Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

NHÀ NƯỚC BẢO DO DÂN, VÌ DÂN, THÌ HÃY VÌ THỰC SỰ

Chờ ....
Trần Anh Thái

Người ta, trong suốt chặng đường nhọc nhằn của cuộc đời, suy cho cùng là những cuộc ra đi - trở về trong chờ đợi. Đương nhiên là vậy vì nếu con người không còn gì để chờ đợi thì sẽ ra sao nhỉ? Thì sẽ không còn khát vọng, mất hết ý nghĩa… và khi đó sẽ kết thúc. Cuộc sống vô cùng thú vị và hào phóng đã ban tặng cho chúng ta sự chờ đợi.
Ngày nhỏ thấp thỏm mong mẹ đi chợ về. Tết đến chờ mẹ mua quần áo mới, đến lớp chờ cô giáo chấm điểm bài thi; rồi cùng với thời gian những mong chờ thấp thỏm cứ chen dầy ngày tháng: Một buổi hẹn hò với người yêu, một tờ giấy báo điểm thi đại học, một lần tăng lương, lên chức tước. Và mọi sự lặp lại, liên tiếp chồng chất niềm vui nỗi buồn. Cuộc sống là thế, chờ đợi như một tất yếu sinh ra, một thuộc tính người; đau đớn, vật vã, vò đầu bứt tai khốn khổ vì chờ nhưng khi sự chờ đã được thỏa mãn, thì bù lại là phơi phới lạc quan, sung sướng tột cùng. Ấy là sự chờ đợi đương nhiên, chờ đợi như nó phải đến, phải xảy ra chứ không thể khác, sự chờ đợi này cũng như cơm ăn nước uống, đó là cách để con người nương nhờ, tồn tại và hoàn thiện. 
Nhưng lẽ đời khắc nghiệt rắc rối, đâu chỉ tồn tại sự chờ đợi tự nhiên hợp lý và chỉ xảy ra trong quan hệ tình cảm, khát vọng riêng. Hiện thực cuộc sống giông bão quay cuồng đã sinh ra ngổn ngang những đợi chờ vô lý trái ngang. Nó không chỉ dừng lại đau đớn  mất mát cho một người mà còn làm hại nhiều người, đến cả một tập thể, nhiều khi còn là lợi ích quốc gia dân tộc. Có người bảo: “Chuyện chờ, chuyện đợi là lẽ bình thường có gì mà lớn tiếng tới cả quốc gia dân tộc?”. Ấy thế mới lạ, mới kỳ khôi mà người không trải qua, không có điều kiện chứng kiến ắt khó lòng chấp nhận. Ví như đất nước đang ở thời kỳ đầu phát triển. Ở đâu, lĩnh vực nào cũng cần vốn, cần chất xám, kỹ thuật… để tăng trưởng kinh tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng hợp tác cùng có lợi. Thế nhưng cũng không ít nhà đầu tư do phải chật vật phiền hà với quá nhiều cửa ải thủ tục giấy tờ nên phải chờ “dài cổ” vẫn chưa được cấp giấy phép và họ lặng lẽ bỏ đi. Hoặc người có giấy phép nhưng mất hết nhiệt tình, hăng hái vì phải trải qua thời gian mòn mỏi đợi. Cũng như vậy nhiều nhà đầu tư trong nước về các vùng nông thôn hoặc miền núi tìm dự án đầu tư. Khi chưa ký được hợp đồng họ đưa ra đủ lời hẹn hò có cánh. Đến khi dự án thông qua, họ triển khai phải phép rồi bỏ đấy. Nhân dân địa phương (nhất là các công trình thủy điện, giao thông, trường học) cứ “nghển cổ” chờ hết tháng này năm khác mà công trình cứ mưa nắng trơ ra tịnh không biến chuyển gì? Chuyện chờ đợi trong đầu tư kinh tế là chuyện không lạ, từng gây nên thiệt hại không chỉ tỷ, mà là hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Số tiền có thể nuôi sống hàng triệu người lao động trong năm. Nhưng không ai tiếc, ai đau vì không phải tiền bằng mồ hôi nước mắt họ làm ra mà là tiền chùa, tiền của dân. Ai hỏi thì đổ cho anh “cơ chế”. Mà đã là cơ chế thì ở nước ta, than ôi! Cứ là anh hùng nhất khoảnh, coi trời bằng vung. Ai đụng vào cũng chờn răng mỏi mắt, đố có thay đổi được gì…
Còn chuyện con người cụ thể mới thật nực cười: Ai đời, người sống bị báo tử nhầm, con người sự việc, giấy tờ, bằng chứng rành rành mà nạn nhân vẫn phải bằm dập ngược xuôi chờ cả năm có khi mấy năm sau mới có được cái giấy hợp pháp công nhận là “người còn sống”. Và có biết bao oan khuất giữa đường đời, khi được “đèn trời soi xét”, mà có được bằng chứng giấy tờ hợp lệ “giải oan”, nạn nhân vẫn cứ là phải chờ hàng năm “ông cơ chế” làm thủ tục. Thế nên dân gian mới có câu “sờ được vạ thì má đã sưng” thà rằng bỏ quách đi cho rồi, chờ với đợi khổ thân.
