Vô tận lòng dân
Đào Tiến Thi
Theo lời mời của bà
con nông dân Văn Giang (đăng trên mạng), tôi quyết tâm gác lại tất cả đống công
việc bề bộn liên quan trực tiếp đến cơm áo gạo tiền của gia đình tôi để được mục
kích tận nơi mảnh đất mà mình vốn không có quan hệ gì nhưng cũng phải rơi nước
mắt, phải phẫn nộ khi xem hình ảnh “Trận chiến Văn Giang” ngày 24-4 năm nay.
Trên đường rẽ vào
khu vực 3 xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công, bà con đã chia nhau từng chặng đứng
chờ để đưa khách vào làng. Đến gần địa điểm gặp gỡ (cổng UBND xã Phụng Công),
bà con đứng chật hai bên đường vẫy tay, phất cờ, cứ như cảnh đón chào bộ đội của
đồng bào Thủ đô năm 1954 hay đồng bào Sài Gòn năm 1975.
Trụ sở UBND xã to
rộng khang trang nhưng đóng cửa im ỉm, không một bóng người. Cán bộ lớn nhỏ
lánh mặt hết và cũng từ chối luôn không cho bà con mượn hội trường. Bà con còn cho
biết hôm nay xã tổ chức “Đại hội toàn dân đoàn kết” tại nhà văn hoá xã nhưng
chỉ mời những hộ đã “quy thuận” (chịu nhận tiền đền bù rẻ mạt). Thật là hài khi
gọi đó là “Đại hội toàn dân đoàn kết” mà lại có sự phân biệt như vậy.
Không mượn được hội
trường thì bà con dựng rạp ngay bên ngoài hàng rào trụ sở UB để đón khách. Một
bác chỉ cho tôi vài gương mặt công an mặc thường phục đang ngồi có vẻ tỉnh bơ
nhưng mắt vẫn lấm lét theo dõi. Biết thế thôi chứ cũng chả ai để ý đến những
ông “Gia ve” ấy làm gì. Chỉ thấy cảnh tíu tít đón khách, tíu tít chuyện trò.
Một vài chị nhận ra trong số chúng tôi có người đã đến đây sau “Trận chiến Văn
Giang”, thế là mừng mừng tủi tủi, miệng cười mà mắt rưng rưng lệ, chẳng khác
cảnh gặp lại người thân sau cuộc ly loạn. Tôi là người lạ nhưng bà con không để
ý gì về “nhân thân” (cái thói thường thấy ở các cuộc tụ họp để nếu người có địa
vị thì “o bế”, chăm sóc, ngược lại thì dửng dưng). Bà con ở đây chỉ cần biết đó
là khách là bà con quý mến, sẵn sàng giãi bày, kể mọi thứ chuyện. Biết bao
nhiêu là chuyện bất công và thương tâm đã xảy ra với mỗi gia đình mà tôi không
thể nào nhớ hết, ghi kịp. Thì ra chính tôi cũng chỉ mới biết những chuyện xảy ra
từ đầu năm đến nay, chủ yếu là sau “Trận chiến Văn Giang” 24-4, chứ thực ra bà
con nông dân ở đây đã chiến đấu không mệt mỏi từ năm 2004 đến nay, kể từ khi có
quyết định thu hồi đất ngày 30-6-2004 do Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Đã
từng xảy ra vụ cưỡng chế lớn năm 2009, năm 2011. Đã từng có vụ kỷ luật 28 đảng
viên (trong đó có nhiều cựu chiến binh, cán bộ hưu trí) vào năm 2011, chỉ vì
“không nhận tiền đền bù”, để rồi sau đó trước lý lẽ và tư thế dõng dạc của người
bị kỷ luật, chính nơi ra quyết định kỷ luật lại phải ra quyết định huỷ quyết
định kỷ luật ấy. Đã có những lão nông bị cảnh sát cơ động đánh đến ngất xỉu,
phải chữa thuốc hết gần chục triệu đồng, nhưng không có ai quay được cảnh ấy
nên không mấy người biết. Và chính quyền địa phương trù úm, chơi xấu những
người “cứng đầu” bằng đủ mọi cách, từ “xử phạt hành chính” cho đến dùng xã hội
đen chặt phá cây cảnh, ném đá vào mái nhà, vào quán bán hàng,...
Một chị lớn tuổi nói với chúng tôi: “Tôi đã nói nhiều lần với các ông cán bộ: các ông chỉ cướp được đất này khi tiêu diệt đến người cuối cùng, chứ còn một người, chúng tôi vẫn chiến đấu”.
Điều chúng tôi vô
cùng khâm phục là bà con ở đây nghiên cứu rất kĩ đường lối chính sách, từ vĩ mô như tư tưởng Hồ Chí Minh đến vi mô
như các nghị định, quyết định để kiên trì đấu tranh một cách ôn hoà, hợp pháp.
Ngay cả ngày xảy ra “Trận chiến Văn Giang” khói lửa, súng đạn mù trời thì bà
con cũng rất tránh đụng độ với người nhà nước để không rơi vào cái bẫy “chống
người thi hành công vụ”. Ròng rã 8 năm (2004 – 2012) kéo lên xã, lên huyện, lên
tỉnh, lên trung ương, ăn tuyết nằm sương để gõ các cửa, từ cửa bé đến cửa lớn,
cửa Đảng, cửa Chính phủ, cửa Mặt trận,... không thể kể xiết bao nhiêu cuộc, có
cuộc đông đến hàng nghìn người nhưng không hề manh động, không ai bị kết tội
“chống người thi hành công vụ”. Bất giác tôi nghĩ đến đoạn kịch tính “Tức nước
vỡ bờ” trong Tắt đèn. Bà con ở đây “tức nước” nhưng không để “vỡ bờ”. Một chị
Dậu mạnh mẽ, quả cảm “Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế,
tôi không chịu được” nhưng cũng là một kiểu cùng đường, liều lĩnh, không thắng
được cường quyền mà mình lại mắc vòng lao lý. Một anh Dậu yếu đuối vừa run vừa
kêu “U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì
mình phải tù, phải tội”. Một vị giáo sư đã dạy chúng tôi rằng “anh Dậu thật là
thảm hại trước chị Dậu", nhưng thực ra anh
Dậu có cái lý của anh. Anh nhận thức đúng cái thực trạng xã hội bất công. Bà
con Văn Giang hôm nay nhận thức sâu sắc điều ấy cho nên biết kết hợp cả mặt
mạnh của chị Dậu lẫn anh Dậu đồng thời hạn chế mặt yếu của mỗi người. Trên mỗi
gương mặt cô bác, vừa có cái khổ đau nhẫn nhục lại vừa ánh lên nét rắn rỏi tự
tin, không khuất phục trước bất cứ sự đè nén nào. Một chị lớn tuổi nói với
chúng tôi: “Tôi đã nói nhiều lần với các ông cán bộ: các ông chỉ cướp được đất
này khi tiêu diệt đến người cuối cùng, chứ còn một người, chúng tôi vẫn chiến
đấu”.
Sau “Trận chiến Văn
Giang” ngày 24-4, tôi luôn hình dung một không khí tang tóc tại nơi đây. Hoá ra
không phải. Đau thương có. Phẫn uất có. Song sức sống cao hơn đau thương, sự
kìm nén cao hơn phẫn uất. Đồng ruộng lại xanh. Những vườn cây cảnh lại đầy hứa
hẹn. Sức sống của nông thôn Việt Nam thật là kỳ diệu. Ai đó đã tổng
kết: Việt Nam
nhiều phen mất nước nhưng chưa bao giờ mất làng. Làng còn thì nước có ngày được
khôi phục. Bản thân tôi, sau mùa hè tham gia biểu tình chống xâm lược, bị đàn
áp, bị lăng nhục, có lúc tôi đã thất vọng buông xuôi: “Thôi thánh hiền, thôi
tiên phật, thôi hào kiệt, thôi anh hùng, Nghìn năm cuồn cuộn nước về Đông...”.
Nhưng hôm nay bà
con Văn Giang đã truyền cho tôi lửa sống, cho tôi tin vào khả năng bất diệt của
dân tộc này. Xin mượn mấy câu thơ của Chế Lan Viên để kết thúc bài viết:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng, bỗng gặp cánh tay đưa.
Đ.T.T
Hoan hô bà con nông dân Văn Giang!
Trả lờiXóa"Tôi đã nói nhiều lần với các ông cán bộ: các ông chỉ cướp được đất này khi tiêu diệt đến người cuối cùng, chứ còn một người, chúng tôi vẫn chiến đấu"
Vô cùng cảm động, vô cùng vui mừng và khâm phục ý chí quyết tâm của bà con nông dân Văn Giang. Kính chúc bà con sức khỏe, chân cứng đá mềm!
Xin chân thành cảm ơn bác Đáo Tiến Thi cùng tất cả những người yêu nước đã về thăm Văn Giang hôm nay.
Một điều nữa, hãy nghe một bác nông dân Văn Giang phát biểu và bỏ ngay chữ "UỶ BAN NHÂN DÂN" đi!
"Ngày hôm nay là cái ngày mời các vị đại biểu về, để chứng minh, để thăm vườn cây cảnh của nhân dân Văn Giang nhưng chính quyền họ không cho vào hội trường... hội trường của dân, dân phải được đón tiếp khách ở đó, dân lại đón ở đầu đường xó chợ, rất khổ cho dân."
Ủy ban mới cấp xã mà đã to đùng ngã ngửa, chiếm bao nhiêu đất, tốn bao nhiêu tiền của xây dựng, và dân sẽ phải è cổ nuôi báo cô những người làm việc ở đó đến hết đời thì thử hỏi các cấp cao hơn còn kinh hoàng thế nào(!?)
Đáng buồn cho cái bộ máy hành chính cồng kềnh, kệch cỡm, phô trương, vô tích sự, tốn cơm tốn gạo của dân... bảo sao dân không khổ, nước không nghèo!!!
Tôi hết sức cảm kích khi đọc những dòng viết này của tiến sĩ.
Trả lờiXóaSự thật về niềm tin và lòng dân.Vì đảng quên mình.
Trả lờiXóabà con Văn gian hãy tin rằng: Hàng chục triệu người dân trong nước và cả nước Ngoài luôn bên cạnh bà, con.mỗi nỗi đau của Bà, con đều là nỗi đau của hàng chục triệu người dân khác
Trả lờiXóaTừ Văn Giang nhìn nhận về nền Văn hóa Nhân bản
Trả lờiXóaThưa bác Đào Tiến Thi,
Tôi đã lập một thẻ (file) và đặt tiêu đề „VanGiang_121118“ để chép lại các bài phóng sự „Về thăm Văn Giang“ hôm nay. Tôi đã đọc bài của bác và rất tâm đắc những cảm nhận, suy tư trong bài này.
Xin nhờ bác Trang chủ cho phép chia sẻ cùng bác những cảm nhận của tôi. (Tôi cũng đã chia sẻ ít nhiều với thân hữu và cảm thấy nên nén bớt xúc động; Nhưng rồi vẫn muốn viết thêm để gửi đến bác.)
*
Chữ „trận chiến Văn Giang“ viết ra và đọc lên thấy thật đau xót; Nhưng thực sự là như thế.
Tôi viết:
Hãy nhớ lấy lời Dân!
Nhiếu năm sau hãy nhớ lại hôm qua:
Hai-bốn tháng Tư (2012), khói lửa mịt mờ,
Bất chấp đạn bom, DÂN Văn Giang lấy thân mình để giành giữ ĐẤT.
Không tin được ư? – Đó chính là SỰ THẬT!
Đó chỉ là những chữ „lẩy“; Nhưng thật không ai ngờ rằng sau 1954, sau 1975, những người dân của chúng ta vẫn còn phải gian nan trong cuộc tranh đấu để giữ đời và dựng xây xã hội!
*
Từ „Tầm cao Dân trí Văn Giang“, cái nhìn soi dọi của bác về „Tắt đèn“ thật sâu sắc để đến sự nhìn nhận về căn cốt tồn sinh của tộc Việt: Làng còn thì nước có ngày khôi phục! Những chữ sau đây chưa phải hoàn thiện như ý, nhưng cũng là cố gắng tóm tắt điều bác chỉ ra:
Qua bao dầu đèn, qua bao cơm gạo,
Mới thấm thêm nghĩa, lý „Tắt đèn“:
„Người TA đánh MÌNH“ – Bởi „người ta“ ỷ thế,
Có trong tay tất cả bạo quyền!
Nhưng như cây tre, LÀNG vẫn xanh muôn thuở,
NƯỚC tồn sinh là do có muôn LÀNG;
Sáng thêm nữa: Thế nào là VẠN ĐẠI,
Thế nào là: Như nước - Sức Nhân Dân.
„Vô tận lòng dân“, „nai về suối cũ“ hay „cá, nước sum vầy“ – Những câu chữ tưởng như sáo mòn, nay bỗng thấy thật ý vị và phải được viết ra, nói lên. Chỉ có cuộc đời với những con người mang lòng nhân ái – NHÂN DÂN – mới có khả năng như „thần thông“ cải biến đó chăng?
*
Nhưng „Tầm cao Dân trí Văn Giang“ còn cho ta nhìn nhận gì thêm? Cuộc sống cần khác đi những gì sau những trăn trở, quằn quại này?
Chia sẻ suy tư cùng thân hữu, tôi bộc bạch hai ý.
Thứ nhất: Tầm văn hoá nhân bản của dân ta rất cao và sâu.
„Bạch Đàng giang phú“ là áng văn tuyệt vời trong đó có câu: „Những người bất nghĩa tiêu vong, / Ngàn năm chỉ có anh hùng lưu danh.“ - Đến những người làm việc sai quấy, thậm chí phản bội cộng đồng, văn học ta cũng gọi là „những người bất nghĩa“. Phải chăng do nguồn từ đạo Phật cho rằng chỉ có „người“ mới đủ điều kiện tu sửa để tốt đẹp hơn trên đường „giải thoát“, nên dù sai quấy, „bất nghĩa“, nhân dân không „khai trừ“ mà vẫn bao dung, độ lượng?
Thứ hai: Tôi đã theo link dẫn và đọc bài viết của bác.
Tôi nghĩ cuộc tranh đấu sinh tồn trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt trên toàn thế giới ngày nay đòi hỏi một chất lượng rất mới mẻ và to lớn để vượt thoát cảnh „dân không người lớn, nước vẫn trẻ con“.
Quan niệm rằng các thành tố văn hóa cơ bản là đạo lý, đạo đức và đạo luật liên quan gắn bó trong đó xây dựng và thực hành nền pháp lý (đạo luật) là chức năng của chính trị. Cuộc sống cho thấy hiện trạng nền pháp lý xa rời và có mặt đối kháng nền tảng đạo lý, đạo đức nhân bản đã là nguyên nhân băng hoại của xã hội. Thế thì để sinh tồn và phát triển, không còn đường nào khác là làm cho thể chế bắt trở lại với mảnh đất „nền“ sinh dưỡng nó là đạo lý và đạo đức của nhân dân, là văn hóa nhân bản của tộc Việt.
Tiếng nói của người dân trong „ngày Hội Văn Giang“ đã phần nào chỉ ra điều đó chăng. Những lời nhắn nhủ của Cụ bà Lê Hiền Đức như xung chấn truyền lại từ những ngày hào hùng 1945, 1954 và 1975 thôi thúc phải như thế chăng?
Mong sao cộng đồng ta, đât nước ta không quá „chậm chân“ trong bước chuyển mình này.
Thưa bác Đào Tiến Thi,
Tôi biết những dòng trên còn khá lộn xộn và chưa đủ sáng tỏ, vì mình không quen viết. Nhưng có dịp tiếp thu những điều bác và thân hữu truyền tài cùng những điều mình trăn trở suy tư thì cũng phải mạnh dạn viết ra một lần để trao đổi và học hỏi.
Mong bác Thi và anh Diện coi đây là lòng trân trọng và chân thành.
Thân kính.
Sáng nay đã đọc comment của bác Văn Đức, rất lấy làm cảm kích nhưng vì bận quá, giờ mới trả lời bác được. Suy nghĩ của bác rất chân thành và sâu sắc. Phải có một phông văn hoá và tấm lòng đối với đất nước như thế nào mới nói được như thế. Tôi với bác gặp gỡ quan điểm nhau ở nhiều vấn đề nhưng có lẽ đặc biệt ở điều này: chúng ta đều thấy dân tộc Việt Nam xưa không những không tầm thường mà còn có tầm văn hoá tư tưởng khá cao trong khu vực, còn ngày nay nếu nhìn đại cục thì phải lấy làm hổ thẹn. Nhìn lại lịch sử, bây giờ là giai đoạn lặp lại hồi thế kỷ XIX. Do đó không chỉ hổ thẹn mà vấn đề là nguy cơ mất nước không còn bao xa. Cụ Phan Châu Trinh đã phải thốt lên:
Xóa"Than ôi! Nước nhân cách Nam tuy tồi mạt, dân trí tuy rằng lú lấp, nhưng vài trăm năm nay cứ đồi bại mãi như thế thì nòi giống tất phải tan nát từ những bao giờ rồi, có thể nào độc lập được hơn nghìn năm, nghiễm nhiên là một nước lớn ở phương Nam, số người vẫn cứ sinh sôi nảy nở thêm nhiều ra, đến bây giờ thành một dân tộc lớn trên thế giới". (Thư gửi toàn quyền Đông Dương)
Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là làm thế nào để "chiêu hồn nước", tức là làm sao khơi dậy được tinh thần Đại Việt?
Mong được những người như bác đóng góp.
Chân thành cảm ơn sự chia sẻ của bác.
Bài viết rất hay, tôi cảm ơn anh Đào tiến Thi.
Trả lờiXóatheo dõi vụ Văn Giang thấy chua chát quá
Trả lờiXóacám ơn chú Thi về bài viết này
Trả lờiXóa