Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT

Ngày Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ.

Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để "thiết kế" mâm ngũ quả. 

Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.

- Lê (hay mật phụ), ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
- Lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
- Đào thể hiện sự thăng tiến.
- Mai, do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn.
- Phật thủ giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người.
- Táo (loại trái to màu đỏ tươi) có nghĩa là phú quý.
- Hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
- Thanh long - ý rồng mây gặp hội.
- Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn
- Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương đọng thành quả ngọt và che chở, bảo bọc.
- Quả trứng gà có hình trái đào tiên - lộc trời.
- Dừa có âm tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu.
- Sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
- Đu đủ mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.
- Xoài có âm na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.

Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc "ngũ quả" nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là "mâm ngũ quả" và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là "mâm". Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo”.

Tùy theo quan niệm của từng vùng, miền, người ta sử dụng những loại quả có ý nghĩa riêng. Ví dụ mâm ngũ quả của người Bắc bao giờ cũng có nải chuối - thể hiện sự che chở của đất trời cho con người, nhưng người Nam thì lại cho rằng từ chuối - có âm giống từ "chúi", thể hiện sự nguy khó, không ngẩng lên được nên không dùng. Hay người Nam cũng không trưng quả cam bởi câu "quýt làm cam chịu" nhưng mâm ngũ quả của người Bắc thì không thể thiếu quả cam với màu vỏ vàng tươi rói. Mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu "cầu vừa đủ xài sung"), thêm "chân đế" là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Trong khi với người Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, không kiêng cả quả ớt (cay đắng), miễn sao đẹp mắt và "hoành tráng" là được...

Trưng bày mâm ngũ quả trong những ngày thiêng liêng đầu năm đầu tháng mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa cội nguồn cực kỳ độc đáo của dân Việt ta. Vì vậy, những người trẻ, cho dù tin hay không tin về ý nghĩa của từng loại quả theo những quan niệm của người dân ở từng địa phương, cũng nên lưu tâm, tránh dùng hay tặng các loại quả mà người ta kiêng kẻo bị nghĩ oan, rằng ta cố tình đem điều xui xẻo đến cho họ.

Tại sao lại là ngũ quả?
 
Ngũ, con số 5 là con số chỉ trung tâm. Người ta tìm thấy nó ở ngăn giữa Lạc thư. Tự dạng chữ “ngũ” nguyên thể có hình chữ thập của bốn nguyên tố, cộng với điểm trung tâm. Sau này, hai vạch song song được chêm vào đấy, tức trời và đất mà giữa chúng, âm và dương tạo nên năm nguyên tố tương tác sinh khắc của vạn vật, gọi là ngũ hành. Theo quan niệm cổ đại phổ biến trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, thường cho rằng các quy luật phổ biến đều gộp vào con số 5. Trong Đại từ điển, “ngũ” có đến mười hai nghĩa và một ngàn một trăm bốn mươi tám từ kép ghép với nó. Phổ biến, chúng ta có ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương), ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm, ngũ tạng, ngũ kim, ngũ quan, ngũ luân, ngũ cốc,… Như vậy, số 5 là biểu hiện chung của sự sống và ở đây “ngũ quả” tự nó biểu trưng một tập thành được coi là đầy đủ của loại lễ vật  dâng cúng là quả.

Đối với cư dân nông nghiệp ngũ cốc (đạo/nếp hương, lương/gạo, thúc/đậu, mạch/ lúa mì, tắc/kê) là lương thực chủ đạo và ngũ quả (trái cây nói chung) là thứ yếu. Do đó, theo Chiêm thư người ta thường quan sát sự tốt xấu của “ngũ quả” sau đây để dự đoán việc được mùa của ngũ cốc: 1) Mận chủ vào đậu; 2) Hạnh chủ về lúa mì; 3) Đào chủ vào tiểu mạch; 4) Lật (hạt dẻ) chủ vào nếp hương; 5) Tảo (táo) chủ vào lúa. Theo sự xác tín đã trở thành tập tục phổ biến trong dân gian nên có thể “ngũ quả” nêu trên là “chuẩn” của năm thứ quả dùng làm lễ vật bởi lẽ việc dâng lễ vật nào đều có thể là cách biểu thị sự cầu mong của người dâng lễ. Ở đây, đối với người nông dân thời cổ thì điều cầu mong lớn nhất là được mùa ngũ cốc.

Quả (trái) - biểu tượng của sung túc. Trái cây nói chung là biểu tượng của sự sung túc, dồi dào. Vì quả thường chứa nhiều hạt được đồng nhất với quả trứng vũ trụ, biểu tượng cho mọi nguồn gốc, mọi sự khởi nguyên; biểu trưng quả (với hạt bên trong của nó) biểu thị cho sự phồn thực, sinh sôi và khao khát sự bất tử-hiểu theo nghĩa là sự nối truyền dòng giống miên viễn. Theo chiều hướng này, quả bao gồm cả ý nghĩa biểu trưng vượt lên trên nhịp điệu sinh tồn của vạn vật: sự xen kẽ luân hồi của sự sống và cái chết; giữa cuộc sống dưới đất (của hạt giống) và cuộc sống dương thế… Trong văn hoá, cụ thể là trong văn học và nghệ thuật tạo hình, quả vừa là biểu trưng chung vừa là biểu trưng có ý nghĩa riêng - hoặc theo sự đồng âm của nó hoặc nó được xác định bởi các tình tiết văn học truyền kỳ, thần tiên…
Huỳnh Ngọc Trảng/SGTT
K.H (sưu tầm)

10 nhận xét :

  1. KIM MỘC THỦY HỎA THỔlúc 18:52 16 tháng 1, 2012

    Tại sao lại là ngũ quả?

    KIM MỘC THỦY HỎA THỔ

    tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim và Thủy .

    Năm trạng thái này, gọi là Ngũ hành , không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng mà đúng hơn là cách quy ước của người Xưa để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật.

    Học thuyết Ngũ hành diễn giải sự sinh hoá của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản ( Sinh) còn gọi là Tương Sinh và (Khắc) hay Tương Khắc trong mối tương tác và quan hệ của chúng.

    Trong mối quan hệ Sinh thì Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ; Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.
    Trong mối quan hệ Khắc thì Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.

    Một số học giả trên cơ sở sinh và khắc lại bổ sung thêm chế hóa, thừa thắng và hạ nhục,bổ - tả thực chất là sự suy diễn ra từ hai nguyên lý cơ bản nói trên.

    Năm nguyên tố và các nguyên lý cơ bản của Ngũ hành đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực hoạt động của người Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Trung hoa ,Singapore ... từ thời cổ đại đến nay trong nhiều lĩnh vực như hôn nhân và gia đình, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, y học cổ truyền, quân sự v.v.

    Trả lờiXóa
  2. Ngũ quả là ước muốn của người xưa được ngũ phúc:Phú,quý,thọ,khang,ninh.Người xưa chọn quả vì họ cho rằng quả có nhiều hạt,nhiều múi thể hiện mong muốn có nhiều tài,nhiều lộc,nhiều con cháu.
    Ngũ quả còn thể hiện sự tín ngưỡng của người dân,như đạo phật có ngũ giới,hiểu nôm na là 5 điều qui định.Đạo Khổng thì có ngũ thường.Đạo lão thì là ngũ hành.
    Mâm ngũ quả thể hiện những sản phẩm được kết tinh từ mồ hôi,công sức,nỗi vất vả của người lao động,kính dâng lên trời đất,thần thánh,ông bà tổ tiên trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn.Mâm ngũ quả thể hiện được cái tâm của con người,thể hiện được ý tưởng triết lý,tín ngưỡng và thẩm mỹ trong cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  3. Nói cái gì cũng nên có sách. Còn tùy thích gặp "ngũ" là ứng vào mà tán nào là ngũ uẩn, ngũ sắc, ngũ luân, ngũ thường, ngũ kinh, ngũ hành, ngũ đại, ngũ phương...thì nói thế nào chả được. Các từ điển chuyên biệt như Nho giáo và Đạo giáo không có khái niệm "ngũ quả". Chỉ có từ điển Phật giáo là có thôi. Đọc Phật quang đại từ điển, mục Ngũ quả thì thông ngay, trong đó các học giả còn khẳng định tục này xuất phát từ văn hóa Phật giáo lan truyền vào dân gian phương Đông. Còn trong quá trình thờ tự, nó có những cải biến đi tùy theo từng nơi thì cũng thường tình như là có chủ nghĩa Mác thì có Mác Liên Xô, Mác Trung Hoa, Mác Việt Nam, Mác Triều Tiên, Mác Cu Ba, Mác Lào, Mác Khơ Me... vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Phản biện" của bác cũng có lý. Rất có thể nguồn gốc của ngũ quả là từ Phật giáo và là Phật giáo từ gốc Ấn Độ xa xưa lận chứ không phải khi đã truyền sang Đông và Đông Nam Á. Nhưng đến đây thì phải đặt thêm dấu hỏi rằng mâm ngũ quả của Phật giáo Ấn Độ liệu có phải là của riêng Phật giáo không, hay có nguồn gốc còn xưa hơn từ văn minh Ấn giáo? Đọc ý kiến của bác, tôi lại nhớ đển ngày lễ Giáng sinh của Ki-tô giáo thực ra lại có nguồn gốc từ tục thờ Thần Mặt Trời của cư dân cổ khu vực Địa Trung Hải, mà nếu truy nguyên xa hơn nữa thì e nguồn gốc ban đầu lại phải lùi sâu hơn vào quá khứ mịt mù.

