Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

ĐÊM 13.3: CHÚNG TÔI THẢ HOA ĐĂNG TƯỞNG VỌNG ANH LINH LIỆT SĨ GẠC MA


Ngày hôm nay, cách đây 25 năm trước, Trung Cộng tấn công Trường Sa. 64 chiến sĩ Hải quân Quân Đội NHÂN DÂN Việt Nam đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa. Hôm nay, chúng tôi đã làm lễ Tưởng niệm anh linh 64 chiến sĩ đã bỏ mình vì nước. 

Chúng tôi rời Hà Nội lúc 14h15 thẳng đường 5 đến Hải Phòng. 

Trước đó, chúng tôi đã liên lạc và đón được Bà Trần Thị Ngọ, là mẹ của Liệt sĩ Bùi Bá Kiên (có con trai đi cùng), và anh Nguyễn Thanh Huân (cùng đi có cô con gái), là em trai của Liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải. 

Bà Trần Thị Ngọ, mẹ của Liệt sĩ Bùi Bá Kiên và em trai anh Bùi Bá Kiên

Bloggger Nguyễn Tường Thụy phát biểu trong lễ tưởng niệm tại hội trường


Anh em chúng tôi tặng Bà Trần Thị Ngọ một chút quà nhỏ, 1 cặp cốc No U và DVD Hải chiến Trường Sa


Cô cháu gái của Liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải (áo trắng) thay mặt gia đình nhận quà tặng của chúng tôi.

Ghi chép câu chuyện của hai gia đình Liệt sĩ

Hỏi chuyện bà Trần Thị Ngọ, mẹ của Liệt sĩ Bùi Bá Kiên

Hỏi chuyện anh Nguyễn Thanh Huân - em trai Liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải

Chụp ảnh cùng bà Trần Thị Ngọ


Tất cả đều đứng lên mặc niệm tưởng nhớ 64 Liệt sĩ chết trận Hải chiến Trường Sa 25 năm trước.
Mọi người cùng cúi đầu tưởng niệm trong khi Nguyễn Xuân Diện đọc bài "Văn tế Chiến sĩ Gạc Ma" của tác giả Trang Hạnh (Khoa tim mạch BV Đa Khoa Bắc Ninh)

Sau lễ tưởng niệm và trao quà ở Hội trường, chúng tôi đi ra biển, lên tàu ra khơi để thả hoa đăng, cúng tế 64 Liệt sĩ, với đầy đủ: Hoa, Hương, Đèn nến, tiền vàng, tiền dương, thuốc lá, trà...


Mẹ Liệt sĩ Bùi Bá Kiên cầm hoa đăng cầu nguyện cho con trai




Anh Nguyễn Thanh Huân thắp nến tưởng nhớ anh trai là LS Nguyễn Thanh Hải







Tất cả đều quỳ xuống sàn tàu và niệm Phật, cầu siêu cho các Liệt sĩ




























Anh Vinh Sơn thực hành cầu nguyện anh linh Liệt sĩ theo nghi thức Công giáo

Buổi lễ tưởng niệm kết thúc khi chỉ còn 15 phút là đã đến 0h ngày 14.3.2013

Bài lên trang lúc 00h09 ngày 14.3.2013

32 nhận xét :

  1. Cám ơn các bác, các anh chị em ở Hà Nội. Tôi ở xa, cũng xin hiệp lòng hiệp ý cùng các bác!

    Trả lờiXóa
  2. Rất trân trọng tình cảm của các anh chị đã dành cho những người con anh hùng của Tổ Quốc Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  3. cám ơn các bác và anh chị em đã giữ trong tôi tình cảm của người Việt Nam thương yêu nhau <3

    Trả lờiXóa
  4. GẠC MA HỒN TỬ SĨ
    . . .
    (giờ này, ngày này, năm 1988, những người trai cảm tử ấy đã đến trùng khơi bãi đá này… GẠC MA!
    64 chiến sĩ không trở về. Họ đã hiến thân, dâng tuổi trẻ, đền nợ nước. Ngày tưởng niệm, cầu mong hương hồn(hay oan hồn?) các anh, cùng hương hồn các tử sĩ hải quân VNCH, hi sinh tại Hoàng Sa 1974, bởi cùng một quân thù, hội tụ, an ủi nhau và cùng hướng về đất liền Tổ quốc, sống khôn thác thiên phù hộ con dân đất Việt!)
    ——-

    Họ từ đi vào nơi trắc trở
    Chặng hải hành nằm nhớ quê xa…
    Đèn dầu khêu bấc mẹ già
    Đêm dài trở giấc ngồi ra têm trầu…

    Những người vợ mắt màu ly biệt
    Nàng lại chàng bên chiếc nôi đay
    Bàn tay ấm, ấm bàn tay
    Bàn tay con ấm, ấm tay tay nàng…

    Bạn xóm làng, em trai, chị gái
    Câu biệt ly, chúc vội lên đường
    Người thương gọi tiễn người thương
    Lời lên bến, tiếng xuống thuyền, vang vang…
    . . .
    Tàu neo lại, đèn vàng ảm đạm
    Ngày Mười Tư, 88, Tháng Ba
    Sinh Tồn, Bãi Đá Gạc Ma
    Xuồng hạ mặt nước, người ra tay chèo

    Buổi sớm ấy thủy triều đảo ngập
    Biển mênh mông, gió bấc heo may
    Ngâm mình, tay nắm chặt tay
    Vòng người, chính gữa tung bay quốc kỳ!

    Giặc nhác thấy Việt kỳ phấp phới
    Mấy bóng xuồng chấp chới đằng đông
    Xa hơn, Hán hạm tàu đồng
    Gầm gừ, dọa, dứ nhìn không rõ người

    Ba …, năm …, bảy …, rồi mười phút tiếp
    Sắc Hán ngồi mấy chiếc xuồng nhôm
    Nhăm nhe, lượn lượn, gờm gờm
    Chĩa lê lạnh thép, cảnh nom hãi hùng

    Bỗng súng nổ đùng đùng xối xả
    Vòng tròn người chao, ngả, rùng rùng
    Đạn găm đầu thiếu úy Phương
    Cây bia sống, giữa chiến trường? tay không!

    Nào ai có mình đồng da sắt
    Khắp người anh, đầu, mặt, bàn tay
    Máu phun đỏ nước kinh thay
    Phương gục đổ, vẫn cầm tay, cán cờ!

    Giặc lội xuống cướp cờ hỗn chiến
    Máu đỏ loang nước biển chuyển hồng
    Vòng tay cảm tử thành đồng
    Lê xuyên mặn buốt, quyết không mất cờ!

    Độ nửa giờ đôi co giằng giật
    Giặc lên xuồng lùi bật xa xa
    Thế rồi sấm chớp chói lòa
    Tàu đồng nã pháo Gạc Ma sóng dồn

    Những cột trắng cao hơn chục thước
    Xác dập dềnh mặt nước như phao
    Không gươm súng, chẳng giáp bào
    Sống : làm bia sống! thác? trao sóng hồn

    Kể từ ấy, chập chờn khói sóng
    Biển tím bầm ai ngóng chiều buông
    Khói trùng dương, ánh tà dương
    Hồn âm dõi bóng người dương một mình

    Hồn tử sỹ hiện linh giọng uất
    Chốn sa trường còn mất lẽ thường
    Hận điều ám ảnh còn vương
    Ai …,
    trao quân lệnh …,
    chẳng trao thương, chiến bào?

    Biển rì rào, lao xao sóng gợn
    Gió thì thầm rờn rợn bầu không
    Nặng lòng quả phụ sầu đong
    Sinh Tồn tử khí, mây bông tím bầm

    Nỗi phu phụ dương âm cách trở.
    Lý vô thường đất lở sông bồi,
    Phù du bèo dạt mây trôi.
    Niềm tây cô phụ một đời khôn ngoai!

    04:47 AM 14-Mar-2013,
    LN.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ cảm động quá! Cám ơn bác Lão Nông. Xn bác cho tôi chép lại, chia sẻ với bạn bè.
      Riêng chữ thứ hai trong câu đầu, chữ "từ", có phải bác gõ nhầm không ạ? Có phải là "Họ tự đi..."
      Rất cảm động vì khổ thơ này, lời trách nhẹ nhàng thôi, nhưng đau quá:

      Hồn tử sỹ hiện linh giọng uất
      Chốn sa trường còn mất lẽ thường
      Hận điều ám ảnh còn vương
      Ai …,
      trao quân lệnh …,
      chẳng trao thương, chiến bào?

      Xóa
    2. Cảm động quá! Cảm ơn Lão Nông.
      (Tôi nghĩ chữ "Họ từ đi..." hay và đúng hơn, tức là từ khi họ đi vào nơi trắc trỡ chứ không tự đi)

      Xóa
    3. Cảm ơn hai bạn Ha le và Điền Cao!
      Thưa bạn Ha le, đúng như bạn Điền Cao nói, "Họ từ đi ..." là chính xác, chứ không phải là "Họ tự đi..."
      Ba từ ấy tôi lấy cảm xúc và dùng chữ "từ" như trong câu "Chàng từ đi vào nơi gió cát", trong bản Chinh phụ ngâm khúc (征婦吟曲) của Đặng Trần Côn vậy!

      Xóa
    4. Xin Lão Nông tiên sinh nhận của Lâm Khang chủ nhân một lạy.

      Kính vậy!
      Lâm Khang cung bái

      Xóa
    5. Lâm Khang Tiến Sĩ dạy quá nhời, khiến lão bần tôi hổ thẹn.
      Cám ơn Tiến Sĩ đã chiếu cố "thăng cấp" cái còm mọn thành bài đăng.
      Kính!
      LN.

      PS,
      Nhân tiện, cảm phiền Tiến Sĩ sửa giùm hai câu:
      1. "Vòng người, chính gữa tung bay quốc kỳ!" xin sửa thành: "Vòng người, chính giữa tung bay quốc kỳ!". (lỗi chính tả)
      2. "Niềm tây cô phụ một đời khôn ngoai!" xin sửa là: "Niềm tây cô phụ trọn đời khôn ngoai!" (câu cuối cùng).
      Xin cảm ơn ạ!

      Xóa
    6. Cám ơn bác Lão Nông và bác Điền Cao.
      Bác Lão Nông ơi. Bài thơ của bác làm em xúc động quá.

      Xóa
  5. TỔ QUỐC TRÊN HẾT
    Cảm ơn các Anh các Chị đã có buổi lễ tưởng niệm 64 Liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma thật trang trọng.

    Trả lờiXóa
  6. Thật hết sức xúc động vì nghĩa cử mà các bác,các anh,các chị đã dành cho những người con yêu thương đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lăng của bọn bành trướng Bắc Kinh.Mối thù này ngàn đời nhân dâ không thể quên! Lê Bá Giang ơi các bác,các anh ,các chị đã thay mặt cha mẹ em đã già yếu ra tận Biển Đông đón em về với quê hương thân yêu mình.Cảm ơn tất cả những tấm lòng mọi người đã trân trọng máu xương các Liệt sỹ

    Trả lờiXóa
  7. Thật là ý nghĩa và cảm động! Cám ơn các anh,các chị rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  8. Ngay do , toi dong quan o Bac Giang . Don vi toi hon chuc nguoi len duong tang cuong cho Truong Sa . Toi chuan bi ra quan nen khg duoc di .

    Trả lờiXóa
  9. Rất trân trọng và cảm ơn các anh chị đã tổ chức một buổi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thật trang trọng và đầy ý nghĩa.

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn các anh đã làm việc nghĩa tình. Chúng em luôn ủng hộ các anh

    Trả lờiXóa
  11. "Tôi cứ thấy xấu hổ thế nào ấy"; Đấy là ví dụ "Tôi" là Nhà nước.

    Trả lờiXóa
  12. VĂN TẾ CHIẾN SĨ GẠC MA (TRƯỜNG SA)
    Than ôi!
    Biển bốn hướng sóng dậy hờn căm,
    Trời tám phương mây giăng u uất.
    Chẳng sao ngăn niềm đau đớn tột cùng,
    Khó xóa hết nỗi hờn căm chất ngất!

    Nhớ linh xưa,
    Lớn lên bằng củ sắn củ khoai;
    Trưởng thành trong lời ca lời hát.
    Thấm nhuần đạo đức, ươm ước mơ cố gắng tôi rèn,
    Chẳng ngại gian truân, nuôi hoài bảo chuyên cần học tập.
    Giữ gìn đất nước, biết quê hương từ tiếng mẹ ru,
    Yêu mến non sông, thương tổ quốc từ câu cha hát.
    Bóng trăng đáy nước, quan họ ơi tình nặng mạn thuyền,
    Lưng ngựa câu then, khăn piêu vẫy rừng vang tiếng nhạc.
    Đờn ca tài tử bồi hồi,
    Câu hát xẩm xoang ngây ngất.
    Rộn rã tiếng cồng chiêng tây nguyên,
    Réo rắc điệu khèn môi tây bắc.
    Ngẩn ngơ điệu múa chiếu chèo,
    Bằng hoàng câu hò phường vải.
    Thế mà,
    Rung rinh đá đảo, tự dưng bị trận cuồng phong
    Bình lặng dòng sâu, bỗng nhiên nổi cơn bão táp!
    Quân bành trướng, ỷ binh nhiều tướng mạnh, ngang nhiên cướp đất bắt người,
    Lũ ma vương, cậy súng lớn đạn to, vô cớ hiếp tàu cắt cáp.
    Cậy quân đông lấy thịt đè người,
    Ỷ thế mạnh xua quân chiếm đất. Uốn miệng lưỡi, cứ ngỡ bạn hiền,
    Nhe nanh vuốt dè đâu quỷ dữ!
    Thò tay quỷ mà vẽ lưỡi bò,
    Lòi mặt nạ té ra kẻ cướp!
    Tàu cá khoang không tấc sắt, để chúng tự tiện cầm tù,
    Ngư dân phơi tấm lưng trần, mặc chúng thẳng tay đánh đập.
    Làm vợ khóc chồng ruột héo gan bầm, Để con nhớ cha lòng đau dạ thắt.

    Nhưng chúng đã lầm! bởi nhân dân ta:
    Thừa dũng cảm, nữ nhi là Bà Triệu, bà Trưng,
    Đủ trí mưu, trai tráng là Quang Trung, Thường Kiệt.
    Yêu hòa bình, nhưng gươm Lê Lợi lưỡi vẫn sáng ngời,
    Chuộng tự do, nhưng cọc Bạch Đằng đầu luôn nhọn hoắt!
    Bừng khí thế, trăm thiếu niên trương cờ sáu chữ: “… báo hoàng ân” *
    Sục hờn căm, ngàn dũng sĩ thích tay một lời thề sát thát!
    Gươm so gươm, gươm lóe ngợp trời,
    Súng đọ súng, súng vang dậy đất!
    Bạch Đằng xác địch nổi lênh bênh,
    Đống Đa thây thù cao chất ngất!

    Nay Chiến sĩ Gạc Ma,
    Ăn chung mâm, ngủ chung chiếu, chuyện riêng tư cũng cùng kể nhau nghe,
    Trùm chung chăn, mơ chung giấc, thư thầm kín đều chuyền tay nhau đọc!
    Khác cha mẹ mà giống hệt ruột rà,
    Không họ hàng mà y như máu thịt!
    Khen thay!
    Vì nhân dân, quản chi gối đất màn sương,
    Vì đất nước nào sá gì mưa nam gió bắc.
    Giống kiên cường, lại tiếp kiên cường,
    Máu bất khuất, vẫn luôn bất khuất!
    Hẹn với lòng một nhục một vinh,
    Thề với giặc một còn một mất!

    Thương ôi!
    Cũng vì nước mạnh dân no,
    Nào kể xương tan thịt nát!
    Nguyễn Văn Lanh, bụng trúng lê tay vẫn giương thẳng tay cờ,
    Trần Văn Phương, tay ôm ngực còn thét : “ Không cho mất đảo!” **
    Máu ai loang cả mạn tàu!
    Máu ai hòa theo nước biển!
    Bởi dòng máu Đại Việt đỏ mãi ngàn năm,
    Nên non nước Lạc Hồng nối liền một dải.
    Dù giọt nước Biển Đông, con cháu cũng phải giữ gìn,
    Dù hòn sỏi Gạc Ma, chiến sĩ quyết không để mất!
    Xót thay!
    Nam nhi hề, vai khoác chiến y,
    Chiến sĩ hề, ai về đầu bạc?
    Chuyện nhục vinh thì cứ luận bàn,
    Đường sinh tử có ai không thác?
    Luận anh hùng ai kể bại thành,
    Xét chí khí nên coi cao thấp.

    Hôm nay,
    Thắp nén tâm hương ,
    Tưởng người tiết liệt.
    Gương hiếu trung mãi mãi chẳng phai mờ,
    Máu hào kiệt ngàn đời không đổi sắc.
    Hiếu với dân chẳng quản máu xương rơi,
    Trung với nước đâu chờ bia đá tạc!

    Ô hô! Có linh xin hưởng!
    TRANG HẠNH (Khoa tim mạch BV Đa Khoa Bắc Ninh)
    ____________
    Chú thích:
    * Trần Quốc Toản thêu lên cờ 6 chữ “ Phá cường địch, báo hoàng ân”
    ** Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã thét lớn: “ Thà hy sinh, không để mất đảo!”

    Nguồn: http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=15442

    Trả lờiXóa
  13. Cảm động quá, việc làm ý nghĩa của các anh chị

    Trả lờiXóa
  14. Xin cám ơn và tỏ lòng trân trọng nghĩa cử cao đẹp của tất cả những người tham gia lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đảo Gạc Ma. Các bạn đã thay mặt hàng chục triệu con dân đất Việt tri ân sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Hải quân nhân dân VN trong cuộc chiến đấu chống sự xâm lược đê hèn và bỉ ổi của bọn Tầu.
    Tổ Quốc và Nhân Dân muôn đời ghi công và biết ơn các anh hùng liệt sĩ Trường Sa/Hoàng Sa.

    Trả lờiXóa
  15. VTV-Thời sự 5h30′ sáng nay đưa tin: “Hôm nay, tại TP Đà Nẵng sẽ diễn ra Chương trình giao lưu mang chủ đề “Hướng về Trường Sa thân yêu”, một hoạt động kỷ niệm 25 năm trận Hải chiến Trường Sa, 14/3/1988 – 14/3/2013. Chương trình sẽ có phần giao lưu với Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh, người đã cùng liệt sĩ Nguyễn Văn Phương tay không giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma và thân nhân của các liệt sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma …”

    Toàn bộ nội dung bài trên không hề nhắc tới hai chữ Trung Quốc.

    Tiếp đó, trong mục giới thiệu sách mới, có điểm cuốn sách của ông Trần Công Trục: Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông.

    Đến chương trình Thời sự 6h cũng có phóng sự về Tượng đài Liệt sĩ Trường Sa, nhưng cũng không hề nhắc tới hai chữ Trung Quốc, chỉ nói là “đối phương“. Khi phỏng vấn một số cựu binh thời đó, cũng chỉ nói là “tàu lạ“, “tàu nước ngoài” … (trích Anhbasam)

    Trả lờiXóa
  16. Cảm ơn các bạn No-U

    Trả lờiXóa
  17. Cảm thương bác Diện, bác Thụy quá!
    Lại phải tưởng niệm đồng đội, anh em mình trong đêm. Lại phải lo sợ người ta ngăn cấm, bắt bớ?
    Rất cám ơn các bác đã có việc làm ý nghĩa. 1/4 thế kỷ lãng quên! Vô ơn!

    Trả lờiXóa
  18. Cảm ơn các đoàn bạn đã tổ chức trang trọng lể dâng hương tưởng nhớ 64 liệt sĩ trong hoàn cảnh tổ chức từ Hà nội ra biển Hải phòng không phải dể dàng.
    Riêng chúng tôi có ý nguyện đến dâng hương tưởng nhớ 64 các liệt sĩ và đọc tên tuổi từng người song khoảng 11 g và 14h đến một số chùa chiền nhưng tất cả đều không mở. Tối nay thay vì đến chùa chúng tôi sắp lể thắp hương tại nhà và đọc tên tất cả 64 liệt sĩ.
    Cho dù công việc nhỏ nhoi song đã bày tỏ được lòng thiết tha yêu quý và biết ơn các anh đã ngã xuống cho tổ quốc trường tồn nên trong lòng chúng tôi cảm thấy thanh thản...

    Trả lờiXóa
  19. kính gửi các bác,
    tôi ở ngoại quốc nhưng cùng anh bạn, những ngày qua, nhắc đến biến cố Trường Sa này, rất đau lòng. Cũng như cái chết của những chiến sỉ tại Hoàng Sa 1974, đây là những hy sinh cao quý cho Tỗ Quốc.
    những chiến sĩ vị quốc vong thân này (củng như các dân quân tại Cao-Bắc-Lạng 1979), dù vô phước không được "chính quyền" của họ vinh danh một cách xứng đáng với sự hy sinh cao cả của Người Con Nước Việt nhưng củng được những Người Dân trân trọng nhắc nhở mãi mãi với hậu thế.
    dù xa quê nhà nhưng tôi vẫn nhắc các con về những biến cố này cho chúng biết thù trong và giặc ngoài.
    rất trân trọng.

    Trả lờiXóa
  20. Bác Tễu ơi. Trong bài có nhắc đến anh Vinh Sơn. Có phải đạo diễn Vinh Sơn không ạ?

    Trả lờiXóa
  21. Hiện nay có lời kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ chiến sĩ Gạc Ma ở QB trên trang Culangcat. Mong mọi người cùng chung tay.
    Rất cảm động lễ tưởng niệm do các anh tổ chức

    Trả lờiXóa
  22. NHỮNG HÌHH ẢHH VÔ CÙNG CẢM ĐỘNG. XIN CẢM ƠN CÁC ANH, CHỊ ĐÃ LÀM MỘT VIỆC ĐẦY Ý NGHĨA.
    CHÚNG TA LUÔN NHỚ ƠN CÁC AHLS VÀ CĂM THÙ BỌN TRUNG CỘNG XÂM LƯỢC.

    Trả lờiXóa
  23. Nhiều người muốn được xem hình ảnh vi deo khi Tầu tàn sát bộ đội ta trong trận chiến tay không ở Gạc ma mong Xuân Diện đáp ứng, Cám ơn trước

    Trả lờiXóa
  24. Rất cảm động, cảm ơn các anh chị đã làm một việc đầy tình nghĩa.

    Trả lờiXóa