Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

HỒ GƯƠM - ĐỀN NGỌC SƠN VÀ HỘI HƯỚNG THIỆN

 
 HỘI HƯỚNG THIỆN VÀ ĐỀN NGỌC SƠN
TẢO TRANG

1. Nhân một câu đối trong đền.

Đền Ngọc Sơn là một trong những di tích khan hiếm tập trung nhiều câu đối có giá trị văn học cao. Có một câu đối trong đền được nhiều người nhắc tới, và cũng có người thắc mắc về nội dung:

Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

(Gươm báu muôn ngàn vàng ẩn náu dưới nước thu,
Lòng băng tuyết một tấm ấp ủ trong bình ngọc).

Câu trên ghi lại sự tích gươm vàng do Lê Lợi hoàn lại cho rùa thần dưới hồ, rất hợp với đền Ngọc Sơn đặt giữa hồ Hoàn Kiếm. Câu sau lấy ở bài thơ tứ tuyệt của Vương Xương Linh đời Đường (Phù Dung lâu tống Tân Tiệm), có hai câu cuối: "Lạc Dương thân hữu như tương vấn, Nhất phiến băng tâm tại Ngọc hồ = Bạn thiết Lạc Dương như có thăm hỏi, bình ngọc vẫn nguyên tấm lòng tuyết băng". Một số người cho rằng vế sau của câu đối không liên can gì đến đền Ngọc Sơn, cũng như với mọi đền miếu nói chung. Nhưng thực ra câu đối này, với vế sau tưởng như vu vơ lại có một giá trị lịch sử nhất định, nó ghi lại phần nào quá trình hình thành đền Ngọc Sơn. Theo bài văn do Tiến sĩ Vũ Tông Phan viết trên bia dựng năm 1847 (hiện còn tại đền), tại nơi đây, tương truyền là đài câu cá cuối triều Lê. Về sau, một nhà từ thiện là Tín Trai, nhân có miếu Quan Đế cũ, mới mở rộng sửa sang thành ngôi chùa Ngọc Sơn. Khoảng đầu triều Thiệu Trị (1840-1847), các con ông Tín Trai đã nhượng chùa cho Hội hướng thiện, một hội vốn do những người trong khoa mục thành lập, thờ thần Văn Xương (coi về văn học), lúc ấy chưa có đền. Hội đã dỡ bỏ gác chuông chùa, thành lập đền "Ngọc Sơn Đế Quân", bắt đầu xây dựng từ mùa đông năm 1841, đến mùa thu năm 1842 thì hoàn thành. Bài văn viết ở đoạn kết: "Cảnh như thế không trơ trọi. Nếu cố gắng làm điều lành, thần linh sẽ chứng giám". "Làm điều lành" là mục đích Hội hướng thiện. Có làm điều lành mới có được tâm hồn thanh cao trong sạch, "Một tấm lòng băng tuyết trong bình ngọc". Vế sau của câu đối Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ chính nhắc nhở mục tiêu sáng lập ra ngôi đền của hội.

Không chỉ sáng lập đền, hội hướng thiện còn giữ vai trò chủ chốt trong việc bảo quản, tu tạo các công trình kiến trúc và cảnh quan, tổ chức hoạt động nhiều mặt, khiến đền Ngọc Sơn trở thành một di tích danh thắng bậc nhất ở trung tâm Thủ đô.

2. Hội hướng thiện, hội hướng về thực hiện điều tốt lành.

Hội hướng thiện, do những nhà trong khoa mục thành lập, là hội các nhà Nho. Bài văn bia trùng tu miếu Văn Xương, khắc năm 1865 của án sát Đặng Lương Hiên, tức Đặng Huy Tá (1817-1873) có mấy câu: "Miếu thờ Văn Xương... để dạy mọi người làm điều thiện mà thôi. Nhưng người ta làm điều thiện, không gì thiết yếu bằng ngăn lòng dục của người, bảo tồn lẽ phải của trời, chẳng cầu phúc mà phúc tự nó đến. Lời dạy của đạo Nho ta, sáng chói trong kinh sách, còn cần gì thêm". Bài văn bia đề cao đạo Nho, coi như phận vụ hàng đầu là làm điều thiện. "Vi thiện tối lạc = Làm việc thiện là điều vui hơn hết" là một cổ ngữ thường được nhắc tới giữa các nhà Nho. Hội hướng thiện từ khi có trụ sở ở đền Ngọc Sơn, nhiều khi còn được gọi là Phả Ngọc Sơn, Hội trưởng được gọi là Phả trưởng. Hai vị Hội trưởng (hay Phả trưởng để phân biệt với các hội khác) đầu tiên là hai nhà Nho có uy tín bậc nhất thời bấy giờ: Vũ Tông Phan (1800 - 1851), Tiến sĩ, Đốc học về hưu, mở trường Hồ Đình bên Hồ Gươm; Nguyễn Văn Siêu (1796 - 1872), Phó bảng, án sát về hưu, mở trường Phương Đình ở giáp Giang Nguyên (phố Nguyễn Văn Siêu hiện nay), cách Hồ Gươm không xa. Cả hai đều là những nhà giáo dục nổi tiếng đương thời, sách Khoa bảng lục ghi hai trường trên, học trò nhiều người thành đạt. Với hai vị Hội trưởng danh Nho đầu tiên, Hội hướng thiện đã có những hoạt động sôi nổi theo đúng tên gọi - hướng về những điều tốt lành, và không ngừng tiếp tục đi theo con đường sáng đẹp đó ở những giai đoạn tiếp sau.

