Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

NGUYỄN QUANG THẠCH: CÚ ĐẠP VÀ NHỮNG CÂU HỎI

Một đôi tân hôn gặp và tham gia biểu tình tại Hà Nội sáng 12.6.2011. Ảnh: Mai Kỳ
CÚ ĐẠP VÀ NHỮNG CÂU HỎI
Nguyễn Quang Thạch

Mấy ngày qua cư dân mạng đã truyền đi những hình ảnh của cú đạp vào người biểu tình vào ngày 17/7 trên thế giới ảo với tốc độ chóng mặt. Tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ cũng đồn xa. Trên xe buýt, trong quán cà phê….và thậm chí những người xe ôm đã góp phần truyền tin về cú đạp đến nhiều thính giả hơn.
Cầu mong rằng  không có những phóng đại, suy diễn và bịa đặt dành cho ngành công an bởi những người thiếu bình tĩnh và cực đoan thông qua cú đạp lịch sử này. Vì rằng những sự phóng đại, suy diễn và bịa đặt sẽ không những không tốt cho ngành công an mà còn không tốt cho cái xã hội vốn đang đầy rối ren này.
Cũng mong rằng khi mọi người khi trút căm giận lên tác giả cú đạp và những hành động không mấy thiện cảm gần đây của một số cán bộ công an thì cũng nên nghĩ đến những chiến sỹ đã bỏ mạng vì chống tội phạm ma túy, tội phạm hình sự khác…
Về phần tôi, Cú đạp giữa thanh thiên bạch nhật đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ, tuy nhiên, tôi chỉ nêu vấn đề ở dạng câu hỏi.
(i) Liệu có thanh niên nào bị cơ quan quở trách vì việc đi biểu tình của bạn ấy đã làm xáo trộn các hoạt động của cơ quan?
(ii) Liệu có thanh niên nào bị cơ quan cho nghỉ việc vì đã tái diễn nhiều lần đi biểu tình và đã gây các rắc rối tiếp diễn cho các cơ quan?
(iii) Liệu có người mẹ nào bị con cái phản đối khi bỏ tiền túi mua nước cho người biểu tình để nhận được những nghi ngờ vô lối?
(iv) Liệu có em sinh viên nào bị đuổi học vì đã đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước không? Bố mẹ những sinh viên bị đuổi học có nhận đúng thông tin là do đi biểu tình mà bị đuổi học hay lại nhận các loại thông tin khác để các em bị oan ức và tuyệt vọng?
(v)  Liệu có cặp vợ chồng nào xung đột và dẫn đến ly dị vì một trong hai người đã tham gia biểu tình không?
(vi) Liệu có chủ nhà nào cắt hợp đồng thuê nhà vì người thuê đã đi biểu tình không?
(vii) Liệu có người đi biểu tình nào lại bị ngã xe hoặc bị ném những thứ nguy hại vào nhà không?
Nếu những câu hỏi trên có câu trả lời là KHÔNG thì rất tốt.  
Nếu câu trả lời là CÓ thì chắc chắn một số trong những người kia sẽ không vui, một số sẽ bực tức, một số sẽ căm giận và một số sẽ tuyệt vọng. Tất cả những trạng thái tình cảm đi từ không vui đến tuyệt vọng ở trong mỗi công dân sẽ không bao giờ tốt cho chính quyền và xã hội. Họ sẽ trở những người cực đoan và bất hợp tác với chính quyền. Chẳng có xã hội nào tốt đẹp nếu có quá nhiều thành phần (vốn dĩ họ là những công dân tử tế) trở nên những công dân bất mãn và chống đối chính quyền cả.  
Chắc chăn CÚ ĐẠP không làm cho Trung Quốc chấm dứt gây hấn nhưng hệ quả nhãn tiền của nó đã không những làm cho người bị đạp căm tức mà hàng triệu người khác đã có chung phản ứng. Theo nhãn quan của giáo sư Chu Hảo thì “….Sự đàn áp này khêu ngòi và kích động các hành động bạo lực, có nguy cơ gây mất ổn định chính trị-xã hội vào đúng lúc, hơn bao giờ hêt, chúng ta cần sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội để bảo vệ và phát triển đât nước trong tình hình nóng bỏng hiện nay.
Nó hết sức nguy hiểm còn bởi vì, qua hình ảnh này, toàn thế giới đang nhìn ta nghi ngại: liệu có nên làm bạn với một chính quyền có lực lượng an ninh đối xứ tệ hại như vậy với nhân dân mình?....
Tệ hại hơn, khi những quốc gia tiến bộ không muốn chìa tay với chúng ta thì thằng khốn Trung Quốc lại ve vãn bằng các lợi thế của nó để đất nước ta phụ thuộc nó sâu hơn và rộng hơn. Số phận dân tộc sẽ đi về đâu nếu sự phụ thuộc toàn diện xảy ra? Vô hình chung, CÚ ĐẠP đang tạo nhiều cơ hội cho Trung Quốc cả trên và trên biển.
Mong rằng chính quyền hiện tại cần học các bài học đã và đang xảy ra ở quanh ta:
-  Những chính quyền kém cỏi thì lấy đàn áp để trị dân và đã bị dân đáp trả thích đáng. Hình ảnh quốc gia ngày một xấu đi, xã hội thì hỗn loạn. Cảnh sát thì nhiều nhưng tội phạm vẫn nhan nhản.
-  Những chính quyền bình thường thì biết đưa cháo cho dân nghèo trong lúc hấp hối. Vì thế, dẫu sao vẫn lôi kéo được một số người về với chính quyền.
-  Chính quyền giỏi thì biết điều hòa các nhóm lợi ích; lấy minh bạch và giải trình làm thước đo tiêu chuẩn con người và xã hội. Bởi thế, họ đã quy phục những kẻ chống đối về với mình và đương nhiên xã hội đó nhân văn và cường thịnh. Singapore là một điển hình của chính quyền giỏi.
Hơn bao giờ hết, ngành công an cần làm một cuộc khảo sát để đo phản ứng dân chúng về những sự việc liên quan đến các cuộc biểu tình chống Tàu cũng như đo suy nghĩ của người dân về chính ngành của mình để đưa ra các giải pháp tổng thể trong việc xây dựng lực lượng thực sự gần dân và dành được sự tin yêu của dân chúng.  Đặc biệt, nếu có biểu tình tiếp diễn thì tuyệt đối không để tái diễn tình trạng như 2 chủ nhật gần đây.
*Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
 

8 nhận xét :

  1. Ảnh quá đẹp, bài quá hay. Cảm ơn Nguyễn Quang Thạch và Nguyễn Xuân Diện. Chính quyền cần đọc và xử lý kỷ luật người công an vô nhân tính đó. Xem video clip, thấy người thanh niên kêu "bà con ơi" tôi căm uất đến nghẹn ngào.

    Trả lờiXóa
  2. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, một đầu óc tỉnh táo và bình tĩnh quả là đáng quý.

    Trả lờiXóa
  3. trang blog cua nha tri thuc NGUYEN XUAn DIEN co nhung bai viet rat gia tri.
    cam on

    Trả lờiXóa
  4. Thật xấu hổ,cho đến tận bây giờ mà công an thành phố Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến vận chưa có thái độ,trách nhiệm với công luận???

    Trả lờiXóa
  5. trong bóng đá một cú đạp như thế vì bất cứ lý do nào chắc chắn cầu thủ đạp sẽ bị tuất quyền thi đấu ít nhất vài trận.

    Trả lờiXóa
  6. Chục năm gần đây tôi chỉ có hai lần khóc thầm. Một lần xem đoạn video "Vòng tròn bất tử", trong đó trung quốc xả súng 37 ly vào các chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam tay không tấc sắt ở đảo Gạc ma. Và lần này là công an Việt Nam đạp vào mặt Nhân dân Việt Nam yêu nước bị giữ cả tay lẫn chân.

    Trả lờiXóa
  7. ông này viềt giỏi quá, bái phục, rất tổng quát mà cũng cụ thể.

    Trả lờiXóa
  8. Những người có trách nhiệm nên quan tâm điều này. Bác Chu Hảo nói rất đúng:
    “….Sự đàn áp này khêu ngòi và kích động các hành động bạo lực, có nguy cơ gây mất ổn định chính trị-xã hội vào đúng lúc, hơn bao giờ hêt, chúng ta cần sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội để bảo vệ và phát triển đât nước trong tình hình nóng bỏng hiện nay.
    Nó hết sức nguy hiểm còn bởi vì, qua hình ảnh này, toàn thế giới đang nhìn ta nghi ngại: liệu có nên làm bạn với một chính quyền có lực lượng an ninh đối xứ tệ hại như vậy với nhân dân mình?....”

    Trả lờiXóa