Thay bia là chuyện to, không thể lấp liếm được
Phạm Xuân Nguyên
1. Việc thay tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh viết bằng văn vần về Nguyễn Huệ đặt ở đền thờ Quang Trung (Vinh – Nghệ An) là cả chuyện to. Thứ nhất, lời đã được chọn, bia đã được khắc và dựng ngay khi đền được khánh thành. Thứ hai, lời đây là của Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng Sản Việt Nam, người anh hùng dân tộc của nước Việt Nam thế kỷ XX, mà tư tưởng và đạo đức của ông đang được Đảng phát động trong đảng ngoài dân học tập và làm theo. Thứ ba, đền thờ mới được khánh thành ngày 7/5/2008, như vậy tấm bia khắc mới được ba năm. Theo thông tin tôi được biết, việc thay bia (chưa phải đục bỏ chữ trên bia mà là dùng một lớp composite dán đè lên rồi viết chữ mới vào) mới được thực hiện vào ngày 20/5/2011. Ngày 31/5/2011 tại thành phố Vinh có hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng – Trung Đô” do UBND TP Vinh, Viện khảo cổ học, Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng dụng (UIA) và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người phối hợp tổ chức. Một chủ đề chính của hội thảo là tìm kiếm nơi mai táng hài cốt của hoàng đế Quang Trung. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nhà ngoại cảm trong cả nước đã về dự hội thảo. Họ chắc chắn đã lên thăm đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết, trong số họ chắc chắn nhiều người trước đó đã từng lên đền thờ, đã biết có tấm bia khắc đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đặt ở bên phải từ cửa vào. Nếu đúng là lớp composite phủ lên bia đã có từ ngày 20/5 thì sao họ không phát hiện ra chuyện này và lên tiếng? Mà nếu chính quyền thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An muốn có một văn bản khác để thay thế văn bản của Hồ Chí Minh thì sao không tranh thủ cuộc hội thảo có nhiều bậc thức giả tụ hội về để hỏi ý kiến, đề xuất? Một tấm bia khắc lời lãnh tụ mới dựng ba năm đã vội vàng lấp liếm, thay thế bằng hành động dán đè lên khi chưa có quyết định, khi còn đang gọi là “thăm dò dư luận”, lại chỉ mới làm cách đây hai tháng, động thái đó có nghĩa là gì? Câu hỏi xin dành cho những người chịu trách nhiệm trước ngôi đền, trước Nguyễn Huệ, trước Hồ Chí Minh, trước nhân dân?
2. Trong những ý kiến phản hồi bài viết trước của tôi, có một số người cho biết lý do duy nhất được đưa ra ở Nghệ An để thay bia là có ai đó cho đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ nôm na, lại có chữ “kẻ” nghe không hay, không kính. Đây là một lý do vin vào hình thức bên ngoài mà thực ra là không hiểu biết gì về quan điểm nhân dân của Hồ Chí Minh.
Suốt đời ông Hồ viết và nói cốt cho dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm. Nhất là khi ông mới về nước sau ba mươi năm ở nước ngoài. Tám mươi phần trăm dân chúng là nông dân, phần đông là thất học, mù chữ, muốn tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho họ thì phải có cách nói làm sao cho họ dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc biệt khi nơi đầu tiên tuyên truyền cho dân lại ở vùng núi. Cho nên ông Hồ đã trình bày những điều cao xa, sâu sắc bằng những ngôn từ giản dị, bằng lối nói khẩu ngữ để nhân dân thấy gần gũi, dễ hiểu. Toàn bộ bản diễn ca Lịch sử nước ta dài 208 câu lục bát ông Hồ viết năm 1941-1942 tại Cao Bằng chính là theo tinh thần ấy. Ông kể lần lượt các triều đại với công tích chính là chống giặc ngoại xâm bằng cách nêu tên người anh hùng dân tộc qua mỗi thời kỳ rồi đúc rút thành bài học. Bài học đó luôn luôn là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Đoạn thơ ca ngợi Nguyễn Huệ là tập trung nhất, khái quát nhất cho truyền thống quý báu xuyên suốt lịch sử dân tộc đó. Câu chữ đơn giản mà chính xác, lời thơ mộc mạc mà sâu sắc, làm bật được tư tưởng lớn: Giặc Tàu dẫu hung hăng nhưng non sông nước nhà ta vẫn được dân ta giữ gìn trọn vẹn bởi dân ta biết cùng nhau một lòng và có người lãnh đạo chí cả tài cao. Một dân tộc đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, từ người cầm quyền đến dân chúng, thì không một kẻ thù nào dù xảo quyệt, mạnh bạo đến đâu, có thể khuất phục. Đánh giá Nguyễn Huệ, đánh giá sức mạnh của Nguyễn Huệ và nhân dân như vậy thật là cao cả, tuyệt vời. Nhưng ở đây ông Hồ không chỉ nói về riêng về một cá nhân, một triều đại, ông khái quát bài học chung, ông rút ra tư tưởng lớn cho cả một trường kỳ lịch sử chống giặc phương Bắc của dân tộc Việt Nam. Chọn đoạn thơ này khắc vào bia đặt ở đền thờ Quang Trung, theo tôi, mới thật là đích đáng.
Còn nói đoạn thơ của Hồ Chí Minh là “nôm na” thì chính sự nôm na đó lại phù hợp nhất với tinh thần, phong thái của “người anh hùng áo vải”. Nguyễn Huệ là người chân thật, mộc mạc trong lời ăn tiếng nói của mình, theo như các sử liệu để lại cho biết. Con người phi thường với thiên tài quân sự lỗi lạc khác lạ đó viết hịch đánh quân Thanh pha trộn cả lời Nôm và lời Hán “đánh cho để dài tóc / đánh cho để đen răng / đánh cho nó chích luân bất phản / đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Chính Nguyễn Huệ khi lên ngôi hoàng đế đã có những quyết sách trong văn hóa và giáo dục để đưa chữ Nôm trước nay còn bị xem thường (“nôm na là cha mách qué”) lên địa vị chữ viết chính thức của nước nhà, khi lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam dưới thời ông chữ Nôm được đưa vào thi cử. Khi dân làng Văn Chương (Hà Nội) làm đơn đề nghị cho dựng lại những tấm bia Văn Miếu bị đổ do các trận binh đao, Nguyễn Huệ-Quang Trung đã phê vào đơn bằng hai câu nôm tuyệt vời: “Nay mai dựng lại nước nhà / Bia nghè lại dựng trên tòa nhân gian”. Tôi nhắc lại mấy sự kiện mà ai đọc sử cũng biết để thấy rằng đoạn thơ của người anh hùng dân tộc thế kỷ XX là có sự tương thông tinh thần xuyên lịch sử với người anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII được nói đến. Vì vậy, khắc ghi những câu ca có vẻ như “nôm na” của Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung lại có thêm ý nghĩa nhắc nhở cháu con về một phương diện văn hóa đầy ý thức dân tộc của vị hoàng đế phi thường này.
Trong 208 câu của bản diễn ca lịch sử, ông Hồ ba lần dùng chữ “kẻ”. Đầu tiên là với ông vua sáng lập nhà Lý: “Công Uẩn là kẻ phi thường”. Y như câu cho Nguyễn Huệ. Ông Hồ chỉ dùng chữ “phi thường” cho hai nhân vật lịch sử này vì quả là họ phi thường thật: Lý Công Uẩn là người có nhãn quan chính trị lớn nên đã dời đô từ rừng núi về đồng bằng, mở đầu thời đại phát triển độc lập của quốc gia Đại Việt; Nguyễn Huệ là người có thiên tài quân sự đột biến trong lịch sử Việt Nam, đánh nhanh thắng nhanh, thần tốc, táo bạo. Nói vậy để thấy ông Hồ dùng chữ “kẻ” ở đây không hề là khinh xuất. Trước khi nói về Nguyễn Huệ, từ “kẻ” lại được ông Hồ dùng để chỉ cả ba anh em nhà Tây Sơn: “Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau / Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng / Dân gian có kẻ anh hùng / Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn”. Chữ “kẻ”, như thế, dưới ngòi bút của Hồ Chí Minh không hề là xách mé, tầm thường, mang nghĩa coi nhẹ nhân vật. Ngược lại, nó chỉ người đáng trọng, đáng kính. Như trong tên gọi “ kẻ sĩ”. Như trong tục ngữ ai cũng biết: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Hay trong câu đối truyền miệng: “Bác là kẻ cả trong làng / Tôi là người sang ở nước”. Lại cũng ở bản diễn ca có câu “Mấy năm ra sức Cần Vương / Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên” khi ông Hồ viết về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp. Nếu vin vào bốn chữ “bọn ông Tán Thuật” để nói ông Hồ là “thất lễ” với tiền nhân thì quả đọc chữ không vỡ chữ.
3. Một phản hồi có dẫn ra công văn nói về việc tổ chức thi tuyển và thực hiện văn bia đền thờ Vua Quang Trung. Công văn này do UBND thành phố Vinh và Hội đồng thi tuyển và thực hiện văn bia đền thờ Vua Quang Trung đưa ra, được chủ tịch UBND thành phố là Nguyễn Hoài An ký. Theo như thời gian nhận bài thi được nêu trong công văn là từ 11/7/2008 đến 10/8/2008 và theo câu viết trong phần “Mục đích” cuộc thi rằng “Trên cơ sở nội dung đã được lựa chọn, phê duyệt, tiến hành xây dựng lại công trình văn bia xứng tầm với quy mô của công trình.” (mấy chữ in nghiêng của tôi – PXN) thì biết được là cuộc thi này nhằm để thay bia – thay hai tấm bia đã được dựng lên từ đầu ở đền thờ. Xin nhắc lại là đền thờ Quang Trung ở Vinh mới được khánh thành ngày 7/5/2008. Như vậy, vừa khánh thành đền thờ xong thì đã thay bia. Tại sao lại thế? Có phải đoạn thơ của Hồ Chí Minh được chọn và được khắc từ đầu là sai lầm? là không “xứng tầm với quy mô của công trình”? Mà thời gian nhận bài thi chỉ trong vòng một tháng, lại là thi văn bia – một thể loại cổ văn ngày nay ít người am hiểu và viết được, thì mong thu được cái gì? Rốt lại thì cái công văn này, theo người phản hồi cho biết, không phải là chính thức, mà chỉ là “bản dự thảo công văn, được gửi tới qua mail cho một số người được hỏi ý kiến trước.” Nếu như đây là có thật, thì nội một việc đó thôi đã cho thấy sự không nghiêm túc của những người lập bia, dựng bia, bỏ bia, và thay bia!
4. Tôi đang viết bài này thì nhận được mấy cú điện bảo vào trang blog Phạm Viết Đào đọc đi. Tôi vào thấy bài “Nghệ An không đục xóa thơ của cụ Hồ Chí Minh trên văn bia tại đền thờ Quang Trung”. Ông Đào viết: “Ông Trần Ngọc Lữ (trưởng ban quản lý di tích) đã đưa tôi ra tấm bia để giải trình về chuyện này. Theo ông Lữ thì nhiều du khách đến thăm đền có đặt dấu hỏi: Tại sao lại gọi Hoàng đế Quang Trung là “kẻ; đây là bài thơ Cụ Hồ viết trước 1945, từ “kẻ“ không mang ý nghĩa miệt thị vì Hà Nội còn được gọi là “kẻ chợ“… Vì chiều lòng du khách nên Ban quản lý du khách làm thêm một phiên bản mới chồng lên để xem phản ứng của du khách… Vì thế nên đã dẫn tới sự hiểu nhầm: Nghệ An xóa thơ cụ Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại Đền thờ Quang Trung vừa được xây dựng trên núi Dũng Quyết…” Hình như ông bí thư tỉnh ủy Nghệ An cũng vừa tuyên bố như ông trưởng ban quản lý di tích này, nếu đọc trên một blog khác. Lạ thật. Lấy bản mới dán chồng lên bản cũ, che lấp bản cũ, không cho ai đọc được bản cũ, như vậy không gọi là xóa thì gọi là gì? Đâu phải đục bỏ bia thì mới coi là xóa bỏ. (Ở Hà Nội, tấm bia tưởng niệm Alexandre de Rhohdes ở đền Bà Kiệu trước đây cũng bị cất bỏ lâu nay trong kho, không được đem ra dựng ở đâu, thì như thế cũng coi như là xóa bỏ những lời ghi trên bia về công lao của vị giáo sĩ này đối với chữ quốc ngữ nước ta). Nói “chiều lòng du khách” thì là chiều lòng ai, khi những khách thắc mắc là đã có đọc tấm bia khắc lời ông Hồ, còn những khách đến sau thì sao, khi họ đã bị bịt mắt trước những lời ông Hồ nói về Nguyễn Huệ bởi lớp dán chồng lên đó? Rồi những khách thăm cũ, như tôi chẳng hạn, bây giờ trở lại đền thờ, muốn coi lại tấm bia có khắc đoạn thơ ông Hồ viết về Nguyễn Huệ mà mình đã biết (cũng là một dạng “thắc mắc” đấy, khi thấy bia bị dán đè lên) thì ban quản lý có “chiều lòng du khách” là tôi để lột bỏ lớp dán mới đi cho tôi được xem tấm bia cũ hay không? Nhưng điều nghiêm trọng ở đây là: Ở chốn đền thờ trang nghiêm, trên một tấm bia uy nghi, khắc ghi lời lãnh tụ, tại một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, ai đã dám quyết định cho phép làm cái việc tày đình là dán đè, phủ lấp bài văn bia đang hiện có, mà chỉ với lý do “chiều lòng du khách”? Luật Di sản văn hóa có cho phép vậy không? Rồi nếu sau một thời gian thấy văn bản mới không hợp, không được du khách đồng tình, thì người ta lại thản nhiên bóc lớp dán ra, để lại phơi ra bản văn bia cũ, tức là đoạn thơ của Hồ Chí Minh, hay sao? Thật tùy tiện và cẩu thả hết chỗ nói. Dán một tờ thông cáo này đè lên một tờ thông cáo khác trên bản tin còn phải thận trọng, cân nhắc, huống chi đây là cả một tấm bia đá lớn, một tấm bia đá khắc ghi những lời đánh giá lịch sử của một vĩ nhân về một vĩ nhân. Như vậy, hành động dán đè lên bia còn tệ hại và nguy hiểm hơn đục bỏ bia. Tôi coi đó là hành động bịt miệng Hồ Chí Minh! Mà lý do vì sao thì tôi đã nói ở bài trước.
Tóm lại, thay bia là chuyện to, không thể lấp liếm được. Chỉ nêu câu hỏi chót: Nghệ An không xóa thơ Hồ Chí Minh trên bia, vậy khi nào Nghệ An bóc tấm dán đi để thơ Hồ Chí Minh lại hiện ra trên bia trước mắt mọi người? Hay rồi đây dựng tấm bia mới, còn tấm bia có lời ông Hồ sẽ bị đưa vào kho để chìm trong bóng tối mãi mãi, hoặc tệ hơn sẽ bị đục bỏ một cách âm thầm, và như thế là hoàn tất một quá trình dựng bia và phá bia mang ngôn từ và tư tưởng Hồ Chí Minh?
Hà Nội 26.7.2011
PXN
Một trí thức chân chính, một người làm văn hóa đúng nghĩa.Xin cảm ơn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Trả lờiXóaĐây là Di tích lịch sử đã xếp hạng! Thiết tưởng muốn thay đổi bất kỳ hiện vật nào tại đây cũng phải được Cấp Quốc gia quyết định chứ! Ban Quản lý Đền sao lại tùy tiện chiều theo lòng Du khách được! Nếu sau này Du khách người Tàu sang thăm quan Đền đông và có yêu cầu thay đổi nhiều thứ ở đây thì Ban Quản lý cũng chiều lòng à?! Đúng là bao biện!
Trả lờiXóaĐặt câu hỏi tuyệt hay
Trả lờiXóamong được nghe một lời giải thích từ những người lãnh đạo cao nhất của nghệ an
Trả lờiXóaPhần kết luận bộc trực và đầy trí tuệ !
Trả lờiXóaThật tùy tiện và không tôn trọng lịch sử
Trả lờiXóaChắc là chiều lòng du khách đến từ phương bắc ấy mà
Trả lờiXóaRất buồn vì Nghệ An quê hương của Bác, đã không tự hào về Bác thì thôi sao lại nỡ đục bỏ thơ của Bác? Hôm nay đục thơ của Bác nếu không ai nói gì thì có lẽ ngày mai lại đục nốt cả câu: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Bác chăng?
Trả lờiXóakhi đi làm điền dã văn học dân gian, bản thân tôi có hàng chục câu thành ngữ tuc ngữ ca dao lồng chữ "kẻ" ở bắc trung bộ: kẻ chợ, kẻ rú(người ở vùng đồi rừng), kẻ kinh,kẻ chợ, kẻ đội(lính),kẻ rào, kẻ chài(ngư dân), kẻ diêm(làm muối),kẻ khách,kẻ trọ,kẻ sĩ. Có khi là "người đi kẻ ở", "người lên ngửa kẻ chia bào".Ngoài ra là kẻ điên, kẻ điếc, kẻ nịnh, kẻ gian, kẻ trộm và đương nhiên cả kẻ ngu phá hoại! VV nhiều lắm. Theo tôi "kẻ" là một mạo từ định danh cụ thể cho từ "người". Mạo từ "kẻ" rất khách quan của "vỏ âm thanh"..
Trả lờiXóabây giờ khi ngữ nghĩa phong văn hiện đại có những thay đổi, xin các nhà chính chị văn hóa đừng áp đặt vô tội vạ, làm khổ tiền nhân.
Người viết là "vị" học trò của "kẻ" thầy PXN, hội ngộ năm rồi trên bờ biển phương nam. Kính chúc thầy khỏe!
Tui ở Nghệ An đây. Tui thấy nhục quá! Nói chung lãnh đạo Nghệ An hiện nay mục ruỗng hết rồi.
Trả lờiXóaLý trích tiên (Lý Bạch) có cảm xúc nhưng...không đề thơ ở lầu Hoàng Hạc vì HOÀNG HẠC LÂU của Thôi Hiệu ! Nhân cách người xưa cũng rất đáng để chúng ta, ngày nay và mai sau, học tập và làm theo.
Trả lờiXóaPhạm Xuân Nguyên đúng lí.
Trả lờiXóaNhững kẻ làm ciệc tùy tiện ( ấy là nói nhẹ nhất)
không thể trối bỏ trách nhiệm.
Nhân dân sẽ phán xét tất cả.
dám đục bỏ lời Bác ư? Thật là quá quắt! Đã có dấu hiệu rồi đấy!!!!
Trả lờiXóaNước Sông Lam đã cạn rồi chăng.
Trả lờiXóaTrên trang của Ông Phạm Viết Đào có bài nói là Nghệ An không " đục " bỏ thơ Bác Hồ trên bia đá. Đề nghị TS Diện ring về đây cho bà con đọc luôn thể. Ta tôn trọng mọi chính kiến khác nhau. Bà con cư dân mạng cần ghé vào blog Phạm Viết Đào đọc bài đó xem sao
Trả lờiXóaHôm qua trên blog của Bác Đào có bài NGHỆ AN KHÔNG ĐỤC XÓA THƠ CỦA CỤ HỒ CHÍ MINH TRÊN VĂN BIA TẠI ĐỀN THỜ QUANG TRUNG. Trong bài viết có lời giải thích của ông trưởng BQL di tích do có một số người CHÊ thơ Bác Hồ nên "Vì chiều lòng du khách nên Ban quản lý du khách làm thêm một phiên bản mới chồng lên để xem phản ứng của du khách..."...
Trả lờiXóaTheo tôi ông trưởng BQL di tích đã ngụy biện, lấp liếm cho âm mưu, kế hoạch của một số lãnh đạo Nghệ An về việc làm đầy nhục nhã, hổ thẹn của họ. Nhưng phân tích của bác Nguyên đã đầy đủ rồi. Tôi chỉ muốn góp thêm, họ chưa đục bia đá khắc lời của Bác Hồ nhưng âm mưu của họ, toan tính hèn hạ, nhục nhã của những người chỉ đạo việc này đã bị người đời ghi BIA MIỆNG rồi. Tôi chỉ tiếc rằng, danh tính của những người chỉ đạo và tham gia việc này.
Đọc hết bài của Phạm Xuân Nguyên, kẻ sỹ xứ Nghệ mà tôi rùng mình, uất nghẹn. Không biết Ban Tuyên Giáo Trung Ương có biết việc này không nhỉ?. An Ninh Văn hóa tư tưởng có vào cuộc không?. Giặc Minh xưa đã phá hủy rất nhiều, nay anh bạn láng giềng kia âm ưu dùng người Việt Nam xóa văn hóa và lịch sử Việt Nam. Không biết trên đất nước Việt Nam này còn bao nhiêu nơi, bao nhiều di tích có trường hợp tương tự như ở Nghệ An?
Trả lờiXóaBác Gà Quê à. Đúng là Nghệ An chưa dùng đục sắt để đục thơ Bác khắc trên bia nhưng đã dùng tấm composite in khác bài khác phủ lên. Đó là miệng lưỡi ngụy biên của người lãnh đạo Nghệ An và người viết bài trên blog Phạm Viết Đào. Bác thử nghĩ xem : đục chữ, cạo chữ, xóa chữ, phủ đè lên chữ...thì hành vi có khác gì nhau ? ? ? Mà theo tôi phủ lên lại còn hèn hạ hơn là đục bỏ. Kính mong bà con cho ý kiến.
Trả lờiXóaNghe thấy tiếng gà mái gọi, GÀ QUÊ tôi không chịu được...Đành phải quay lại.
Trả lờiXóaBản chất của hành vi bác Nguyên đã phân tích, đó là thay thế lời Bác Hồ tại văn bia. Đó là nói nhẹ nhàng của kẻ sĩ Nguyên, còn tôi thì nói là XÓA LỜI THƠ CỦA BÁC HỒ.
Phải nhìn nhận khách quan là hành động của họ "chưa gây hậu quả nghiêm trọng" vì bia vẫn không bị thay đổi nếu bóc tháo lớp composite. Nếu đã đục rồi thì hành vi đã có "cấu thành tội phạm vật chất" mất rồi. Tội này khủng lắm, trời đất không dung tha đâu em gà mái à.