Hội chủ yếu thờ thần Văn Xương, vị thần giữ sổ tước lộc cõi trần, nên nhiều học trò thường đến lễ, nhất là trước khi đi thi, cầu xin được trợ giúp việc đỗ đạt. Hội tin ở "Văn Xương Đế Quân", nhưng không quên nhắc nhở những người đến lễ: muốn được thần giúp, đầu tiên phải tự mình "hướng thiện", làm điều lành, không chỉ học giỏi, mà đồng thời phải trau dồi đạo đức. Vào đền Ngọc Sơn, câu đối được thấy ban đầu sau hai cột trông ra đường đã thuyết minh điều này:

Nhân gian văn tự vô quyền, toàn bằng âm đức;
Thiên thượng chủ tư hữu nhãn, đãn khán đan điền.

(Ở cõi đời người, chữ nghĩa không có quyền, toàn dựa vào âm đức;
Trên cõi trời, chủ khảo có mắt, chỉ nhìn xét tấm lòng son).

"Chủ khảo trên trời" chỉ thần Văn Xương, giữ sổ tước lộc cõi trần, khi cho ai đỗ, chỉ dựa vào việc xem xét "tấm lòng son" của họ, có thực tốt lành không. ("âm đức" chỉ việc tốt được làm không có ý phô trương, không có hoặc ít người biết, hoặc việc tốt của cha mẹ tổ tiên, khiến con cháu được hưởng điều hạnh phúc)... Như vậy, muốn được thần phù hộ cho thi đỗ, đức hạnh của người đi thi có tác dụng chủ chốt, hơn cả tài văn học ("chữ nghĩa không quyền").

Một hoạt động cụ thể mang ý nghĩa tích cực của các Hội viên Hội hướng thiện là tham gia nhóm "công quá". "Công" chỉ thành tích làm điều tốt, kể cả ý nghĩ và sự việc cụ thể. "Quá" là những điều lỗi lầm, trái với "công". "Công quá" có thể dịch gọn là "công và tội". "Tăng công bớt tội", "làm điều thiện tránh bỏ điều ác", là mục đích của việc tu thân, công việc này của nhóm "công quá" trong Hội hướng thiện "được tiến hành với sự tin tưởng vào sự hỗ trợ chứng giám của thần linh", tập hợp thành một nhóm gọi là "Thiện đàn" hay "Thiện đường". ở giá sách viện Hán Nôm có một cuốn Công quá cách hiệu biên, in tại đền Ngọc Sơn năm l903, cho thấy việc thực hành phép tu thân này. Sách chủ yếu tập hợp những bài "giáng bút" của một số danh nhân, được coi như dù đã khuất, vẫn để tâm giáo dục người đời, khuyến thiện, trừ ác. Đây là những nhân vật lịch sử Trung Quốc, được tôn xưng là "Tam Thánh": Văn Đế tức Văn Xương, tên thật là Trương á Tử, đời Tấn (265 - 419); Võ Đế tức Quan Vũ đời Tam Quốc (168 -265); Lã Tổ tức Lã Động Tân, đời Đường (618-906). Ngoài ra có cả bài giáng bút của Trần Hưng Đạo, của Phạm Ngũ Lão, và của Hưng Vũ Vương, con Trần Hưng Đạo (người viết chưa xác định được tên thật, và là anh hay em của Trần Quốc Tảng). Ngay ở trang đầu, bài giáng bút của Hán Thọ Đình hầu Quan Công cho biết: "Đền Ngọc Sơn của đất Thăng Long nước Việt, trong đó có Tập Thiện đường" "nhà Tập Thiện". Nhà để làm gì ? Cốt để cho các người trong Hội thực hành cách thức tu theo "công quá". Nhà này Văn Thánh làm chủ, Lã Tiên (chỉ Lã Động Tân) phù trợ, năm trước ban cho tên nhà, năm nay ban cho sách Hiệu công quá cách (cách thức xác định công tội).

