành dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện, gồm 3 phần chính.

Phần thứ nhất là “Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X” gồm các nội dung cơ bản là đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Phần thứ hai là “Chủ trương và giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X” gồm  3 nội dung là mục tiêu, yêu cầu, chủ trương và giải pháp. Phần thứ ba là “Kiến nghị, đề xuất”, trong đó có đề nghị Bộ Chính trị cho ý kiến về những nội dung chủ yếu trong Báo cáo sơ kết; đề nghị Bộ Chính trị ban hành Kết luận về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW để tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết; một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau xin ý kiến Bộ Chính trị trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tại buổi làm việc sáng nay, các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã thảo luận, đóng góp các ý kiến cụ thể vào dự thảo Báo cáo sơ kết Nghị quyết; dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị về Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Khẳng định những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nêu những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, trong đó nổi lên là chất lượng thể chế kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, chưa trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia; nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là định hướng XHCN còn chưa đủ rõ; chưa có đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường; môi trường kinh doanh, vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế; việc gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, chi phí gia nhập thị trường còn lớn; công tác quản lý, điều hành giá còn lúng túng, bất cập;…

Nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực sự tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp; dứt khoát thực hiện giá cả theo thị trường, tính đúng, tính đủ đủ các yếu tố hình thành giá, đi liền với đó là thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong xã hội; từng bước thoát khỏi tư duy bao cấp trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng dự thảo Báo cáo sơ kết đã bám sát nội dung của Nghị quyết, đánh giá đúng thực trạng về những kết quả đạt được, các hạn chế, tồn tại và làm rõ những nguyên nhân cơ bản sau 5 năm thực hiện Nghị quyết. 

Dự thảo Báo cáo sơ kết cũng đã phân tích, luận giải sâu sắc nhiều vấn đề cơ bản và bức thiết về nhận thức lý luận cũng như quan điểm phát triển thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết. Đây là cơ sở quan trọng tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định chủ trương, chính sách tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tế khách quan.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến phát biểu, đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp này để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, trình Bộ Chính trị.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X là một vấn đề hết sức lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; nhấn mạnh Đại hội VI của Đảng là Đại hội đổi mới từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đây là vấn đề then chốt nhất của đổi mới của đất nước.

Từ đó tới nay, có thể nói thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có một bước tiến dài, ngày càng rõ hơn, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Những năm qua, việc phát triển kinh tế theo thị trường đã đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thể chế kinh tế thị trường mà Đảng và Nhà nước đặt ra cái được lớn nhất là đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội suốt thời gian qua; trên nền tảng kinh tế thị trường chúng ta đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm được an sinh xã hội,…

Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN được nâng lên; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ban hành tương đối đầy đủ; các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Báo cáo sơ kết phải bám sát Nghị quyết để đánh giá những mặt được, những mặt chưa được, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra mục tiêu, giải pháp theo tinh thần cái nào còn phù hợp tiếp tục khẳng định; mặt nào cần bổ sung, phải tiếp tục bổ sung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong báo cáo sơ kết cần làm rõ thêm những vấn đề lớn là: Những gì làm chưa tốt phải chỉ đích danh, cụ thể, phải điểm mặt những gì chưa làm được theo nguyên tắc thị trường; những gì phải sửa, để thực sự là thị trường, thực sự là minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, nhất là vấn đề về giá, nếu chưa thực hiện theo thị trường phải tiến tới thực hiện giá thị trường; việc phân bổ nguồn lực cũng phải phân bổ theo nguyên tắc thị trường; đã là kinh tế thị trường phải vận hành đầy đủ theo quy luật thị trường.

Bên cạnh đó, định hướng XHCN vấn đề gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với định hướng kinh tế thị trường, đây là vấn đề về xã hội, là vấn đề con người; quan điểm của Đảng ta hết sức đúng đắn là tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, vì con người, lấy con người làm trung tâm; trong từng chính sách, từng dự án, từng bước phát triển phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội.

Tổng kết thực tiễn phải thấy rõ, chỉ rõ, đánh giá khách quan những gì chưa làm được trong nội dung định hướng XHCN và đề ra giải pháp hiệu quả để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý việc tổng kết Nghị quyết cũng cần phải làm rõ thêm một bước về vấn đề Nhà nước và thị trường; Nhà nước làm tới đâu, làm những gì; cái nào là thị trường phải theo quy chế kinh tế thị trường, đồng thời cũng phải làm rõ vấn đề về dân chủ trong kinh tế; vấn đề về hội nhập quốc tế và độc lập tự chủ.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc


Tễu:
Đi ra nước ngoài thì kêu gọi các nước công nhận VN có nền kinh tế thị trường.
Trong nước thì nói với dân rằng nền kinh tế của ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Thế có phải là lừa bạn, lừa dân không nào?!

