Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

NÓI LẠI VỀ VIỆC CỬ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU THĂNG LONG - HÀ NỘI


NÓI LẠI VỀ VIỆC CỬ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU THĂNG LONG - HÀ NỘI
THỜI PHONG KIẾN


Bùi Xuân Đính 

Ngày hôm qua, mạng xã hội rôm rả hơn với tin vị Đô trưởng Hà Nội Chu Ngọc Anh bị cách chức và bị khám xét nhà, bắt tạm giam. Mình thấy ít nhất có 3 bài bàn về việc người xưa cử người đứng đầu Thăng Long - Hà Nội, dưới các góc nhìn khác nhau. Mình xin đăng lại phần đầu Kết luận trong cuốn sách “Người đứng đầu Thăng Long - Hà Nội (1010 – 1945)” của mình, do Nxb. KHXH ấn hành 2020 (sách in đợt đầu do Nhà nước đặt hàng nên không có bán trên thị trường). Rất mong Nxb cho tái bản để phục vụ bạn đọc.

***** 

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam từ thời phong kiến tự chủ, Thăng Long - Hà Nội luôn có một vị trí trọng yếu. Gần trọn thời gian của gần tám thế kỷ (1010 - 1789), Thăng Long là Kinh đô, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục của cả nước, nơi có các cơ quan đầu não của Nhà nước phong kiến Đại Việt qua các vương triều: Lý - Trần - Lê (Lê Sơ và Lê - Trịnh) - Mạc, trừ 7 năm dưới triều Hồ, 20 năm dưới thời thuộc Minh.

Thời Nguyễn, Huế trở thành Kinh đô của cả nước, Thăng Long được đổi tên là “phủ Hoài Đức” vẫn là đầu mối hành chính của các trấn ở Bắc Thành trong 30 năm đầu thế kỷ XIX. Đến khi Vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính (tháng 11 - 1831), tỉnh Hà Nội được thành lập, là một tỉnh lớn, quan trọng trong các tỉnh ngoài Bắc. Khu vực Kinh đô Thăng Long cũ vẫn là trung tâm, là lỵ sở của tỉnh Hà Nội.

Với vị trí trọng yếu trên đây, suốt chiều dài lịch sử đất nước từ đầu thời phong kiến tự chủ, Nhà nước luôn quan tâm không chỉ đến sự phát triển mà cả đến việc quản lý Thăng Long - Hà Nội, bởi sự ổn định và phát triển của đô thị này có ảnh hưởng rất lớn đến các mặt chính trị - kinh tế - xã hội của cả nước. Thăng Long - Hà Nội luôn được coi là đơn vị hành chính đặc biệt, cho dù nó luôn nhỏ bé về diện tích và dân số trong phần lớn gian của thời kỳ trung đại. Trong việc quản lý Thăng Long - Hà Nội, bên cạnh việc thiết lập bộ máy chính quyền các cấp, Nhà nước phong kiến luôn coi việc cử người đứng đầu đơn vị hành chính này là khâu quan trọng hàng đầu.

Là người chịu trách nhiệm chính trước Nhà nước trung ương về các mặt của địa phương, những người đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội đã vận dụng các chủ trương, chính sách của Nhà nước ở từng thời kỳ vào điều kiện cụ thể của địa phương mình và tổ chức thực hiện, nhằm tạo ra sự ổn định và phát triển cho đô thị này, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Tên tuổi, sự nghiệp của nhiều người gắn bó với Thăng Long - Hà Nội, được sử sách ghi nhận.

Do sử cũ ghi chép không thường xuyên và thiếu hệ thống nên đến nay, chưa có được một bức tranh hoàn thiện về các quy định quản lý Thăng Long - Hà Nội; cũng như chưa có được một con số thống kê đầy đủ số người đảm nhận cương vị đứng đầu đơn vị hành chính đặc biệt, quan trọng này dưới thời phong kiến. Song chỉ qua một số thông tin “ngoại lệ” và qua danh sách số người ít ỏi được biết đến với các tên gọi chức danh: Kinh sư Lưu thủ (đời Lý)., Đại An phủ Kinh sư, Kinh sư Đại doãn (thời Trần), Tri phủ, Phủ doãn (thời Lê), Án phủ sứ, Tuyên phủ sứ, Tổng đốc, Tuần phủ (thời Nguyễn), cũng có thể thấy được cách nhìn, cách làm của cha ông ta đối với một vấn đề tương đối hệ trọng của đời sống đất nước.

Trước hết, Nhà nước phong kiến chọn người trung thành, căn cứ vào hiệu quả công việc để cử người đứng đầu Thăng Long - Hà Nội. Điển hình cho nguyên tắc này là vào thời Trần, chức Đại An phủ Kinh sư phải là người từng trông coi các Lộ (đơn vị hành chính cao nhất ở địa phương, như cấp tỉnh sau này), sau đó, qua khảo duyệt để cử người có năng lực nhất về trông coi phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), rồi lại qua khảo duyệt nữa mới được cử về cai quản Kinh đô. Nhờ vậy, nhà Trần chọn được những vị quan phụ trách Kinh đô không chỉ tài năng về phương diện quản lý mà còn thử thách được lòng trung thành của họ với triều đình.

