GÓP Ý VỀ CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH Sars-Covi 2
TS. Phạm Gia Minh
Thiết nghĩ mỗi quốc gia tùy vào khả năng kinh tế , khoa học – công nghệ và hoàn cảnh xã hội của mình đều phải thực hiện chính sách phòng chống Sars- Covi 2 nói riêng và đối phó với các loại khủng hoảng sinh học khác một cách phù hợp.
Do ngân sách của chúng ta hạn hẹp, dân số đông và cơ sở vật chất ngành y còn thiếu thốn nên mọi khoản chi chống dịch cần tính toán kỹ cả hiệu quả dịch tễ lẫn hiệu quả kinh tế - xã hội.
Cách làm vừa qua đã bộc lộ nhiều nhược điểm như sau:
Về phía Bộ Y tế và Ban chỉ đạo QG chống dịch:
- Chưa có tầm nhìn xa về các biến thể của Covid 19 để hoạch định sớm chiến lược tiêm vaccine toàn dân , đồng thời củng cố sức đề kháng và miễn dịch cộng đồng. Chiến lược “ be bờ , giãn cách “ trong giai đoạn đầu ( năm 2020 ) đã tỏ ra hiệu quả về mặt dịch tễ , tuy nhiên hậu quả kinh tế - xã hội vẫn rất nặng nề . Sang tháng 4/2021 khi biến thể Delta làm dấy lên làn sóng lây nhiễm thứ 4 thì chúng ta lúng túng, bị động và phần nào đã thất bại trên mấy phương diện – số người nhiễm mới vẫn tăng cao, số ca tử vong ở mức cao hơn trung bình của Thế giới. Kinh tế trì trệ nặng , xã hội bức xúc căng thẳng . Về Vaccin chúng ta đã bỏ lỡ thời gian vàng khoảng 6-8 tháng tính từ 9 /2020 tới 4/2021 để tiến hành tiêm chủng toàn dân . Tháng 8/2020 Nga đã đề xuất ý kiến ưu tiên ( dành cho 6 nước trong tổ chức Kinh tế Á- Âu ) xuất khẩu Vaccin Sputnik V và thuốc đặc trị Covid 19 Areplivir ( Favipiravir và một số tên khác cùng hoạt chất ) cho Việt nam nhưng Bộ Y tế không mặn mà chớp lấy cơ hội đó. Tới tháng 4/2021 khi làn sóng Covid19 với biến thể Delta xuất hiện thì VN mới lại đề nghị Nga giúp nhưng lúc này Nga đã ký hợp đồng với một loạt quốc gia khác ( vốn không nằm trong danh sách ưu tiên trước đây ) khiến vị trí của VN đã tụt từ thứ 6 xuống thứ 26 ! Do vậy thời gian giao hàng sớm cũng phải quý 3/2021 , bình thường là quý I / 2022 . Tương tự như vậy, chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnik V bị chậm lại ( Ấn độ và Serbia …được đề nghị sau VN một chút nhưng hiện đã SX hàng chục triệu liều Sputnik V/ tháng).
- Chưa có tầm nhìn và thái độ thực tế đối với việc cung cấp cho toàn dân thông tin cũng như các toa thuốc, thực phẩm BVSK, dược liệu Nam y , Đông y …có tác dụng nâng cao sức đề kháng , tăng miễn dịch . Trên thế giới từ 2020 đã có danh sách trên 120 loại thuốc và nhiều loại thực phẩm BVSK có tác dụng hỗ trợ nâng cao miễn dịch giúp giảm tỷ lệ tử vong vì Covid 19 nhưng Bộ Y tế chưa tìm hiểu, cập nhật để truyền thông cho nhân dân. Trái lại , khi nhiều bà con người Việt ở nước ngoài chủ động bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế để gửi về nước thì đã bị Hải Quan bắt , phạt nặng thậm chí khởi tố vì tội buôn lậu hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thiết nghĩ, lúc này cần xác định chúng ta đang ở hoàn cảnh khẩn cấp của chiến tranh sinh học thì nên áp dụng điều 60 khoản C và D Luật Dược để khuyến khích và chủ động hướng dẫn mọi thành phần xã hội nhập khẩn cấp các loại thuốc mà các nước tiên tiến đã cấp phép phòng chống Sars- Covi 2. Nhà nước có thể trưng mua những lô thuốc và vật tư y tế này thay vì đối xử như hiện nay khiến hạn chế nguồn lực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
- Mặt khác, Bộ Y tế sau gần 2 năm chống dịch nhẽ ra đã phải hình thành và thường xuyên cập nhật các gói hỗ trợ chống dịch bao gồm các loại thuốc Tây, Đông, Nam y và cả Tp BVSK không cần chỉ định riêng của bác sĩ để người dân chủ động phòng , chống dịch nhằm nâng cao sức đề kháng của cộng đồng, giảm tải cho các cơ sở y tế và góp phần giảm tỷ lệ tử vong.
