Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

TS. Lê Minh Phiếu: UNCLOS BẺ GÃY LUẬN ĐIỆU CỦA TRUNG QUỐC

UNCLOS bẻ gãy luận điệu của Trung Quốc

Việc Trung Quốc cho phép cảnh sát khám xét, bắt giữ và trục xuất tàu thuyền của các nước trên biển Đông đã đe dọa nghiêm trọng đến tự do hàng hải của thế giới.

Nhân dịp thế giới kỷ niệm 30 năm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu bài phân tích của TS luật Lê Minh Phiếu về những vô lý của Trung Quốc, chiếu theo các quy định của UNCLOS mà Trung Quốc cũng là một thành viên, trong việc cho phép cảnh sát Hải Nam “khám xét, bắt giữ tàu bè” nước khác trên biển Đông. 

Trung Quốc vừa cho phép cảnh sát Hải Nam khám xét, bắt giữ và trục xuất tàu bè nước khác “xâm nhập phi pháp” trên biển Đông từ 1-1-2013. Sau khi thông tin này được tung ra, rất nhiều nước trên thế giới ngay lập tức đã bày tỏ sự e ngại và phản đối. 

Cớ viện dẫn: Sai bét 

Trước tình thế đó, một quan chức tỉnh Hải Nam đã phải hạ giọng rằng quy định này chỉ nhắm vào tàu cá Việt Nam xâm nhập quần đảo Hoàng Sa mà trước đó “chưa có cơ sở luật pháp để trừng phạt”. Ông ta còn nói thêm quy định này chỉ áp dụng trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc tuyên bố là “đường cơ sở”.

Nếu đúng như lời của quan chức này thì chúng ta thấy rằng có hai cái cớ mà Trung Quốc viện vào để cho phép bắt giữ và trục xuất tàu bè nước khác: Thứ nhất, Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với Hoàng Sa; thứ hai, từ cơ sở đó họ cho rằng họ được kiểm soát biển xung quanh Hoàng Sa theo nguyên tắc “đất thống trị biển”.

Thế nhưng cả hai cái cớ mà Trung Quốc viện vào đều sai hoàn toàn.

Trước hết, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo này từ thời Nguyễn và đã thực thi chủ quyền trên quần đảo này cho đến khi bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực. Việc xâm chiếm bằng vũ lực này là bất hợp pháp, không được luật quốc tế công nhận. Do vậy, chủ quyền đối với Hoàng Sa vẫn mãi mãi thuộc về Việt Nam, đó là điều không thể bàn cãi.


Trung Quốc đòi kiểm soát tàu thuyền trên biển Đông là hoàn toàn trái luật pháp quốc tế và vô giá trị. Trong ảnh: Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt trên những ngư trường truyền thống, thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Ảnh: MC

Thứ hai, việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở xung quanh Hoàng Sa và kiểm soát vùng biển từ đường cơ sở đó cũng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Thật vậy, theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), một quốc gia ven biển nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Điều 7). Tuy nhiên, trong trường hợp của Hoàng Sa, quần đảo này nằm xa bờ. Và Trung Quốc cũng không áp dụng phương pháp quy định tại Điều 7 này mà áp dụng phương pháp của quốc gia quần đảo.

Theo UNCLOS, một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo (khoản 1 Điều 47). Có nghĩa là chỉ có quốc gia quần đảo mới được quyền vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo. Từ đó, quốc gia quần đảo sẽ được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở thẳng này và tùy thuộc vào nhiều yếu tố có thể hưởng thêm vùng đặc quyền kinh tế ngoài vùng lãnh hải.

Tuy nhiên, theo điểm a Điều 46 của UNCLOS, “Quốc gia quần đảo (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa”. Những nước như Indonesia hay Philippines là những nước thỏa mãn điều kiện này. Còn Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Trung Quốc không phải là quốc gia được hoàn toàn cấu thành bởi đảo, do vậy Trung Quốc không phải là quốc gia quần đảo. 

Chặn mưu đồ bá quyền 

Điều cần lưu ý là trong suốt Hội nghị LHQ lần thứ 3 về Luật Biển, các quốc gia lục địa đã cố đưa vào quy định cho phép quốc gia lục địa có quần đảo được vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo xa đất liền của họ. Tuy nhiên, nỗ lực này đã gặp sự phản đối kịch liệt từ các quốc gia không đồng ý việc mở rộng quy chế quần đảo đối với các quần đảo nằm giữa đại dương của các quốc gia lục địa, từ đó đi ngược lại lợi ích của quốc tế về tự do hàng hải. Cuối cùng nỗ lực này bị phá sản. Điều đó càng nhấn mạnh thêm rằng trong quá trình soạn thảo UNCLOS, các quốc gia đã cương quyết không cho phép một quốc gia ven biển (như Trung Quốc trong trường hợp này) được vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo xa bờ nào của họ.