7 nhận xét :

  1. Riêng cái vế sau "định hướng XHCN" cũng đã nói lên sự "cố đấm ăn xôi", "cà cuống chết đến đít vẫn còn cay" (cú) của đảng CSVN. Bắt buộc phải chấp nhận nền kinh tế thị trường (theo bọn giẫy chết) nhưng vẫn cứ cố gắn thêm cái mác XHCN mà nhân loại muôn đời không thể hình dung ra nó vuông hay tròn! Chính vì cái quái thai nửa dơi, nửa chuột đó mà kinh tế VN hàng chục năm sau chiến tranh vẫn cứ lẹt đẹt, rệu rã, đang và sẽ còn thua xa các nước trong khu vực (Myanmar, Lào, Cămpuchia rồi cũng sẽ vượt VN trong thời gian tới).
    Nếu cứ làm theo cái mớ lý thuyết đã quá lỗi thời mà cụ Tổng vẫn theo đuổi một cách "biện chứng" thì chúng ta mãi mãi vẫn là một nước nghèo nàn, lạc hậu, cho dù đã vào WTO hay sắp vào TPP đi nữa.

    Trả lờiXóa
  2. Thị trường bị định hướng XHCN (thực chất là bị áp đặt) thì đó là thị trường quái thai, chỉ sống hấp hối thôi, không phải là nền kinh tế thị trường tự do toàn cầu.

    Trả lờiXóa
  3. Cái cụm từ "XHCN" từ lâu đã ăn sâu vào tâm chí của những người đã từng trải qua thời kỳ "đóng cửa" như là một ý Xếp Hàng Cả Ngày rùng rợn kể lại cho con cháu chúng thực sự không tin nổi tại sau lại như vậy. May mắn thay nhiều nước trong cái hệ thống XHCN ấy đã kịp nhận ra vận đề tuy cũng khá muộn, để nó tồn tại vài trục năm đã quẳng cái chủ nghĩa ấy vào "thùng rác" và họ đã phát triển, đã theo kịp với các nước "tư bản dãy chết" cuộc sống của người dân tại các nước đó đã có thay đổi rõ rệt không thể phủ nhận, con người được sống trong một xã hội văn minh hơn, tự do hơn, cuộc sống cao hơn
    Không biết đến bao giờ người dân Viêtj Nam mới được như vậy?

    Trả lờiXóa
  4. Để kinh tế VIỆT NAM phát triển nhanh, mạnh, vững chắc thì phải cắt cái đuôi XHCN đó là mơ ước của đông đảo người dân VIỆT NAM không cắt bỏ ĐƯỢC cái đuôi XHCN thì VIỆT NAM không thể vươn lên được/

    Trả lờiXóa
  5. Đã "kinh tế thị trường" thì kinh tế thị trường. Còn đeo cái đuôi "định hướng XHCN" làm gì? Cứ chân trong chân ngoài như thế thì làm sao nền kinh tế không giống, xin lỗi các bác, cái "chân giữa" được!

    Trả lờiXóa
  6. Cái gì đã gọi là định hướng tức đấy là chuyện của thì tương lai ,ngay cả TBT cũng còn phân vân rằng 100 năm nữa không biết đã có XHCN chưa thì cớ gì mang những nội dung kinh tế xã hội trong tương lai xa ấy áp dụng vào thời hiện tại?Như thế đâu có biện chứng,đâu có khoa học và hơn thế có thể gọi cái đuôi định hướng XHCN là kiểu biện chứng lừa bịp không?

    Một quốc gia 90 triệu dân,một đẩng cầm quyền với trên ba triệu đảng viên lẽ nào chấp nhận cái định hướng XHCN phản khoa học do hơn chục bộ óc quan liêu rất thiếu thực tế trong Bộ Chính trị đảng CSVN đưa ra với cả núi hậu họa nhỡn tiền mà ai cũng đã thấy?

    Đã đến lúc người dân VN phải đồng thanh hô lớn :Đả đảo giấc mộng không tưởng đại bại định hướng XHCN !

    Trả lờiXóa
  7. Cứ nghe đến cụm từ "kinh tế thị trường định hướng XHCN" là thấy ngán ngẩm. Đến giờ này mà các ông ấy vẫn còn định hướng XHCN mãi được mới lạ chứ? Thử hỏi còn mấy "anh" XHCN với nhau và có coi nhau ra gì không? Trung Quốc thì ăn hiếp và xâm lược Việt Nam, coi Việt Nam không ra gì như "đứa con hoang đàng hãy trở về nhà". Bắc Triều Tiên thì thôi rồi khỏi phải nói. Cu-Ba thì cũng chỉ khá hơn Bắc Triều Tiên một chút. Còn Việt Nam ta thì đang đến hồi mạt vận. Nói tóm lại các nước gọi là XHCN đều nghèo, đói và đang khủng hoảng không có lối thoát. Cái chủ nghĩa Mác- Lê thì cả thế giới đã vứt bỏ vào sọt rác. Vậy mà vẫn còn "định hướng XHCN" được mới lạ? Nghe thấy Chương trình Thời sự 19g tối qua nói về "Việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà lộn ruột, đành tắt TV ngay.

    Trả lờiXóa