Sách đưa ra những bảng kê khá đầy đủ, với nhiều chi tiết, đánh giá công và tội bằng những con số cụ thể, như cho điểm các sự việc (dĩ nhiên nếu là tội thì điểm sẽ trừ vào điểm công, như danh từ hiện nay gọi điểm tội là "điểm âm". Thí dụ: thờ bố mẹ hết sức kính trọng, chăm nom đầy đủ việc ăn uống, mỗi ngày là 1 công. Thờ đúng phép kế mẫu thứ mẫu (vợ lẽ của cha), ông chú bà chú, ông bác bà bác ruột, tính công gấp đôi (đối với các vị sau, thông thường ít coi trọng nên cần đôn đốc); khuyên người thân sửa lỗi làm điều lành, mỗi việc: 10 công; nếu người thân phạm tới luân thường, mình nhiều lần can gián khiến cảm hóa hối cải : 100 công (tr.39a). Trái lại, thờ bố mẹ không kính trọng, dù có phụng dưỡng, mỗi ngày l tội (nhất quá) (bảo đảm ăn uống nhưng thiếu lòng kính yêu). Đối với kế mẫu tội như trên, đối với thứ mẫu, chú bác ruột (cả ông, bà), tội giảm một nửa. Tài sản giữ riêng cho mình, tranh giành nhiều ít, khiến người thân phẫn nộ, mỗi việc 100 tội (tr.47a) Mấy thí dụ khác: ăn chay, một ngày: 3 công; gặp chuyện trái ý vẫn bình tĩnh đối phó: việc nhỏ 1 công, việc lớn 10 công; bị phụ nữ không đứng đắn dụ dỗ, vẫn giữ được dạ ngay thẳng không nhiễm dâm ô: 300 công (tr 45a); về tội ngờ cha mẹ, yêu chuộng không công bằng rồi sinh oán hận: l000 tội (71b); riêng giữ chặt ý mình, không nghe người nói: l0 tội đến l00 tội (tr.72a). Ngoài ra, còn có mục "công tội người làm quan" (tr.79a-83a).

Hội viên trong nhóm "công quá" có nhiệm vụ tự kiểm điểm hàng ngày, lập bảng kê công tội, nếu thấy kết quả công thắng tội thì tự hào và quyết tâm phát huy, nếu thấy kết quả ngược lại thì tự răn và quyết tâm sửa chữa. Các hội viên - cũng gọi là "đàn viên"- để phân biệt với những người không ở trong nhóm "công quá" - ghi sổ hàng ngày, và thường kỳ, vào ngày rằm mồng một trong tháng, tới bàn thờ Tam thánh (tại nhà riêng hay tại đền) tường trình việc đã làm, tỏ rõ quyết tâm tiến bộ, xin được sự chứng giám và hỗ trợ của thần linh (bằng tờ sớ hay bằng lời khấn miệng).

Cách tu bằng việc tự xét "công quá", dựa theo sách Công quá cách hiệu biên, gồm chủ yếu những bài văn "giáng bút". Cũng nhiều người cho loại văn này thuộc mê tín dị đoan, nhưng không thể phủ nhận tác dụng của chúng trong việc khuyến thiện, vì đã được lòng người chấp nhận, vì thấy những điều dạy phù hợp với đạo lý làm người, thêm lòng tin tưởng ở những sức mạnh huyền bí đã phán truyền, chứng giám và thưởng phạt tuỳ theo công tội. Đó chưa kể đến sức hấp dẫn của lời văn, đối với những hội viên phần lớn là những nhà Nho học. Đơn cử một số câu thơ giáng bút (phụ lục ở cuối sách) "huấn" (răn dạy) cho từng cá nhân. "Huấn" Bùi Ngọc Giáp ("Giáp": tên ngọc): Lương ngọc tu trác, vụ tại tòng sư (âm đúng: si). Tinh thần dạ tịnh, quả dục tự y (Ngọc tốt cần mài, Cốt biết theo thầy, Đêm khuya tĩnh lặng, ít dục vọng, tự sửa mình) (tr.I34a). "Huấn" Trần Quang Phụ: Sơn thâm thủy trường, Bảo tại hà phương, Ngã vi nhất chỉ, Tâm thị thiện hương (Núi thẳm sông dài, Của báu nơi nao, Ta chỉ một chỗ: Thiện tại lòng mình) (tr.I35a). Hay "huấn" Đào Huống Mai: Mai sắc thị mĩ, Tài chi hữu địa, Thả hữu bàng tâm, Hối khủng vị dĩ (Sắc mai đã đẹp, Trồng đúng chỗ rồi, Nếu có dạ khác, Sợ hối chưa thôi) (tr.I35a). Những câu thơ trên lời dịch chưa thật chỉnh và chưa lột được hết ý tứ, nhất là rất có thể có những hoàn cảnh cụ thể của người xin thơ không được ghi lại. Dù sao, thiết nghĩ những câu thơ "huấn thị" vẫn có thể coi là những lời khuyên tu thân xử thế có hình tượng văn học, và có giá trị ứng dụng phổ biến.

