Có một tượng đài người phụ nữ Hà Nội
trên đỉnh
Đèo Ngang
Nguyễn Xuân Diện
Trong văn học Việt Nam có một người phụ nữ Hà Nội đã để
lại vóc dáng đài các đã mấy trăm năm. Người phụ nữ tài hoa ấy, đứng trước
thiên nhiên đất nước đã nói tâm tình của một con người cô đơn nhỏ bé trước
vũ trụ, nhưng dường như đã cố giấu đi cả tên tuổi của mình. Mặc dù tên của
bà có ý nghĩa là mùi hương thơm nức, nhưng bà vẫn cố giấu đi, ngay cả tên
gọi của mình. Người ta cũng không gọi bà bằng tên gọi của chồng bà như những
phụ nữ khác. Người ta chỉ gọi bà bằng cái chức vụ của chồng bà mà thôi. Đó
là Bà Huyện Thanh Quan. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Hinh. Hinh chữ Hán có
nghĩa là hương thơm ngào ngạt.
Văn chương cổ Việt Nam không có nhiều nữ thi sĩ. Nhưng
đặc biệt nhất là có tới hai nữ thi sĩ tên Hương. Một Hồ Xuân Hương ngang
tàng, phóng túng. Một Nguyễn Thị Hinh (Hương) đài các, phong lưu.
Hai nữ thi sĩ tên Hương ấy đã đi vào lịch sử văn chương
Việt Nam với hai phong cách khác nhau. Và sức lan tỏa của những câu thơ của
hai bà đã làm lay động bao thế hệ người đọc Việt Nam. Thơ Hồ Xuân Hương là
thơ của một người phụ nữ ngang tàng, nhìn sự vật trong sự biến động và biến
chuyển với góc nhìn đầy cá tính. Mỗi sự vật hiện lên trong thơ bà là đều ẩn
chứa trong đó khát vọng mạnh mẽ về nữ quyền và về những khát vọng của tình
yêu và cả tình dục nữa.
Chân dung Hồ Xuân Hương được vẽ với “yếm đào trễ xuống
dưới nương long”, với khuôn mặt tươi tắn, đầy khát vọng và cả chút nhục cảm
nữa! Còn Bà Huyện Thanh Quan, một nữ sĩ tên “Hương” khác thì hoàn toàn khác.
Bà mang khuôn mặt đầy đặn với nét môi cắn chỉ đoan trang, kiêu sa và kiểu
cách của một phụ nữ đài các.
Hiện chưa biết về năm sinh và năm mất của Bà huyện Thanh
Quan. Ta chỉ biết bà sinh ra ở làng hoa Nghi Tàm bên bờ Hồ Tây. Rằng bà là
người hay thơ, giỏi Nôm. Chồng bà là Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyệt Áng,
huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, đỗ Cử nhân năm 1828, từng làm Tri huyện Thanh
Quan sau can án bị giáng chức làm việc ở bộ Hình trong kinh đô Huế. Ông
huyện Thanh Quan chẳng may mất sớm, khi mới 43 tuổi, bà vẫn ở vậy nuôi con.
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng “xuân bất tái lai”
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng “xuân bất tái lai”
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!
Câu chuyện bà huyện thay chồng phê đơn là một giai thoại
văn học rất đẹp. Nó gợi cho ta hình ảnh một bà huyện tự tin và hóm hỉnh. Bà
huyện cũng là một phụ nữ nên bà biết thương cái xuân thì của người thiếu
phụ. Không biết cô Nguyễn Thị Đào đi lấy chồng, sinh con đẻ cái có đem nhau
về chơi với Bà Huyện hay không? Nhưng câu chuyện cũng gợi cho đời sau tưởng
tượng ra cảnh nhà bà huyện đầm ấm vui vẻ, vợ chồng cùng thưởng trà dưới
nguyệt hay ngâm vịnh xem hoa vô cùng tao nhã và tâm đắc.
