Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

"ĐÃ CÓ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO": MỘT MỆNH ĐỀ SAI TRÁI TOÀN DIỆN

“ĐÃ CÓ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO”: MỘT MỆNH ĐỀ SAI TRÁI TOÀN DIỆN 

Đào Tiến Thi 

 

Vấn đề này cũng đã có nhiều người đề cập nhưng tôi thấy vẫn cần phải nói thêm nhiều điều, vì nó hết sức sai trái. Vì nếu vẫn tiếp tục được vận dụng thì hậu quả hết sức tai hại. 

 

Không rõ cau khẩu hiệu này xuất hiện từ ngày tháng năm nào nhưng chắc chắn chỉ mới gần đây, khi lực lượng chức năng phải trấn áp những cuộc biểu tình chống sự xâm lược của nhà nước Trung Hoa Cộng sản (Trung Cộng). Trước đó ít năm, từ thời đói ăn bước sang thời kỳ đổi mới, một khẩu khẩu hiệu mọi người lấy làm phương châm nằm lòng là “Hãy tự cứu mình”. Nghĩa là ngay trong việc kiếm miếng ăn hằng ngày, Đảng và Nhà nước cũng không lo thay được người dân (hay chí ít mỗi người dân phải cứu mình trước khi được Đảng và Nhà nước cứu). Trước đó nữa, khẩu hiệu/ phương châm mà ai cũng phải thuộc lòng là “Mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người”. Câu ấy suy rộng ra nghĩa là: Đảng và Nhà nước vì nhân dân, và nhân dân cũng vì Đảng và Nhà nước, không ai được phép bỏ mặc ai. 

 

Thế thì vì lý do gì mà bây giờ người ta lại lấy câu “Đã có Đảng và nhà nước lo” làm khẩu hiệu, làm chân lý để giải tán biểu tình chống xâm lược? 

 

Ta hãy bàn về chữ “lo” trước. “Lo” theo Từ điển Tiếng Việt có các nghĩa sau: 1. Ở trong trạng thái phải bận tâm, không yên lòng vì việc gì đó vì cho rằng có thể xảy ra (Con ốm, mẹ lo cuống quýt). 2. Suy tính, định liệu, chuẩn bị điều kiện, biện pháp để có thể làm tốt việc gì đó thuộc về trách nhiệm của mình (Lo xa). 3. Để cả tâm trí và sức lực vào nhằm làm tốt và thực hiện cho được một công việc cụ thể nào đó (Lo học). 

 

Như vậy, từ “lo” trong câu đang bàn thuộc nghĩa thứ hai. Đảng và Nhà nước “lo” tức là đề ra chủ trương (chiến lược, sách lược) và chịu trách nhiệm về những thành bại do chủ trương ấy. 

 

Đảng và Nhà nước lo việc chống xâm lược thì đúng rồi, nhưng chỉ có (và chỉ có) Đảng và Nhà nước mới có quyền được lo việc chống xâm lược thì lại sai. 

 

1. Về lý thuyết, mệnh đề “Đã có Đảng và Nhà nước lo” trái với tất cả các nguyên lý (đã được nêu thành khẩu hiệu) trước đó. Ví dụ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; Quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử (triết học duy vật lịch sử của CN Mác – Lênin), Dễ muôn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, v.v.. Ngoài ra nó còn trái với cả Hiến pháp hiện hành. Điều 73 của Hiến pháp  viết: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Và Điều 53: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân”. 

 

Ở đây cũng cần phải xác định rạch ròi “Đảng” là ai, “Nhà nước” là ai, “nhân dân” là ai. 

 

Nhân dân thì thật dễ xác định. Đó là tất cả những người lao động không nằm trong bộ máy quyền lực. Nhưng “Đảng”, “Nhà nước” thì không đơn giản. Một đảng viên sai trái mà kết luận rằng Đảng sai trái thì sẽ là không “biện chứng”. Đảng ở đây là Đảng Cộng sản Việt Nam, là một thực thể nhưng là một thực thể khá trừu tượng. Vì Đảng cầm quyền thông qua bộ máy Nhà nước. “Đảng lo” phải chăng tất cả các đảng viên của Đảng đều lo? Không phải. Vì chỉ một số ít đảng viên giữ các chức vụ trong bộ máy Nhà nước, còn đa số không có quyền lực gì hơn người ngoài Đảng, nên họ chỉ là Đảng “làm”, không phải Đảng “lo” (có muốn lo cũng chịu), cho nên thực chất những đảng viên này cũng là nhân dân. Vậy Đảng “lo” là các cán bộ có chức có quyền? Cũng không hẳn. Vì hệ thống Đảng là một hệ thống tuân thủ theo thứ bậc rất chặt chẽ, nhất nhất theo chỉ đạo của cấp trên, không thể tự mình “lo” (việc của mình) được. Mỗi cấp uỷ Đảng lo cho cấp dưới còn việc của mình thì lại có cấp trên của mình lo. Cứ dồn ngược mãi lên thì Đảng “lo” là 14 vị U.V. Bộ Chính trị hoặc chỉ là ông Tổng bí thư. Nhưng Điều lệ Đảng lại không quy định ông Tổng bí thư hay Bộ Chính trị, hay BCH Trung ương phải chịu trách nhiệm về những điều nói trên. 

 

Tóm lại, vẫn biết “Đã có Đảng lo” nhưng cụ thể ai lo thì không xác định được! 

 

Tình hình đối với Nhà nước cũng tương tự như vậy. Tuy Nhà nước là một thực thể dễ xác định hơn (có bộ máy hành chính – công vụ, có quân đội, có luật pháp, có ngân khố quốc gia và nhiều tài sản khác), nhưng Nhà nước (ở ta) lại chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; nói cách khác, tất cả bộ máy Nhà nước là nơi hiện thực hoá chủ trương của Đảng. Cho nên Nhà nước cuối cùng cũng không phải chịu trách nhiệm về chính mình. Một chứng cớ hùng hồn chứng minh cho điều này là trường hợp đồng chí X vừa rồi, sau khi bị phê phán, đồng chí X đã nói rất rành mạch, tự tin (và có lý nữa), rằng tất cả do Đảng phân công, do Đảng chủ trương chứ đồng chí ấy không xin Đảng cái gì, cũng không làm trái Đảng điều gì. 

 

Cho nên, vẫn biết “Đã có Nhà nước lo” nhưng khó mà truy ai lo, ai phải chịu trách nhiệm việc gì. 

 

2. Về thực tế, chỉ trong mấy năm gần đây đã cho thấy Đảng và Nhà nước không thể tự mình lo được việc chống giặc ngoại xâm.

Chỉ tính từ khi nhà cầm quyền Trung Cộng có nhiều hành động xâm phạm quá đáng chủ quyền của Việt Nam, và vì thế xảy ra biểu tình chống Trung Cộng, bắt đầu từ 12-2007, và do đó xuất hiện khẩu hiệu “Đã có Đảng và Nhà nước lo”, đến nay vừa 5 năm, thì tình hình chả hề tốt lên; trái lại ngày càng xấu đi. Việc bắt bớ ngư dân hồi 2007 trở về trước còn lẻ tẻ thì nay xảy ra như cơm bữa. Riêng năm ngoái hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta. Còn tính riêng từ cuối tháng 6 đến nay, trong vòng 6 tháng, Trung Cộng đã liên tiếp vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam:

- Mời thầu 9 lô dầu khí trên vùng biển của Việt Nam.

- Đưa hàng nghìn tàu thuyền rầm rộ vào đánh trong vùng biển của Việt Nam.

- Nâng cấp huyện Tam Sa (gồm Qđ. Hoàng Sa và Qđ Trường Sa của Việt Nam) thành thành phố Tam Sa, xây dựng trên đó ngày càng đầy đủ một đầu não hành chính, kinh tế và quân sự.