3. Hội hướng thiện và thời cục

Hiện chưa xác định được thời điểm thành lập Hội hướng thiện, nhưng có điều chắc chắn là chỉ sau năm 1842, khi xây dựng xong trụ sở mới là đền Văn Xương, tức đền Ngọc Sơn thay thế chùa Ngọc Sơn, Hội mới thật có khí thế tác động đến đời sống văn hóa Hà Nội. Hội đã có liên tiếp hai vị cầm đầu là hai nhà văn học lớn, đồng thời là hai bậc thầy gương mẫu. Tiến sĩ Vũ Tông Phan với trường Hồ Đình, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu với trường Phương Đình, hai trường nổi tiếng, được ghi trong sách Khoa bảng lục, với thành tích đào tạo được nhiều học trò thành đạt. Trường Hồ Đình - cũng gọi là trường Tự Tháp - nằm sát bờ phía Tây Hồ Gươm, còn trường Phương Đình ở phía đông, cách hồ không xa mấy. Chung quanh hồ, còn có hai trường khác lừng danh không kém tuy sau ít năm, trường Vũ Thạch (đầu phố Bà Triệu của Cử nhân Nguyễn Huy Đức, trường Kim Cổ ở phố Hàng Gai của Cử nhân Ngô Văn Dạng. Học trò những trường này, phần lớn không thể không đến đền Ngọc Sơn, như đã được viết trong văn bia Vũ Tông Phan: "Kẻ sĩ phu kết bạn với nhau yêu cảnh này, vì mến tên hồ này mà việc tu dưỡng du ngoạn nghỉ ngơi đều có nơi chốn" (bản dịch trong Tuyển tập Văn bia H., Q.2, Nxb. KHXH, l978 tr.69). Có thể nói sau khi Gia Long dời Quốc tử giám vào kinh đô mới Phú Xuân, khu vực Quốc tử giám cũ, nay chỉ còn là Văn miếu, không còn là nơi tụ tập các Nho sĩ tham gia các cuộc bình văn hay theo học trường cao cấp nhất của cả nước. Trung tâm hoạt động tinh thần này có thể nói đã chuyển tới khu vực Hồ Gươm, với những trường học nổi tiếng, và đền Ngọc Sơn, trụ sở của Hội hướng thiện.


Trong những năm đen tối của thời kỳ Pháp thống trị, sau khi Hà Nội trở thành thuộc địa của Pháp năm 1885 tách khỏi hẳn sự cai trị của triều đình Huế, việc quản lý Văn miếu trao cho quan lại tỉnh Hà Đông, đền Ngọc Sơn với Hội hướng thiện càng tỏ rõ là một trung tâm tập hợp giới Nho sĩ có nhiệt huyết, luôn quan tâm đến thời cục. Dân gian còn truyền cho nhau bài vè được gọi là "Vụ đền Ngọc Sơn" vào tháng 3 năm Bính Ngọ (1906). Hồi này có bệnh dịch hạch hoành hành, rất nhiều người bị chết. Thực dân Pháp sợ cả bọn chúng cũng bị lây, nên đã thi hành những biện pháp tàn bạo, người bị bệnh nặng chưa chết cũng đẩy lên xe đưa đi chôn, đốt cả giường nằm và đồ đạc người bị bệnh. Một cá nhân khiếu nại đến tòa Đốc lý, không có kết quả. Được sự đồng ý của Hội hướng thiện tức Hội phả đền Ngọc Sơn, dân chúng đã tụ tập tại đền bàn cách làm đơn gửi tòa Đốc lý, nếu cần lên cả Thống sứ, Toàn quyền để đạt hiệu quả. Bọn Pháp biết tin đã huy động cảnh binh đến vây bắt, nhiều người sợ hãi nhảy cả xuống hồ tìm kế thoát thân. Một bài vè dài tới 11 câu đã ghi lại sự kiện này, và được truyền đi rộng rãi (X. Ca dao ngạn ngữ Hà Nội in lần 2, l972, Hội Văn nghệ Hà Nội, tr.64-75). Trong bài có những câu cho thấy sự tham gia của Hội phả:

... Bỗng một phút thấy uy Pháp tới,
Vây trong ngoài bổ lưới bốn bên.
Hai mươi người chủ hội viên,
Thiện nam tín nữ đảo điên rụng rời...

"Hai mươi người chủ hội viên" tức cả ban chấp hành cùng hội viên Hội phả đều tham gia buổi họp và bị khủng bố.

Cũng vào thời kỳ này, tại đền Ngọc Sơn và tại nhiều đền khác ở Hà Nội cũng như ở tỉnh khác, có phong trào "phù kê", cầu thần linh giáng bút. Những bài thơ cầu được là của "Tam thánh" (Võ Đế, Văn Đế, Lã Tổ), và cả những vĩ nhân Việt Nam được thần thánh hóa như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Liễu Hạnh v.v. nói chung khuyên làm điều thiện, giữ vững luân thường, đồng thời cũng "dạy bảo" tinh thần yêu nước thương nòi, nhất là trong các bài của các "thần-danh nhân đất Việt". Bọn Pháp rất thính, đã đánh hơi thấy phong trào, và tìm mọi cách ngăn chặn. Một thông tư "mật" (confidentiel) của Thống sứ Bắc kỳ gửi Công sứ các tỉnh ra chỉ thị phải lưu ý "đến những tổ chức tuyên truyền rất lợi hại bị chiếm lĩnh bởi những người cầm đầu đảng chống Pháp", yêu cầu cho biết về các đền miếu địa phương, danh sách những sách in được gọi dưới tên chung là "thiện thư".


Cũng trong hồ sơ này, có tờ "ghi chú" (note), nói tới đền Ngọc Sơn, Quán Thánh (Grand Bouddha), (với những hội) có sáng lập viên là Trần Lưu Huệ, Nguyễn Thượng Hiền hay Đào Nguyên Phổ, Cử Can (tức Lương Văn Can), kèm tên các hội viên (ông đồ Tam áng, Lang Chuyên...) với quỹ nhiều chục triệu đồng (Hồ sơ số 4472- Archives centrales de L'Indochine - Mairie de Hanoi = Cục Lưu trữ trung ương Đông Dương - Thị chính Hà Nội) (Tư liệu này được xem và ghi lại vào năm 1963, người viết sơ suất không ghi cụ thể nơi giữ, không nhớ rõ là Cục Lưu trữ Trung ương hay Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội). Như vậy, bọn Pháp cũng nhận thấy ảnh hưởng to lớn của những '"thiện thư", những bài thơ giáng bút, ngoài nội dung khuyên làm điều lành, tránh điều dữ, còn động viên lòng yêu nước, kêu gọi đồng bào đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, là điều mà bọn thực dân sợ nhất... Chúng không dám công khai cấm in hay tịch thu những sách này (tuy cũng có những nơi những lúc bọn cầm quyền không ngại ngang nhiên thực hiện điều trên). Nhưng mặt khác, chúng tìm cách ngăn chặn, cho cảnh binh tới bắt người đang tiến hành việc "cầu cơ", xin giáng bút. Nhà thơ Đào Khê Ngô Ngọc Du còn để lại một bài tứ tuyệt chữ Hán về chuyện một người (chắc hẳn là có học, một "Nho sĩ") đang được Thánh Quan (Quan Vũ) nhập vào để cho thơ tại đền Ngọc Sơn, thì bị cảnh binh bắt đưa về đồn (chắc là đồn Hàng Trống), và bắt nộp phạt năm hào để được thả:

Thánh Đế vô đoan diệc tọa lao,
Pháp tù lễ ý bất như Tào.
Quá quan trảm tướng uy hà tại,
Nhẫn khí tùy nhân nạp ngũ mao.

(Thánh quan vô cớ phải ngồi lao,
Bọn Pháp hung hăng chẳng giống Tào.
Chém tướng quá quan oai chẳng thấy,
Theo người nuốt giận nộp năm hào).

Bài thơ nhắc tích Quan Vũ (Quan Vân Trường) thời Tam Quốc, có lần bị Tào Tháo bao vây, để bảo vệ an toàn cho hai chị dâu (vợ Lưu Bị), nên đành chịu hàng với điều kiện "Hàng Hán bất hàng Tào" và được Tào Tháo kính phục đối xử rất trọng thể, khi rời bỏ Tào Tháo về với Lưu Bị, đã chém giết năm tướng giỏi của quân Tào ở quan ải ra chặn đường. Bài thơ giọng trào phúng chứng tỏ thái độ của một số nhà nho khá đông thường chê việc "ngồi đồng" xin thơ thánh. Nhưng nó cũng đánh dấu một thời kỳ mà ngay chính nhiều nhà nho cũng đã lợi dụng việc làm này để cổ vũ tinh thần dân tộc dưới dạng hoạt động tôn giáo.

4. Hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật

Hội hướng thiện là hội các nhà nho chú trọng hàng đầu tới đạo lý, nhưng cũng không quên kết hợp với văn hóa văn nghệ. Nho giáo phân biệt "chất" và "văn". "Chất" có nghĩa "thuần phác, chân thực", chỉ tâm hồn đạo đức bên trong. "Văn" có nghĩa "vẻ đẹp", chỉ vẻ đẹp của thái độ vui sống, phóng khoáng, của cách cư xử hoà nhã thanh lịch. Sách Luận ngữ (thiên Ung dã) có câu: "Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử. Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử = Chất trội hơn văn thành quê kệch, văn trội hơn chất thành hào nhoáng. Cả chất lẫn văn đều hoàn mỹ, sau đó mới là quân tử". ở Hội hướng thiện, về "chất" tức trau dồi đạo lý, về "văn" tức hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Mặt thứ hai này thể hiện ở mấy khía cạnh: in sách và bảo quản ván in, yêu thiên nhiên và làm đẹp thiên nhiên, sáng tác văn học.

a. In sách và bảo quản ván in.

