Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

CỤ HUỲNH VỚI VẤN ĐỀ CHỦ QUYỀN HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM

Huỳnh Thúc Kháng với vấn đề chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam 

Đã 65 năm ngày Cụ Huỳnh Thúc Kháng yên nghỉ trên núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi (21/4/1947), nhưng mỗi lần nhớ đến Cụ chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động hồi tưởng về những trang viết của Cụ trên báo Tiếng Dân về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà cụ là chủ bút.

Trong đó Cụ đặc biệt chú ý đến các luận cứ khoa học để chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của đất nước ta.

 Cụ Huỳnh Thúc Kháng

Từ giữa những năm 1938 trở đi, việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) giữa Pháp và Nhật hết sức gay gắt. Tháng 3/1939, Nhật chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam đặt dưới quyền cai trị của Pháp. Từ ngày 12/7/1938, Tiếng Dân bắt đầu đăng một loạt bài về quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa), trong đó có bài nghiên cứu, bình luận dài, rất công phu và có giá trị: Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản "Phủ Biên Tạp lục" (Tiếng Dân, số 1284, 23/7/1938) do Sử Bình Tử tức Huỳnh Thúc Kháng viết.

Trong bài báo này Cụ đề cập đến việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa đã trở nên nghiêm trọng: "Như trong bài báo Tiếng Dân số trước đã nói, đảo Tây Sa là mấy hòn đảo con con làm nơi trú cho loài chim biển ở ngoài biển khơi, không ai cần để ý đến, mà nhân cuộc Trung - Nhật chiến tranh trở nên một vấn đề nghiêm trọng trên trường quốc tế, rõ là một điều không ngờ". Và Cụ khẳng định: "Theo các báo cáo ta gần đây sưu tập các tài liệu về đảo Tây Sa để chứng minh thì đảo ấy là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy...".

Bác Hồ, cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cụ đã liệt kê các tài liệu phong phú: Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam Nhất Thống Chí cả bản trước và bản của Cao Xuân Dục soạn lại, Triều Chính Yếu Thực Lục của hai triều Gia Long-Minh Mạng, Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú hoặc Cống Hạ Ký Văn của Dương Quốc Dung, Mán Hình Thi ThoạiĐông Hành Thi Thuyết của Lý Văn Thức, Biển Sử Cương Giám của Nguyễn Thông... trong đó đều đề cập đến Hoàng Sa và chủ quyền của nước ta từ thời bấy giờ. Trong số đó Cụ Huỳnh nhấn mạnh giá trị của Phủ Biên Tạp Lục bởi sự khẳng định chuẩn xác các yếu tố hành chính, địa lý, kinh tế, quân sự của một nhà khoa học uyên thâm. Qua bài báo "Dấu tích đảo Tây Sa (Parasels) trong lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ Biên Tạp Lục", trước hết Cụ Huỳnh nhấn mạnh vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cần phải dựa vào các tài liệu chữ Hán làm minh chứng: "...chúng ta lại phát kiến một điều không ngờ nữa là một mớ sách chữ Hán của tiền nhân ta lâu nay đã bỏ xó, lề hư bìa nát, phần đông nhất là bạn thanh niên, cho đó là một thứ học mượn, thứ chữ chết, không cần đếm xỉa đến, nay nhân vấn đề đảo Tây Sa, trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít".

Từ đó Cụ dựa vào các tài liệu cổ sử để chứng minh đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của nước ta; cụ thể:

1. Trước hết Cụ dựa vào tài liệu Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn cuối đời Lê để viết: "... nơi phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, làng An Bình gần biển, ngoài biển có nhiều hòn đảo, trong đó có đảo Hoàng Sa dài ước 30 dặm. Rồi kể vật sản: yến sào, chim biển, ốc tai-ve, xà cừ, đồi mồi, hải sâm... Sử chép truyện Chúa Nguyễn có đặt đội Hoàng Sa 70 suất thay phiên ra đảo lấy hải vật, đi 3 ngày đêm đến đảo, mỗi năm tháng 3 đi, tháng 8 về; lại có chép sao biên bản của Thuyên Ðức Hậu là cai quản đội Hoàng Sa ấy, kể rõ mỗi năm nhặt được thiếc mấy cân, vàng mấy hốt, đồi mồi, yến sào mấy cân, lại có khi nhặt được đồng khí, súng tiền... (những thứ có lẽ là đồ vật của những chiếc tàu chìm đây đó). Ðến giá trị nhất là tờ công văn của Quan Chánh Ðường quan huyện Văn Xương, phủ Huỳnh Châu (Trung Hoa) gửi sang Chúa Nguyễn ở Thuận Hóa khi hộ tống hai tên trong đội Hoàng Sa bị phiêu bạt sang đây; trong "Thuận Hóa", công văn có chép: "Năm Càn Long thứ 19 (1754, triều Hiến Võ năm thứ 17) tên quân đội Cát Vàng, người làng An Bình, huyện Chương Mỹ, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam, ngày tháng 7 đi ra Vạn Lý Trường Sa tìm nhặt các hải vật, 8 tên lên bờ tìm nhặt để hai tên lại giữ thuyền, rủi bị trận bão, đứt dây neo, thuyền trôi dạt vào bãi biển Tàu, viên huyện Văn Xương cho thuyền về xứ, chúa Nguyễn Thuận Hóa truyền cai bạ Thức Lượng Hầu làm thư phúc đáp".

2. Dựa theo Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú, Cụ viết: "Cống Hạ Ký Văn của cụ Dương Quốc Dung dưới mục Phong Vực có nhắc đến... ngoài phần biển Quảng Ngãi có đảo Hoàng Sa từ cửa biển Sa Kỳ đi hướng đông, 3 ngày đêm thì đến nơi, cồn cát nơi đứt nơi nối, vài mươi dặm không sao kể hết, dấu người ít đến".

3. Cụ dựa vào Mán Hình Thi Thoại và Ðông Hành Thi Thuyết của cụ Lý Văn Thức ghi lại trong những chuyến đi Trung Quốc và Lucon (Philippines): Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Cụ đi Phúc Kiến có chép: "Thuyền đi về bến hữu, nơi gọi là "Vạn Lý Thạch Ðường" đều là cát vàng (Hoàng Sa) cũng gọi là "Vạn Lý Trường Sa"; Cụ có bài thi có câu: Vạn Lý Trường Sa bí tuyệt hiểm Thất châu cuồng lăng nhạ oan hào. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) Cụ lại đi Lữ Tống (Lucon) đảo Phi Luật Tân hồi đó thuộc Tây Ban Nha. Thuyền từ Quảng Ngãi đi theo hướng đông, bị gió lạc vào vùng Vạn Lý Trường Sa, Cụ có bài dẫn nói: Một chòm đảo cát nổi lên giữa biển, phía tây là biển Quảng Ngãi, phía bắc tiếp biển Quảng Ðông, Phúc Kiến, phía đông tiếp biển Lữ Tống, phía nam thì kéo dài... là một nơi tuyệt hiểm có thuyền bè.

4. Tiếp đến Cụ dẫn Ðại Nam Nhất Thống Chí cả bản trước và bản của cụ Cao Xuân Dục mới soạn lại và bản Triều Chính Yếu Thực Lục cả tiền triều và triều Minh Mạng, bản Biển Sử Cương Giám của Nguyễn Thông để minh chứng: Đảo Tây Sa là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy...

Như vậy, theo Cụ Huỳnh Thúc Kháng, về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cần phải chú ý đến các yếu tố sau đây:

1. Vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa đã diễn ra từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX.

2. Quốc gia nào có đầy đủ các bằng chứng, cứ liệu sớm về phân thư, chúc thư, luật điền thổ - lập nghiệp của tiền nhân để lại, cũng như các thư tịch cổ khẳng định chủ quyền của quần đảo này thì quốc gia đó có luận cứ khoa học khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về mình.

3. Cần sử dụng các tư liệu Hán Nôm, các tài liệu thuộc về thư tịch cổ để tìm cơ sở khoa học cho chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam đã từ lâu.

4. Cần chú ý nghiên cứu triều Nguyễn về vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đặc biệt là biên giới biển đảo.

5. Trong tất cả các tài liệu cổ, tác phẩm Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn là tài liệu có giá trị nhất về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đối với Việt Nam.

65 năm trôi qua nhưng những trăn trở, suy nghĩ, những lời răn dạy của Cụ Huỳnh Thúc Kháng về đất nước, về chủ quyền biển đảo vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Nhớ về Cụ, chúng ta không chỉ nhớ về một con người "không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm giàu sang" chỉ "phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập"; nhớ lại những bút tích của cụ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, ta lại càng thấm thía hơn đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của Cụ đối với dân tộc và đất nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh
 ĐH Khoa học Huế
Nguồn: Dân trí.



6 nhận xét :

  1. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một vĩ nhân uyên bác của VN.Trong những buổi đầu thành lập đất nước, trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp cụ đã đảm nhiệm chức Quyền Chủ tịch nước và chỉ có mấy tháng cụ làm được bao nhiêu việc khó khăn.
    Cảm ơn XD đã thông tin cho biết quan điểm rõ ràng của cụ Huỳnh về chủ quyền Hoàng Sa của VN cách đây 65 năm. Các quan chức hiện tại hãy học tập tinh thần của Cụ một tấm lòng vì nước vì dân ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

    Trả lờiXóa
  2. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính trọng và tin tưởng. Cách mạng tháng Tám thành công Cụ đã nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia vào bộ máy nhà nước. Cụ có nhiều đóng góp quan trọng trong việc điều hành bộ máy nhà nước còn non trẻ và xử lý đúng đắn mọi vấn đề nội chính, ngoại giao.
    Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao quyền Chủ tịch nước trước khi lên đường sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau 1946. Nhớ đến cụ là nhớ đến câu “Dĩ bất biến,Ứng vạn biến” đã được cụ vận dụng tài tình, khôn khéo và sáng suốt như thế nào khi cụ xử lý đúng mọi vấn đề nội chính trong lúc Bác Hồ đi vắng.

    Hôm nay được đọc bài viết “Huỳnh Thúc Kháng với vấn đề chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh lại càng thêm kính trọng Cụ, một chí sĩ yêu nước, một con người "không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm giàu sang", cả đời “ chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập.”
    Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của nước ta, chúng ta là bậc con cháu Cụ há lại không bảo vệ được lãnh thổ của đất nước?

    Cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh.
    Cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện đăng bài.

    Trả lờiXóa
  3. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước có kiến thức uyên bác. Một nhà Cách mạng suốt đời đấu tranh vì độc lập ,tự do cho dân tộc. Cụ là nhân cách lớn luôn đặt quyền lợi nhân dân, Tổ quốc lên trên lợi ích bản thân, gia đình. Năm 1946 thời gian Hồ chủ tịch sang Pháp. Cụ Huỳnh đã đảm nhiệm vai trò quyền Chủ tịch nước một cách xuất sắc. Nhân dân cả nước luôn tri ân và tưởng nhớ cụ Huỳnh. Thật may mắn cho nhân dân ta thời đó có được những người đứng đầu Chính quyền là những người có tài, có tâm mới lãnh đạo được nhân dân ta chống thành công thù trong, giặc ngoài.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi thích đọc Lịch sử và cuộc đời của các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can... tư liệu nghiêng cứu chân thật, tư tưởng phóng khoáng. Không hiểu sao đầu thế kỷ 20 lại xuất hiện nhiều nhân vật xuất chúng như thế, mà lúc đó thấy được cái là tư tưởng tự do hơn thì phải, tự do bàn về Các Mác, Tôn Văn, Montesquieu, bình đẳng, bác ái...

    Mấy nhân vật sau này tôi không tin lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai Lúa Miền Tâylúc 00:37 28 tháng 5, 2012

      Báo " Tiếng Dân " của cụ Huỳnh là báo lề phải hay lề trái hả chư vị ?

      Xóa
    2. Hì hì, bác Hai Lúa Miền Tây có câu hỏi hay vậy đó.
      Theo tôi khái niệm "phải", "trái" đều là tương đối. Ví như khi ta đến một ngôi đền nào đó có Ông Thiện ông Ác tạc hai bên cổng đền. Khi đi vào ông Ác bên trái ông Thiện bên phải, khi trở ra phải trái thay đổi hay hai ông đổi chỗ?

      Tôi đơn giản lắm cứ báo nào vì nước vì dân là báo lề phải.

      Xóa