- Lần thứ ba cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta. Đáng chú ý là nó diễn ra tại địa điểm gần bờ của Việt Nam hơn hai lần trước và tàu vi phạm là tàu cá chứ không phải tàu hải giám. Đáng chú ý hơn nữa là: trong ba ngày đầu khi ta im lặng thì Trung Cộng cũng im lặng, nhưng sau khi chính phủ ta tuyên bố phản đối thì họ đổi trắng thay đen, chối phắt chuyện cắt cáp và dựng chuyện tàu thăm dò dầu khí của ta xâm phạm vùng biển của họ.

- Và sắp tới đây, nhà cầm quyền Trung Cộng còn cho phép cảnh sát tỉnh Hải Nam lục soát, chiếm tàu hoặc tịch thu các hệ thống liên lạc trên tàu trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (toàn bộ đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tich Biển Đông). Nếu chủ trương này không bị ngăn chặn thì khu vực nằm trong đường lưỡi bò chẳng bao lâu sẽ thuộc về Trung Quốc.

Tục ngữ Anh có câu “Cái tường thấp mời kẻ trộm”. Những hành động ngày càng trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Cộng ngoài lý do tham vọng quá lớn ở Biển Đông còn có lý do quan trọng là do Đảng và Nhà nước Việt Nam phản ứng quá yếu ớt. Và xu hướng không hề sáng sủa. Có lẽ chúng tiến đến đâu thì ta lùi đến đó!

Vì sao có tình trạng ấy? Vì Đảng và Nhà nước gần như đối đầu với nhân dân trong vấn đề chống xâm lược. Nhà nước đàn áp khốc liệt các cuộc biểu tình chống Trung Cộng. Vậy làm sao Trung Cộng không được đà lấn tới? Chúng ngày càng coi Đảng và Nhà nước Việt Nam không ra gì hết, nên cứ thỉnh thoảng lại “bóp mũi” để ra một yêu sách mới.

Vì Đảng và Nhà nước tự cô lập mình nên trở nên đơn độc. Mà đơn độc thì yếu đuối. Vả lại, không có nhân dân hậu thuẫn nên cũng không có áp lực về vấn đề chịu trách nhiệm. Mất toàn bộ Qđ. Hoàng Sa năm 1974 không ai chịu trách nhiệm. Mất đảo Gạc Ma trong Qđ. Trường Sa năm 1988 không ai chịu trách nhiệm. Những năm gần đây tàu Trung Quốc tự do ra vào đánh cá trên vùng biển của ta, 3 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta, liên tiếp bắt bớ đánh đập ngư dân ta, rao bán các lô dầu khí của ta,… nhưng cũng không quan chức nào phải chịu trách nhiệm.

Ngược lại lịch sử trước đó chưa lâu, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân lo đánh giặc thì khác hẳn. Dưới đây xin trích một số câu thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mấy năm đầu kháng Pháp cũng đủ thấy cái không khí “toàn dân lo” chứ chẳng bao giờ chỉ có Chính phủ lo: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào! Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/  Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!(Xuân Đinh Hợi, 1947). Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công. (Xuân Mậu Tý, 1948). Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua(Xuân Kỷ Sửu, 1949). 

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, triều đại nào dựa vào dân thì mạnh, xa dân, đối đầu với dân thì yếu và quân xâm lược thừa cơ đó mà thôn tính. Chỉ xin lấy hai triều đại làm ví dụ.

Thời nhà Trần (thế kỷ XIII), do “vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức” (lời Trần Quốc Tuấn) nên ba lần đánh thắng giòn giã quân Mông – Nguyên, một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới đương thời, một đội quân gây tang tóc cho cả hai châu lục Á – Âu.

