Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

THÁCH THỨC BIỂN ĐÔNG VÀ "CHIẾC NỎ THẦN" VIỆT NAM

Thách thức Biển Đông và "chiếc nỏ thần" Việt Nam

TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore)

Dân tộc Việt Nam có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được.

 

Những biến động dồn dập gần đây ở Biển Đông với hành động phi đạo lý của Trung Quốc trong xâm phạm chủ quyền của Việt Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ chứa đựng không chỉ tham vọng vô đáy của Trung Quốc trong vùng biển xung yếu này mà cả sự đánh giá rất thấp (nếu không nói là coi thường) khả năng ứng xử chiến lược của nhà nước và sức trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.

Đây là một nước cờ sâu và táo bạo. Có lẽ những người đi nước cờ này đã trù tính kỹ tới ba phản ứng sau đây của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ không tiếc tiền, vội vã mua sắm vũ khí, tăng cường phòng thủ. Điều này sẽ làm ngân sách quốc gia kiệt quệ, kinh tế vĩ mô chao đảo, kinh tế suy yếu.

Thứ hai, người dân Việt Nam sẽ rất bức xúc trong khi nhà nước bối rối lo ngại nên tăng cường kiểm soát và kìm chế. Kết quả là, người Việt Nam sẽ mất đi tính sáng suốt của sự đồng lòng; và do đó không còn tâm trí nào cho một nỗ lực cải cách sâu rộng.

Thứ ba, giới doanh nhân Việt Nam sẽ mất đi quyết tâm và nhuệ khí  trong thâm nhập thị trường Trung Quốc, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chiến lược phát triển. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước thua thiệt và yếu kém nhất trong các nước châu Á trong quan hệ thương mại với thị trường khổng lồ và tăng trưởng nhanh chóng này.

Thế nhưng, những người chơi nước cờ sâu và táo bạo nói trên có thể không lường hết sức trỗi dậy của dân tộc Việt Nam. Dân tộc này có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được. Thách thức Biển Đông có lẽ là một vận hội vô giá, nó buộc người Việt Nam chúng ta phải dùng đến chiếc "nỏ thần" kỳ diệu này.

Chúng ta cần hiểu Trung Quốc hơn

Để vượt qua thách thức nghiệt ngã hiện nay, Việt Nam cần hiểu rõ hơn Trung Quốc. Đây là một dân tộc có nền văn hóa lớn, lâu đời, với nhiều thành quả huy hoàng trong quá khứ nhưng đã bị kìm nén nặng nề trong hàng trăm năm qua do chính sách đóng cửa và não trạng mê muội. Từ khi có cải cách do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng họ đã đi được những bước khổng lồ, làm thế giới thán phục, với động lực chủ đạo là ý chí và tham vọng rất lớn, trọng dụng nhân tài, tầm nhìn rộng, và mưu kế sâu sắc. Xu thế này hiện còn rất mạnh mẽ và có thể còn kéo dài.


 
Đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Chu Thanh Vân.

Việt Nam cũng như nhiều nước khác cần thấu hiểu cục diện này và chuẩn bị thật tốt để có thể sống bên một người láng giềng khổng lồ, hùng mạnh, tham vọng, mưu sâu, và có thể có những hành vi nhẫn tâm trong khẳng định quyền thế nhờ sự trỗi dậy của mình.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần biết rõ những điểm yếu rất dễ tổn thương của Trung Quốc. Thứ nhất, đó là nội tình phức tạp với nhiều yếu tố bất ổn từ trong cốt lõi. Mức độ ổn định chính trị và kiểm soát tham nhũng của Trung Quốc rất thấp so với hầu hết các nước (theo khảo sát thường niên của Ngân hàng Thế giới). Trung quốc sẽ không thể rảnh tay làm mưa gió trên thế giới nếu người dân Trung Quốc thấy chính phủ mình thua kém Việt Nam và các nước láng giềng trong nỗ lực cải cách-phát triển. Khi đó Trung Quốc sẽ phải quay về giải quyết vấn đề nội bộ.

Thứ hai, hình ảnh nhân văn của Trung Quốc trên trường quốc tế còn rất thấp. Từ thực tế châu Phi đến Biển Đông, họ chưa chứng tỏ được mình là một quốc gia có trách nhiệm cao trong  kiến tạo hòa bình và phồn vinh cho thế giới.

Thứ ba, Trung Quốc để lại nhiều ấn tượng chưa đẹp về tính trung thực và sự nhất quán giữa hành động và lời nói, từ chất lượng sản phẩm đến đường lối kinh tế và chính sách ngoại giao.

Một mặt khác, Trung Quốc là một quốc gia có lãnh đạo giỏi, tầm nhìn xa. Trên thực tế, họ rất ngại và kiêng nể các quốc gia có hội đủ ba yếu tố: thượng tôn các qui luật của tạo hóa, trọng dụng nhân tài, và dốc sức khai phát sức mạnh dân tộc. Bởi họ biết dân tộc này sẽ là một quốc gia hùng cường. Hàn Quốc là một trường hợp điển hình. Trong khi đó, họ có thể hành xử rất ngạo mạn với những quốc gia mê muội, giáo điều, hắt hủi hiền tài, phân liệt nhân tâm. Bởi họ biết đất nước này đang ở vào thế suy vi.

Trung Quốc đã qua giai đoạn trỗi dậy hòa bình và bước vào giai đoạn khẳng định uy lực của mình. Họ sẽ không ngại đối đầu trên những điểm mạnh của họ, đặc biệt là về thực lực kinh tế và quân sự. Tuy nhiên họ sẽ phải chùn lại nếu sự đụng độ khoét sâu các điểm yếu nêu trên: ổn định chính trị thấp, hình ảnh nhân văn hạn chế, ấn tượng về hành xử thiếu văn minh và trách nhiệm.

Việt Nam: Chiếc "nỏ thần" và phương cách sử dụng

Từ bài học từ cha ông

Binh pháp cổ có tổng kết rằng, muốn làm nên một chiến thắng hiển hách, cần có khả năng làm kinh ngạc đối phương. Đây là chiếc "nỏ thần" kỳ diệu mà người Việt Nam qua bao thế hệ đã dùng đến mỗi khi đất nước bị lâm nguy hoặc ngoại xâm giày xéo. Ông cha ta đã để lại những bài học quí giá khi dùng đến vũ khí chiến lược này.

Bài học của Đức Trần Hưng Đạo chỉ ra rằng cách bảo vệ tổ quốc tốt nhất là chủ động tiến công vào những yếu kém của chính mình. Theo tư tưởng này, ngài thảo ra hịch tướng sĩ, khích lệ tướng sĩ thấy nỗi nhục quốc gia mà bỏ thói hư tật xấu, quyết chí một lòng, xả thân vì nước.

Ngài chỉ rõ, nếu để mất nước thì: "chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến ngàn năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận."

Và nếu giữ được nước thì: "trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền."

Nguyễn Trãi nêu ra những nguyên lý cao cả để dân tộc vượt lên mọi sự bạo ngược:

"Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo"

(Bình Ngô Đại cáo)

Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ trăn trở tìm kiếm người hiền tài ra giúp nước: "Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến... Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương." (Chiếu cầu hiền)

Đến nỗ lực hôm nay

Sẽ cần những nghiên cứu sâu sắc và thảo luận rộng khắp trong nhân dân để tìm ra đủ phương cách để Việt Nam có thể vượt lên bằng những nỗ lực làm kinh ngạc thế giới, buộc đối phương phải rút về thế phòng thủ - hòa hoãn. Ba hướng đi lớn cho các nỗ lực có thể là:

1- Xác lập ý chí cải cách của lãnh đạo Đảng và Nhà nước;

2- Cả nước trên dưới một lòng toàn tâm toàn ý khai phát sức mạnh tiềm tàng của dân tộc; và

3- Toàn xã hội thành tâm coi giá trị nhân văn và lòng nhân bản làm nền tảng phát triển và hướng đích cho dân tộc đi đến phồn vinh.

Theo hướng đi này chúng ta có quyền đòi hỏi và kỳ vọng một số hành động sau đây.

+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe bàn luận để thấy hết nguy cơ, thậm chí thảm họa mà đất nước nhân dân sẽ phải gánh chịu trong tương lai không xa nếu đất nước tiếp tục tụt hậu, dân tộc phân tâm.

+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quây quần cùng đại diện mọi tầng lớp nhân dân, ngày đêm họp bàn tìm phương kế cải cách, đưa nhanh đất nước đến hùng cường.

+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước có chính sách sử dụng hiền tài, đưa đất nước vượt lên trên mọi lĩnh vực, từ phát triển kinh tế đến củng cố quốc phòng, từ dân chủ hóa đất nước đến xây dựng thiết chế nền tảng cho phát triển bền vững, từ cải cách giáo dục đến nâng cấp tiềm lực khoa học công nghệ, từ hợp tác quốc tế đến gia cường vị thế và hình ảnh Việt Nam.

+ Có những bước đi đột phá táo bạo; đặc biệt là xây dựng một số đặc khu kinh tế nhằm huy động sức mạnh tổng lực của dân tộc, là hình mẫu của Việt Nam năm 2045, với sức đuổi vượt mạnh mẽ làm thế giới khâm phục và kính nể.

+ Mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu hãy tự giác góp phần tạo nên hình ảnh một dân tộc có phẩm chất cao quí: thành tâm trong hợp tác, cầu thị trong học hỏi, ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Việt Nam cần trở thành một điểm sáng, có sức tương phản và thu hút mạnh mẽ trong hun đúc những phẩm chất cao quí này.

Nguồn: Tuần Việt Nam (VNN)

13 nhận xét :

  1. Bài viết hay. Nhưng hành động nào để Nhà nước Việt làm được những điều trên đây?

    Trả lờiXóa
  2. Ơi chú Diện ơi, đất nước thì nghèo nàn, lạc hầu, tổ quốc thì đang lâm nguy, vậy mà cái bộ phim "Kungfu Panda" gì đấy vừa ra đời đã đạt 1triệu usd, được xếp hạng nhanh nhất tại VN. Thất vọng thật, 1tr usd ấy có thể làm được bao nhiêu điều cho đất nước thay vì......
    Đây là thông tin ....: http://www.tinmoi.vn/Kungfu-Panda-2-dat-1-trieu-USD-nhanh-nhat-tai-VN-06537974.html ....

    Trả lờiXóa
  3. Thưa TS. Lại có bài "nhạy Cảm" của Bác NG. TRung trên Bôxit,nếu thấy không quá nhạy cảm thì đề nghị TS cho đăng để mọi người cùng thưởng thức.
    Kính.

    Trả lờiXóa
  4. Chiếc Nỏ thần mà TS VMK đề cập là những thông tin vĩ mô mà cấp lãnh đạo nên lắng nghe. Còn đối đáp hành vi trên Biển Đông trước những gây hấn của TQ gần đây có lẽ lại là phạm trù khác hẳn tác chiến trên bộ.
    Ngoài thể hiện ý chí thống nhất và quyết tâm của cả dân tộc, tác chiến trên biển phần lớn phụ thuộc so sách lực lượng hiện hữu. Những quốc gia mà bốn mặt là đại dương, biển cả bao bọc tại sao họ tồn tại đến ngày nay là bài học cho những nước có biển và đường bờ biển kéo dài. Liên minh quân sự của Nhật, Philipin, Hàn Quốc, Thái lan, Niu Jilân...phải chăng tạo nên thế cân bằng cho các nước ấy đứng vững trong mọi cuộc xung đột thế giới trong mấy thập kỉ qua ?!
    Những ai ảo tưởng vào một hệ thống tư duy XHCN đã phải trả giá bằng chính sự tụt hậu, thua kém không những giá trị vật chất và văn minh tinh thần trong nửa thế kỉ qua, lại càng không thể ảo tưởng vào liên minh quân sự của hệ thống ấy. Bài học đắt giá của chiến tranh lạnh đã làm LX và hệ thống mất máu, kiệt quệt kinh tế dẫn đến xụp đổ về chính trị. Bài học đau đớn của VN sau khi chiến thắng đế quốc to lại phải quay sang đối mặt với chiến tranh chính người bạn của mình trước đây.
    Con đường mà VN phải đối mặt trên biển hiện tại và tương lai là sự bành trướng của TQ trước những sức ép về nhu cầu phát triển kinh tế và giải tỏa mâu thuẫn nội chính, mà tương lai gần là TQ sẽ cho thăm dò và đặt dàn khoan nước sâu...
    Gần đây Philipin kêu gọi HK có mặt ở Biển Đông phải chăng là tiếng nói chung cho các quốc gia có bờ liền kề tương tự ? Nếu không có sức mạnh quân sự thực lực của Mĩ và nền công pháp biển hiện hành, liệu có quốc gia nào trong ASEAN và ngay cả hệ thông ASEAN dám đương đầu TQ ?
    Có được lòng dân bằng một nền dân chủ thực sự (chứ không phải bằng lí luận) cộng với đường lối đối ngoại cầu thị tin cậy vào liên minh quân sự với HK thì không những trí tuệ VN anh minh bao thế hệ được phát huy, bảo đảm an ninh bền vững mà tạo tiền đề cho một nền kinh tế phát triển không giới hạn.
    Phải chăng đấy mới là Cái Lẫy của Chiếc Nỏ Thần ?!.
    ........
    Trang Tử

    Trả lờiXóa
  5. Đây thật sự là điều mà dân tộc ta cần thiết trong thời điểm này để một lần và mãi mãi đảm bảo được sự phát triển cường thịnh của dân tộc bên cạnh một Đại Hán luôn ôm tham vọng bành trướng.

    Đáng buồn là những nhân tài hiếm hoi như TS Vũ Minh Khương lại không tìm được đất dụng võ ở Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  6. xaydungctt2008@gmail.comlúc 14:20 15 tháng 6, 2011

    Kính gửi: TS Nguyễn Xuân Điện
    Đọc bài "Thách thức Biển Đông và "chiếc nỏ thần" Việt Nam" tôi thấy ý nghĩa sâu xa của TS và đúng như TS đã nói "Đây thật sự là điều mà dân tộc ta cần thiết trong thời điểm này để một lần và mãi mãi đảm bảo được sự phát triển cường thịnh của dân tộc bên cạnh một Đại Hán luôn ôm tham vọng bành trướng".
    Tuy nhiên, để chuẩn bị cho Hội nghị Diên hồng TK21 chúng tôi rất mong TS giúp mở 1 chuyên đề riêng, có thể với tiêu đề như TS đã viết hoặc với một tên khác, VD như "Làm gì để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc?" để cho tất cả những người yêu nước VN không phân biệt chính kiến, không phân biệt quốc tịch, không phân biệt sang hèn, học vị v.v...có thể đóng góp xây dựng.
    Rất mong TS bớt chút thời gian và tâm sức giúp thỏa mãn nguyện vọng tha thiết của chúng tôi.

    Kính thư.

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  8. TS Vũ Minh Khương là một hiền tài đất Hải Phòng, nhưng đáng tiếc là lại người thành đạt và cống hiến ở nước ngoài; không biết ông có sớm hồi hương để phục vụ dân tộc không?

    Trả lờiXóa
  9. Việt Nam cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trên mạng ( kể cả các mạng xã hội, blog ) về chủ quyền các quần đảo của ta( nên có hình ảnh ) các vụ gây hấn của Trung Quốc , nêu rõ vị trí trên bản đồ ( như vụ tàu Bình Minh 2 ), đăng các tin về nội bộ Trung Quốc như biểu tình phản đối , các vụ vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc. Các bạn biết ngoại ngữ nên viết ( dịch )nhiều bài tiếng Anh , tiếng Trung để thế giới và cả nhân dân Trung Quốc biết. Xưa chúng ta đánh thắng Mỹ, thì có cả một mặt trận ngoại giao, tuyên truyền. Chúng ta cần làm nhiều cách để bảo vệ Tổ Quốc thân yêu.
    Nguyễn Tài Đức

    Trả lờiXóa
  10. Nỏ thần chính là dân tộc Việt Nam, mũi tên là lực lượng vũ trang và xạ thủ là chính quyền. Nỏ thần chỉ có sức mạnh khi cả ba được phối hợp hài hòa với nhau để thành một sức mạnh vô bờ. Xạ thủ mà run tay, không xác định được thời cơ lắp tên, căng nỏ thì dù nỏ chắc, tên sắc cũng không thể tiêu diệt được kẻ thù.

    Trả lờiXóa
  11. Đây thực sự là một cơ hội tốt để tất cả chúng ta, đặc biệt là các cấp lãnh đạo thức tỉnh và nhìn thấu đáo hơn vào người bạn khổng lồ nhưng văn hóa ít của chúng ta mà bấy lâu nay họ tìm cách ru chúng ta ngủ để họ mặc sức đạo tặc. Đúng dân tộc ta, nhân dân ta chính trong những hoàn cảnh khó khăn nhất mới có cơ hội để tạo nên sức mạnh thần kỳ vượt qua sóng gió, bằng sự đoàn kết và nỗ lực phi thường. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những vị lãnh đạo sáng suốt tập trung được sức mạnh của cả dân tộc. Thèm lắm!
    Cảm ơn bác Diện

    Trả lờiXóa
  12. Anh Diện ơi, kẹt một điều là cái nỏ thần tuyệt diệu đó hiện giờ "đã được" cất giữ trong tủ bảo mật với hàng chục lần khóa tại Viện bảo tàng để mọi người chỉ có thể chiêm ngưỡng, ôn lại những thời oanh liệt của Tổ Tiên ta rồi thở dài với thực tế mà thôi.
    Xạ thủ mà không có nỏ thần cùng với những mũi tên sắc bén thì cũng trở thành vô dụng.

    Trả lờiXóa
  13. Về đấu tranh ngoại giao các GS Việt ở nước ngoài có uy tín và đủ tầm hơn chỉ cần có cái tâm là được. Khi làm việc ở nước ngoài, các GS phát biểu, tuyên bố không cần phải xin phép trước... đâu nhé. Yên tâm đi bác ND 15:28
    DBND

    Trả lờiXóa