Dưới chế độ phong kiến, có thể nói một chức năng quan trọng của một nơi được coi như trung tâm văn hoá, là in ấn, và tàng trữ những ván khắc để sẵn sàng in lại nếu cần. Khi Quốc tử giám ở Thăng Long bị dời vào Phú Xuân, kho ván in đã chuyển vào trong đó. Với cách thức in thời trước, không thể biết được số lượng cụ thể những ấn phẩm đã được lưu hành. Việc đánh giá hoạt động văn hóa của một cơ sở về mặt này, chỉ bằng vào số lượng và nội dung các ván in còn lưu trữ tại nơi đó. Hội hướng thiện tại đền Ngọc Sơn từng khắc ván, in sách lưu trữ các ván in, góp phần phổ biến sách Hán Nôm, phần lớn là sách chữ Hán. Năm 1966, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã cho kiểm kê các ván in còn giữ tại đền, với một số nhỏ tại chùa Liên Phái. Theo báo cáo kết quả việc kiểm kê ngày 14-4-1966 của phòng Bảo tồn - Bảo tàng của Sở, phụ trách công việc này, kèm theo danh sách các ván in có phân loại tại đền Ngọc Sơn, thấy nổi bật mấy điểm:

- Về số lượng: 1156 ván in.

- Về nội dung: phần lớn thuộc những sách có tính cách tôn giáo, kinh khuyến thiện, kinh giáng bút (với những bài huy động tinh thần yêu nước như đã nói ở phần trên), những sách về Phật giáo, Đạo giáo. Dĩ nhiên có nhiều bộ ván về các "kinh" thuộc Tam Thánh là ba vị được thờ ở đền như Văn Đế toàn thư, Quan Đế bảo huấn (Võ Đế), Lã Tổ toàn thư (Những sách này hiện có trong Thư mục Viện Hán Nôm in năm 1993, nhưng cũng có sách không có trong thư mục, như Tam giáo tâm pháp 154 ván. Về mặt nghệ thuật, có nhiều ván khắc có tranh minh họa, ở những tác phẩm như Tứ thập bát hiếu thi họa của Đặng Huy Trứ, Cảm ứng thiên, Kim cương kinh nhân quả... Về chữ viết, có Ma nhai kỷ công văn, gồm những ván khắc bài văn với nét chữ thảo của Nguyễn Trung Ngạn, ghi chiến công năm 1333 của Trần Minh Tông đánh thắng Ai Lao. Đặc biệt, về văn học lịch sử, có mấy tác phẩm nổi tiếng còn đủ bộ ván in, như Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Phượng Sơn từ chí lược của Nguyễn Thu (sách này tư liệu khá đầy đủ về Chu Văn An: tiểu sử, thơ, đền thờ, văn thơ ca ngợi sự nghiệp), Khán Sơn đình thi tập, Trữ nguyệt đường của Đặng Huy Tá (1816-1872). Có khá nhiều ván khắc những tác phẩm văn học của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu như Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút, Anh ngôn tập, Vạn lý tập, rất tiếc thiếu một số ván, không thật đủ bộ. Có cả một cuốn về ngôn ngữ học Đại Nam quốc ngữ của Nguyễn Văn San.

Trong phần kết luận của bản báo cáo trên, có đoạn viết: "Việc kiểm kê và sơ bộ phân loại những ván in của đền Ngọc Sơn đã cung cấp cho cơ quan Bảo tồn - Bảo tàng Hà Nội những hiện vật gốc rất có giá trị để tìm hiểu nhận định về truyền thống văn học và đời sống văn hóa tư tưởng của nhân dân thủ đô Hà Nội vào khoảng đầu triều Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc, nhất là ở giai đoạn đầu. Riêng đối với đền Ngọc Sơn, việc kiểm kê này đã làm nổi bật địa vị đặc biệt của di tích này trong hoạt động văn hóa và trào lưu tư tưởng của Hà Nội ở vào thời kỳ trên. 

Rõ ràng kho ván in nói trên là một chứng tích minh bạch về vai trò trung tâm văn hóa của Hà Nội trước đây. Và được như vậy, là do công sức của Hội hướng thiện (Hội phả đền).

b. Thú thưởng ngoạn và xây dựng.