Thời nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX) do chính sự hà khắc, nhân dân oán thán, cho nên triều đình tuy có kháng chiến nhưng do dự, lừng chừng, trong lúc có giặc ngoại xâm mà vẫn đàn áp nhân dân một cách khốc liệt, do đó không bao giờ dám kiên quyết với giặc, làm cho quân Pháp có điều kiện gặm dần nước ta. Một điều gần như quy luật trong cuộc chiến này là: khi quân Pháp yếu, bị các đội nghĩa binh tự phát của nhân dân bao vây, đánh tỉa thì chúng tìm cách “hoà” với triều đình; khi chúng mạnh thì chúng mở rộng xâm lược, bất chấp những hoà ước đã ký. Còn phía triều đình thì lúc nào cũng chỉ lo cầu “hoà”, thậm chí để được lòng quân Pháp, có lúc triều đình tìm cách hạn chế hoặc đàn áp các đội nghĩa binh đang tích cực kháng chiến. Nguyên nhân sâu xa là do vua quan quá nhiều quyền lợi phi nghĩa, dẫn đến tư tưởng sợ dân hơn sợ giặc. Đi với giặc vẫn tưởng bảo tồn quyền lợi nhưng rút cục khi đủ mạnh, quân Pháp đánh một đòn quyết định buộc triều đình đầu hàng (điều ước Harmand, 25-8-1883). Một cuộc phản công muộn màng do phái chủ chiến tiến hành sau đó (7-1885) không lấy lại được thế thất bại.

Khẩu hiệu “Đã có Đảng và Nhà  nước lo” hiện nay còn nguy hiểm ở chỗ nó tạo nên sự lười nhác và vô trách nhiệm trong mỗi công dân. Tình trạng vô cảm mà ai cũng có quyền kêu than chắc chắn có sự góp phần của cái mệnh đề trên. Điều này trái hẳn với truyền thống dân tộc khi cha ông vẫn dạy “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Thật xấu hổ khi chúng ta nhắc đến cậu bé Trần Quốc Toản bóp nát quả cam lúc nào không biết vì mải nghe các vương hầu luận bàn kế đánh giặc, hay chàng trai đan sọt Phạm Ngũ Lão mải lo việc nước mà ngựa của Hưng Đạo Vương đi qua không biết cho đến khi bị quân lính đâm giáo vào đùi.

Chỉ nhắc đến thế thôi cũng đã thấy cái cực kỳ vô lý và phản động của câu khẩu hiệu “Đã có Đảng và Nhà  nước lo”. Ai là người đề xướng ra khẩu hiệu này? Tôi nghĩ chắc chắn không phải các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước mà chỉ do ai đó “sáng tạo” trong quá trình thực thi công vụ phi lý là dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Cộng mà thôi. Thật là lợi bất cập hại cho chính Đảng và Nhà nước. Tới đây chẳng lẽ lùi mãi trước những hành động ngang ngược của Trung Cộng? Cuối cùng khi đã bị dồn đến chân tường, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước vẫn phải chống Trung Cộng xâm lược. Nhưng lúc ấy liệu nhân dân còn ủng hộ? Giả sử lúc đó quân đông, vũ khí tốt thì còn làm được gì? “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”, bi kịch ấy của Hồ Nguyên Trừng, một vị tướng tài ba xuất chúng thời nhà Hồ chả lẽ không khiến ai hôm nay mảy may xúc động?
Đ.T.T

Xin mời cùng xem lại các bài cùng chđề "Đã có Đảng và Nhà nước lo"

9 nhận xét :

  1. Một bài phân tích quá hay và quá sâu sắc.Chỉ nhắc đến thế thôi cũng đã thấy cái cực kỳ vô lý và phản động của câu khẩu hiệu “Đã có Đảng và Nhà nước lo”. Ai là người đề xướng ra khẩu hiệu này Câu này có khi là mưu đồ của bọn phản cách mạng.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Đào Tiên Thi đã nói giùm tâm trạng của tất cả những người có lòng yêu nước, luôn canh cánh vì sự tồn vong của đất nước. Nhà em cũng buồn lòng lắm, nhưng lại có cảm giác là người dân chúng ta biết đã muộn, mọi việc đã an bài rồi. TQ đã thắng, đồng tiền đã thắng. Nhiều khả năng nêu đưa sự việc biển đông ra trước quốc tế thì nước ta cũng chỉ có thua thôi.
    Trước suy nghĩ như trên nên nhà em bi quan lắm. Thôi cứ để Đảng và Nhà nước lo. Người dân hãy tự lo cho mình, chuẩn bị hành trang ngay từ bây giờ, khi có chuyện là chuồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không đâu bác ạ. Ngày nào mà nước Nam vẫn còn những công dân yêu nước thương nòi, dám đứng lên nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ non sông và hạnh phúc của đồng bào, thì không bao giờ là tuyệt vọng cả.

