Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

QUỐC CHÍ ĐỜI ĐỒNG KHÁNH GHI GÌ VỀ PHỦ DÀY VÀ MẪU LIỄU?


SÁCH “ĐỒNG KHÁNH ĐỊA DƯ CHÍ” CHÉP VỀ NƠI THỜ MẪU LIỄU HẠNH 
Ở PHỦ DÀY (HUYỆN VỤ BẢN, TỈNH NAM ĐỊNH) RA SAO?
 
Đồng Khánh địa dư chí (chữ Hán: 同慶地輿志), còn gọi là Đồng Khánh địa dư chí lược (chữ Hán: 同慶地輿志略) là bộ sách địa chí chính thống của Quốc gia viết bằng chữ Hán.
 
Bộ sách được vua Đồng Khánh ra sắc chỉ sai làm, bắt đầu từ khoảng tháng 5 năm 1887 và được hoàn thành trong khoảng thời gian từ đó cho đến mấy năm đầu đời Thành Thái.
 
Nguyên bản gồm 25 tập chép tay (có tài liệu ghi là 27 tập), ghi lại địa lý các tỉnh trong cả nước (chỉ gồm Bắc Kỳ và Trung Kỳ) thời Đồng Khánh (1886-1888). Mỗi tỉnh gồm các mục: vị trí, giới hạn, số huyện, tổng, xã, thôn, phường, số đinh, binh lính, ruộng đất, thuế khóa, phong tục, thổ sản, khí hậu, núi sông, đường sá, đồn lũy, đền miếu, cổ tích, kỹ nghệ. Ngoài ra, mỗi quyển có bản đồ huyện, phủ, tỉnh, tổng cộng 314 bức.

Sau khi hoàn thành, sách được lưu giữ tại Nội các của triều đình Huế. Khoảng những năm đầu thế kỷ XX, Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội được phép mượn bản đó để sao chép ra một bản đưa vào sưu tập thư tịch Hán Nôm của Viện này, đánh ký hiệu A.537. Bản sách này hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Năm 2003, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viễn Đông Bác cổ Học viện của Pháp hợp tác xuất bản bộ sách này. Nhóm làm việc gồm ba người: Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, Giáo sư Philippe Papin và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên.

Sách xuất bản in màu, khổ lớn, để trong hộp bìa cứng, cả bộ gồm ba tập, nặng tới 13 kg.


1- Địa danh TIÊN HƯƠNG có từ bao giờ? Và vì sao mà có?
 
TỈNH NAM ĐỊNH - HUYỆN VỤ BẢN có tên địa danh xã Tiên Hương. 
 
Phần chú thích chỉ rõ: "Xã Tiên Hương: Đầu Nguyễn về trước là xã An Thái. Từ Năm Tự Đức 15 (1862) kiêng húy Ngãi Vương Nguyễn Phúc THÁI, đổi là xã Tiên Hương". 
 
Như vậy, tên gọi TIÊN HƯƠNG chỉ có từ năm 1862. Lý do có tên TIÊN HƯƠNG là vì phải đổi từ AN THÁI. An THÁI phải đổi vì kiêng húy chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc THÁI. 
 
Trước đó, từ đời LÊ, xã AN THÁI bao gồm cả làng VÂN CÁT. Sau đó làng VÂN CÁT tách ra làm xã riêng từ trước khi có địa danh TIÊN HƯƠNG.

2- ĐỀN LIỄU HẠNH PHU NHÂN
 
Mục Danh lam thắng cảnh của toàn bộ huyện VỤ BẢN chỉ có các di tích sau được kể:
 
1- Miếu Lý Nhân Tông.
2- Đền Trần Thái Tông.
3- Đền Lương Trạng nguyên (Lương Thế Vinh)
4- Đền Liễu Hạnh phu nhân
5- Chùa Tiên Sơn.
6- Chùa Nộn Sơn.
7- Đền Phạm Tướng quân (Phạm Ngũ Lão).
 
Mục ĐỀN LIỄU HẠNH, sách ghi rõ ở xã VÂN CÁT. Và sau đó nói như lời chú thêm rằng: “Ở xã Tiên Hương cũng có đền thờ, rất có danh tiếng”.
 
Nguyên văn chữ Hán là "Tiên Hương xã diệc hữu từ", chữ "diệc" nghĩa là “cũng”. Chữ "cũng" hàm ý là kể nèo vào, như là lời chú thích mà thôi, chiếu cố mà kể thêm chứ không đáng chú ý gì! Cách viết văn của các cụ là vậy.
 
Như thế là đã rõ! Nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh sinh ra chính là Vân Cát. Vì sinh ra ở Vân Cát, nên lấy tên địa danh để đặt tên thần luôn, gọi là Nữ thần Vân Cát / Vân Cát thần nữ. Chắc Thánh Mẫu cũng tiên lượng về sau có kẻ truyền đời rắp tâm sửa GIẤY KHAI SINH (Nơi sinh) của Mẫu; xuyên tạc và làm sai lạc lịch sử Thánh Mẫu, nên Ngài đã chốt NƠI SINH vào tên của mình.
 
 


ĐÔNG - TÂY - KIM - CỔ các nơi PHÁT TÍCH hay GIÁNG SINH của Thánh mới là THÁNH ĐỊA, tức là nơi HÀNH HƯƠNG của tín đồ nhất định phải viếng thăm. Vì thế, Thánh Mẫu linh thiêng, nhìn thấu 500 năm trước, lại tỏ tường 500 năm sau, nên mới lấy cái nơi chôn núm nhau cuống rốn của mình, quê MẸ mình làm tên gọi của chính mình: VÂN CÁT THẦN NỮ!
 
Đồng Khánh Địa Dư chí là sách do VUA sai viết, kẻ nào chép láo dâng lên vua thì sẽ mắc tội dối vua, tức là tội KHI QUÂN (nặng thì sẽ chém đầu), vì thế tỉnh thần Nam Định phải chép thật trung thực chứ không thể sàm tấu!
 
Lạy Mẫu Anh linh! Sự linh thiêng của Thánh Mẫu thật là vi diệu, mà chúng con chỉ thỉnh thoảng mới được Mẫu khai mở cho một chút. 
 
Tối 13 tháng Bảy năm Quý Mão (28/8/2023)
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
cẩn ghi.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét