Hồi ký của Phạm Thành Hưng
Quãng giữa thế kỷ trước, nếu về vẽ cảnh làng tôi,
họa sỹ chỉ cần tô lên nền toan hai mảng màu xanh nối nhau: mảng xanh trên là
màu xanh chân trời, mảng xanh dưới là màu xanh của cói. Giữa đường kẻ chỉ, nối
tiếp mặt đất với bầu trời, hãy thả xuống một giọt mực tàu, tạo một chấm đen.
Đúng vậy. Giữa hai tầng xanh của trời và đất, chỉ cần thêm một chấm đen thôi, người
làng tôi sẽ nhận ra ngay phong cảnh làng mình.
Chấm đen đó là chiếc ô của ông ngoại tôi, sớm
chiều xuất hiện trên con đê cuối làng.
Có lẽ trên đời, chưa ai đi chậm như ông tôi. Ông
đi chậm vì mặt đê ngày nắng thì gập ghềnh sống trâu, ngày mưa thì bùn lầy trơn
như đổ mỡ. Biển rút ngày một xa, con đê mỗi năm một thấp. Người đồng cói chỉ
làm nhà thấp mái để tránh bão biển. Vì vậy mà làng cói quê tôi nhìn đâu cũng
chỉ thấy cói, chẳng thấy nhà. Cói lên cao, mặt đất tuyền một màu xanh ngăn ngắt.
Ông tôi cầm ô chậm rãi bước qua những đồng cói xanh ngút ngàn, tưởng chừng bất
tận. Ông tôi đi chậm, còn vì chiếc đẫy đựng thuốc nặng trên vai. Chợ Huyện một
tháng 4 phiên, chợ Hói Đào, chợ Hôm Giún cứ ba ngày lại họp một lần. Vì vậy mà
ngày nào ông tôi cũng đi chợ. Có điều ông tôi đi chậm quá. Người làng cứ thấy
ông tôi ở đầu con đê, bảo nhau nấu cơm chiều. Nhưng nấu xong rồi, vẫn thấy
chiếc ô đen ông tôi trên đê. Chiếc ô đen lừ lừ trôi, có lúc đứng lại như dấu
chấm hỏi cuối chân trời.
Người già làng tôi bảo rằng: Ông tôi đi bằng tốc
độ của thời Tiền Lê, ông tôi đi chậm không phải vì đường trơn, đẫy nặng, mà vì
nặng những điều u uẩn trong đầu.
Bố tôi là con trai mồ côi nên tôi khi lớn lên chỉ
biết một người ông duy nhất là ông ngoại của mình. Tôi yêu ông, rất tự hào về
ông lẫn chiếc ô của ông. Ông tôi là thầy lang nổi tiếng một vùng vì hiền lành,
đức độ. Vậy mà có lần mẹ tôi, không biết hai người có chuyện gì căng thẳng, đã lên
án bố tôi: “Bố mày cũng tệ lắm đấy, có lần không cho ông ngủ nhờ. Con rể mà vậy
đấy”. Tôi hỏi vì sao, mẹ tôi nín lặng, như đã trót lỡ lời. Bố tôi, ông tôi là
những người tốt nhất trên đời, làm sao có chuyện tày trời như vậy. Tôi hỏi
gặng. Mẹ tôi tặc lưỡi: lớn lên khắc biết. Tôi không nài thêm nữa. Có điều, suốt
tuổi thơ tôi, câu hỏi ấy cứ lớn lên, ám ảnh mãi, đến tuổi trưởng thành tôi chờ
mãi vẫn không thấy mình “khắc biết”.
Nhà ông tôi là một ngôi nhà cổ, cột gỗ lim tôi ôm
không xuể nhưng tường gạch bao đã bị nước mặn ăn vào, lở đỏ. Những bức tường
long lở là chứng tích hủy hoại của một cơn hối đông, nay ta quen gọi là sóng
thần, ập vào tàn phá vùng biển Nga Sơn. Ngôi nhà lặng lẽ nép mình giữa những
hàng dừa nặng nề và mấy vườn đào. Mỗi lần ra thăm ông, anh em tôi thường thọc tay
vào các hốc tường tìm trứng chim sẻ. Những đàn chim sẻ làm tổ quanh nhà ông,
kêu lách chánh suốt ngày, nhiều buổi làm ông tôi mất ngủ. Chơi với bầy chim
chán chê, chúng tôi lại lấy trộm chiếc ô của ông ra nghịch. Tôi chưa thấy chiếc
ô nào nặng và to đến vậy. Bốn anh em chúng tôi, hai nội, hai ngoại của ông,
ngồi dưới chiếc ô, ngửa mặt nhìn lên mà cứ hình dung như đang ngồi dưới một vòm
trời. Bốn anh em cầm chung chiếc ô, cứ nhè lúc mưa to để đi ra vườn tìm cá rô
lóc. Nhiều buổi gió lớn, bốn anh em đánh vật với chiếc ô, giống như những thủy
thủ đánh vật với cánh buồm.
Vào những năm 60, tết năm nào tôi cũng đón giao
thừa rồi ở lì nhà ông. Hình như thời ấy người lớn chuẩn bị đánh Mỹ nên trẻ con
rất thích cuốn pháo và chơi trò súng diêm. Có một lần tôi và mấy đứa em con cậu
(cháu nội ông tôi) phát hiện trên gác nhà ông có mấy thứ giấy phất diều và cuốn
pháo rất tuyệt. Loại thứ nhất là một loại giấy vàng, đưa lên mắt thấy trong
trong, mờ mờ như những tấm bánh đa sống. Loại ấy dán vào khung diều, phết nhiều
nhựa cậy, nhựa sung sẽ dai như da trâu, diều lên, gió biển giật mạnh mấy cũng
không rách. Tiếng sáo diều cứ vi vu, than thở suốt đêm. Loại thứ hai là loại
giấy xôm xốp, kiểu như giấy bổi, quấn pháo rất mịn. Anh em tôi dùng thứ giấy
bổi đó nhuộm màu bằng nước hạt mùng tơi chín, phơi khô rồi mới cuốn pháo. Cả
làng không đứa nào có những quả pháo cối đẹp và nổ to như pháo anh em tôi cuốn.
Mỗi lần nổ, xác pháo tơi vụn, không sót cục, tung lên trời như đàn ong tím.
Nhưng rồi một buổi nọ, ông tôi gọi mấy anh em tôi
đến ngồi quanh ông, “hỏi tội”. Ông hỏi: “Có biết gì đây không?” “Thưa ông, chữ
nho ạ”. “Biết là chữ, sao xé của ông”. Tôi lớn nhất, tỏ ra hiểu biết hơn nên
nhanh nhảu trả lời: “Chúng cháu tưởng loại chữ phong kiến này chết rồi, không cần
nữa.” “Các thầy ở trường dạy cháu thế à?” . Ông tôi thở dài, run run lật mấy
trang cuối của cuốn sách bị anh em tôi tàn phá. Ông vừa đọc thầm thì vừa nói
như nói cho một mình nghe: “Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái
còn cười gió đông… Còn đâu nữa, xé hết của ông rồi, ông làm sao chép lại
được. Bản chép tay của tôi đây. Bây giờ làm gì có loại giấy này…” Tôi sững sờ
khi nghe ông đọc câu thơ. Chắc chắn là thầy cô nào đó đã có lần đọc cho chúng
tôi nghe câu thơ hoa đào năm ngoái rồi. Thằng em bé nhất trong đám chúng
tôi ngoan ngoãn rút trong túi ra mấy tờ chưa kịp giấu vào hốc gạch: “Trả ông
này”. Ông tôi đau đớn ghép mấy trang giấy trở lại đúng chỗ nằm của nó trong
cuốn sách. Tôi thương ông, ân hận nhưng cũng lần đầu tiên biết được rằng sách
chữ nho đọc “ngược”.
Vào cuối những năm 60, bom Mỹ bắt đầu dội xuống
quê tôi mỗi ngày một nhiều. Có lẽ hạm đội 7 của Mỹ ở ngay trước cửa biển làng
tôi, vì vậy mỗi lần bay vào đất liền đánh phá, trở về hạm đội, còn sót quả bom
nào bọn giặc lái lại trút xuống mấy xã vùng tôi để hạ cánh cho nhẹ. Làng tôi
hầu như tháng nào cũng có tang. Đó là những đám tang không kèn trống, vì là những
đám báo tử từ chiến trường hoặc là những đám rước ra nghĩa trang vội vàng, bí
mật, khoảng chiều tối, không để lộ mục tiêu cho máy bay phát hiện. Bọn trẻ
chúng tôi lớn lên trong bom đạn. Ngày tết, chúng tôi không cuốn pháo đón giao
thừa và bắn súng diêm nữa. Mấy quả pháo tép ăn nhằm gì. Chúng tôi dùng thuốc
bom, chế mìn, làm bộc phá đón giao thừa và lần lượt... lên đường tòng quân.
Chợ quê tôi họp thưa dần. Ông tôi đi cũng mỗi
ngày một chậm. Duy có điều chiếc ô của ông tôi không bao giờ khuất hẳn phía
chân trời. Nhìn thấy chiếc ô, dân làng vẫn nhắc nhau đến giờ nhóm lửa. Nhìn
chiếc ô lặng lẽ trôi trên con đê biển, dân làng có được cảm giác bình yên.
Nhiều người thì thào rằng, ông tôi là người dũng cảm, ông cầm ô ngang nhiên trên
đê là cố ý thách thức bọn giặc lái Mỹ, nêu gương dũng cảm cho dân làng. Nhưng
cũng có mấy gã nổi tiếng tinh quái trong làng thì bình luận rằng: ông không sợ
bom là do nặng tai. Nghe tiếng nổ rất nhỏ, đã thế lại chân chậm mắt mờ, biết
bom rơi chỗ nào mà tránh... Mặc cho người ta bình luận, ông tôi vẫn đi chợ, bắt
mạch, kê đơn và bán thuốc chịu cho những người ít tiền.
Thấm thoắt mấy lần đón giao thừa, tôi đã thành
người lớn. Tôi tốt nghiệp cấp 3, thi thẳng vào Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà
Nội, ngất ngưởng á khoa. Tôi đã nhớ và nhận ra câu thơ xưa ông đọc trong cuốn
sách bị xé làm pháo là một câu Kiều, và cuốn sách chính là một bản Kiều Nôm. Cũng
lạ, tôi chỉ thuộc mấy bài xã luận báo Nhân Dân và khoảng bốn chục câu thơ Tố
Hữu mà thi học sinh giỏi văn cấp nào cũng đoạt giải. Nếu đề thi văn hồi ấy mà
thi Truyện Kiều hay văn học cổ, hẳn là tôi cắn bút, phải quay về với thứ
chữ phong kiến của ông.
Năm 1970, tôi nhập học đại học, khi Khoa Ngữ Văn
chưa có ngành Hán Nôm. Năm thứ nhất chưa được học văn học Việt Nam trung đại,
nhưng chẳng rõ nghe lỏm từ ai, tôi đã biết câu Kiều “hoa đào năm ngoái”
có vết tích Đường thi. Hết năm, nghỉ hè, tôi hăm hở về thăm ông để khoe với ông
vốn kiến thức uyên bác mới đánh thó được.
Ấy là một chiều mùa thu năm 1971. Vừa về tới nhà,
không đợi bố mẹ giục, tôi đã ra thăm ông. Ông ốm đã mấy phiên chợ liền, dân
làng ai cũng biết. Trước lúc trông thấy ông, tôi đi xuyên qua vườn đào. Vườn
đào mùa xuân năm ngoái rực nở như một giấc mơ hồng, mùa thu năm nay chỉ thấy lá
cành ủ rũ. Bước vào giường ông, tôi thấy ông nằm một mình, mắt nhìn đờ đẫn.
