Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

BÀ ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN GÓP BÀN SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
























ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP LÀ THỜI KHẮC LỊCH SỬ 

CỦA TOÀN THỂ NHÂN DÂN VIỆT NAM!
Kính gửi:

Ông Nguyễn Sinh Hùng – Uỷ viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Quốc Hội,
Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992

Các Ông, Bà Ủy viên Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992

Tôi tên là: Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch Trường Đại học Tân Tạo (ttu.edu.vn) và là cựu đại biểu Quốc Hội KHóa 13 bị bãi miễn tại kỳ họp thứ 3. Mặc dù đang trong thời gian chữa bệnh, song tôi với mong muốn được đóng góp vào viẹc Sửa đổi Hiến Pháp – Một Thời khắc lịch sử của mỗi người dân Việt Nam, vì vậy tôi vẫn cố gắng viết và gởi đến Các Quý Ông Bà những điều tâm huyết của tôi:

I.QUYỀN CON NGƯỜI

Hiến pháp hiện nay quy định “Mọi người có quyền sống” (Điều 21, Chương II, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 2013). Nhưng sống như thế nào, quyền được sống được cụ thể bao gồm những quyền gì, thì Hiến Pháp chưa nêu rõ ràng và đầy đủ. Bất cứ một ddất nước tiến bộ nào, nhất là một chế độ tốt đẹp cần phải có quy định rõ ràng và bảo vệ các quyền cơ bản mà không ai có quyền tước bỏ đó là: Quyền tự do ngôn luận, Quyền tự do mưu cầu hạnh phúc,  Quyền tự do tôn giáo, Quyền tự do hội họp và đặc biệt là Quyền tự do kiện Chính phủ sẽ cho phép nhân dân thực sự làm chủ, giám sát mọi hoạt động của Chính Phủ từ địa phương đến Trung Ương. Nếu người dân có Quyền tự do kiện Chính phủ sẽ là động lực khiến Chính phủ phải thực sự do dân, vì dân, hạn chế tham nhũng và ban hành các văn bản không hợp hiến. Hiện nay, do Hiến pháp chưa quy định về Quyền này nên có nhiều trường hợp người dân kiện Chính phủ nhưng Tòa án không nhận đơn.

Do vậy, để thể hiện được tính ưu việt của chế độ, thực hiện đúng mục đích về một chế độ do dân và thật sự vì dân, tôi đề nghị bổ sung và quy định rõ trong Chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân những quyền con người cơ bản sau:

- Quyền tự do ngôn luận
- Quyền tự do mưu cầu hạnh phúc
- Quyền tự do tôn giáo
- Quyền tự do hội họp
- Quyền tự do kiện Chính phủ

II. DÂN CHỦ

Đề nghị bổ sung và quy định rõ, công dân có quyền tự do thành lập và gia nhập Đảng phái và những Đảng phái này được quyền thành lập, tham gia vào Quốc hội và Chính phủ để điều hành đất nước nếu được sự tín nhiệm của nhân dân thông qua bầu cử.

Hiện nay, Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh và vững mạnh trên nhiều mọi lĩnh vực, và không thể phủ nhận vai trò quan trọng và công lao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong sự phát triển đó. Dù Trung Quốc  là một nước mà Đảng Cộng Sản cầm quyền như Việt Nam, nhưng thực tế, Trung Quốc hiện nay có 09 Đảng, trong đó có Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn không hề mất vai trò lãnh đạo của họ. Do vậy, dựa trên bài học của Trung Quốc, chúng ta nhận thấy rằng, nếu Đảng Cộng Sản có năng lực, được sự tin tưởng của nhân dân, thì dù cho tự do thành lập Đảng, Đảng Cộng Sản vẫn không mất vai trò lãnh đạo đất nước.

Đồng thời ngay chúng ta cũng có thể học tập kinh nghiệm ngay từ các nước Tư bản tiên tiến để đưa ra những quy định Cần và Đủ để được phép nộp đơn xin thành lập Đảng, nhưng phải thỏa mãn các điều kiện sau:

- Người nộp đơn thành lập Đảng phải là người có quốc tịch Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam;

- Đảng hoạt động bằng tiền Đảng phí, các khoản tài trợ của cá nhân hoặc các tổ chức của Việt Nam, và hoạt động tại Việt Nam;

- Đảng phải cam kết hoạt động đúng Hiến pháp và Luật pháp Việt Nam

- Đảng phải cam kết không được nhận tài trợ của cá nhân và các tổ chức của nước ngoài.

- Việc thành lập Đảng không thỏa mãn các đìều kiện trên đều là Vi Hiến và sẽ bị xét xử với tội danh chống phá nhà nước.

Nếu Hiến pháp được bổ sung những điều trên, chắc chắn đất nước sẽ bước trên con đường dân chủ thực sự, cho phép Nhân dân được quyền tự do lựa chọn Đảng phái. Đảng Cộng Sản cũng sẽ có động lực thúc đẩy để tự đổi mới, đại diện cho nhân dân và được nhân dân ủng hộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng Cộng Sản nhiều năm, quy tụ được mọi ngọn cờ Đảng phái dưới ngọn cờ của mình.

Như vậy, Đảng Cộng Sản nếu vẫn thật sự “do dân và vì dân” thì sẽ vẫn được nhân dân tín nhiệm, vẫn nắm được vai trò lãnh đạo khi được nhân dân tín nhiệm và sẽ thực sự biến các Đảng phái ở nước ngoài trở thành vi hiến và các nước không thể lợi dụng để can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Hiện nay, việc chỉ có 1 Đảng đã khiến cả thế giới lên án; và theo xu thế tiến bộ của Thời đại, nếu tiếp tục không sửa đổi thì việc này sẽ trở thành quá muộn, các Đảng viên Đảng Cộng Sản sẽ không có sự cạnh tranh, không nhận thấy áp lực cần phải đổi mới, tạo ra sự độc quyền không lành mạnh.

III. QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT ĐAI

Điều 54 Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.” thì tất yếu phải có đa sở hữu trong lĩnh vực đất đai, phù hợp với các thành phần kinh tế. Chính vì vậy, đề nghị sửa đổi Điều 57 và 58, Chương III, Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi 2013.

Thực tế, hàng năm có tới 70 – 80% khiếu kiện kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai chỉ vì Chế độ sở hữu đất đai không tương thích với nhiều thành phần kinh tế đã dược Luật pháp công nhận đang vận hành và phát triển khá tốt.

Hãy cho người dân được quyền lựa chọn: nếu họ muốn được giao đất sở hữu thì họ phải trả tiền, nếu muốn thuê thì quy định tiền thuê. Như vậy,sẽ giúp cho Nhà nước có khoản thu lớn cho Ngân sách, và hơn hết giúp cho chấm dứt được khiếu kiện kéo dài và tham nhũng hoành hành trong lĩnh vực đất đai.

Ví dụ về chính sách Hóa giá nhà: Từ những năm 1985 – 1990, khi tôi đang công tác tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia kiến nghị xin thực hiện thí điểm thực hiện đề án hóa giá nhà và đã được Thành Phố và Trung Ương cho thực hiện thí điểm đầu tiên trên cả nước. Sau khi áp dụng thành công, chính sách hóa giá nhà đã được áp dụng trên cả nước rất thành công. Chính điều  này đã khiến nhiều cán bộ công nhân viên phấn khởi, nhà nước thu đựợc lượng tiền lớn và các nhà hóa giá được bảo quản, nâng cấp để làm đẹp đẽ cả quang cảnh chung của cả thành phố…

Do vậy, nếu cho người dân có quyền sở hữu đất đai, nhân dân cả nước sẽ phấn khởi, sử dụng đất có hiệu quả, tránh được khiếu kiện và tham nhũng trong lĩnh vực đất đai và có khoản thu lớn cho Ngân sách Nhà nước.

Trên đây là một số ý kiến và kiến nghị bổ sung và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các ý kiến thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao nhất đối với việc sửa đổi Hiến pháp, một sự kiện hệ trọng, có ảnh hưởng lớn đến tương lai của đất nước. Kính mong các đồng chí trong Ban Sửa đổi Hiến pháp sẽ có một sự xem xét khách quan và chính xác nhất, để đảm bảo việc Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!

Người đóng góp ý kiến
Đặng Thị Hoàng Yến
Nguồn: Quê Choa

5 nhận xét :

  1. Đơn giản, súc tích, thẳng thắn, chân tình là lời của Bà Yến góp ý cùng Quốc Hội.

    Trả lờiXóa
  2. Hy vọng sẽ có nhiều bà người như Chị Yến lên tiếng. Xin chân thành cám ơn chị.

    Trả lờiXóa
  3. Ý kiến của bà Yến rất hợp lý và có ý thức xây dựng. Rất tiếc nếu bà ấy còn là đại biểu Quốc hội thì tốt hơn, tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn. Mong sao những đại biểu QH đương chức hãy góp ý cho việc sửa đổi HP với tư duy độc lập và trí tuệ, không bị bất kỳ một sức ép nào làm sai lệch suy nghĩ từ thâm tâm của mình.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bản kiến nghị của bà Yến có câu"Quyền tự do kiện chính phủ",tôi chợt nhớ một câu mà ai cũng biết và nhất là chính quyền cũng như các nhà lãnh đạo thường nói với dân:Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.Nhưng trên thực tế thì chỉ có người dân khi vi phạm pháp luật thì đều bị xử,cũng như pháp luật chỉ áp dụng cho tầng lớp ở cấp thấp.Nghe câu:Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật,ngỡ tưởng pháp luật rất công bằng.Tôi nghĩ,bà Yến thừa biết câu đó,nhưng trong bản kiến nghị đóng góp sửa đổi Hiến Pháp bà vẫn ghi"quyền tự do kiện chính phủ".Nghe câu này,tôi nghĩ không lẽ những người trong chính phủ không phải là công dân nước Việt Nam,vì nếu không phải công dân,có nghĩa là không phải con người thì mới không chịu sự giám sát của pháp luật.Thế nhưng, trên thực tế thì pháp luật hầu như không có hiệu lực với những người trong chính phủ.Đúng như bà Yến nói là không tòa nào dám nhận đơn và dám xử các vị lãnh đạo nhà nước khi có đơn của người dân.Như vậy câu:Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật chỉ có hiệu lực với người dân.Không lẽ trong nước Việt Nam lại có một số người được quyền tự tung,tự tác ngoài vòng pháp luật.Mà theo như tôi hiểu,thì chỉ những người tâm thần,người điên mới không chịu trách nhiệm về hành vi của mình.Nên nói như bà Yến cũng đúng,trong quyền con người nên có"Quyền tự do kiện chính phủ".
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  5. Bà Yến này dẫu bây giờ có (bị) nhảy sang "lề trái" vẫn là bà nghị Yến thôi. Hành văn thì lủng củng, ý tứ thì mâu thuẫn. "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" và "công dân được làm những gì pháp luật không cấm" thế là đủ hết rồi. Nếu ghi cả quyền "kiện chính phủ" thì còn có đến hàng tỷ tỷ quyền nữa. Khi nói về đảng phái nói chung, bà ấy cũng cứ "hồn nhiên" viết hoa chữ "đảng" làm mình tưởng là Đảng CSVN.

    Trả lờiXóa