      Có lẽ không sao cả bác nhỉ? Sự giao thoa, du nhập... là thường tình, nhưng mỗi dòng văn hóa khi du nhập một nghi thức/biểu tượng mới, lại có cách giải thích hay minh họa rất riêng của mình, biến cái nghi thức/biểu tượng ấy thành của mình. Và mỗi một thế hệ tiếp theo sau, các người con của nền văn hóa ấy lại, dựa vào triết lý của văn hóa mình, chú giải thêm về nghi thức/biểu tượng ấy. Đọc những bài viết về mâm ngũ quả trên đây, bây giờ tôi có thể rất... tự tin mà sắp đặt một mâm ngũ quả ngày Tết cho gia đình mình, và đã sẵn sàng để giải thích ý nghĩa của biểu tượng này cho các con tôi, bằng lối giải thích rất... Việt Nam!

      Tôi rất thích lời chú của bác Huỳnh Ngọc Trảng về tự dạng chữ Ngũ trong chữ Nho cũng như ý nghĩa quan trọng đặc biệt của con số 5 trong văn minh Nho giáo, nói cách khác là nền văn minh cổ của toàn vùng Đông Á. Tôi cũng nghĩ bác Trảng đúng khi nói rằng đối với cư dân nông nghiệp ngũ cốc thì ngũ cốc quan trọng hơn ngũ quả, và người ta sẵn sàng đón nhận biểu tượng ngũ quả ở trên mâm đó, giải thích chúng như là đại diện cho ngũ cốc. Không biết "Chiêm thư" mà bác Trảng nhắc đến có phải là sách của người Chiêm thành không?

      Xóa
  4. Bác Hale kính mến! Góc vuông và cạnh huyền có mặt ở nhiều văn hóa trước Pitago. Nhưng định lý về tam giác vuông là của Pitago. Biểu tượng văn hóa cũng vậy. Đó là cuộc chơi xúc xắc mà nó "kết" ở đâu. Thế thôi. Còn cứ suy, suy, suy...suy nguyên thì nó bất tận lắm. Biết biến chuyển động tròn thành chuyển động dài thi đâu chả có nhưng chế ra cái xe đạp thì phải có chỗ có nơi chứ. Ngũ quả cũng vậy, hệ ngũ phân trong phép đếm thì đã có từ thời nguyên thủy và tư duy "ngũ" cũng theo đó mà hình thành. "Ngũ quả" Phật giáo, cũng như chính Phật giáo là tích hợp từ thế giới quan, nhân sinh quan Hin đu cổ xưa mà thể hiện rõ trong kinh Phệ đà. Nhưng đến Phật giáo nó là một tích tụ mang chất lượng đặc biệt, thì ta tính cho nó cái đã.
    Tất nhiên là, khi truyền sang Trung Hoa cũng như các không gian khác, nó biến thái và được giải thích theo con đường "từ nguyên học dân gian". Chúng ta tôn trọng tri thức kiểu dân gian đó vì nó chính là tâm hồn, tình cảm, trí tuệ cha mẹ ta, bạn bè ta. Nhưng có người sẽ hỏi: Tại sao nhiều cách giải thích khác nhau đến thế? thậm chí trái ngược nhau? thì cần một cách giải thích khả tín chứ! Cách giải thích nên là: Phật giáo là tích tụ biểu tượng "Ngũ quả" sớm nhất được Kinh Phật và từ điển khả tín ghi lại, nó lan truyền sang phương đông và trở thành vật phẩm thờ cúng, thông lệ cúng dường. Còn các cách giải thích khác thì tùy người ta thông Nho, thông Đạo, thông tư biện sau này nói mà thôi. Cho nên lắm ý kiến khác nhau là vì vậy. Còn việc bắt suy dài dài thì nó giống cái "lí ông Mẹo" quá.

    Trả lờiXóa
  5. Mô phật ! Triết học là lý luận , truy cho đến cùng tận để đạt chân lý .
    Trước thềm năm mới , Lâm Khang chủ nhân bày ra các mục xuân tết nấy hay quá , chúng ta cứ cho ý kiến , đó là nét đẹp của trang Tễu . Tranh luận đúng sai cho vui chứ có gì đâu , tết xuân là vậy .
    Theo tôi Tết là : NGÀY KHÔNG VUI VÀ CŨNG KHÔNG ....BUỒN .

    Trả lờiXóa
  6. Bàn thờ mâm ngũ quả
    Kính dâng lên người xưa
    Mong thuận hòa mưa gió
    Cho nhà nông cày bừa

    Trả lờiXóa
  7. Chẳng cần chờ năm mới
    Ngày sóc, vọng tháng nào
    Trên bàn thờ hương khói
    Ngũ quả bày mâm cao

    Trả lờiXóa
  8. Tôi bày mâm cung kính
    Ưu tiên quả vườn nhà
    Tự cây mình trồng lấy
    Đất truyền đời ông cha

    Trả lờiXóa
  9. Các bạn gõ lên mạng "Gốc tích mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày tết-Nguyễn
    Hùng Vĩ" thì rõ. Mọi từ thư cổ Nho giáo, Đạo giáo đều không nói đến ngũ quả, chỉ Phật giáo mới nói đến.

    Trả lờiXóa