Đời vua Minh Mạng, bà được vời vào cung trao cho chức
Cung trung giáo tập, dạy dỗ cho các cung phi và công chúa. Điều này xác nhận
với chúng ta rằng bà Huyện Thanh Quan là một phụ nữ có đầy đủ “công, dung,
ngôn, hạnh” theo đúng chuẩn mực xưa, nên đã được triều đình biết tiếng, được
một vị vua sáng là Minh Mạng vời vào cung và giao cho trọng trách này!
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời – non – nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Bài thơ thật buồn. Hình ảnh Đèo Ngang được vẽ bằng mấy nét tiêu sơ, gợi nên cả cái hoang mang của lữ khách. Xa xôi trong đó là một tâm sự về nước non nhà với niềm đau, niềm nhớ niềm thương! Bà huyện đã dừng lại giữa đỉnh đèo giữa trời mây non nước bao la, và nỗi cô đơn xâm chiếm tâm hồn bậc tài nữ trong mấy chữ “ta với ta”. Bà đã đứng khựng lại giữa đỉnh đèo mấy trăm năm nay, bóng hình in vào nền trời Đèo Ngang lộng gió, gửi đến hậu thế muôn sau tâm sự của bà.
Có lẽ mối duyên với ông huyện Thanh Quan để lại trong bà huyện những dư vị
ngọt lành của tình phu phụ, “tương kính như tân” nên thơ của bà huyện là thứ
thơ cao sang, đài các và đẹp một vẻ đẹp điển nhã của thi ca cổ.
Bà Huyện Thanh Quan để lại 7 bài thơ. Bài thơ nào cũng
đài các, sang trọng. Bài thơ nào cũng hoài cổ, luyến nhớ. Nhưng bà nhớ nhất
là nhớ nhà, nhớ quê. Trông cảnh chiều thu bà nhớ ngẩn ngơ trong bâng khuâng
hoài niệm. Mỗi bước bà đi là lại “lòng quê một bước nhường ngao ngán/ Mấy kẻ
tình chung có thấu là!”.
Bảy bài thơ của Bà Huyện là bảy bài thơ Nôm, đều là thơ
thất ngôn bát cú mỗi bài tám câu, mỗi câu 7 chữ. Nghiêm ngắn, trang trọng.
Mỗi bài là một bức tranh thủy mặc được vẽ lên như những bức tứ bình đẹp. Mỗi
bức tranh ấy gói ghém tâm trạng của bà. Buồn mà không bi lụy. Có cả những
tâm sự hoài cổ của một phụ nữ trước cảnh dâu bể với những hành cung miếu
điện của những triều vua đã đi qua. Và hơn hết là cái nhìn đầy thương mến
với những cảnh vật tiêu sơ, nơi đèo heo hút gió, những ngư ông và bác tiều
phu, những mục đồng lùa trâu về những thôn xa vắng.
Bà Huyện Thanh Quan tên là Hinh, với nghĩa là mùi hương
ngào ngạt. Bà không mang tên chồng mà chỉ mang tên chức vụ của chồng. Chức
vụ ấy trong đời làm quan của chồng bà cũng rất ngắn ngủi. Bà cũng chỉ để lại
cho đời ngót chục bài thơ Đường luật Nôm vuông chằn chặn. Vậy mà vẻ cao sang
đài các, kiêu sa từ từng con chữ trong những bài thơ đều mỗi bài 56 chữ ấy
đã lan tỏa khắp thi đàn nước Việt trải đã mấy trăm năm.
Tình nước non non nước của người phụ nữ ấy như đã hòa
cùng con cuốc cuốc, cái gia gia trong thơ bà cứ da diết, da diết vọng đến
hôm nay và muôn sau.
Có thi sĩ đã từng viết về một loài hoa có những “bông hoa
nhỏ giấu mình trong cỏ; thơm hết mình mà chẳng thấy hoa đâu”. Phải chăng
bông hoa ấy là bà Huyện Thanh Quan hương thơm ngát thi đàn nước Việt mà lai
lịch hành trạng thì còn đang đánh đố hậu thế.
Ai có dịp qua Đèo Ngang, hãy ngước nhìn đỉnh đèo non nước
trời mây bao la, trên đó là một tượng đài bà Huyện Thanh Quan lồng lộng ở
mãi với thời gian…
N.X.D
Suốt từ đầu tuần,
Trả lờiXóatoàn nặng lòng những chuyện không vui.
Hôm nay đọc bài này,
thấy hay,
và đúng nữa,
cũng nhẹ nhàng được đôi phần.
Cảm ơn Lâm Khang Tiến sỹ.
Xin gửi lời chúc mừng đến Tiến sỹ phu nhân.
Có dị bản ghi như thế này
Trả lờiXóa"...Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông RỢ mấy nhà..."
Không biết bác Diện có thể tìm hiểu xem nguyên tác bà Huyện dùng từ 'RỢ" hay "CHỢ", có vẻ 'rợ' đối với 'tiều' tốt hơn 'chợ' đối với 'tiếu.
Kính
Bần sỹ tôi cũng cho là
Xóa"Lác đác bên sông rợ mấy nhà"
"Rợ" đây là những sắc dân thiểu số sinh sống ở Đèo Ngang khi đó.
Chứ còn "chợ mấy nhà" thì sầm uất đông vui quá rồi còn gì.
Thi nhân đâu đến nỗi cô đơn "một mảnh tình riêng ta với ta".
Thuở đó, Đèo Ngang làm gì có chợ, chỉ có lác đác mấy nóc nhà thổ dân thôi.
Nếu bà huyện có vào đó xin tá túc qua đêm, thì bữa cơm của họ, bà cũng khó nuốt được, tiếng nói của họ, bà cũng không hiểu được.
Không có người chia sẻ nỗi niềm, không có một tấm lòng đồng cảm.
Và đó là nỗi cô đơn muôn thuở của thi nhân.
Nhưng chắc là từ chính sách dân tộc, người ta sợ cái từ "mọi rợ" có vẻ thiếu tôn trọng, nên nói trại đi đấy thôi,(thực ra từ "mọi rợ" này, thuở đó nó không mang nghĩa xấu như bây giờ, nó chỉ mang nghĩa chỉ những dân tộc bán khai).
Vâng, hồi nhỏ tôi cũng học là "rợ mấy nhà". Cho tới nay tôi vẫn thích chữ "rợ" hơn, nó độc đáo và hay hơn chữ "chợ" nhiều.
XóaCó lúc tôi cũng tưởng tượng vui vui rằng nếu người giải quyết đơn của Nguyễn Thị Đào là Hồ Xuân Hương, thì nữ sĩ Hồ Xuân Hương sẽ phê thế nào? Chắc là... dữ tợn lắm? Nhưng, một "định mệnh" nào đó đã chọn chính bà Huyện Thanh Quan là người nhận đơn và phê đơn. Giai thoại đó dù có thực hay không, theo tôi vẫn là một bổ túc rất đẹp vào tiểu sử của bà Huyện, giúp các thế hệ ngươi Việt về sau càng thêm hiểu tâm hồn bà và càng thêm hãnh diện vì có bà.
Một trong những điều tôi tiếc trong đời là chưa được đi qua đèo Ngang, chưa được dừng chân ở đèo Ngang, để - như bác Diện nói - ngước nhìn đỉnh đèo non nước trời mây bao la mà chiêm ngắm tượng đài tuyệt đẹp của người phụ nữ Hà Nội danh tiếng: bà Huyện Thanh Quan. Hồi còn sống ở Sài Gòn, nhà tôi không xa con đường ngắn và yên tĩnh mang tên bà, ở quận 3. Mỗi khi có dịp, tôi vẫn thích chọn con đường đó, vừa chạy xe thủng thẳng vừa ngâm khe khẽ mấy bài thơ của bà.
Ô, bác Chân Không cư sỹ luận chữ "rợ" nghe có lý quá! Xin đồng ý với bác.
XóaKhi tôi còn bé học lớp đệ Lục (nay là lớp 7), chúng tôi có hỏi thầy giáo và được giải thích : Rợ là tiếng nôm cổ được dùng ở vùng Nghệ an, Hà tĩnh. Nó có nghĩa là một ngôi chợ nhỏ lèo tèo.
Xóa"Qua đỉnh" chứ làm gì mà "Bước tới".
Trả lờiXóaXe ngựa ở lưng chừng đèo. Vì cảnh đẹp, bà Huyện cho xe ngừng lại, bà Huyện bước ra lang thang đi ngắm cảnh, lòng buồn xa vắng, bà tức cảnh sinh tình "Bước tới đèo ngang ..."
XóaCó gì đâu mà xét nét !
Từ lâu tôi cứ nghĩ 4 câu thơ phê vào đơn xin tái giá của Nguyễn thị Đào là của bà Hồ Xuân Hương phê thay cho ông Phủ Vĩnh Tường. Giọng văn vừa ngang tàng, vừa nhân đạo cảm thông thân phận cùng là phụ nữ . Đến nay đọc thấy đó là của bà Huyện Thanh quan, tôi vẫn không nguôi niềm hoài niệm !
Trả lờiXóa@ CD Saigon,
XóaNgười ta đã chứng minh được rằng
Hồ Xuân Hương chưa bao giờ làm vợ ông phủ Vĩnh Tường.
Đơn giản là vì
lúc sinh thời của Hồ nữ sỹ thì phủ Vĩnh Tường chưa hề được thành lập.
Hi hi, bác CD Saigon ơi, tôi cũng thấy hai nét "ngang tàng" và "nhân đạo" đó trong bài thơ phê vào lá đơn, nên tôi cũng nghĩ ngay đến Hồ Xuân Hương như bác. Mà ngoài ra còn nét thứ ba nữa khiến tôi nghĩ rằng... khi cần "Hồ Xuân Hương" thì bà Huyện cũng "Hồ Xuân Hương" không kém chi Hồ Xuân Hương.
XóaBà Huyện rất mực đài các anh thư, nhưng nếu cần chơi những chữ rất tục mà lại rất thanh, thì bà cũng chơi chữ thật lão luyện: "Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai". Hì hì, đọc câu này tôi thấy nó... tục một cách tuyệt vời, không biết có phải tại đầu óc tôi méo mó không nữa. Hồ Xuân Hương có phê vào đơn thì cũng phê hay đến thế là cùng!
Câu thơ "Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc" tôi còn thấy phiên bản khác ghi là " Nhớ nước đau lòng con quốc quốc".
Trả lờiXóaChữ "nước" đối với chữ "nhà", chữ "quốc" đối vối chữ "gia" trong câu thơ kế tiếp xem ra rất chỉnh.
Bác Lâm Khang xem lại chổ này coi ra sao.
@ lasmon,
Xóa"Cuốc cuốc" và "đa đa" là hai giống chim có thật và phổ biến ở nước ta.
Tên của hai loài chim này dựa trên tiếng kêu của nó
cũng như "con mèo" hay "con bò" vậy.
Ở đây thi nhân đã tài tình
mượn tên hai loài chim này và tiếng kêu của nó
để diễn tả nỗi niềm "nhớ nước" và thương nhà.
Để kín đáo với thủ pháp nghệ thuật này,
thiết nghĩ nên viết "cuốc cuốc" thì ý tứ hơn.
Còn chữ "gia gia" có nên viết là "đa đa" không thì không dám bàn,
bởi có thể có nơi có lúc loài chim này được người ta gọi là "gia gia".
Vả nữa, bài thơ này tác giả viết bằng chữ Nôm,
âm GIA và âm ĐA là hai âm khác nhau, khi viết là có phân biệt mặt chữ rồi,
còn âm QUỐC và CUỐC cùng là một âm thì chỉ có một mặt chữ thôi.
Kiến thức lỗ mỗ, dè dặt lạm bàn.
Xin được các bậ cao minh chỉ giáo.
Được tiếp nhân cao kiến của các bác hay quá, làm cho cái đầu vôn tối tăm của kẻ hèn này sáng ra . Đa tạ các bác .