Lại nghe, trong tổng số hàng vạn đơn từ khiếu nại tố cáo của dân hiện nay có tới bẩy mươi phần trăm khiếu nại tố cáo về đất đai. Có những khiếu nại tố cáo gửi đi gửi lại hàng trăm lần. Đơn từ chồng chất nặng đến cả yến. Người dân cứ mỏi cổ chờ. Chờ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác nhưng chính quyền không giải quyết triệt để. Chính quyền không giải quyết thì dân phải kêu oan. Hàng ngàn năm lịch sử, ruộng đất thuộc quyền sở tư nhân. Người dân có được tý đất cắm dùi là do máu xương, mồ hôi công sức tổ tiên bao đời tích cóp khai khẩn truyền lại cho con cháu. Nay bảo đất đai thuộc quyền sở hữu nhà nước. Ruộng đất của ông cha tổ tiên truyền đời có được bỗng chốc thành của chung. Dân mất đất, chỉ còn hai bàn tay trắng đi làm cho hợp tác xã lấy công tính điểm. Cái thuở ấy nhiều chuyện đau buồn nhưng cũng đã là ký ức, nhắc lại phỏng ích gì. Và bây giờ nhà nước  cho dân thuê đất: Hai mươi năm, ba mươi năm, năm mươi năm…Dân mừng và tin vì lại có đất. Không được như cha ông nhưng ít ra cũng có đất dài dài để cắm dùi, trồng rau trồng lúa sinh tồn. Nhưng rồi lại nhà nước - đất dân nhận chưa kịp làm ăn sinh sôi lợi ích đã có lệnh thu hồi chuyển cho doanh nghiệp làm dự án. Ừ thì dự án, khu công nghiệp, phố phường nhà cửa khang trang cũng là cần. Nhưng lấy lại đất của dân thì đền bù cho sòng phẳng, cho đúng giá thị trường. Đằng này đền bù hàng trăm mét đất mà số tiền chỉ đủ cho vài ngày ăn. Ăn hết rồi thì dân sống bằng gi? Nhà nước bảo do dân vì dân thì hãy vì thật sự. Chứ vì dân do dân giống như ở Văn Giang một sào đất ( 360 m2) mà đền bù được 36 triệu đồng. (với số tiền này các đại gia mà nhậu có khi chưa đủ một bữa cho cuộc chơi sang). Nhưng điều bất công ở đây là khi doanh nghiệp có đất làm dự án lại đem bán với giá cao gấp mười thậm chí gấp trăm lần giá đền bù cho dân. Kiểu đền bù và ăn chênh lệch như thế khác nào trấn lột ăn cướp. Khác nào coi dân như cỏ rác, coi dân như bầy cừu ngu muội mà lộng hành chà đạp, muốn làm gì thì làm. Nhà nước vì dân thì đứng về phía dân hay về phía đại gia tỷ phú  lắm tiền nhiều của? Vì dân mà lại kéo đàn kéo đống, hùng hổ súng ống đạn dược vũ trang ra tay đàn áp, đánh đập, đào mồ san mả ( điều mà người Việt tuyệt nhiên kiêng kỵ) của dân là cớ làm sao?.. Đất bị lấy, tiền đền bù rẻ mạt không còn khả năng sinh tồn thì dù chết dân cũng phải kiện. Không kiện thì cái nghèo cái đói dày vò rồi cũng chết. Kiện may ra đòi thêm được ít tiền đúng với giá trị thực của đất đai, còn có cơ hội sống để lập nghiệp mới. Chính quyền không giải quyết thì dân tiếp tục biểu tình. Dân biểu tình thì Nhà nước và dân thành đối lập. Điều này ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải thừa nhận: Nếu không giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại tố cáo về đất đai thì sẽ là mầm mống dẫn tới mất ổn định chính trị. Và có thể còn hơn như thế. Sự chờ đợi dễ làm con người nổi nóng tuyệt vọng, cùng đường. Tuyệt vọng rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường không súng đạn nào đe dọa được. Tuyệt vọng rất có thể dẫn đến đối đầu một mất một còn. Người dân chỉ có hai bàn tay trắng, mất hết rồi còn sợ gì! Chớ có tham bát bỏ mâm mà thành đại họa.

Chuyện chờ đợi là vậy, nhưng đáng ra cũng không phải dài dòng, lôi thôi đến thế. Vì cái gì đáng làm, cần làm thì làm ngay: Nhanh gọn, chính xác, hợp lý. Cái gì không đáng, không đúng thì thôi, chấm hết cũng nhanh, gọn chính xác, công khai minh bạch rõ ràng. Đằng này cái gì cũng dây dưa, cũng bắt người ta phải chờ đợi thì vô lý, thậm vô lý. Hỏi, lại đổ cho “cơ chế”, cho “thủ tục”. Những chuyện chờ đợi này mà trách nhiệm, lương tâm của nhà chức trách không dày vò cấu xé mới kỳ?... 

Trích trong sách Nói thật - Nói dối của Trần Anh Thái,
Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2012
  

1 nhận xét :

  1. Chờ như Nàng Tô Thị . Chờ như Thiếu Phụ Nam Xương !

    Trả lờiXóa