Phải nhắc đi nhắc lại mấy câu liền, ông tôi mới biết tôi là cháu đến thăm. Thế
rồi, ông nằm, cháu ngồi, tôi nói to như quát. Một lúc sau tôi đọc cho ông nghe
mấy câu thơ Đường. Vừa nghe đến câu “nhân diện bất tri hà xứ khứ”, ông tôi liền
ngồi nhỏm dậy, tỉnh táo, nhanh nhẹn như một tráng niên. “Không ai đọc thế,
không đọc thế!” Ông tôi kêu lên, đôi mắt đang mệt mỏi là vậy mà thoắt đã ngả
màu xanh - màu xanh lá đào. Ông nhanh nhẹn phất tay chỉ lên trần nhà: “Thơ ấy
là thơ Thôi Hộ, không phải Thôi Hiệu. Hai vị khác nhau đấy. Ông vẫn còn Đề
đô thành nam trang, bản đủ đây mà. Cháu leo lên thang. Đi lối này, lấy
thùng sách trong cùng xuống đây cho ông!”. Tôi làm theo lời ông, kéo chiếc
thang leo lên gác sách. Có lẽ vì tôi không phải là cháu nội, tôi không được
biết hết những bí mật của ngôi nhà? Tôi băn khoăn tự hỏi. Đây là lần đầu tiên
tôi được biết cái thế giới sách của ông trên căn buồng áp mái.
-Nhà rộng sao ông không để sách dưới này, đọc cho
tiện. Làm sao ông còn sức leo lên cao, dễ ngã lắm, ông?
-Vì ông sợ bão biển, sợ những trận hối đông, nước
vào ngập sách.
-Đài dự báo thời tiết, biết, chạy vẫn kịp. Mà
biển xa rồi ông ơi.
Ông tôi ngần ngừ giấy lát rồi nói nhỏ:
-Ông không sợ biển, nhưng sợ… người.
-Người nào, ai cấm ông đọc sách Nho?
-Họ còn sống cả đấy - Ông tôi tư lự rồi ngân nga:
Thủng thẳng chiều hôm dắt tay, Trông thế giới phút chim bay, Non cao non thấp
mây thuộc, Cây cứng cây mềm gió hay, Nước mấy trăm thu còn vậy, Nguyệt bao
nhiêu kiếp nhẫn này, Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Riêng có lòng người cực
hiểm thay… Thôi, lớn nữa, học nữa rồi cháu hiểu.
Từ nhà ông trở về, tôi hơi tự ái. Ông vẫn xem tôi
như trẻ nhỏ, lại giống mẹ tôi: lớn lên “khắc biết”. Nhưng tôi cũng chẳng còn
thời gian để mà tự ái lâu. Vì mấy ngày sau tôi nhận được điện báo từ Đại học
Tổng hợp Hà Nội rằng: đã trúng tuyển nghĩa vụ và có quyết định ngày ra tập trung
nhập ngũ.
Ngày tôi lên đường, tôi không có ảnh ông mang
theo. Ông lấy bút lông, viết tặng tôi một chữ. Chữ ông viết trên giấy bình dân,
mực hút rất đậm nhưng không được đẹp, vì tay ông đã run lắm rồi. Cầm tờ giấy
nhét vào áo ngực, tôi cứ đinh ninh là chữ “Thắng”, mãi sau này mới biết đó là
chữ “Phúc”. Tôi thầm hứa với ông, nếu ra trận chiến thắng trở về, tôi sẽ học Hán
văn để kế thừa cái gia sản bí mật của ông trên gác.
Vào những ngày chống giữ thành Quảng Trị, sợ
không may lúc chết xác mình thành xác lính vô danh, tôi ghi họ tên, cha mẹ cùng
quê quán mình vào mặt sau chữ Phúc, rồi gói kín vào bao nilon, đút túi ngực.
Chữ “Phúc” của ông đã lặng lẽ nằm trên ngực tôi qua từng trận đánh. Tôi chết hụt
hàng chục lần, bị thương 3 lần, nhưng rất may là chữ Phúc của tôi cuối cùng vẫn
không bị đồng đội moi ra đọc.
Sau một năm ở chiến trường, tôi không nhận được
tin nhà. Mùa hè năm sau, tôi được ra Bắc, điều trị lành vết thương, thành người
khỏe mạnh. Tôi viết thư về thăm ông, cám ơn ông đã ban cho tôi tấm bùa hộ mệnh
giữa chiến trường. Thư vừa gửi đi, ngày hôm sau tôi đã nhận được thư bố tôi viết.
Nhưng đó không phải là thư trả lời, mà là lá thư viết gần một năm trước. Đọc
thư, tôi chết lặng người. Ông tôi mất rồi, mất gần một năm rồi! Tôi đã mất ông
từ ngày 10 tháng 5 âm lịch, năm trước… Đêm hôm đó, vừa lau nước mắt, tôi vừa
viết thư cho bố, hỏi lại xem ông mất thế nào. Mươi ngày sau, qua đường quân
bưu, tôi nhận được thư. Trong thư, có đoạn bố tôi kể rõ:
“… Ông
mất vì tuổi cao, nhưng cũng một phần do ông tiếc của. Có lẽ con đoán biết rồi,
từ lâu mắt ông đã lòa không còn đọc sách được nữa. Cầm sách, ông đọc theo trí
nhớ, chứ không nhìn rõ nét chữ. Nhiều buổi ra thăm, bố gặp ông cứ cầm sách mân
mê, lật từng trang rồi ứa nước mắt. Rượu chả uống được, sách chả đọc được. Khổ nhất
là khi có lệnh sơ tán máy bay, dọn đồ đạc, mấy thùng sách của ông không cánh mà
bay đâu mất. Bố bảo ông không đọc được thì để người khác đọc. Bọn trộm sẽ bán
cho người hay chữ. Nhưng ông bảo rằng chúng nó sẽ đem cuốn pháo, làm giấy lộn.
Không ai khuyên giải được ông. Dao cầu, thuyền tán, thuốc nam, thuốc bắc, ông
vứt hết. Ông đổ bệnh, nằm hàng tháng, đến khi hồi phục, đi không vững mà vẫn lò
mò đội ô đi tìm sách, lội cả xuống những đồng cói quanh nhà, hy vọng kẻ trộm
đang còn giấu, chưa kịp tẩu tán. Ông bị cảm lạnh, ngã giữa đồng, chiếc ô bung
hết gọng, bệnh sưng phổi quật trở lại. Lần này thì không thể cứu chữa nữa con ạ.
Ông coi sách là tất cả đời ông thì phải…”
Lá thư làm tôi lại một đêm mất ngủ. Tôi quyết
định viết thư hỏi thẳng bố tôi về chuyện mẹ tôi một lần oán thán. Đơn vị tôi
lại chuẩn bị trở lại chiến trường Quảng Trị. Biết đâu lên đường lần này tôi sẽ
bị lục túi áo ngực để xác định danh tính. “Vì sao bố không cho ông ngủ nhờ?”
Hỏi bố tôi điều này có thể tôi sẽ làm bố tôi đau khổ, nhưng trong chiến tranh
nỗi khổ đó có thấm tháp gì so với hàng ngàn cái chết. Bố phải chiều con, bố ơi,
cho con thanh thản trước khi trở lại chiến trường! Tôi nghiến răng kiên quyết
viết…
Tôi nhận được hai lá thư liền. Lá thư đầu, bố tôi
từ chối. Tới lá thứ hai, như hiểu nỗi bức xúc của tôi, bố tôi mới phân trần:
“Con cứ yên tâm, bố của con không phải là người
xấu, không phải là người tệ bạc, mặc dù suốt đời ông không tha thứ cho bố chuyện
đó, cũng như bố suốt đời ân hận… Ngày xưa ông là thầy đồ nổi tiếng hay chữ. Cụ ngoại
con là học trò giỏi của cụ Thám hoa Nguyễn Thượng Hiền. Cụ đỗ cử nhân trường
thi Nam Định nhưng không ra làm quan cho Pháp, ở nhà dạy học. Nối nghiệp cha,
ông ngoại con đỗ khóa sinh cũng ở nhà làm thơ, dạy học. Trong làng xã và cả mấy
tổng quanh ta có nhiều người xưng anh em với mẹ con không phải vì họ hàng đồng
tộc, mà vì là có thời theo học chữ Hán của ông. Sau năm 54, người ta không dám
gọi ông là thầy nữa. Mọi chuyện bắt đầu từ khi có đội cải cách về làng. Thấy
ông đồ nhiều ruộng, họ xếp thành phần địa chủ bóc lột và gọi ông là Quốc dân đảng.
Đúng là thời Nguyễn Thái Học, ông có tham gia đảng đó. Sau khởi nghĩa Yên Bái,
ông đã phải mai danh ẩn tích, thoát tù tội rồi di cư vào Nga Sơn, làm nghề dạy
học. Đảng yêu nước thì làm gì có tội. Vậy mà nhà ông vẫn bị lục lọi, niêm
phong. Người ta đốt sách của ông vì không đủ chữ nghĩa để tìm thấy “tài liệu phản
động” trong đống sách chữ nho. Những sách ông bị mất năm ngoái là sách ông giấu
kịp và học trò lén cất giúp thầy. Ngày ông bị đấu tố, làng như có dịch, chẳng
ai dám nhìn thẳng mặt nhau. Vì không biết khai báo, tự thú, sau khi bị đấu ông
như bị mất trí, không tìm được đường về. Ông đi đâu đều có tự vệ theo dõi, chỉ điểm
cho mấy ông đội. Đêm ấy, ông vào gọi cửa, bố đã không đủ gan để ông vào ngủ.
Sau lưng ông mấy bước vẫn có bóng người cầm mã tấu đứng nghe lỏm. Bố khuyên ông
về nhà… Từ đó ông sợ. Sửa sai, ông xuống thành phần rồi mà cơn sợ vẫn không hết,
không dùng chữ Hán nữa, chỉ dùng Quốc ngữ. Có đọc sách vẫn như đọc trộm. Con
hiểu bố không, gia đình ta là dân ngụ cư, khi đó con mới được 2 tháng. Đêm ấy,
mẹ con ốm, đang nằm ôm con mà vẫn biết ông đến cầu cứu, vẫn nghe được lời bố
thì thào...”
Tôi không đủ sức đọc hết bức thư. Mấy tuần sau,
tôi nhét bức thư thêm vào chiếc túi ni lông có chữ “Phúc” của ông, lên đường
cùng đơn vị trở lại mặt trận. Nhiều lúc tôi có cảm giác ngực mình đau nặng vì
thêm một lá thư của bố tôi. Lá thư có trọng lượng của một bài học lịch sử.
Chiến tranh kết thúc lâu rồi. Ông tôi, rồi đến bố
tôi, lần lượt không ai còn lại trên đời. Đến nay tôi đã thành ông, như ông tôi
khi xưa. Vậy mà mấy chục năm qua, không biết bao lần, trong mơ, tôi vẫn thấy
chiếc ô đen của ông phía chân trời làng tôi.
Có phải hồn người xưa hiện về? Có phải ông tôi
đang lang thang đi tìm chỗ ngủ, đi tìm bản Kiều Nôm rách nát của mình!
Liễu Giai, 10/2012
*Tác giả PGS.TS
Phạm Thành Hưng là Giảng viên Khoa Văn học.
Nguồn: Khoa Vănhọc
vùng lúa nước .lịch sử đất nước mình lớn lên như đứa trẻ quê .Tầm bằng tuổi Tác giả hồi 7-8 tuổi bọn trẻ chúng tôi sau những hôm đi chăn trâu thường tồng ngồng tắm sông leo tít lên cành đa và lao xuống dòng sông mát rượi như vận động viên nhảy cầu hồi đó là thế .ngày nay đứa bé 2 tuổi có thể nô đùa ,văn minh hơn nhiều .quá khứ là kinh nghiệm .hiện tại là thời có ai bảo thời bao cấp thế nọ thế kia tôi chỉ nghĩ rằng thời đó ít ai nghĩ được phải chăng nên "cai sữa" sớm.mong sao con hơn cha cả nhà có "phúc "đấy phải chăng chữ "phúc " chẳng phải Ông ngoại "giành riêng cho tác giả mà chữ "phúc" hơn ngày xưa ...
