Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

TIỄN BIỆT NGUYÊN CỤC TRƯỞNG CỤC XUẤT BẢN NGUYỄN KIỂM

 
NGUYÊN CỤC TRƯỞNG CỤC XUẤT BẢN NGUYỄN KIỂM,
ĐÃ NHẸ BƯỚC THANG MÂY


Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Khoảng đầu tháng chạp năm 2010, tôi nhớ vào hồi 3 giờ chiều, có tiếng chuông reo ngoài cổng. Từ tầng 2 ngôi nhà tôi ngó xuống, thấy một đoàn khách lạ, khoảng 5 người. Cô gái đi trước ôm một bó hoa thật đẹp. Thoáng nhìn các gương mặt, tôi không thấy có ai quen. Nhưng hẳn là có việc gì vui đây.

Người lớn tuổi nhất trong đoàn đưa tặng tôi bó hoa, ông tươi cười với giọng nói thân thiện:- Giới thiệu với nhà văn, em là Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục xuất bản, còn các em đây... Ông chỉ vào từng cô giới thiệu chức vụ và công việc... Ông quay về phía các cô đỡ lấy túi quà trao cho vợ tôi và nói – Có chút hoa quả biếu anh chị. 
Thực tình tôi hết sức ngỡ ngàng, vì ấn tượng trong tôi không mấy thiện cảm với cái cơ quan mang tên “Cục xuất bản”. Với đám nhà văn chúng tôi, họ như chiếc máy dò mìn. Họ soi mói từng li từng tí một, bắt bẻ, hoạnh họe khiến mất hết cả cảm tình mỗi khi gặp gỡ ở một nơi chốn hội họp nào đấy. Chợt thấy mặt họ, là tôi lảng.

Chỉ có một cái tựa sách “Bão táp cung đình”, họ hạch qua Nhà xuất bản, yêu cầu tôi đổi tên sách mà không đưa ra được lý do chính đáng. Tôi yêu cầu giải thích thỏa đáng mới đổi. Dây dưa hơn một năm trời với biết bao phiền toái, bao cơ quan vào cuộc, họ mới chấp nhận cấp phép cho cái tựa sách. Đương nhiên việc đó diễn ra trước mấy đời cục trưởng trước ông Nguyễn Kiểm.

Vậy mà bây giờ lại chính đương kim Cục trưởng Cục xuất bản đến tận nhà với thái độ thân thiện, với hoa tươi, quả ngọt, với giọng nói cởi mở, thân tình.

Vốn trực tính, tôi hỏi luôn – Qủa thật lần đầu tiên được biết ông Cục trưởng, nhưng không hiểu có chuyện gì mà long trọng thế này?

Ông Kiểm vẫn giữ nụ cười cởi mở và giọng nói ôn tồn: - Bọn em đến để cảm ơn tác giả. Rồi anh kể vừa đi dự Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Cộng hòa liên bang Đức về. Anh háo hức nói về kiều bào ta ở Châu Âu, mới nhìn thấy hai bộ sách TÁM TRIỀU VUA LÝ và BÃO TÁP TRIỀU TRẦN đã rất hài lòng và bầy tỏ: “Chúng tôi ở xa đất nước, đây mới là những thứ mà chúng tôi cần”.

Ông Kiểm lại cười rất tươi và tiếp: - Phải nói, hai bộ sách của anh là giấy thông hành cho bọn em đi nhiều nước Châu Âu, đến đâu bà con cũng quí mến, và mong mỏi được đọc nhiều loại truyện lịch sử như thế này. Đúng là ở Hội chợ sách quốc tế vừa rồi, không có hai bộ sách của anh, thì bọn em không biết ăn nói với Kiều bào ta ở Châu Âu như thế nào. Bỗng ông Kiểm quay ra mở túi xách đưa tôi một gói nhỏ: “Qùa riêng tặng anh”, em đem từ Paris về đấy”.

Tôi mở xem, đó là một chiếc cravate made in France và một hộp kim gài cravate. Vật tặng không đáng bao nhiêu, nhưng tấm lòng của một cán bộ quản lý ngành xuất bản đối với nhà văn, thật vô giá. Đúng ra, với cán bộ quản lý có nghề, có tầm trí thức cao, thì cơ quan quản lý phải thật sự cởi mở và đồng hành với các Nhà văn, các Nhà xuất bản, xác lập cộng đồng trách nhiệm, để tạo ra nhiều tác phẩm văn học sáng giá cho xã hội. Từ đó ghi dấu ấn thời đại. Tuy nhiên, với các cán bộ quản lý kiến thức nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, thiên kiến, họ coi nhà văn như những đám trẻ nít bất trị, cần phải nghiêm khắc và răn đe. Nên nhớ, với các nhà văn lớn, thường là các nhà tư tưởng, họ là tinh hoa của cả dân tộc, cần được nuôi dưỡng trong sự tôn trọng, và tạo điều kiện tốt nhất cho họ hoàn thành thiên chức thiêng liêng với xã hội.

Từ cuộc thăm viếng bất ngờ và ngắn ngủi đó, tôi và ông Kiểm trở thành bạn có thể cởi mở với nhau đủ thứ chuyện. Và còn một chuyện nữa khiến tôi vừa xúc động, vừa không thể ngờ tới. Đó là chuyện Cục Xuất bản trao cho tôi giải SÁCH HAY xuất bản năm 2010 cho bộ TÁM TRIỀU VUA LÝ. Khi ông tiến hành thủ tục, hoàn toàn giữ kín với tôi. Nhà xuất bản Phụ Nữ, nơi in và phát hành bộ sách này cũng giữ kín mọi thông tin với tác giả. Ông Nguyễn Kiểm muốn trao cho tôi một món quà bất ngờ. Ví dụ, sáng mai trao giải, tối nay ông sẽ đến tận nhà tôi trao giấy mời, và sáng hôm sau, ông sẽ đón tôi tới địa điểm nhận giải. Mọi sự diễn ra đều tốt đẹp, riêng có một khâu làm ông thất vọng.