Đầu thời Nguyễn, các Án phủ sứ Hoài Đức đều là các tướng lĩnh xông pha trận tiền, cùng Chúa Nguyễn Ánh (Vua Gia Long sau này), “nằm gai nếm mật”, chia ngọt sẻ bùi để làm nên nghiệp lớn. Khi tỉnh Hà Nội được thiết lập, phần lớn các Tổng đốc Hà - Ninh là những võ quan cao cấp, nhiều người thuộc dòng tôn thất, hoặc rất thân tín với vua, bên cạnh những người có học vấn.

Thứ hai, chọn người có học thức và có trình độ đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội. Sở dĩ như vậy vì đây không chỉ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước, phải xử lý rất nhiều công việc; mà còn là nơi hội tụ nhân tài, có đội ngũ quan lại rất đông đảo, có học thức của các cơ quan trung ương làm việc, mặt bằng dân trí nhìn chung cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Vì thế, để quản lý được Thăng Long - Hà Nội, không thể cử những vị quan ít học, trình độ kém; mà phải là những người có học, được đào tạo cơ bản, có năng lực. Mở đầu cho nguyên tắc này là vào năm Tân Sửu niên hiệu Đại Định đời Vua Trần Dụ Tông (năm 1341) khi lấy Nguyễn Trung Ngạn (đỗ Hoàng giáp năm Giáp Thìn, 1304) làm Kinh sư Đại doãn. 12/13 người đứng đầu chính quyền Thăng Long từ thời Lê Sơ là các tiến sĩ; con số tương tự đối với thời Mạc là 6/8 (2 người còn lại là hương cống); thời Lê - Trịnh là 16/ 22 (có 3 người là hương cống thì 1 người về sau cũng đỗ tiến sĩ;). Họ là những tiến sĩ “học thật, thi thật và hầu hết đều trở thành người tài thật”, hay “tài xứng kỳ danh, kỳ đức”.

Trong 30 năm đầu thời Nguyễn (1802 - 1831), do vừa trải qua nhiều năm nội chiến, việc đào tạo bị gián đoạn, triều đình mới cử các võ quan là người của các trấn ở miền Trung và miền Nam nắm giữ chính quyền Thăng Long, song cũng cố gắng lựa chọn trong số đó những người tương đối có học thức. Sau đó, khi tình hình ổn định, khi việc giáo dục và khoa cử Nho học được triển khai đồng bộ và đã đạt được một số thành quả ban đầu, triều đình lại tiếp tục truyền thống của các vương triều tiền nhiệm: cử những người thuộc tầng lớp văn quan, khoa trường, đỗ đạt cao vào bộ máy chính quyền Hà Nội, nhất là với chức Tổng đốc (cai quản cả Hà Nội - Ninh Bình). Từ đời Vua Minh Mạng (1820 - 1841) trở đi, những người đứng đầu chính quyền Hà Nội là các bậc đỗ đạt ngày càng nhiều, nếu không là tiến sĩ thì cũng là hương cống - cử nhân. Nhiều người trong số họ khá nổi tiếng trên văn đàn, chính đàn, như các Hoàng giáp Nguyễn Mại, Vũ Nhự, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp …; các Cử nhân Phạm Thận Duật, Hoàng Hữu Xứng … Đặc biệt, trong 15 năm đấu tranh căng thẳng với thực dân Pháp sau khi thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất đến khi thành phố Hà Nội được thiết lập (1873 - 1888), tất cả những người đứng đầu chính quyền Hà Nội đều đỗ đại khoa, trung khoa (6 người làm tổng đốc có 1 hoàng giáp, 1 tiến sĩ, 1 phó bảng, 3 cử nhân; 6 người làm tuần phủ thì 2 người là hoàng giáp, 1 tiến sĩ, 3 cử nhân). Cũng có những thời điểm, việc chọn người đỗ đạt đảm nhiệm chức vụ đứng đầu chính quyền tỉnh Hà Nội khó khăn, triều đình phải cử các võ quan, song phần lớn họ tương đối có học thức, nhiều người được sử cũ ghi nhận là “nổi tiếng văn học” hay “ có chính sự tốt”, hoặc “xuất thân từ những gia đình có học”.

Việc cử người có học đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội cũng bao hàm việc bảo đảm nguyên tắc và tiêu chuẩn “chọn người trung thành” - như đã nêu ở trên, vì những người đỗ đạt đều thấm nhuần rất sâu sắc tư tưởng “trung quân, ái quốc” của Nho giáo.