Do vậy, Trung Quốc không được quyền vẽ đường cơ sở thẳng cho xung quanh bất kỳ quần đảo nào. Các đảo của Trung Quốc, nếu đảo đó thật sự thuộc chủ quyền của họ, chỉ được hưởng vùng lãnh hải có chiều rộng là 12 hải lý tính từ mép hòn đảo và tùy thuộc vào nhiều yếu tố có thể hưởng thêm vùng đặc quyền kinh tế ngoài vùng lãnh hải đó. Trung Quốc, vì không phải là quốc gia quần đảo, không được vẽ đường cơ sở xung quanh bất kỳ quần đảo nào.

Cần phải nhấn mạnh rằng Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải của Trung Quốc ngày 15-5-1996 có hai điều bất hợp pháp. Thứ nhất, Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với Hoàng Sa. Thứ hai, việc một quốc gia không phải là quốc gia quần đảo đi vẽ đường cơ sở xung quanh một quần đảo là hoàn toàn trái với UNCLOS. Do đó, việc Trung Quốc khám xét, bắt giữ và trục xuất tàu bè nước khác trong phạm vi 12 hải lý tính từ đường cơ sở xung quanh Hoàng Sa là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế! 

Thách thức và chà đạp UNCLOS 

Việc cho phép khám xét tàu thuyền này sẽ rất nguy hại cho Việt Nam. Khu vực biển xung quanh Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ xưa đến nay. Rồi đây tính mạng, tài sản và nhân quyền của ngư dân Việt Nam sẽ bị Trung Quốc đe dọa và xâm hại khi họ đánh bắt cá xung quanh quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia mình.

Chẳng những thế, điều này cũng gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế vì hai lẽ. Thứ nhất, Trung Quốc đang thách thức UNCLOS và chà đạp khoản 1 Điều 47 của UNCLOS.

Thứ hai, động thái mới này của Trung Quốc đã đe dọa nghiêm trọng đến tự do hàng hải của thế giới. Nếu như cho các đảo của Hoàng Sa được hưởng vùng lãnh hải theo UNCLOS thì phạm vi của sự tự do hàng hải của tàu bè thế giới sẽ nhiều hơn rất nhiều so với khi vẽ đường cơ sở cho Hoàng Sa.

Nếu như trước đây, theo lời của quan chức tỉnh Hải Nam đã nêu, “chưa có cơ sở luật pháp để “trừng phạt” thì bằng động thái mới này rõ ràng là Trung Quốc đã tạo cơ sở pháp lý cho sự “trừng phạt”. Đó cũng chính là “cơ sở pháp lý” cho việc hạn chế tự do hàng hải của thế giới trên biển Đông và cũng là luật hóa việc chà đạp UNCLOS - bản hiến pháp của đại dương - mà chính Trung Quốc đã phê chuẩn. 
UNCLOS - như một bản hiến pháp đại dương, đó là nền tảng vững chắc, một văn kiện bền vững đảm bảo trật tự, ổn định, khả năng dự báo và an ninh, tất cả vấn đề đều dựa trên một luật định.
(Trích lời Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhân kỷ niệm 30 năm UNCLOS ngày 10-12-2012)

UNCLOS được Hội nghị LHQ lần thứ ba về Luật Biển thông qua tại Montego Bay (Jamaica) ngày 10-12-1982. UNCLOS chính thức có hiệu lực ngày 16-11-1994. Đến nay đã có 163 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) thành thành viên của UNCLOS, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc

TS LÊ MINH PHIẾU

5 nhận xét :

  1. TQ đang cố tình chà đạp ;uật pháp quốc tế và đặt ra luật lệ của riêng mình , trước hết là lấy thịt đè người , khống chế các nước nhỏ nhưng có vị trí biển quan trọng nhất đối vói BĐ và TQ.
    TQ triệt để lợi dụng lúc kinh tế thế giói đang gặp khủng hoảng, các nước EU , Mỹ và Nhật cùng lao đao, nên dùng sức mạnh kinh tế và dân số của mình để bất chấp luật pháp quốc tế mà áp đăt ý chi của mình lên thế giới .
    Nhưng ý đồ của TQ không qua mặt được thế giới . Các nước đều nhận ra cái tai họa TQ đang hiện hình , đe dọa đến sự ổn định của thế giới . Đế quốc TQ ngày nay không chinh phục thế giới bằng vó ngựa như Thành Cát Tư Hãn, nhưng muốn khống chế thế giới bằng kinh tế và dân số áp đảo .
    Một điều chắc chắn là bộ mặt TQ ngày càng bị thế giới ghê tởm, ý đồ của TQ ngày càng bị thế giới phát hiện và một ngày không xa, thế giới , nhất là EU, Mỹ, Nhật tẩy chay TQ .
    Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, khi nhận ra TQ là mối nguy chính đe dọa Mỹ và an ninh thế giới, họ sẽ thẳng tay đối phó, và một TT Công Hòa như G.W. Bush sẽ dội bom TQ .

    Trả lờiXóa
  2. Rõ ràng là Trung Quốc từng bước thách thức và gây hấn với các nước láng giềng . Điều này không khác gì nước Đức Nazi thập niên 1930, khi Hitler chuẩn bị gây chiến với toàn thế giới .

    Dĩ nhiên, bọn Tàu phải ngu ngốc lắm mới lập lại kiểu tự sát của phát xít Đức . Tuy nhiên nếu thế giới cư' khoanh tay nhìn thì Trung cộng cứ tiếp tục lấn tới . Bọn Tàu lại đang trong cơn háo hức, điên loạn dân tộc chủ nghĩa chúng có thể làm chuyện điên để thách thức thiên hạ và lấy lòng dân . Không hiểu quốc tế sẽ yên lặng cho đến bao giờ ? Chưa nói đến việc nhiều "chiến lược gia", bình luận gia đê tiện (kiểu Brezinski của Mỹ hay Hugh White, Paul Keating của Úc - The China Choice) còn kêu gọi để cho Trung cộng "quản lý biển Đông và các nước Đông Nam Á !

    Ngày nay Âu châu đang kiệt quệ về kinh tế, nước Mỹ thì lệ thuộc vào tiền mặt (cash) của Tàu để có ngân sách mà nuôi bộ máy quốc gia khổng lồ của mình . Không biết các luật lệ quốc tế bị Tàu dẫm đạp 1 cách cực kỳ bỉ ổi, trơ tráo như vậy thì quốc tế có phản ứng cứng rắn nào không ? Hay là người ta đã chấp nhận thân phận đi xin tiền và sẵn sàng nhắm mắt để cho Tàu tung hoành ? Không lẽ các quốc gia Tây phương lại trở nên đớn hèn đến như vậy ?

    Trả lờiXóa
  3. Cách đây mấy ngày, khi Bắc Hàn bắn thử hỏa tiển đạn đạo tầm xa, thì "cả thế giới" quan tâm và khắp nơi lên án (widespread condemnation) hành động "liều lĩnh" này của Bắc Hàn .

    Thế nhưng khi hàng chục người Tây Tạng tự thiêu trong vòng 6 tháng nay, khi Tàu tung chiến hạm vào lãnh hải Nhật, hăm dọa Philippine, khi Tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam rất thô bạo, lại còn tuyên bố xâm phạm bất cứ tàu biển nào đi vào đường lưỡi bò lố bịch ... thì chẳng thấy ai lên án hành động "liều lĩnh", dã man của Tàu cộng cả !

    Có phải chúng ta đang sống trong thời đại nguy hiểm ? Tính cách 2 mặt càng lộ liễu . Kẻ xấu đang được vuốt đuôi, nịnh hót vì những kẻ tham tiền, cần tiền .

    Việt Nam cần tận dụng sức mạnh dân tộc thì mới bảo vệ được chủ quyền đất nước, thay vì đàn áp những người yêu nước và ve vuốt tên hàng xóm bỉ ổi .

    Trả lờiXóa
  4. Chuyện vô lý này chỉ có đ/c Tập là không hiểu thôi. Đ/c bận công tác nên ít học làm sao mà biết được điều 7 của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS)Mong các đ/c thông cảm cho. Kiểu cứ tuyên bố, sai đến đâu sửa tới đó....

    Trả lờiXóa
  5. Hôm nay tôi mới được biết và đọc bài của Lê Minh Phiếu. Cám ơn bạn rất nhiều!

    Trả lờiXóa