Sau này ông kể với tôi rằng sau khi đọc hai bộ sách, ông đặc biệt thích bộ TÁM TRIỀU VUA LÝ, nó lại được xuất bản đúng dịp Một Ngàn năm Thăng Long, nên nhất định phải trao cho tác phẩm đó “Giải Vàng Sách Hay”. Cơ quan Cục Xuất bản, hàng năm chỉ trao các giải cho sách trình bầy đẹp, tức là “Sách đẹp”, chứ không có chức năng trao cho sách hay. Sách hay là nội dung tác phẩm, việc trao giải thưởng thuộc về các cơ quan khác như Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội v.v...

Vì vậy, ông phải xin Thủ tướng Chính phủ đặc cách cho Cục xuất bản chỉ một lần, nhân kỷ niệm Một Ngàn năm Thăng Long. Sau khi Thủ tướng cho phép, ông lập một Hội đồng chọn sách sách, gồm các giáo sư đầu ngành của các Viện có liên quan đến Văn chương, Văn hóa và Hội Nhà văn.

Hội Nhà văn Việt Nam cử hẳn 3 nhà văn chuyên làm xuất bản, và một nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn tham gia Hội đồng.

Khi bàn chọn TÁM TRIỀU VUA LÝ để tôn vinh, hầu hết mọi người đều nhất trí. Nhưng đề cập tới GIẢI VÀNG cho bộ tác phẩm TÁM TRIỀU VUA LÝ của Nhà văn Hoàng Quốc Hải, hầu hết các đại biểu đều tán thành, trừ các đại biểu đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam.

Đã diễn ra tranh cãi khá sôi nổi, tới mức Giáo sư Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện Đông Nam Á lên tiếng gay gắt: “Các anh biết quái gì về lịch sử, hầu hết các anh chưa có đọc, chỉ phán bừa v.v…’’

Đáp lại, các đại biểu Hội Nhà văn đều nhất trí và kiên định lập trường: “Chúng tôi chỉ đồng ý GIẢI BẠC Sách Hay tặng cho bộ tác phẩm TÁM TRIỀU VUA LÝ, là để bảo vệ cho sự an toàn của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Với lí lẽ khó hiểu đó, các đại biểu đều ngầm hiểu, chắc có chuyện gì trong nội bộ các nhà văn đây. Đành thông cảm chấp nhận.

Ông Nguyễn Kiểm hơi chau mày như để nhớ lại điều gì. Chợt ông bảo: - Thảo nào, khi em mua cả hai bộ sách của anh, và gửi tặng chị Hồng Duệ (nhà văn) trong Sài Gòn; đọc xong, chị gọi điện ra cám ơn và khen sách hay. Em bảo, sách hay thế mà anh Hải không dự thi. Chị nói luôn: “Sách hay thế mà dự thi cho nó phí đi à?”. Qủa thật, qua ý kiến chị Hồng Duệ, và sự kiên quyết “bảo vệ an toàn” cho tác giả Hoàng Quốc Hải, và kiên quyết không tặng GIẢI VÀNG của nhóm các nhà văn được mời tham dự, em mới vỡ ra là nhà văn các anh “hiểu nhau” thật.

Vì không đạt được yêu cầu giải vàng cho bộ tiểu thuyết TÁM TRIỀU VUA LÝ, ông Nguyễn Kiểm đành gọi điện mời tôi vào buổi tối, để hôm sau tới dự lễ trao tặng phẩm. Tới lúc đó tôi mới biết chuyện có trao GIẢI BẠC. Tôi từ chối, rằng tôi không tham gia bất cứ cuộc thi nào. Cho nên tôi không nhận giải. Ông Nguyễn Kiểm giải thích đây là tôn vinh chứ không phải cuộc thi. Anh thông cảm, rồi em sẽ thưa chuyện sau. Nể ông Nguyễn Kiểm, nên hôm sau tôi vui vẻ đến dự. Nhưng nếu biết trước nội dung như ông Kiểm kể sau này như tôi vừa thuật, chắc chắn tôi không tới dự; để những ai có hảo ý “bảo vệ’’ tôi, thật sự yên tâm.

Sau đó ít lâu, nguyên Cục trưởng Nguyễn Kiểm về hưu, qua làm việc bên Hội Xuất bản, tôi có đôi lần cộng tác viết bài cho Tạp chí Xuất Bản. Chúng tôi trở thành bạn tri kỷ. Nay đột ngột nghe tin ông Nguyễn Kiểm qua đời, tôi hết sức bàng hoàng. Bởi cách đây không lâu, tôi còn điện hỏi thăm, ông nói có chút bệnh, nhưng đã đỡ nhiều rồi. Hóa ra ông giấu tôi.

Trước sự ra đi của một cán bộ quản lý ngành Xuất bản, mà từ khi Nhà nước tổ chức ra Cục này, tôi thấy duy nhất chỉ có cố Cục trưởng Cục xuất bản Nguyễn Kiểm làm đúng chức năng quản lí Nhà nước, và không gây tổn thương không đáng có cho ngành Xuất bản và các nhà văn.

Vài kỷ niệm được viết lại thay nén tâm nhang, đưa tiễn anh về với thế giới của người hiền, anh Nguyễn Kiểm nhé. Kính chúc anh nhẹ bước thang mây!

Nhà văn Hoàng Quốc Hải bái biệt.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét