Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ SỬ HỌC TRẦN QUỐC VƯỢNG - 9 NĂM NGÀY ÔNG ĐI XA


TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ SỬ HỌC TRẦN QUỐC VƯỢNG, 
9 NĂM NGÀY ÔNG ĐI XA (8.8.2005 - 8.8.2014).
Nhân dịp này, xin giới thiệu một đoạn trong di cảo của Giáo sư Trần Quốc Vượng,  do TS. Nguyễn Hồng Kiên cung cấp:
"Bành trướng Trung Quốc, từ một vài thế kỷ trước Công nguyên, đã từ lưu vực Trường Giang tràn đến lưu vực Sông Hồng. Bắt đầu một thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc về chính trị. Hán hoá và giải Hán hoá,một thế lưỡng phân lịch sử, một mâu thuẫn cực kỳ cơ bản của xã hội và văn hoá Việt Nam.
Đất Việt có nguy cơ bị dứt khỏi nền đồng văn Đông Nam Á để trở thành vùng phía trước của nền văn minh Trung Hoa ở khu vực này.
Nhưng mà không! Kỷ nguyên Đại Việt, cho đến đầu thế kỷ XIV, theo cương lĩnh bốn chữ “KHOAN-GIẢN-AN-LẠC”, phát triển dưới hai định hướng DÂN TỘC và THÂN DÂN.
Các vua Lý và Trần (trước Dụ Tông) không phải (hay chưa phải) là những vua độc tài, chuyên chế, quá xa dân.
Chính vì chính trị thuần từ Nhân Dân mà nhà Lý đã giành thắng lợi trong cuộc chống xâm lược Tống, hun đúc ý chí “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.
Chính vì theo đường lối nới sức dân, khoan dung với người dưới mà triều Trần 3 lần đại thắng xâm lược Mông-Nguyên, tạo dựng “hào khí Đông A”.
Dân là gốc Nước. Đã yêu Nước thì phải yêu Dân. Và đã gắn bó với Dân thì tự nhiên nảy sinh lòng tự hào dân tộc.
“Tìm về Dân tộc” và “thân Dân” là phương thuốc tích cực nhất để giải nọc độc vọng ngoại, giải Hán hoá.
Thực thể Dân tộc tính đầu đời Trần rõ ràng đến mức, trăm năm sau, cái ông vua thiếu quả quyết và bất lực như Nghệ tông cũng biết nói một câu khôn ngoan, đúng đắn: “Triều đình ngày trước dựng nước tự có pháp độ riêng, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam, Bắc đều làm chủ nước mình, không cần phải bắt chước nhau”.
Giới thiệu tiểu sử Trần Quốc Vượng
Wikipedia: Trần Quốc Vượng (12 tháng 12 năm 1934 – 8 tháng 8 năm 2005) là một giáo sư, nhà sử học, nhà khảo cổ học Việt Nam.

Ông sinh tại Hải Dương, nhưng quê quán ở Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cùng với Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm năm 1956 ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
  • 1956-1980 ông là Cán bộ giảng dạy Cổ sử Việt Nam, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp
  • 1959 ông là Trưởng nhóm/ Trưởng môn Khảo cổ học, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp
  • 1980-1993 ông là Giáo sư, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp
  • 1989-2005 ông trở thành Nhà giáo Ưu tú, Giám đốc Trung tâm Liên Văn hoá - Lịch sử Khoa Sử, Đại học Tổng hợp
  • 1993-1996 Trưởng môn Văn hoá học, Đại học Đại cương, Đại học Quốc gia Hà Nội
  • 1993-1996 Trưởng ngành Du lịch học, Đại học Tổng hợp
  • 1996-2005 Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Văn hoá Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày 22 tháng 9, 2003 ông lập gia đình lần thứ hai với người vợ trẻ hơn ông gần 30 tuổi (sinh năm 1963). Người vợ trước của ông đã mất trước đó khá lâu. 

Tứ trụ sử học Việt Nam đương đại
.
Ông được xem là một trong "tứ trụ" "Lâm, Lê, Tấn, Vượng"( tức gồm các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) của sử học Việt Nam đương đại. Theo lời giải thích của chính ông[1], đó là chuyện huyền thoại có lẽ hình thành vào cuối thập kỷ 1960, khi cả bốn ông đều nổi tiếng học giỏi. Ra trường vào giữa thập kỷ 1950, ba ông “Lâm, Lê, Vượng” học cùng khoá, còn ông "Tấn" học sau (thủ khoa năm 1957). Sau đó, theo lệnh của khoa, ông và giáo sư Hà Văn Tấn góp sức xây dựng ngành Khảo cổ học của khoa Sử, vì sau năm 1954, khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì ngành Khảo cổ Việt Nam hầu như chỉ còn là con số 0, không có một nhà khảo cổ học nào. Ông đã lên lớp đầu tiên về Khảo cổ học Việt Nam niên khoá 1959 – 1960, cùng với sự giúp đỡ tư liệu của giáo sư Hà Văn Tấn. 

Tác phẩm 

Ông đã viết nhiều bài nghiên cứu khoa học (trên 400 bài) đăng trên các tạp chí chuyên môn trong nuớc (Khảo cổ, Lịch sử, Văn học, Văn hoá Dân gian, Văn hoá Nghệ thuật...) và ngoài nước (Cornell University Press, North Ilinois, Yale University (Mỹ), Tokyo, Kyoto, Osaka University (Nhật), Seoul University (Hàn Quốc), Oxford University Press (Anh)…). Ngoài ra, ông đã viết và được in ấn nhiều sách (trên 40 cuốn) ở cả trong và ngoài nước, có thể kể đến như:
  • Việt Nam khảo cổ học (tiếng Nhật, Tokyo, 1993)
  • Trong cõi (California, 1993)
  • Theo dòng lịch sử (1995)
  • Some aspects of Vietnam culture (Mỹ, 1995)
  • Tìm hiểu văn hoá dân gian Hà Nội (1997)
  • Việt Nam, cái nhìn địa văn hoá (1998)
  • Vietnam folklore and history (Mỹ, North Ilinois, 1998)
  • Essay into the Vietnam past (New York, Mỹ, 1999)
  • Ngành nghề, tổ nghề, làng nghề Việt Nam (1999)
  • Làng nghề, phố nghề Thăng Long, Hà Nội (2000)
  • Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm (2000)
  • Trên mảnh đất nghìn năm văn vật (2001)
  • Tìm hiểu bản sắc văn hoá xứ Huế (2001)
  • Confusianism in East Asia (Seoul, Hàn Quốc, 2001)
  • Khoa Sử và tôi (2001)
  • Tìm hiểu bản sắc văn hoá xứ Quảng (2002)
  • Tìm hiểu bản sắc văn hoá dân gian Nam Bộ (2004)
  • Hà Nội như tôi hiểu (2005)
  • Con người – Môi trường – Văn hoá (2005)

Các hoạt động khác

- Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội (từ 1976 đến 2005)
- Phó Tổng Thư ký Hội Văn hoá Văn nghệ Dân gian Việt Nam (từ 1989 đến 2005)
- Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội (từ 1990 đến 1996)
- Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sử học Việt Nam (từ 1993 đến 2005)
- Chủ tịch Câu lạc bộ Ngành nghề thủ công truyền thống
- Chủ nhiệm câu lạc bộ Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (từ 1995 đến 2005)
- Cố vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin về Chương trình thiết kế - tu bổ - tôn tạo các di tích lịch sử (từ 1995 đến 2005)
- Tư vấn Uỷ ban nhân dân Hà Nội về các di tích lịch sử Hà Nội và Chương trình “Ngàn năm Thăng Long” (từ 1995 đến 2005)
- Uỷ viên Hội đồng tư vấn của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (2003-2004)

Khen thưởng

Ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1997) và rất nhiều Huân Huy chương khác.
Ngày 20 tháng 1, 2012, ông được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về Khoa học - công nghệ với cụm công trình Văn hóa Việt Nam: Truyền thống và Hiện đại gồm 3 tác phẩm: Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và Suy ngẫm, Việt Nam cái nhìn Địa - Văn hóa, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật [2].

Chú thích

  1. ^ http://www.vnn.vn/psks/baoban/2004/06/158635
  2. ^ http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30085&cn_id=506499

Đọc thêm:

Học trò của Giáo sư Trần Quốc Vượng lên thăm mộ Thầy
nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2012:



TS. Nguyễn Hồng Kiên châm thuốc mời Thầy

 




TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ) châm tửu mời Thầy.

Nguyễn Xuân Diện không được học Thầy Trần Quốc Vượng ở đại học, nhưng có may mắn được Thầy giảng ở lớp Cao học và được Thầy cho phép khi Thầy có giờ lên lớp thì đến Kim Liên đón Thầy đến Viện Hán Nôm và đưa Thầy về. Khóa học chỉ khoảng 1 tuần, hôm nào trước khi đưa thầy về nhà, hai thầy trò cũng ghé qua quán nhậu chân gà nướng ở Kim Liên. Đây là những cuốn sách do Thầy Trần Quốc Vượng tặng:

 







2 nhận xét :

  1. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 16:02 8 tháng 8, 2014

    GS Trần Quốc Vượng còn viết về Họ Hồ của Bác Hồ Chí Minh hay lắm mà chẳng thấy công bố !

    Trả lờiXóa

  2. ko ai con ngao nghe nhu ong nua !

    Trả lờiXóa