Trả lờiXóaRiêng về 4 chữ " nước trong leo lẻo " tôi lại nhớ đến hai vế đối :
Nước trong leo lẻo cá đớp cá / Trời nắng chang chang người đánh người.
Hình như vế sau là của Cao bá Quát !
chính xác
XóaPhương ngữ Hà Tĩnh-Quảng Bình thì "QUỐC"(đọc là "QUỐC" ví dụ quốc tế, liên hiệp quốc...)và "CUỐC"(đọc là "CUỐC" ví dụ cày cuốc, cuốc bộ...)
Trả lờiXóaPhương ngữ Nghệ An thì "QUỐC"và"CUỐC" đều đọc là "CUỐC"
Theo tôi trong bài thơ trên thì dùng chữ "QUỐC" đúng hơn.
Ba năm sau đọc lại bài viết của Ts NXD vẫn còn hay . Cái duyên của bà Huyện Thanh Quan vẫn còn mãi . Nhưng Đèo Ngang nay đã hoàn toàn khác xưa , chẳng còn " lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ ( rợ ) mấy nhà ".
Trả lờiXóaCon đường thiên lí Bắc Nam nay xe cộ lưu thông suốt ngày đêm , Đèo Ngang tấp nập., vậy mà mỗi khi qua đây vẫn nhớ Bà Huyện Thanh Quan !
Bâng khuâng, mang mác một cõi lòng.
Trả lờiXóaHm
năm 1969 tôi học đệ lục ( lớp 7 hiện nay) thì:
Trả lờiXóaBước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước
một mảnh tình riêng ta với ta
Ngày nay con cháu Hà Lội của bà ghi trong tập san kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tên bà là "Mrs. Huyen Thanh Quan". Tức là bà họ Huyện, tên Quan, đệm là Thanh!
Trả lờiXóaBan biên tập Tập San dốt quá sức !
XóaChắc chúng nó dùng Google dịch ? :D :D
Ông Goethe (Gơt) cũng có nhiều bài thơ giã ngọai. Xin được giới thiệu cùng quý vị một bài:
Trả lờiXóaÜber allen Gipfel
ist ruh,
In allen Wipfel spürst du kaum ein Hauch;
Die Vögelein schweigen im Wald.
Warte nur bald
ruhest du auch
Xin phép dịch là:
Qua các đĩnh đèo
quạnh hiu,
Trên các ngọn cây
lặng lẽ;
Những con chim im lìm vào giấc ngủ.
Phút chốc nữa
Ta cũng lịm vào mơ.
Trong cuộc chiến tranh thời cổ đại Hy Lạp có một bài thơ ngắn lưu truyền trong dân gian. Ông Schiller đã dịch ra tiếng Đức:
Trả lờiXóaWanderer, kommst du nach Sparta,
So meldet dort Du habest uns liegen sehen,
Wie das Gesetz uns befahl.
Xin dịch nghĩa:
Hỡi lữ khách qua đường, có đến Sparta, xin cho nhắn gửi,
Các bạn đã nhìn thấy chúng tôi, ơi la liệt,
Chỉ vì chúng tôi theo làm theo pháp lệnh hỡi ôi.
Ông Heinrich Böll sau này có một chuyện ngắn, tựa đề theo phần đầu của bài thơ:
"Wanderer kommst du nach Spa...", nói về quảng đời của một người lính. Đang ngồi trên ghế nhà trường thì có lệnh động viên và gác sách ra đi. Ra trận anh bị thương nặng được đưa về tuyến sau. Anh đang trạng thái nửa tỉnh nữa mê, đi qua những tượng đài những bức tượng rồi về những nhà nhân đạo học đổ nát và họ đặt anh nằm lại, anh mở mắt, nhìn thấy cái bảng đen, và giòng chữ trên đó: Wanderer kommst nach Spa...( Hỡi lử khách có tới Spa... không, và phần sau của câu thơ thì ai đã xóa. Anh nhận ra, chao ơi đấy là giòng chữ anh viết vào buổi học cuối. Anh được thầy kêu lên bảng viết bài thơ trên, nhưng ai đã xóa phần sau.
trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Trả lờiXóa(bà Huyện Thanh Quan)
*
Hai chữ 'bảng lảng' thật tuyệt vời! Đã hai trăm năm trôi qua mà hai chữ 'bảng lảng' chưa hề cũ! Thật thiên tài!
Này chú Tễu ơi, tôi nhớ là :"cỏ cây chen đá lá chen hoa" chứ.
Trả lờiXóachắc gõ nhầm dấu thôi, hẳn nhiên là "đá" rồi
XóaKính bác chủ thớt,
Trả lờiXóaHồi chúng tôi học trung học thì bài này là một trong những bài bắt buộc, thầy cô thường bắt học thuộc lòng, và thường kỳ thi nào (lục cá nguyệt, hay cuối năm) đều có thể ra bài. Chúng tôi thường tha thiết đọc câu:
"Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia"
Và thầy cô cứ mãi mê giảng nghĩa con cuốc cuốc và cái gia gia, nên cái tình ái quốc non nhà nó cao lắm, chúng tôi những mái đầu xanh non trẽ mười mấy tuổi, mà tình quê hương dân tộc nó trào dâng trong từng huyết quản.
Chạm nghĩ đến ngày nay, chúng tôi không biết người ta có dạy những bài thơ thế này không? Hay người ta chỉ nói đến đấu tranh giai cấp, Đảng, Lãnh tụ, và đồng chí vĩ đại, nên cái cuốc cuốc không còn, mà cái gia gia giờ đứa nào mà nói thì bị công an chìm nó đáng cho bể mặt.
Cám ơn bác đăng bài, kính thăm bác mạnh khoẻ.
Góp ý trnh cãi:
Trả lờiXóa1/ Bước tới mới thơ. Thơ không cần độ chính xác cao. Khi đã qua đỉnh rồi thì còn gì thơ nữa, chưa nói đến thấm mệt thì chỉ có NẰM
2/ Đúng là RỢ chứ không phải CHỢ. Vì Tiều thì phải dối Rợ mới chỉnh. Với lại ngày xưa nơi đây còn mọi rợ man di
"Rợ" - mọi, mán. Nhưng nghĩa bóng là "Nghèo"
XóaHuyện Thanh Quan chính là huyện Thái Ninh cũ nay thuộc huyện Thái Thụy ,Thái Bình quê tôi .Về mấy câu lục bát Bà Huyện phê vào đơn của góa phụ Nguyễn Thị Đào ,tôi nghe kể khi đó ông huyện không hài lòng .Bà huyện liền chua thêm hai câu
Trả lờiXóaCứ như trong đạo đàn bà
Chờ ba năm nữa mới là người trinh .
Cũng may bà huyện Thanh Quan là con người cũ Phong kiến mới có tâm hồn ,phong thái và những áng thơ bay bổng như vậy . Nếu bà là con người mới XHCN thì sẽ ra sao nhỉ ? Trở thành một tên bút nô như Tố Hữu chăng ? Giết-giết nữa ,bàn tay không ngừng nghỉ Cho mùa màng lúa tốt ,thuế mau xong .....Thất kinh -vãi cả linh hồn /
Trả lờiXóaĐọc bài này thấy tiếc quá TS NXD ơi.
Trả lờiXóaHồi những năm cuối PHTH là lúc bom đạn ác liệt nhất. Đám con trai chúng tôi chỉ luôn nghĩ "xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung", thành ra học văn, sử toàn lỗ mỗ không biết gì sất.
Tiếc rằng, giá được đọc bài này mấy năm trước khi có hầm Dèo Ngang thì lần qua đó có thể ngắm nhìn tượng đài hoặc tưởng tượng cũng được phong phú. Thế mới biết chiến tranh cướp đi nhiều thứ quý giá trong đó có tuổi trẻ học đường.
Cảm ơn TS đã khơi dậy lòng ham hiểu biết của con người!