Trong bài văn bia về đền Ngọc Sơn của Tiến sĩ Vũ Tông Phan đã nói ở trên, phần cuối có lời nhắc nhở: "... Kẻ sĩ phu... vì mến tên hồ mà yêu phong cảnh, việc tu dưỡng du ngoạn nghỉ ngơi trong Hội, nay đều có nơi chốn. Hứng vui ngắm trăng dưới nước, hóng gió trên non có thể giúp nhiều cho lòng thiện của riêng mình". Như vậy lòng thiện sẽ được tăng cường, khi có thêm sự thanh cao của tâm hồn do thú thưởng ngoạn thiên nhiên, đúng với lý tưởng "văn chất bân bân" của người quân tử. Chính thú thưởng ngoạn đã là nguồn cảm hứng cho sáng tác văn học. Hội hướng thiện có hai vị Hội trưởng đầu tiên đều để lại những tác phẩm nói về cảnh đẹp của đền ở Hồ Gươm. Vũ Tông Phan có Kiếm Hồ thập vịnh. Nguyễn Văn Siêu từng viết bài Ký về Hồ Gươm, và không ít bài thơ về đề tài này rải rác trong các thi tập của ông.

Thú thưỏng ngoạn đã tăng thêm gấp bội, khi dưới thời nhà thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu làm Hội trưởng, đã được tiến hành trùng tu đền Ngọc Sơn để có quy mô tráng lệ như ta thấy hiện nay. Phong cảnh thiên nhiên được kết hợp hài hòa với công trình nhân tạo. Những bộ phận kiến trúc với những tên gọi đầy gợi cảm: cầu Thê Húc (nơi đậu ánh sáng ban mai), Tháp Bút với tựa đề "Tả thanh thiên " (viết lên trời xanh), Đài Nghiên với bài minh trong đó có câu "làm tỏ rõ vẻ đẹp cảnh và người, bao hàm khí tốt lành của trời đất" (thổ văn vật, hàm nguyên khí), Lầu Đắc nguyệt (thâu tóm ánh trăng) Đình Trấn Ba (chắn sóng, ý nói chắn sóng dữ phá hoại sự thanh bình). Văn bia Đặng Tá, trùng tu miếu Văn Xương cũng như sách Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội của Doãn Kế Thiện, về việc trùng tu đền chỉ nói tới công của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, nhưng chắc chắn không thể thiếu sự tham gia đắc lực của Hội hướng thiện (mà ông là Hội trưởng), trong công cuộc huy động việc quyên góp, hay đôn đốc việc thi công.

c. Hoạt động sáng tác văn học.

Về mặt này, Hội hướng thiện có thể tự hào, coi như một truyền thống tốt đẹp. Không kể hai vị Hội trưởng đầu tiên nổi tiếng trên văn đàn, một Hội trưởng kế tiếp là Nguyễn Trọng Hợp, cũng được nhiều người biết đến không kém, với những bộ sách Kim Giang thi tập, Kim Giang văn tập và nhiều tác phẩm khác. Ngoài ra, thành viên của Hội đa số là những nhà trí thức, những cuộc hội họp xướng họa thi ca là chuyện thường tình. Xin ghi lại mấy bài còn ở trong trí nhớ nhiều người. Bài của Lê Đại (1875 -l951), nhà chí sĩ trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, từng bị đày Côn Đảo, nhà văn và cũng là nhà bút thiếp nổi tiếng, tên hiệu là Từ Long:
Mây ám Thành Rồng trận gió tan,
Trời quang lại thấy mặt giang san.
Mặt hồ chẳng cạn, gươm còn đó,
Đá núi y nguyên, ngọc vẫn toàn.
Cung điện sửa sang nơi phụng sự,
Lâu đài tô điểm nét du quan.
Ai người mến cảnh dừng chân lại,
Ngắm cảnh Bồng Lai dưới thế gian.

Mấy chục năm sau, cũng về đề tài Hồ Gươm đền Ngọc, Cụ Lê Hào, một cây bút cứng của tổ thơ trong Hội, viết:

Dâu bể bao lần đất cố đô,
Hồ Gươm phong cảnh vẫn còn xưa.
Một bầu non nước ngôi đền Ngọc,
Bốn mặt tang thương ngọn tháp Rùa.
Thưởng gió tự do chiều nắng hạ,
Nhớ trời cách mạng sáng mùa thu.
Trăng khuya sóng nước in hình kiếm,
Nhớ kiếm thần trao chiến thắng Ngô.

Bài thơ viết năm 1971 cho thấy niềm phấn khởi của một nhà Nho cao tuổi dưới chế độ mới. Một bài khác cũng phản ánh tâm trạng tương tự, nhưng về đề tài khác, chào mừng chiến thắng của quân dân Thủ đô chống cuộc tập kích của không quân Hoa Kỳ năm 1966, bài thơ 4 câu của cụ Vũ Bội Hoàn từng giữ chức Hội trưởng Hội hướng thiện: 

Năm trước ngựa xanh xua giặc Pháp,
Năm nay ngựa đỏ thắng Hoa Kỳ.
Một đàn lang sói thi nhau cút
Sông Nhị rồng vàng lại hiện phi.

Bài thơ 4 câu, câu nào cũng có 1 hay 2 con vật: "ngựa xanh", "ngựa đỏ" chỉ 2 năm Ngọ (năm Ngọ là năm ngựa). "ngựa xanh" chỉ năm Giáp Ngọ, "Ngựa đỏ" chỉ năm Bính Ngọ, vì theo thuyết ngũ hành, "giáp" thuộc "mộc" màu xanh, 'bính" thuộc "hỏa" màu đỏ. Giáp Ngọ là năm 1954, năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bính Ngọ là năm 1966, năm Hà Nội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. "Sông Nhị rồng vàng" nhắc tới tích thuyền ngự của Lý Công uẩn, khi tới sông Cái bên thành Đại La để đặt Kinh đô mới, thì có rồng vàng xuất hiện, do đó mới có tên "Thăng Long".

5. Một điển hình về bảo vệ di tích

Dĩ nhiên, trong suốt thời gian dài hàng thế kỷ, Hội hướng thiện - Hội phả đền Ngọc Sơn, bên cạnh những việc làm đáng khích lệ trình bày ở trên, không khỏi có những khuyết điểm, đặc biệt về mặt tín ngưỡng đã dẫn đến mê tín dị đoan, chiều theo thị hiếu của quần chúng ít hiểu biết. Tuy nhiên, phải nhận rằng phần thành tích là chủ yếu, trong việc gìn giữ sửa sang, bảo đảm hoạt động thường xuyên của đền, xứng đáng một nơi thờ tự trang nghiêm, được đông đảo khách thập phương tới hành hương thăm viếng, một di tích danh thắng mang nhiều ý nghĩa bậc nhất của Thủ đô.

Theo đường lối của Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát huy tác dụng các di tích danh thắng, có vai trò quan trọng của "Hội bảo vệ di tích thắng cảnh" nói trong Thông tư số 206 - VH/TT của Bộ Văn hóa, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 14-LCT ngày 4-4-1984 của Hội đồng Nhà nước, và Nghị định số 288 ngày 31-12-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về "bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh". Về mặt này, có thể nói hiếm có một di tích danh thắng nào trong nứơc, lại có được một "Hội bảo vệ di tích thắng cảnh" có lịch sử lâu đời, gắn bó mật thiết với di tích, bảo vệ tôn tạo và phát huy tác dụng đạt được những thành quả rực rỡ như Hội hướng thiện (Hội phả) của đền Ngọc Sơn.

Mong sao ở thời kỳ hiện nay, dưới một dạng thích hợp với công cuộc đổi mới, đền Ngọc Sơn sẽ được tiếp tục và đẩy mạnh những hoạt động trước đây, đem lại cho ngôi đền một vị trí xứng đáng hơn nữa. Có thể có một phòng trưng bày phong phú, đầy sức hấp dẫn, với những ván in các tác phẩm quý, những sách được in từ những ván khắc, tiểu sử và tác phẩm của những Hội trưởng - và cả những hội viên tiêu biểu từ trước đến nay.
Hà Nội có thể tự hào có đền Ngọc Sơn trên Hồ Gươm, một di tích danh thắng hiếm thấy ở một Thủ đô nào khác, vì ở ngay giữa trung tâm thành phố, kết hợp được vẻ đẹp thiên nhiên với kiến trúc cổ kính hài hòa, với ý nghĩa sâu sắc, thêm tính huyền thoại về truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm, kèm theo tín ngưỡng dân gian, ý thức tôn trọng đạo lý, thú thưởng thức những câu đối với nét chữ điêu luyện, nội dung sâu sắc, rung động tâm hồn. Những nét đẹp trên gắn liền với công sức đóng góp của Hội hướng thiện Ngọc Sơn. Phải chăng tổ chức này có thể coi như phần nào điển hình của "Hội bảo vệ di tích thắng cảnh" nếu được nhân rộng ra, đó cũng là điều hãnh diện cho ngành Bảo tồn - Bảo tàng và cả ngành du lịch của một nước vẫn được coi là có nền văn hiến ngàn năm.
T.T
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 4 - 1997.

3 nhận xét :

  1. Đền Ngọc sơn quá đẹp và uy nghi còn tiêu chí hoạt động của Hội Hướng Thiện thật đáng trân trọng.Cầu Thê húc được xây dựng năm nào anh Diện?

    Trả lờiXóa
  2. Ôh! Bác ơi, bác ăn sáng đi, rồi ra Hồ Gươm nhé Tôi đợi bác ở đó. Tuần hành xong ta sẽ vào thăm Đền Ngọc Sơn và Cầu Thê Húc...Bác nhá!

    Lâm Khang

    Trả lờiXóa
  3. http://www.ddth.com/showthread.php/750491-site-2-thang-8-ngay-da-co-pr-4.html

    Site bác Diện đã có pagerank 4. Chúc mmừng bác.

    Trả lờiXóa