Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN: CHÍNH QUYỀN SAI HOÀN TOÀN

Nhà của gia đình ông Vươn bị chính quyền phá.

Vụ ông Vươn: 'Chính quyền sai hoàn toàn'

Cập nhật: 12:03 GMT - thứ bảy, 30 tháng 3, 2013 

Một luật sư khuyến cáo giới chức tòa án Việt Nam xét xử công minh cho phiên xử mà ông mô tả là sẽ đi vào lịch sử.

Luật sư Trần Vũ Hải, người không tham gia bào chữa trong vụ xử theo dự kiến diễn ra vào tuần tới, khuyến cáo giới thẩm phán cần xem xét các tình tiết được cho là sai trái về phía chính quyền huyện Tiên Lãng vốn dẫn tới việc gây ức chế và hành vi phản kháng của ông Vươn và người thân khi bị cưỡng chế đất.
Các bài liên quan
Ông Vươn và gia đình gồm sáu người sẽ bị đưa ra xét xử vì tội "giết người và chống người thi hành công vụ."

Luật sư Hải cũng so sánh vụ án ở Cống Rộc, Tiên Lãng này với vụ án Nọc Nạn xảy ra ở tỉnh Bạc Liêu từ thời Pháp thuộc mà trong đó các bị cáo chính, là nông dân người Việt đã phản kháng đàn áp, cưỡng bức ruộng đất và giết chết năm người của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến ở Nam Kỳ, đã được tha bổng.

"Trong phiên xử này, nhân dân hy vọng rằng tòa án của Việt Nam, nhà nước công nông Việt Nam, sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của nông dân so với tòa án thực dân Pháp hoặc ít nhất là bằng.

"Đây là phiên xử thể hiện tính công minh của hệ thống tư pháp Việt Nam và là dịp để so sánh với hệ thống tư pháp của chế độ cũ", luật sư Hải nói với BBC hôm 30/03.

Tin cho hay gần một chục luật sư có thể được chấp nhận tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý và người thân trong phiên tòa dự kiến từ ngày 2-5/4 xử vụ người dân nổ súng chống cưỡng chế đất đai ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đầu tháng 1/2012, theo báo trong nước.

Tờ Người Lao Động hôm thứ Sáu cho hay tám luật sư có thể được tham gia bào chữa cho sáu anh em trong gia đình ông Vươn trong phiên sơ thẩm, nếu không có gì thay đổi.

Trước phiên tòa tuần sau, một số ý kiến của giới quan sát cho hay chính quyền Hải Phòng có thể sẽ muốn xét xử vụ án trong một động thái đa mục tiêu, vừa tiếp tục qua đó răn đe khả năng lặp lại các vụ phản kháng chống cưỡng chế vốn thu hút chú ý của công luận, vừa có thể muốn xoa dịu dư luận. 
"Trong phiên xử này, nhân dân hy vọng rằng tòa án của Việt Nam, nhà nước công nông Việt Nam, sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của nông dân so với tòa án thực dân Pháp hoặc ít nhất là bằng" - Luật sư Trần Vũ Hải 
Nhà báo Huy Đức vào tuần này viết trên Facebook về điều ông gọi là "tội và công" của anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn.

"Về tội, anh Vươn chỉ làm "trầy da, tróc vảy" mấy cán bộ công an. Về công, anh thức tỉnh được ở tầm cao nhất.

"Tòa nên chiểu theo khoản 4, điều 8 của Bộ Luật Hình sự (Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác) để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các thành viên trong gia đình anh.

"Rồi lịch sử sẽ còn nhắc lại vụ Đoàn Văn Vươn. Bản án là sự lựa chọn để lại tiếng thơm hay để lại vết nhơ trăm năm cho Chế độ", nhà báo Huy Đức bình luận. 

'Ân giảm nếu nhận tội'?

"Con người ai cũng có quyền tự vệ khi bị kẻ khác đe dọa tính mạng hoặc lợi ích chính đáng của mình. Tự vệ, trước hết đó là quyền cơ bản của con người" - Nguyễn Thị Ánh Hiền (Dân luận)
Có dự đoán từ giới quan sát cho rằng các bị can là thành viên gia đình của ông Vươn có thể phải đối mặt với mức án tù khoảng dưới mười năm, hoặc có thể chỉ khoảng 7 năm trở xuống, một số có thể sẽ được giảm án qua các hình thức ân giảm qua các đợt ân xá hàng năm, nếu chịu nhận tội.

Tuy nhiên, trên truyền thông tự do trên mạng Internet, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị tha bổng cho các bị can, và đặt vấn đề các ông Vươn, Quý và những người thân chỉ "tự vệ chính đáng."

Các phiên xử được dự đoán sẽ diễn ra trong vòng bảo vệ an ninh, trật tự nghiêm ngặt của chính quyền và các lực lượng cảnh sát, an ninh.

Ngay sau phiên xử ông Vươn và người thân tuần sau, từ 8-10/4 sẽ bắt đầu phiên tòa sơ thẩm xử vụ án “Hủy hoại tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 5 bị can nguyên cán bộ huyện Tiên Lãng.

Đó là các ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; ông Phạm Xuân Hoa, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tiên Lãng; ông Lê Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang; và ông Phạm Đăng Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, theo tờ Người Lao Động. 

'Tự vệ chính đáng'

Ông Lê Văn Hiền
Từ 8-10/4 sẽ xử cựu quan chức Tiên Lãng, Hải Phòng trong đó có cựu Chủ tịch Lê Văn Hiền

Hôm 30/3, bài báo trên tờ Dân Luận của tác giả Nguyễn Thị Ánh Hiền với tựa đề "Đi tìm sự hợp lý trong lý do biện minh "tự vệ" ở vụ án Đoàn Văn Vươn" đặt vấn đề:

"Con người ai cũng có quyền tự vệ khi bị kẻ khác đe dọa tính mạng hoặc lợi ích chính đáng của mình. Tự vệ, trước hết đó là quyền cơ bản của con người.

"Biện pháp tự vệ được sử dụng khi phải đối mặt với tình huống sắp bị tấn công hoặc sắp bị đe dọa. Nếu không tự vệ thì nguy cơ xảy ra thiệt hại rất nghiêm trọng."

Tác giả nhận đang là sinh viên Luật ở một đại học tại Sài Gòn khẳng định: "Một hành vi không làm cho một người có tội trừ phi tâm của họ có tội." 
"Nếu phiên tòa xử gia đình ông Vươn tới đây được sử dụng như là cách thức để chính quyền trả thù những kẻ phản kháng, niềm tin ít ỏi còn lại vào công lý ở VN sẽ bị chà đạp" - Nhà báo Hồng Ngọc 
Trước đó, trên BBC Việt ngữ trong bài viết "Đoàn Văn Vươn - từ công lý đến bạo lực", tác giả  Hồng Ngọc, cựu nhà báo của VietnamNet và Văn hóa - Thể thao đưa ra quan điểm:

"Dù ai cũng biết gia đình ông Vươn phạm pháp trong cuộc đáp trả ấy, thì phản kháng tuyệt vọng ấy cần phải được nhìn nhận theo hướng gia đình ông Vươn là nạn nhân, trước khi bị nhìn nhận như thủ phạm,

"Nếu phiên tòa xử gia đình ông Vươn tới đây được sử dụng như là cách thức để chính quyền trả thù những kẻ phản kháng, niềm tin ít ỏi còn lại vào công lý ở Việt Nam sẽ bị chà đạp, và bạo lực ở nơi này hay nơi khác sẽ lại tiếp diễn, nghiêm trọng hơn," nhà báo tự do Hồng Ngọc cảnh báo.
 Nguồn: BBC Việt ngữ.

9 nhận xét :

  1. Lúc này chính là lúc chính quyền phải bình tĩnh sáng suốt sửa sai để tránh sự sụp đổ.
    Bằng không, điều gì sẽ xẩy ra? Không nói ai cũng biết.

    Trả lờiXóa
  2. đây là vụ án có một trân đánh đẹp , nên ghi vào sách giáo khoa . toàn là lủ dốt ham nắm quyền coi chừng án bỏ túi nghe bà con . ủng hộ anh ĐOÀN VĂN VƯƠNG tên anh sẻ ghi vào lịch sử .

    Trả lờiXóa
  3. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 02:47 31 tháng 3, 2013

    Gậy ông mà đập lưng ông thì hết thuốc chữa !

    Trả lờiXóa
  4. Tại sao không ăn ở tốt với nhau ? Hãy chứng tỏ là người có đức độ!

    Trả lờiXóa
  5. Tôi không đồng ý "tha bổng"
    cho những người đàn ông và đàn bà họ Đoàn.
    Mà phải tuyên án là họ "không có tội".
    Và phải xin lỗi
    đồng thời đền bù thiệt hại
    về danh dự
    về sức khỏe
    và về kinh tế
    do bị giam giữ oan sai.

    Xin nhắc lại ở đây
    lời tuyên bố của nữ Tiến sỹ Hoa Kỳ
    Angiêla Đêvit sau phiên tòa xét xử bà
    về "tội" chống chiến tranh xâm lược Việt Nam:
    -"Các bạn đừng nghĩ rằng tòa án Hoa Kỳ tuyên bố tôi vô tội
    là nước Mỹ có công lý.
    Nếu nước Mỹ có công lý
    thì phải không có vụ án này".

    Trả lờiXóa
  6. biết rằng tha bỗng gia đình họ ĐOÀN là cái không có thể đối với một đất nước XHCN .nhưng những người cầm cân nẩy mức (chánh tòa )vẫn là con người cho nên điều tối thiểu của làm người chắc chắc họ sẻ hiểu rõ.mong rằng vụ án tiến bộ hơn vụ án của đế quốc xử

    Trả lờiXóa
  7. Xin đừng so sánh vụ án Tiên lãng và vụ án Nọc nạn vì toà án Nọc nạn là vụ án dưới chế độ BẢO HỘ còn toà án Tiên lãng là vụ án dưới chế độ BẢO THỦ nên sẽ nặng tính báo thù và bảo vệ cái sai của nhà cầm quyền

    Trả lờiXóa
  8. Công an, quân đội mang danh nhân dân núp dưới chiêu bài "Còn Đảng, còn mình" để đi cưỡng chế đất, bảo kê xã hội đen đi buôn ma túy, buôn lậu, phá rừng, khai thác tài nguyên thô...chống lại lợi ích của đất nước và nhân dân để bào vệ chính sách đặc lợi cho hệ thống chính quyền ra sức cướp bóc tài sản đất nước và của nhân dân dồn họ vào con đường cùng...
    Cái lý tưởng cho dân là ăn bánh vẽ, còn chính quyền được quyền ban ơn, của người phúc ta tha hồ làm giàu bằng tiền vay nước ngoài, tiền bán rừng biên giới, cho TQ trúng thầu để được lại quả...
    Còn hậu quả để nhân dân phải gánh, xương máu đồng bào chỉ là vật thí tốt, làm bia đỡ đạn trước kẻ thù.
    Ra chính sách "Sở hữu toàn dân" lấy cớ tước đoạt nốt nguồn sống của dân là đất đai, đẩy họ vào con đường cùng làm thân nô lệ, phải bán thận qua biên giới, thiếu nữ phải đứng cởi truồng cho TQ mua làm nô lệ tình dục...Khi ngời dân đấu tranh quyền lợi chính đáng của mình thì ghép tội gây rối, chống chính quyền đều đem đi bỏ tù, còn bọn ăn cướp ngang nhiên sống trong nhung lụa vẽ nhiều dự án ma để làm giàu.
    Luật "Sở hữu toàn dân" này chính là nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội, tạo lòng tham cho các cấp chính quyền tiếp tục dùng thủ đoạn cướp bóc của dân. Đừng để nhân dân tiếp tục là nạn nhân như Đoàn Văn Vươn, Vân Giang, Dương Nội...
    "Sở hữu toàn dân" để cho chính quyền làm sân gôn, thậm chí nhiều nơi còn bán cho TQ dài hạn chúng cho người cầm súng gác trên tổ quốc của mình, làm gì bên trong không ai biết. Theo tôi chính quyền đề ra cái luật mập mờ "Sở hữu toàn dân" này hoàn toàn phản động, đó là con đường đưa nhân dân đến nô lệ lầm than. Kết thúc chiến tranh từ lâu rồi mà đến nay người dân chẳng có tý quyền gì cả mà còn bị chính quyền lợi dụng quay lại cướp bóc trên chính đất đai ông cha của mình.
    Chính quyền hiện nay suy thoái nặng nề, vừa ít học do bằng cấp giả, coi thường lợi ích của dân, hiện nguyên hình là những kẻ cướp hại dân, hại nước mà thôi...

    Trả lờiXóa
  9. mới làm công an chống ma túy mà có xe xịn vài tỷ đi chơi thật oai .đúng là có đầu óc làm kinh tế .còn anh em họ ĐOÀN đổ bao nhiêu công sức mà còn nợ ngập .phải viết lại thơ của ông TH trăm mắt nghìn tay

    Trả lờiXóa