Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

"VIỆT ÂM THI TẬP" LÀ MINH TRƯNG CHO NƯỚC ĐẠI VIỆT CÓ VĂN HIẾN


"VIỆT ÂM THI TẬP"
LÀ MINH TRƯNG CHO MỘT NƯỚC ĐẠI VIỆT CÓ VĂN HIẾN
Lời dẫn: Năm 2013, PGS.TS Phạm Văn Khoái công bố bài viết quan trọng về cuốn sách cổ “VIỆT ÂM THI TẬP”(Bản in mang ký hiệu A.1925 – lưu trữ tại Kho bảo quản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NAY ĐÃ MẤT). Bài viết nhan đề “Cách gọi “Việt âm” trong phức thể danh xưng “Việt âm thi tập” từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại”(đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120) năm 2013, tr. 26-35).

“Việt Âm thi tập” là tập thơ đầu tiên của dân tộc ta. Nếu không có cuốn sách này thì chúng ta không biết thơ ca đời Lý – Trần – Hồ ra sao. 

Không những nó là tập thơ đầu tiên mà nó còn có sự ảnh hưởng đến toàn bộ các thi tuyển đời sau, trong đó có 12 bộ tuyển tập quan trọng nhất, tiêu biểu cho truyền thống thi học của Việt Nam.

Trong lịch sử, chỉ có 3 tuyển tập là 越音詩集Việt âm thi tập (Phan Phu Tiên soạn); 全越詩錄 Toàn Việt thi lục (Lê Quý Đôn soạn); 皇越文海 Hoàng Việt văn hải (Lê Quý Đôn soạn) mang tính chất nhà nước, được phụng chỉ soạn, được sắc tứ san hành, tức là được nhà vua đích thân ban chỉ dụ soạn và lệnh cho phép khắc in lưu hành. 

Xin trích một số đoạn trong bài viết của PGS.TS Phạm Văn Khoái để chúng ta cùng biết giá trị của cuốn sách cổ được in năm 1729, cách nay 293 năm:
越音詩集 Việt âm thi tập là bộ thi tuyển đầu tiên của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ. 

Đánh bại các cuộc xâm lăng của phong kiến mới chỉ là võ công. Còn phải có văn trị nữa. Do vậy, với Việt âm, người Việt có thể bàn viết về những vấn đề của Thi, Thư, Lễ, Nhạc, điển chương chế độ mà phong kiến Trung Hoa thường coi như lãnh địa riêng của mình như điệp văn ngạo mạn trên đây đã dẫn. 

Với Việt âm, người Việt có thể bàn về đạo lí cương thường, giáo lí thánh hiền, tự mình xây dựng văn hiến và trở thành nước có văn hiến mà một trong những minh trưng cho văn hiến Đại Việt là thành tựu của nền thi học Đại Việt. 

Sưu tập thi học Đại Việt là một trong những việc của công tác chỉnh lí và minh trưng văn hiến Đại Việt. 

Việt âm thi tập” được biên tập mở đầu cho công cuộc chỉnh lí và minh trưng văn hiến Đại Việt đó. Về sau, công việc này được các nhà ngữ văn truyền thống tiến hành thường xuyên. 

Dưới đây là một số hợp tuyển thơ văn tiêu biểu cho truyền thống thi học Việt Nam theo tinh thần của Việt âm:

1.
越音詩集 Việt âm thi tập, 6 quyển, Phan Phu Tiên biên tập (1433), Chu Xa tiếp tục (1446), Lý Tử Tấn phê điểm, viết tựa, khắc in năm 1459. Sưu tập thơ của 119 nhà gồm vua, quan, danh nho, cao tăng với 624 bài từ thời Trần đến Lê sơ.

2.
古今諸家精選 Cổ kim chư gia tinh tuyển. Dương Đức Nhan biên thứ, Lương Như Hộc giám định, sưu tập thơ của 13 thi gia đời Trần kể từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trung Ngạn trở xuống, gồm 472 bài.

3.
群賢賦集, Quần hiền phú tập, Hoàng Tụy Phu biên tuyển.

4.
摘艷詩集 Trích diễm thi tập, 14 quyển, Hoàng Đức Lương soạn tập, tuyển chọn thơ của các nhà thơ có tiếng đời Trần và đầu đời Lê, tựa của Hoàng Đức Lương, ghi năm Hồng Đức thứ 28 (1497).

5.
全越詩錄, Toàn Việt thi lục, 20 quyển, Lê Quý Đôn vâng chỉ biên tập, chép thơ từ đời Lý đến đời Hồng Đức triều Lê, gồm gần 200 thi gia.

6.
皇越文海, Hoàng Việt văn hải, 10 quyển, Lê Quý Đôn vâng chỉ biên tập, thu lượm các bài từ thời Lý đến đời Hồng Đức triều Lê.

7.
歷朝詩鈔 Lịch triều thi sao, Bùi Huy Bích tuyển lục, xếp theo thể thứ, chia làm 6 quyển, chép thơ của các nhà từ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng.

8.
皇越詩選, Hoàng Việt thi tuyển, 6 quyển, Bùi Huy Bích biên tập, thu thập thơ của các triều Lý, Trần, Lê gồm 167 nhà, 562 bài, sách in.

9.
皇越文選, Hoàng Việt văn tuyển, 8 quyển, Bùi Huy Bích biên soạn, sách in, thu thập 111 bài văn.

10.
明都詩彙 Minh đô thi vựng, Bùi Nhữ Tích biên tập, Bùi Ngạn Cơ hiệu đính, biên soạn vào đầu thế kỉ XIX, thu nhận thơ của các nhà từ thời Trần đến Lê, Tây Sơn.

11.
名詩合選 Danh thi hợp tuyển, 12 quyển, Trần Công Hiến biên tập, Hải Học đường, Gia Long năm thứ 13 (1814).

12.
越詩續編 Việt thi tục biên, 3 quyển, Nguyễn Thu (1799-1855) biên soạn, chép tiếp thơ của các nhà từ Mạc đến Hậu Lê, gồm 58 nhà, 583 bài.

13.
國朝詩錄, Quốc triều thi lục, 6 quyển, Trần Văn Cận biên soạn, chép hơn 1700 bài của hơn 100 tác gia (trừ các vua) từ đời Gia Long (1802) đến Bảo Đại (1929), phần nhiều là những bài chưa tuyển vào Hoàng Việt thi tuyển.

(Nguồn: Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Nxb. KHXH, H. 1990, tr.26-56).

Việt âm là quốc văn của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ, là giá trị Đại Việt trong thực tế sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán ở Việt Nam thời phong kiến độc lập tự chủ, khởi đầu từ thế kỉ thứ X và liên tục trong các thế kỉ dưới các triều Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hồ và Lê sơ cũng như cả sau này nữa. Việt âm đã góp phần tích cực của mình cho một nước Đại Việt có văn hiến. 

Sau buổi thắng cường Minh bạo tàn, cần phải sưu tập và minh trưng văn hiến đó, trong đó có phương diện thi học. Các nhà biên tập và chỉnh lý thi học Đại Việt thế kỉ XV như Phan Phu Tiên, Chu Xa đã dùng cách gọi “Việt âm” để xác định tên cho sưu tập thơ ca Đại Việt của mình.

Sự xác lập cách gọi “Việt âm” trong thời điểm đó mang trong mình nghĩa kép. 

Một mặt, nó khẳng định giá trị và tinh thần Đại Việt đã đạt được trong việc sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán từ buổi độc lập cách đó suốt mấy thế kỉ. Giá trị và tinh thần đó sẽ là nền tảng cho tinh thần học vấn Đại Việt các thế kỉ về sau. 

Mặt khác, đó cũng là một hành động nhằm phủ định những tư tưởng học thuật nô dịch mà giặc Minh cuồng bạo đã gieo rắc trên đất nước ta trong thời gian chúng chiếm đóng. Trở về với Việt âm là trở về với các giá trị Đại Việt của thời lập quốc sau một ngàn năm Bắc thuộc.

Theo nghĩa đó, Việt âm nói riêng và thi ca được sưu tập trong Việt âm thi tập nói chung thực sự là một trong những giá trị cổ điển Đại Việt, giá trị cổ điển Việt Nam, góp phần minh trưng cho văn hiến Đại Việt cũng như minh trưng cho một nước Đại Việt có văn hiến.”

Nguồn: Phạm Văn Khoái, Cách gọi “Việt âm” trong phức thể danh xưng “Việt âm thi tập” từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại. Bài đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120), tr. 26-35.

1 nhận xét :

  1. Xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người lúc nào cũng đau đáu với cội nguồn, với lịch sử!
    Thật tuyệt vời khi đọc câu "Đánh bại các cuộc xâm lăng của phong kiến mới chỉ là võ công. Còn phải có văn trị nữa". Nhân đây cũng xin cảm ơn tác giả Phạm Văn Khoái về sự chỉ dẫn những giá trị vô tận của văn hóa cội nguồn!

    Trả lờiXóa