      Bác ơi, tôi lớn lên ở miền Nam, đã trải qua những ngày tháng nhìn quê hương mà tưởng chừng như tuyệt vọng. Thực tế là tôi đã từng thấy chung quanh mình có những người tự đi tìm cái chết, chết tức thì hay chết dần dần, vì tuyệt vọng đó bác à. Và cũng có rất nhiều người đã đâm đầu vào chỗ chết nhiều hơn sống, chỉ vì hy vọng muốn thoát ra khỏi tình trạng tuyệt vọng ấy.

      Nhưng, "dịch cùng tắc biến". Cái gì đã xuống đến tận cùng rồi thì chỉ còn một con đường là đi lên. Niềm tin và niềm hy vọng sẽ là sức mạnh chính yếu của dân tộc mình, chúng ta đừng đánh mất nó, bác nhé. Không phải vì tôi ngồi bên Mỹ mà tôi hy vọng đâu. Nói thực là chính các bác ở trong nước đã thắp lại niềm hy vọng lớn lao trong tôi đó.

      Chúng ta yêu Việt Nam, yêu vô cùng, phải không bác? Vậy thì tình yêu ấy sẽ nâng chúng ta dậy, dẫn chúng ta đi, và chắc chắn định mệnh của dân tộc chúng ta, số phận của con cháu chúng ta, tùy thuộc trước tiên vào sự bền chí của chúng ta, bác ơi!

      Xóa
  3. Bài viết rất hay và ý nghĩa, tôi cũng chỉ muốn nói thêm rằng, không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền, mà trong nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội...nữa, không thể lúc nào cũng nói đã có đảng và nhà nước lo !? Đất nước, tổ quốc là của 90 triệu dân không phải của riêng đảng cộng sản, đảng cộng sản là một chính thể chỉ có 3 triệu, vậy không lẽ 3 triệu đảng viên đảng cộng sản lo cho 87 triệu dân chúng tôi và 87 triệu dân chúng tôi cứ ngồi đó nghe 3 triệu đảng viên nói sao nghe vậy ? Có vô lý không ?

    Trả lờiXóa
  4. nghe câu này quá Quen rồi, nếu có 1 trận chiến như năm 1979 nữa, Tôi cũng mong muốn Dảng và nhà nước 1 mình lo nhé? 3 triệu Đảng viên và gia đình hãy ra mặt trận chiến đấu, quần chúng và nhân dân cứ ở nhà bình yên làm ăn vui vẻ để....Đảng và nhà nước Lo rồi???

    Trả lờiXóa
  5. Chắc câu này là của gián điệp TQ. Họ muốn tách Đảng và Nhà nước ta xa nhân dân. Sức mạnh xây dưng và bảo vệ Tổ quốc là khối đoàn kết toàn dân với đảng và Nhà nước. Trong quá khứ VN đã thắng các quân xâm lược hung hãn bằng chiến tranh nhân dân. Động viên được toàn dân lo việc nước là tạo được sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù!

    Trả lờiXóa
  6. „Phản khoa học“ cũng là „phản động“!

    Thưa bác Đào Tiến Thi,
    Bài viết của bác rất kỹ, đúng „trọng tâm“ và kịp thời; đã gợi mở nhiều suy tư về nhận thức và thời cuộc. Xin được trao đổi những điểm chính như một phác thảo.
    [Tôi chọn nơi Trang nhà của Anh Diện để trao đổi cùng bác Thi là muốn đi sâu vào những điểm cụ thể gần như trao đổi riêng - Cảm ơn anh Nguyễn Xuân Diện]

    *
    Ba ý nghĩa của „lo“ có thể “định vị” thêm theo hướng sau:
    1: LO SỢ;
    2: LO TOAN (dự phóng về tương lai. “Gái ba mươi tuổi đã TOAN về già” nghĩa là đã “toan tính”, đặt chương trình, kế hoạch cho cái tuổi già sẽ đến; Cũng là LO XA vậy.);
    3: LO TÍNH công việc làm ăn cụ thể.
    Qua sự trình bày và nhìn nhận cụ thể từ thực tế thì việc “lo” của “đảng và nhà nước” chỉ có thể là cái thứ nhất: LO SỢ. Nếu biết “lo xa” thì đã không “ăn xổi, ở thì” lo bán nguyên liệu, lo đào Bauxite Tây Nguyên lên bán vội bán vàng bất biết “phản ứng phụ” nguy hại như thế nào. Nếu biết “lo tính” thì các tập đoàn nhà nước đã không làm ăn vô kế hoạch, vô kiểm soát để nền sản xuất không thể làm ra lãi và kéo đổ nền kinh tế quốc dân.
    LO SỢ cụ thể là nỗi lo khá “viển vông” mà có thực trong tư duy của “đảng và nhà nước”: Lo “chế độ” lung lay và đảng sụp đổ.
    “Đáp án” cho nỗi SỢ là đáp án sai, vì không khoa học.

    *
    Tiến tới một lý giải khả chấp cho mình, tôi “đành” tìm hiểu “lý thuyết hệ thống” và phác ra ý tưởng “CƠ-LINH tương tác”. Xin giới thiệu với bác Thi và anh Diện sơ khảo ban đầu của tôi.
    Một “hệ thống” có thể coi là một “quốc gia”, một cộng đồng, một nhóm hội. Tính chất và yêu cầu cơ bản (quyết định) của một “hệ thống” là SỰ ĐỒNG NHẤT và TÍNH BỀN VỮNG. Cả 2 tính chất, yêu cầu này lại dựa trên sự cố kết (liên kết bền vững) của “các hợp phần hệ thống” mà trong trường hợp cụ thể của một quốc gia là sự gắn bó giữa Nhân dân và Chính quyền (thực chất là với đảng Cộng sản Việt Nam). “Để (cho một bên nào đó) lo” thì đã là sự TÁCH BIỆT, là PHÁ VỠ SỰ GẮN KẾT cần thiết: Dân “lo” một mình cũng không được, vì sự “lo toan”, “lo tính” này không có được sự điều phối; Lãnh đạo mà “lo” một mình càng không được vì không thể và không biết LÀM, kết quả là chỉ có SỢ mà thôi.
    Vì sợ mà như người đuối sức bám vào BỌT là 16 chữ “vàng giả” và 4 “tốt đểu” và chính “động tác” này làm tiêu biến SỰ ĐỒNG NHẤT dân tộc và gây nguy hại cho TÍNH BỀN VỮNG của Quốc gia!

    Nhận thức của “đảng và nhà nước” không đúng tinh thần khoa học nên hành động đã thành PHẢN ĐỘNG là xa rời lợi ích Dân tộc, chống lại Nhân dân và bạo hành đối với các hành động Yêu Nước của quần chúng.
    Buồn và tiếc cho “đảng ta” còn có không ít những người tốt và suy nghĩ chính đính!

    Xin đọc và nhìn nhận với tinh thần “nghiêm túc khoa học”.
    Trân trọng cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi cũng thấy vô lý. Thắng bại đều phụ thuộc vào người dân. Đến khi kháng chiến xảy ra, dân mang giấu hết thóc gạo đi dù có bắt bớ đánh đập họ cũng không nộp cho nhà nước vì nhà nước có có cho họ lo đâu, lúc đó lấy gì nuôi quân đây. Hoặc giả quân ta chạy trốn vào nhà dân, Tàu đến, dân không che dấu thì chắc chết chứ còn gì.
    Thằng nào nghĩ ra câu "Đã có Đảng và Nhà nước lo" là thằng phản động bậc nhất và là tên phản dân hại nước số 1 đó bà con ạ.

    Trả lờiXóa
  8. Đảng csVN không bao giờ nói câu này đâu vì chỉ có những tên vô học mới nói thế.

    Cả thế giới này đều hoạt động vì dân và lấy dân làm đối tượng để chính quyền phục vụ.

    Kẻ nào nói đã có đảng và nhà nước lo là kẻ phản động, phản đảng và vô liêm sĩ nhất.

    Trả lờiXóa