Trên thực tế đã có những gương sáng của sự chủ động, sáng tạo và dũng cảm dám xé rào theo hướng này bất chấp những quy định cứng nhắc, xa thực tế của các cấp chính quyền và cơ quan y tế . Ví dụ như Bí thư Quận 7 tp HCM đã cùng với cán bộ y tế và chính quyền cơ sở nhìn nhận mô hình điều trị 5 tầng có vấn đề nên chủ động tổ chức cấp cứu F0 tại chỗ, hướng dẫn người dân chủ động dùng các loại thuốc Tây y , chế phẩm y dược cổ truyền … để phòng ngừa . Sáng kiến chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà của Bí thư quận 6 cũng đáng được biểu dương vì đã cho kết quả thực tế đáng khích lệ.
- Chiến lược Zero F0 kiểu Trung Quốc trên cơ sở xét nghiệm toàn dân đối với VN không phù hợp do chi phí quá sức chịu đựng của nền kinh tế . Lấy ví dụ Hà nội đợt xét nghiệm toàn dân vừa qua tính trung bình phải chi 30,13 tỷ để phát hiện 1 ca F0!
Đã có dư luận cho rằng liệu nhóm lợi ích “ test nhanh kít” nào đứng sau chủ trương này ?...
Liệu VN có đủ nguồn lực để đi tiếp theo hướng này khi còn những biến thể mới của Covid 19 ( ví dụ như Lambda, MU …) và sự xuất hiện của những loại dịch bệnh mới nữa trong tương lai không xa?
- Chiến lược lockdown diện rộng các địa phương và đóng cửa các hoạt động kinh tế như vừa qua không đem lại hiệu quả mong đợi cả về dịch tễ và kinh tế- xã hội. Nạn ngăn sông cấm chợ quá đà đã diễn ra ở khắp các địa phương khiến tệ nạn “ trương tuần mới “ và thảm cảnh xin- cho giấy phép đi đường của thời bao cấp có dịp sống lại khiến sự vận hành của nền kinh tế bị gián đoạn, chi phí xã hội cao vọt và lòng dân thì uất hận. Nguy hiểm nhất là ngân sách đang cạn kiệt, chuỗi cung ứng đứt gãy và đầu tư nước ngoài đang rút chạy , doanh nghiệp trong nước phá sản hàng loạt chưa biết khi nào hồi phục. Tâm lý bất ổn thường trực trong giới đầu tư khi bóng ma giãn cách vẫn lởn vởn.
- Việc điều chuyển quân đội và nhân viên y tế trong một chừng mực nào đó là cần thiết nhưng phải dựa vào sức mạnh tại chỗ của DÂN thì sẽ đỡ tốn kém và sẽ hiệu quả hơn. Ở Tp HCM rõ ràng nếu tổ chức tốt đội ngũ shipers, tiêm vaccine cho họ thì việc giao hàng sẽ hiệu quả hơn là binh lính lơ ngớ đi mua hàng giúp dân. Thực tế cho thấy việc cung cấp thực phẩm có nhiều nơi bị gián đoạn tới 4 ngày do không đủ quân lính đảm đương . Lại một lần nữa kinh nghiệm xé rào của quận 7 cho thấy nếu biết dựa vào các tổ chức XHDS của dân thì sẽ giảm tải các cơ sở y tế, giảm tỷ lệ tử vong rất nhiều.
Một số đề đạt
Phải thích ứng để chung sống với SarsCovi 2 và thậm chí là các dịch bệnh mới sẽ xuất hiện sao cho phù hợp với khả năng và nguồn lực của nền kinh tế sẽ là PHƯƠNG PHÁP HÀNH ĐỘNG của chúng ta . Để được như vậy cần:
- Chủ động tiêm vaccine cho toàn dân.
- Chủ động hướng dẫn toàn dân các gói hỗ trợ phòng chống dịch hiệu quả nhằm nâng cao sức đề kháng của cộng đồng ( phải tính tới đặc điểm Việt nam là một nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới do quá lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh và chăn nuôi , trồng trọt thời gian dài vừa qua nên sức đề kháng của cộng đồng được cho là thấp!).
- Không cần thiết giãn cách xã hội trên diện rộng như vừa qua mà chỉ nên giãn cách trên phạm vi và quy mô nhỏ , sát với diễn biến dịch tễ và vẫn cho hoạt động kinh tế- xã hội , giao lưu giữa các địa phương bình thường. Nghiêm trị tệ “ Trương tuần mới” và tái diễn tệ ngăn sông cấm chợ.
- Tăng cường khả năng điều trị khẩn cấp tại chỗ (cấp phường, xã) người bị nhiễm bệnh có triệu chứng năng nhằm ngăn ngừa tử vong. Người có triệu chứng nhẹ nên được điều trị tại nhà.
- Các văn phòng làm việc , Lớp học , công xưởng tập trung công nhân ,các phương tiện giao thông công cộng có không gian kín nên bố trí quạt hút khí 1 chiều và công cụ khử khuẩn không khí (dung dịch dạng sương hay tia cực tím) song song với các biện pháp vệ sinh cá nhân khác.
- Việc xét nghiệm chỉ nên nhằm vào nhóm đối tượng có chọn lọc, không nên tiến hành trên toàn dân hoặc diện rộng mà thiếu cơ sở thống kê dịch tễ học.
-Tiến tới cấp visa vaccine cho toàn dân (cần hình thức phù hợp với trẻ em?)
- Đặc biệt cần nhanh chóng đàm phán với một số nước có nền y khoa tiên tiến về hợp chuẩn thuốc và thiết bị y tế để hợp tác với họ được nhanh chóng, thuận tiện hơn. Cụ thể với Liên Bang Nga quá trình công nhận tương đương chuẩn GMP cho thuốc và GMP cho thực phẩm BVSK vẫn chưa hoàn tất khiến nhiều loại thuốc chống dịch và thuốc chữa bệnh mới rất hiệu quả của Nga không có cơ hội về Việt Nam.
- Quy trình cấp phép Vaccine và thuốc của Việt nam sản xuất cũng cần một cuộc cải cách để vượt qua sự bảo thủ, lạc hậu khiến một số nhóm lợi ích được ưu đãi đặc biệt trong nhiều năm qua. Về vấn đề cấp visa thuốc – một vấn nạn lớn đề nghị các cấp có trách nhiệm quan tâm nhiều hơn vì đó là cội nguồn của giá thuốc cao ngất ngưởng ở VN ẩn chứa nhiều tiêu cực trong ngành y của đất nước.
- Cuối cùng nhưng rất quan yếu đó là phải ĐỘNG VIÊN VÀ PHÁT HUY SỰ THAM GIA CỦA TOÀN DÂN, CÁC TỔ CHỨC XHDS TRONG DÂN , tránh xa cách hành xử hành chính cứng nhắc , chỉ đạo ép từ trên xuống một chiều thiếu đóng góp trí tuệ của người dân và các tổ chức XHDS trong mọi quyết định chống dịch.
Dù sao cũng phải cảm ơn dịch Sars- Covi 2 đã cho ta thấy những mặt yếu kém của hệ thống kinh tế- xã hội, của bộ máy nhân sự các cơ quan công quyền đồng thời cũng hé lộ những nhân tố tích cực cần được ủng hộ và nhân lên trong thời gian tới.
Dịch bệnh luôn là một cuộc đào thải trong lịch sử nhân loại. Nó phũ phàng , lạnh lùng nhưng đó là sứ mệnh mà Thiên Nhiên đã trao cho nó.
TS. Phạm Gia Minh
Thăng long- Hà nội.
18/09/2021
Công bằng mà nói, sau thành công trong đợt chống dịch COVID-19 năm 2020, lãnh đạo VN đã quá tự hào, tự mãn, dẫn tới chủ quan, không có phương án đối phó dài hơi, nhất là không chuẩn bị vacxin. Vì vậy khi biến thể Delta bùng phát năm 2021, chúng ta đã thực sự luống cuống, chống đỡ một cách thụ động, chạy chọt khắp nơi để xin vacxin, cuối cùng cũng đành "chặc lưỡi" với vacxin Tầu.
Trả lờiXóaÂu cũng là một bài học về "lạc quan tếu" quá sớm!