Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

MỖI KIỀU BÀO LÀ MỘT SỨ GIẢ VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG

Mỗi kiều bào là một sứ giả về chủ quyền Biển Đông 


Theo phân tích của các chuyên gia Quỹ nghiên cứu Biển Đông, người Việt Nam ở nước ngoài cũng có một vị trí quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa
quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
                                                            Ảnh:
Hoàng Long
TS Giáp Văn Dương- Quỹ nghiên cứu Biển Đông cho rằng, với những nước nhỏ, yếu, phương thức giải quyết tranh chấp Biển Đông là dựa vào sức mạnh của ngoại giao nhân dân và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đặc biệt, người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có nhiều hình thức mà người dân trong nước không có được, như việc tiếp cận các kho tư liệu về biển đảo ở các thư viện nước ngoài, phổ biến thông tin về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế để tạo sự ủng hộ từ bên ngoài, hỗ trợ về mặt kinh tế, kĩ thuật cho ngư dân, bộ đội, hỗ trợ các dự án nghiên cứu về biển đảo, v.v.

Trong một bài viết mới đây, TS Trần Vinh Dự- Quỹ nghiên cứu Biển Đông cũng phân tích để đưa ra những việc cụ thể mà người Việt Nam ở nước ngoài cần làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đầu tiên là cần đọc nhiều hơn để hiểu về bản chất sự việc, lập trường của các bên, và các lợi ích cũng như thiệt hại của các nước trong cuộc xung đột này, đặc biệt là lợi ích quốc gia của nước mà người Việt đang sinh sống. Tiếp đến, nói về cuộc xung đột này với bạn bè, đặc biệt là người nước ngoài và người Trung Quốc là một công việc hết sức quan trọng và cần tới sức mạnh đông đảo của người Việt ở nước ngoài. Việc lên tiếng bằng các hình thức đấu tranh bất bạo động để phản đối lại hành vi xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam của Trung Quốc cũng hết sức có ý nghĩa... Ở mức cao hơn nữa là vận động chính giới của các nước bản địa ủng hộ việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột này bằng con đường hòa bình. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Thám- Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho rằng, mỗi kiều bào đang định cư ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới sẽ là một tuyên truyền viên về sự thật chủ quyền biển, đảo và đường lối, chủ trương đúng đắn, đầy chính nghĩa của Việt Nam trong cộng đồng và bạn bè khắp thế giới. Điều ấy sẽ góp phần tạo ra sự lan tỏa và kết nối tinh thần dân tộc Việt mạnh mẽ hơn. Điều này hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, bởi trong hơn 30 năm qua, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực vào việc thông tin tuyên truyền, động viên bà con kiều bào khắp năm châu tự hào, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, nhận thức đúng đắn về tình hình đất nước, đoàn kết hướng về quê hương.

Ông Phan Thám cho biết, hiện nay, lực lượng trí thức Việt kiều rất đáng kể, khoảng 400.000 người, ở 100 quốc gia khắp thế giới. Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, sử học, luật học... đều có mặt chuyên gia người Việt. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng này đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả. Đại bộ phận ý kiến của bà con kiều bào đều xem chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng, ai mang dòng máu Lạc Hồng cũng đều bức xúc khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Bà con ở nhiều nước đã tham gia phong trào tặng quà cho chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo; chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa” cũng được trí thức kiều bào hưởng ứng tích cực. Nhiều kiều bào đã được tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo” của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam. Về sự việc Trung Quốc trắng trợn vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, ông Phan Thám cho hay, nhiều kiều bào khắp nơi trên thế giới đã biểu lộ sự bức xúc và phản đối mạnh mẽ. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài bày tỏ mong muốn Nhà nước có chủ trương và biện pháp thích hợp để vừa giữ gìn được hòa bình, ổn định để phát triển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Để mỗi kiều bào trở thành một sứ giả về chủ quyền biển đảo, Nhà nước cần khuyến khích các chuyên gia, trí thức kiều bào, với lợi thế của họ, có thể tìm kiếm các tài liệu liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong các kho lưu trữ, các bảo tàng quốc gia hoặc tư nhân ở nước ngoài; cung cấp cho Nhà nước để bổ sung vào nguồn chứng cứ chứng minh chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Cạnh đó, tạo điều kiện cho trí thức kiều bào yêu nước tư vấn về luật pháp quốc tế liên quan đến biển, đảo và tranh chấp biển, đảo. Thực tế, trong thời gian qua, trí thức kiều bào cũng đã tham gia nhiều ý kiến sắc bén trong lĩnh vực này như GS sử học Ngô Vĩnh Long - kiều bào Mỹ, chuyên gia về Trung Quốc; TS Từ Đặng Minh Thu - kiều bào Mỹ, về luật quốc tê. Theo đó, để dấy lên lòng tự tôn dân tộc, hướng sắp tới là chúng ta cần tiếp tục phát động phong trào hướng về Tổ quốc, tham gia đóng góp cụ thể, thiết thực cho các chương trình xây dựng, bảo vệ biển, đảo trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

H.L
Nguồn: Đại Đoàn Kết.

3 nhận xét :

  1. Đừng hy vọng nếu còn "cơ cấu" chỉ đạo và quán triệt.
    Làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thày thằng ngu. 4 phương vô sản đều là anh em, hãy kêu vô sản 4 phương đi, vô sản Tàu liền cạnh thì kêu trước,vừa là đồng chí vừa là anh em sao chơi đểu thế...

    Trả lờiXóa
  2. Hoàng yêu nướclúc 07:02 12 tháng 6, 2011

    Em cũng đang thắc mắc, cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá vụ việc thế nào. Các bác ở nước ngoài cung cấp thông tin, cập nhật cho đồng bào trong nước biết với. Hiện tại mới thấy thông tin một thượng nghị sĩ của Mẽo lên tiếng.

    Trả lờiXóa
  3. "Thương em anh cũng muốn vô
    Ngại truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang"
    Không khí đấu tranh của người Việt hải ngoại thì lúc nào cũng sôi nổi và tích cực, nhưng tường lửa hà rầm như thế kia thì tin tức từ bên ngoài làm sao lọt vào trong nước được ?

    Trả lờiXóa