Tuy nhiên, những người chỉ đạo, tham gia làm việc này không thể trốn tránh vì động cơ, mục đích việc làm đầy nhục nhã, hèn hạ của họ. Hoàn toàn không phải để "chiều lòng du khách" như người trưởng BQL di tích lấp liếm. Theo tôi, họ làm thế để chiều lòng những kẻ kẻ khác, những kẻ không muốn nghe đến Quang Trung, Hồ Chí Minh, những kẻ không muốn Việt Nam độc lập, tự do.
GÀ QUÊ tôi chỉ tiếc không có đầy đủ thông tin về danh tính của những người tham gia chỉ đạo làm cái việc nhục nhã này để BIA MIỆNG của người đời gắn đúng vào tên của họ.
Ò ó o...
Bác Gà Quê còn tinh khôn bằng triệu Gà Thành phố.Tôi và bác mà làm một đôi thì tha hồ thỏa chí tang bồng. Tôi nghĩ Làm bậy thì nhận lỗi và khắc phục là có văn hóa nhất, khôn ngoan nhất. Làm bậy rồi còn ngụy biện, đó là loại người không thể cải tạo được. Bác Phạm Viết Đào đổ đốn ra lại bênh là không " đục bỏ" đã bị một com. trời giáng là : có người lấy mặt nạ úp lên mặt bác Đào thì khuôn mặt đó có còn gọi là Bác Đào nữa không? Tôi linh cảm thấy hình như Bác Đào đã nhận thấy là dở rồi. Chuyện bác Đào có thể cho qua vì không phải là thủ phạm nhưng quê Bác Hồ mà xóa bỏ lời Bác Hồ thì tội tày đình. Từ đây những người lãnh đạo NGhệ An khó mà có vị trí tôn kính trong lòng dân NGhệ và nhân dân yêu nước. Thử hỏi nhà chức trách nếu thảo dân Gà Quê mà xóa lời Bác thay bằng lời GS nào đó thì tù mấy năm ? ? ? Ò ó o
Trả lờiXóaNhững kẻ nhân danh văn hoá mà làm 1 việc vô văn hoá, đớn hèn. Ai còn lạ gì chúng muốn làm đẹp lòng ai! Đừng để vết nhơ cho đời đời nguyền rủa. Vô cùng cảm ơn các trí thức đã đưa sự việc này ra ánh sáng. Không biết còn sự việc nào tương tự thế này không đây hả trời!
Trả lờiXóaBác Nguyên là chỗ dựa và niềm tin của chúng tôi. Đất Thăng Long này thiếu gì người tài giỏi, thế mà văn sĩ Hà Nội đã bầu Bác Nguyên, một anh " Cá Gỗ " Nghệ An, làm Chủ tịch Hội nhà Văn Hà Nội.Thế là đủ biết tài đức của Bác NGuyên. Bác Nguyên không trúng Hội đồng nhân dân nhưng sẽ sống trong lòng nhân dân.Tin và hy vọng Bác không làm nhân dân thất vọng. Kính chúc Bác Nguyên vui khỏe, bình an
Trả lờiXóaTôi muốn xem ảnh chụp bài thơ của Hồ chủ Tịch tren bia và ảnh bài đã thay. Xem ở đâu?
Trả lờiXóaLí luận về việc thay bia là không thật. Hay các quan văn hóa ở Nghệ An biết trước chủ trương khi ông Hồ Xuân Sơn qua "đồng thuận" với Tàu định hướng dư luận nhân dân ta. Việt Nam chắc sắp thành một tỉnh của Tàu rồi hay sao mà việc gì đụng đến Tàu cũng là "phạm" cấm kị thế nhỉ, thậm chí lời lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được chọn khắc lên bia đá và đem ra thờ cúng trước linh hồn Vua Quang Trung nhưng bọn quan làm văn hóa này có coi ra gì! Hay đây là chỉ đạo của Bộ Ngoại Giao bên ông Hồ Xuân Sơn làm việc? Tinh thần chống giặc phương Bắc xâm lăng ở các quan đâu hết rồi hỡi các quan văn hóa?
Trả lờiXóaĐồng Bào.