Trả lờiXóa" Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có con sông lặng lẽ vờn quanh . Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau bên luỹ tre, hàng cau mơ màng " Tác giả bài hát này năm 1954 xuôi Nam, nhớ về làng quê cũ sáng tác thành bài ca cũng một thời nổi tiếng ở dất Saigon.
Trả lờiXóaLàng tôi cũng ở gần đó, cách một con đê, không có cây đa cao ngất ! Một vài ngôi nhà ngói của nhà giàu . Làng tôi vì mới thành lập khoảng đầu thập niên 40 tk trước, không có cụ đồ, chữ quốc ngữ vài người bập bẹ . Hồi nhỏ muốn đi học phải đi kiếm cụ đồ ở làng bên , cách nhà khoảng ba cây số. Từ nhà tôi ở đầu làng tới nhà cụ đồ phải qua một nhánh sông đào rộng chừng 100 mét. Cây cầu là hai cây luông to, gác mấy nhịp mỗi nhịp, trên hai cây luồng bắt chéo nhau được cột bằng dây chão cắm xuống lòng sông. Tay vịn ũng bằng cây luồng. Cây càu có lẽ không dùng cho các cụ già. Mỗi lần trời mưa, luồng trơn như mỡ,
bọn trẻ chúng tôi rớt xuống sông là chuyện thường tình. Cuốn sách ướt nhẹp, chữ nghĩa cũng trôi theo dòng nước . Ấy thế mà vẫn còn nhớ mấy chữ đầu của Nhất thiên tự : Thiên trời, địa đất, tử cất, tồn còn, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước , hậu sau, ngư trâu , mã ngựa . Bọn chúng tôi cứ học thuộc lòng đâu có biết là chữ Hán Nôm !
Rồi phong trào học chữ QN được mấy linh mục CG truyền cho . CMT8 tới, bác Hồ phát động xoá mù chữ, tôi, một cậu bé chưa tới tuổi 12, thành cậu giáo trường làng dậy mấy bà nội trợ,( trong đó có mẹ tôi ) ráp vần kiểu mới : o tròn như quả trứng gà, ô thời có mũ, ơ thời thêm râu . i tờ có móc cả hai. i thời có chấm , tờ thời có ngang .
Hôm qua có việc đi ngoài đường, tôi đọc bài này qua chiếc điện thoại. Dù bận bịu nhiều chuyện nhà, mỗi lần nhớ lại bài này là lòng tôi lại chùng xuống vì nỗi ngậm ngùi.
Trả lờiXóaNói gì thì nói, Nho học vẫn đã gắn liền với lịch sử nước nhà cả ngàn năm. Cứ nhìn lại quá khứ, thế hệ nào cũng có những nhà Nho hết lòng yêu dân thương nước, trọng nghĩa khinh tài, cuộc sống đạo đức và tấm lòng nhân hậu... như vị thầy đồ - thầy lang đáng kính trọng, ông ngoại của tác giả. ""Mặc nhi chí chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện" (trầm mặc suy nghĩ đạo lý để ghi nhớ trong lòng, học không biết chán, dạy người không mỏi) - lời Đức Khổng Tử.
Mà không phải chỉ một thiểu số những Nho gia xuất sắc, Nho giáo còn đã hun đúc nên cả một xã hội đầy nhân bản, đầy hướng thượng.
Gọi là "giáo" nhưng thực ra Nho giáo không phải là một tôn giáo. Đó là một triết lý sống đã chứng minh suốt hai ngàn năm qua là có khả năng giúp loài người biết gầy dựng một xã hội cao thượng, hài hòa, khoan dung. Nó không xung đột hay mâu thuẫn với bất cứ niềm tin tôn giáo nào cả, nên các vùng đất của văn minh Nho giáo Á Đông hầu như chưa bao giờ xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo dữ dội như chẳng hạn ở phương Tây.
Nhìn hình em bé nghiêm trang cung kính ngồi dưới ngọn đèn, đĩa mực tàu và mấy cây cọ bên cạnh, trước mặt là vài cuốn sách "chữ nghĩa thánh hiền"... mà càng thêm kính trọng và yêu quí kho tàng minh triết của tiền nhân. Chỉ một số nhỏ những văn bản đơn sơ như thế, nhưng lại đủ sức nắn rèn một nhân cách vững vàng và cao quí giúp người xưa sống một cách đầy ý nghĩa suốt cả cuộc đời!
Ngậm ngùi, xót xa, tiếc nuối một thời văn hiến đã qua! "Cái học nhà Nho đã hỏng rồi / Mười người đi học chín người thôi / Cô hàng bán sách lim dim ngủ / Thầy hóa tư lương thấp thỏm ngồi..." (Tú Xương).
Nhưng tôi vẫn tin, những gì là chân giá trị, mà loài người đã từng đạt được trên hành trình khó nhọc đằng đẳng trên trái đất này, sẽ không bao giờ hoàn toàn biến mất. Chúng đã trở thành một phần truyền thống của nhân loại. Chúng vẫn sống thầm lặng trong đáy tim người, bất kể mọi thử thách hay bách hại, lặng lẽ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những giá trị đó rồi sẽ bừng sống lại, không những vẫn với nguyên vẻ tinh tuyền rạng rỡ ban đầu, mà lại còn cộng thêm sức sống dồi dào hừng hực nhờ được trui rèn qua những bước gian nan và nhờ sự thích nghi mới mẻ với những tiến bộ của văn minh.
Bóng Ô Cuối Làng, đây là bài hồi ký rất cảm động và rất thích hợp cho kỷ niệm 40 năm ngành Hán Nôm. Cám ơn tác giả Phạm Thành Hưng. Cám ơn bác Tễu.
Nho học, Nho gia, Nho giáo trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, biến thiên cũng đã nhiều, Tam cương : quân thần, phu phụ, phụ tử . Tam tòng : tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử có thể thay đổi. Tứ đức cũng vẫn còn gía trị : công, dung , ngôn , hạnh . Còn cái cốt lõi : ngũ thường : Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là đạo làm người vẫn không thay đổi được . Nho nguyên thủy là tư tưởng Khổng Mạnh đã bị Tần thủy hoàng và Lý Tư đốt sách, chôn nho gia . Nhà Hán phục hồi Nho học biến thành công cụ của triều đại. Nhà Đường, phật xâm nhập Nho giáo, trong Nho có Phật, trong Phật có Nho. Đó là Phật giáo đại thừa . Tống Nho nhuốm thêm mầu Đạo giáo, biến thành đạo đức của quan lại. Cửa Khổng sân Trình thành nơi đào tạo các quan phụ mẫu của dân. Nho truyền sang Đại Việt, sang Nhật, sang Hàn. Ở Đại Việt ảnh hưởng của Tống Nho rất sâu đậm .
XóaCS của Mao-Chu ở TQ có một thời cũng tính chôn Nho. Thời Đặng Tiểu Bình, theo chủ thuyết " mèo trắng mèo đen đều là mèo cả ", Nho học lại được phục hồi . Lý thuyết Mác-Lê-Mao-Chu không thay thế được Nho học. Tại VN, Nho học vẫn bàng bạc trong dân gian lúc đậm lúc nhạt. Ngũ thường : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín vẫn được dân gian dùng giáo huấn con cháu . Chữ Nhân , chữ Nghĩa vẫn được các CB NN sử dụng, chữ Tín lại được nhắc đến nhiều trong kinh doanh, chữ Lễ vẫn chiếm chỗ thật to trong học đường " Tiên học Lễ, hậu học Văn "