Thứ ba, chọn người có đức hạnh: nhìn chung, phần lớn những người đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội là những bậc đại khoa, trung khoa, hay chí ít cũng đã trải qua những năm tháng được học đạo của “Thánh hiền”, thấm nhuần lý tưởng sống của kẻ sĩ là “Thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (người quân tử ăn không cần no, ở không cần sang), gắng tu thân để “Thành danh, lập ngôn, lập công, lập đức”, để “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Do vậy, phần lớn họ là người có đức hạnh, đem hết tài năng của mình phụng sự đất nước, vì sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Nhiều người sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Thăng Long được đề bạt lên Phó Tể tướng, Thượng thư, được cử đi sứ. Trong 22 người đứng đầu chính quyền Thăng Long thời Lê - Trịnh, chỉ có 3 người bị giáng chức khi còn đương nhiệm (Ngô Sách Dụ, Vũ Vĩnh Hồi, Nguyễn Đăng Tuân); thời Nguyễn, chỉ có Nguyễn Kim Bảng bị cách chức khi đang là Tổng đốc Hà - Ninh. Nhiều người thể hiện một nhân cách khẳng khái, cao cả, không để cho người khác lợi dụng cương vị đứng đầu Thăng Long - Hà Nội của mình để trục lợi, như Trần Thì Kiến (thời Trần); hoặc sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ Thăng Long, như Lê Giốc (thời Trần), Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu (thời Nguyễn)…

Thứ tư, gắn quyền lợi của người đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội với trách nhiệm của họ, chức và trách nghiêm minh, xử lý nghiêm khắc người vi phạm. Có thể thấy hai trường hợp điển hình là Ngô Sách Dụ khi làm Phủ doãn Phụng Thiên vào năm Quý Sửu niên hiệu Dương Đức đời Vua Lê Gia Tông (năm 1673) vi phạm trường thi mà bị cách chức, Nguyễn Đăng Tuân vào năm Quý Dậu niên hiệu Chính Hòa đời Vua Lê Hy Tông (năm 1693) thiếu trách nhiệm trong công việc nên trong kỳ khảo công quan lại bị xếp vào hạng “hạ khảo” và bị cách chức.

Cuối cùng, có chế độ thỏa đáng đối với người đứng đầu chinh quyền Thăng Long - Hà Nội. Xét về diện tích và dân số thì nhìn chung, trừ giai đoạn từ 1831- 1888 dưới triều Nguyễn, Thăng Long nằm trong tỉnh Hà Nội - một tỉnh có quy mô lớn cả về diện tích và dân số; còn các thời kỳ, giai đoạn khác, Thăng Long có quy mô nhỏ, song lại là đơn vị hành chính độc lập và đặc biệt; là đô thị lớn, trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa của cả nước, là “bộ mặt quốc gia”; dân cư đa dạng về thành phần xuất thân, hoạt động kinh tế và vị thế cùng các mối quan hệ xã hội, nên việc quản lý nó mang nhiều nét đặc thù, có phần phức tạp. Trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội rất lớn, công việc rất nhiều, không chỉ quan hệ đến đời sống thường ngày của đô thị này mà còn liên quan trực diện với triều đình trung ương và với các địa phương khác. Do vậy, Nhà nước các thời luôn có chế độ thỏa đáng với họ. Phẩm hàm, lương bổng của người đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội ở các thời đều ngang bằng so với người đứng đầu các trấn (tỉnh) lớn, ngay cả giai đoạn đầu của triều Nguyễn, khi Thăng Long không còn là Kinh thành, chỉ là một phủ bình thường (phủ Hoài Đức). Từ thời Minh Mạng, Tổng đốc Hà - Ninh có hàm Thượng thư, là đại diện cao nhất của triều đình tại địa phương.

Với cách làm trên đây, nhìn chung dưới thời phong kiến tự chủ, Nhà nước Đại Việt đã cử được nhiều vị quan có đạo đức, nhân cách và tài năng, tâm huyết để đảm đương được chức trách, hoàn thành các nhiệm vụ của người đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội, góp phần tạo ra sự ổn định và phát triển của đô thị này, để nó xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. 

P/S: 

- Một số bạn hỏi sao không đưa Tổng trấn Nguyễn Văn Thành vào danh sách người đứng đầu Thăng Long - Hà Nội. Xin thưa, chức Tổng trấn Bắc Thành là người phụ trách chung các trấn ngoài Bắc đầu thời Nguyễn, còn chức phụ trách Thăng Long (năm 1805 đổi làm phủ Hoài Đức) là Án phủ sứ và Tuyên phủ sứ Hoài Đức.



1 nhận xét :

  1. Hà Nội là đất linh thiêng ngàn năm văn vật, người lãnh đạo phải là Thiên tử, cái lò của Đảng không có quy trình tạo ra đô trưởng kiểu này, hay ta thuê nước ngoài như thuê huấn luyện đội bóng QGVN nhỉ !!!

    Trả lờiXóa