Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Thái Hạo: CÚNG DƯỜNG VÀ THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ

*Hình, chim con sau những ngày chim mẹ đã bị “phóng sanh”

CÚNG DƯỜNG VÀ THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ
 
Bài: Thái Hạo 
 
Phật giáo hiện nay ở VN đa số là theo Tịnh Độ, mà Tịnh độ thì có lẽ ít ai không lấy Hòa thượng Tịnh Không làm thầy, coi như một bậc cao tăng thạc đức. Vậy hãy xem ông dạy thế nào về cúng dường.
 
Trong bài giảng về phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, hòa thượng Tịnh Không nói: “Chiếu theo lời Phật, Bồ Tát giáo huấn, sửa đổi cho đúng cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm lầm lạc của chúng ta, đó gọi là "cúng dường bằng cách tu hành đúng theo lời dạy". Cúng dường bằng hương, hoa, nước, trái cây chỉ nhằm biểu hiện lòng cung kính của chúng ta mà thôi, Phật, Bồ Tát chẳng cần đến những thứ ấy đâu!”.

Ông cũng nhiều lần nhắc nhở rằng, không nên cung phụng tu sĩ vì sẽ khiến họ sa đọa trong sự hưởng thụ. Cùng lắm là giúp họ miếng ăn chỗ ở, miễn làm sao đủ để họ sống mà tu hành. Mang tiền của đến cúng cho sư mua ô tô, xây nhà đẹp, sắm vertu là đang tạo nghiệp chứ không ích lợi gì cả. Phật cũng dạy, người tu phải “lấy khổ làm thầy”, sướng đến mặt mũi phì nộn bóng nhẫy lên như bây giờ thì tu cái gì!
 
Kinh Phật dạy, Phước báo do đâu có? “Phước báo là do tu bố thí, cúng dường mà được”. Nhưng thế nào là bố thí, cúng dường? Hòa thượng Tịnh Không giảng: “Tâm bố thí của Phổ Hiền Bồ Tát là chân thành, thanh tịnh, rộng lớn, bình đẳng, dùng tâm như thế để bố thí thì gọi là Cúng Dường”.
 
Bố thí có nhiều loại, “tài thí” (san sẻ của cải để giúp đỡ người nghèo khó...), “pháp thí” (chia sẻ sự hiểu biết chân chính để giúp người bớt ngu dốt), “vô úy thí” (mang đến sự an vui cho chúng sinh). Bố thí sẽ được gọi là cúng dường khi cho đi với cái tâm “chân thành, thanh tịnh, rộng lớn, bình đẳng”, vô dục, vô cầu; nếu có sự đổi chác, cầu mong được “phước báu” mỗi khi làm việc tốt thì là tâm ô nhiễm, không ích lợi gì.
 
Cúng dường cũng có nhiều loại, mà quan trọng nhất là (1) lo tu hành đúng cách, thứ nữa là (2) làm lợi ích cho chúng sanh, (3) chỉ đạo, dẫn dắt (gọi là “nhiếp thọ” chúng sanh), (4) chịu khổ thay cho chúng sanh, (5) siêng tu thiện căn, (6) giáo hóa chúng sanh, (7) chẳng bỏ bồ đề tâm (kiên trì tu giác ngộ).
 
Nhìn vào đây thì thấy, cúng dường không phải là mang tiền của lên chùa để cúng, mà chính là trạng thái “tâm” mỗi khi cho đi. Nếu cho đi bằng tâm thanh tịnh, vô nhiễm, không mong cầu, nay ta gọi là “vô tư”, thì đó là cúng dường, dù là cho bất cứ ai hay loài vật nào.
 
Và ta cũng thấy, cúng dường quan trọng nhất là lo tu tập để hoàn thiện con người mình, đồng thời giúp đỡ chúng sanh, chứ không phải đi cúng cho chùa cho sư!
 
Học Phật phải hiểu Phật, nếu không sẽ sa vào đường mê hoặc bị bọn tà sư thao túng và lợi dụng, tiền mất tật mang. Vậy nếu bạn muốn cúng dường, thì thử nhìn sang hàng xóm coi có ai đói khổ không, cho họ bát cơm, chứ không cần rồng rắn đến chùa để cung phụng kẻ khoác áo tu hành giả danh.
 
Lại nói về phóng sanh. Trong ba thứ bố thí có vô úy thí, chính là liên quan tới phóng sanh. Làm sao để đồng loại và muôn loài được an ủi, được cứu mạng, được sống trong sự thanh bình không não hại. Người ta đang tự do, đi bắt nhốt lại, đốt hương khói nghi ngút, khiến cho thân tàn ma dại, rồi mang thả ra, đó là làm cho khốc hại, là hiện thân của cái ác, chứ không có chút từ bi nào cả. 
 
Phóng sinh tôm cua cá ốc chim cò làm gì khi thấy đồng loại bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù oan hàng chục năm trời mà không hé răng nói lấy một lời? Phóng sanh cái gì khi thấy cái ác và sự bất công tràn ngập mà không hó hé nửa câu? Đó là sự vô cảm độc ác và là hiện thân của thói đạo đức giả mà thôi.
 
*Hình, chim con sau những ngày chim mẹ đã bị “phóng sanh”
Thái Hạo
 


 

 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét