NHỚ “NGƯỜI VĂN” NGUYỄN XUÂN KHÁNH…
(Ngày mai 15/6, đưa ông về đất mẹ...)
Khúc Thị Hoa Phượng
“Người văn” Nguyễn Xuân Khánh đã ra đi rất nhẹ… vào một buổi chiều mùa hạ, tháng Sáu… Người văn ấy hẳn sẽ nở nụ cười hiền, hóm hỉnh và tinh nghịch… khi biết rằng, tiễn biệt ông là bao lời thương nhớ…
Nhớ... các tác phẩm được nhiều giải thưởng (và nhiều lần nối bản, tái bản) “làm nên” tên tuổi của ông như “Hồ Quý Ly” (2000), “Mẫu Thượng ngàn” (2005), “Đội gạo lên chùa” (2011)… Nhưng, đặc biệt “nhớ” - những “thân phận” các tác phẩm bị dập vùi, trôi nổi của ông: “Miền hoang tưởng” (“Hoang tưởng trắng”, 1990), “Trư cuồng” (“Chuyện ngõ nghèo”, 2016). Và, không quên, - những tác phẩm ông đã dịch của một thời “khốn khổ” (những năm 90, phải “đội tên” để dịch): “George Sand, nhà văn của tình yêu” (1994, tái bản 2001), “Những quả vàng” (Natalie Sarraute, 1996), “Lời nguyện cầu cho kẻ vắng mặt” (Tahar Ben Jelloun, 1996), “Nhân dạng nam” (Elisabeth Badinter, 1999),… và sau này là “Năm tuần trên kinh khí cầu” (phóng tác tác phẩm của Jules Verne, 2002), “Nữ hoàng Sissi” (Anne Francoise Loiseau, 2003), “Tâm lý học đám đông” (Gustave La Bon, 2006),…
Nhớ…
Nguyễn Xuân Khánh đã sống một cuộc đời đầy thăng trầm... nhưng “người văn” ấy đã như một “lão mai” trong sương tuyết, luôn… bền bỉ, kiên trì, cứng cỏi thể hiện khí chất, tư tưởng của mình… Các tác phẩm được ông viết thời kỳ bị “treo bút” (1973-1990) đến nay vẫn còn nguyên tính cảnh báo về hệ lụy của một xã hội quá dương tính và quá độc tôn tính (“Miền hoang tưởng”, “Trư cuồng”). Các tác phẩm sau Đổi mới, với cách lựa chọn các đề tài gai góc đi ngược lại sử chính thống, đi vào “vùng cấm” như “Hồ Quý Ly” (nhân vật “thoán nghịch”, gây nhiều tranh cãi) hay đề tài “cải cách ruộng đất” trong “Đội gạo lên chùa”… khiến tác giả cùng “Nhà Phụ nữ” đã nhận những lời không phải không dễ… khiến người ta... BỎ CUỘC: “Xuất bản “Hồ Quý Ly” để đánh tung NXB lên à? Xuất bản “Đội gạo lên chùa”… “có vấn đề đấy”, không tổ chức Tọa đàm/họp báo/ ra mắt sách nhé”… !!!??? Dù cho hệ lụy có thế nào, “người văn” ấy vẫn tin người đọc sẽ đồng cảm, sẻ chia mạnh mẽ tư tưởng của mình: nhìn sâu vào quá khứ, vào lịch sử, vào văn hóa của dân tộc, đối thoại với nó, phản biện nó,… để tìm ra những vấn đề văn hóa cội nguồn của dân tộc với tất cả những ưu khuyết điểm mà ông gửi gắm trong bộ ba tiểu thuyết viết về đạo Nho (“Hồ Quý Ly”, về tín ngưỡng văn hóa bản địa thờ Mẫu của người Việt (“Mẫu Thượng ngàn”) và đạo Phật (“Đội gạo lên chùa”)…
Nhớ, Nguyễn Xuân Khánh đã thốt lên đầy cảm xúc trong cuộc Hội thảo về các tác phẩm của ông được tổ chức tại Viện Văn học năm 2012: “Mọi ý kiến đều có quyền đứng dưới ánh sáng mặt trời…”… Nhớ, ông cũng nhiều lần trăn trở: “Văn hóa Việt là văn hóa làng…”… Nhớ, ông nhiều lần thốt lên: “Xã hội Việt Nam đang dương tính quá…”….!!! Ông tha thiết tranh biện qua nhân vật của mình: “Tôi thấy thế gian có nhiều lối sống […] Đại thể thì chia làm hai: một lối sống âm tính và một lối sống dương tính. Lối âm tính suy nghĩ khoan hòa, âm thầm nhưng cũng tàng chứa một năng lượng không phải nhỏ. Lối dương tính thì hoạt bát, năng động tức thì, đáp ứng ngay cho con người vô cùng hấp dẫn. Chẳng cái nào kém, cái nào hơn. Chúng bổ sung cho nhau thì đúng hơn. Tổ tiên chúng ta ngày xưa đã hiểu được cái lý ấy. Ví dụ như thời Lý - Trần. Thời ấy Phật giáo là âm, Nho giáo là dương. Nhà Lý sinh ra từ đạo Phật.
Nhưng nếu cực đoan Phật giáo thì đất nước sẽ yếu ớt không chống được kẻ thù hùng mạnh. Do thế, Lý Thánh tông và bà Ỷ Lan mới lập ra Văn Miếu mở khoa thi Nho giáo, ngõ hầu đem cái cương cường, cái trật tự mạnh mẽ của Nho giáo làm cân bằng cái uyển chuyển mềm mại đạo lý của Phật giáo. Đó là lần điều chỉnh thứ nhất. Đến thời Trần, sau ba lần thắng quân Nguyên - Mông, chiến tranh liên miên, mà khi đánh nhau thì con người phải bạo tàn. Chắc thời ấy, sự đói khát, sự hung bạo đã làm đạo lý suy vi. Dương tính quá dâng cao cho nên đức vua Trần Nhân Tông mới đi tu, chấn hưng Phật giáo. Đó là lần điều chỉnh thứ hai. Tôi nghĩ thời hiện đại là thời dương khí bốc lên ngùn ngụt, ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của tiền nhân”… (Trích T.864,865, “Đội gạo lên chùa”).
Nhớ… “người văn” Nguyễn Xuân Khánh luôn khao khát “nạp tri thức” với các “công cụ” là ngoại ngữ tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt (siêu giỏi) của mình!!!. Ông chia sẻ: “Mình đặt “mục tiêu” đến năm 40 tuổi đọc hết các vấn đề triết học phương Tây; năm 50 tuổi đọc hết các vấn đề triết học phương Đông”… Và, ông thường tìm tư liệu để viết mất trung bình khoảng 5 năm cho mỗi cuốn tiểu thuyết về lịch sử và văn hóa… Do đó, đọc “bộ ba” tiểu thuyết của ông, cuốn nào cũng gần cả... nghìn trang, cũng “ngồn ngộn” các tri thức về lịch sử, văn hoá,... ; về Nho, về Mẫu, về Phật…
Nhớ… “người văn” Nguyễn Xuân Khánh lúc nào cũng… khao khát đi thực tế và truy cầu tư liệu.... Viết “Hồ Quý Ly” ông cùng “Nhà Phụ nữ” đi điền dã thành nhà Hồ, ông trực tiếp đi thư viện tìm bản đồ Thăng Long thời Lý - Trần,… Rồi nhiều năm sau, ông vẫn đi thăm một hậu duệ họ Sử (vì có liên quan đến nhân vật Sử Quan Hoa - một nhân vật vốn hư cấu- trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của ông…)...
Nhớ… “người văn” Nguyễn Xuân Khánh lúc nào cũng trẻ trung, tinh nghịch… Tưởng đâu đây, một đêm nào đó, hai chàng bạn thân Xuân Khánh và Châu Diên đang hì hục vần xoay hàng ghế đá quay mặt vào phía hồ để… phục vụ các đôi tình nhân dễ bề… hôn nhau yêu nhau...(đây có lẽ là “phát minh” “lớn nhất” thời thanh xuân... của Xuân Khánh)😀 Tưởng đâu đây hình ảnh các chị biên tập viên Nhà Phụ nữ trẻ trung nhí nhảnh bên các nhà văn (bộ tam/bộ tứ: Xuân Khánh, Dương Tường, Châu Diên, Đặng Tiến,…) cũng trẻ trung, phong độ (không kém) đang sôi nổi “bàn” về cuốn sách đang sắp ra nào đó… 😀Nhớ kỷ niệm đáng nhớ gần nhất về “người văn” Nguyễn Xuân Khánh năm 2015, khi ông đã ở độ tuổi 82, đi “thực tế” cùng Nhà Phụ nữ ở Đà Nẵng, Hội An, ông vẫn đi cáp treo lên đỉnh Bà Nà Hills để phóng tận mắt nhìn phong cảnh non nước hữu tình (ông vốn yêu thiên nhiên đất nước mình,…), ông tham gia đầy đủ các trò tàu lượn xoáy trôn ốc của bọn trẻ (ông vốn “nghịch ngầm” mà)... !!! Ông cũng (với ánh mắt ngời lên lấp lánh) ngồi trên mũi ca nô rẽ sóng phi ầm ầm trên biển ra Cù Lao Chàm (ông cũng thích “cảm giác mạnh”, như ai) 😀…!!! Tưởng như ông đang nở nụ cười rất tươi và rất nghịch đâu đây…
Nhớ… “người văn” ấy có tình cảm bạn bè thật đẹp, thật lãng mạn: “Người văn” ấy có thể ở lại nhà bạn văn (gái) đến cả mấy ngày để “đàm đạo văn chương”, và dù ở độ tuổi trên tám chục, người văn ấy vẫn chẳng thẹn thùng mang bó hồng vàng đến tận đầu giường trìu mến hỏi thăm khi người bạn ấy ốm… “Người văn” Nguyễn Xuân Khánh cũng có thể một hôm nào đó cùng bộ ba của mình (gồm (Xuân) Khánh “toét|”, (Phạm) Toàn “điếc”, (Dương) Tường “mù dở” “dắt tay nhau” cùng đi đám giỗ “người đẹp” - nhà văn Đoàn Lê năm nào… Giờ thì hẳn có lẽ ba người bạn văn Xuân Khánh - Phạm Toàn - Đoàn Lê… và biên tập viên Thanh Bình của “Nhà Phụ nữ” đang cùng nhau “hàn huyên” hạnh phúc…
Và nhớ, Nguyễn Xuân Khánh “người văn” ấy lúc nào với “các em biên tập “Nhà Phụ nữ” cũng… lịch lãm: mỗi khi “lên” NXB, bao giờ ông cũng “đóng bộ”: mùa hè sơ vin, mùa đông comple, cravat… Mỗi lần có sách mới ông đều ký tặng cho các biên tập viên với lời đề tặng và chữ ký rất cẩn thận, rất đẹp và rất thanh nhã của ông… Và nhớ cả những khi trao đổi bản thảo những chỗ cần sửa, ông cũng không bao giờ to tiếng, nếu quá căng thẳng, ông sẽ đi ra ngoài, sau khi bình tâm, ông sẽ lại rất nhẹ nhàng với các em biên tập... Có lẽ các tác phẩm của ông (sau này) in ở “Nhà Phụ nữ” đều có “Mẫu độ” nên ra đời đều đẹp đều xinh, đều được nhiều người yêu thích, dù quá trình để ra được chúng đều phải “trầy vi tróc vẩy”...
Nhớ... “người văn” Nguyễn Xuân Khánh “đa tình” và “chung tình” theo kiểu của ông: có thể có những phút “xao lòng”, nhưng cứ nhìn cái cách khi ông nhận nhuận bút (thường là số tiền khá lớn, vì sách của ông dày, mà giá sách lại cao) mà Nhà Phụ nữ đã “gói ghém” cẩn thận trong phong bì, ông sẽ cẩn thận gấp cái phong bì các phía cho gọn gàng, sau đó bỏ trong túi ngực áo sơ mi (bên ngoài là áo vest nếu mùa đông), thong thả đạp xe mang về đưa cho người vợ “tấm cám” toàn bộ nhuận bút mình với sự tin tưởng tuyệt đối!!! Ông tin tưởng vợ mình bởi bà là người một tay “chèo chống” khi ông chồng văn chương của mình “sa cơ lỡ vận” nhà nheo nhóc 4 thằng con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, và cũng bởi bà có một “triết lý” giữ chồng rất riêng, ăn vào máu thịt và bà thực hành theo cách đó: “Vợ cái con cột”... Chẳng thế mà đi thăm bạn văn (gái), ông “xin phép” vợ rõ ràng, đi bao lâu... thì về... bà đều đồng ý tuốt😀
Nhớ ông, nhớ đến thắt lòng... khi nhớ lại một hôn nào đó, ông rất “nghiêm trang” nói: “Phượng ơi, chú Khánh có chuyện này muốn trao đổi: “Trư cuồng” của chú ấy, cháu nói chờ qua ĐH thì in... nhưng giờ chú chả mấy đến chín mươi, chả biết “đi” lúc nào! Bạn chú, nhà văn Trung Trung Đỉnh muốn giúp chú in “nó” trước khi nghỉ hưu, chú định để Nhã Nam làm cháu thấy có được không?...”... Mình lặng đi 1 lát, mình buồn, vì “Nhà Phụ nữ” sẽ ko được in cuốn này của chú, dù mấy chú cháu chị e đã đều có “kế hoạch”... ! Nhưng mình lại cảm giác hạnh phúc, nhẹ nhõm vì cuối cùng “đứa con lưu lạc” sau mấy chục năm cua chú sẽ đường đường chính chính ra mắt bạn đọc... Mình vui chứ! Và sau này mình đã “hết sức” bảo vệ đứa con ấy khi có “người” hỏi mình về nội dung cuốn sách và quan điểm của cá nhân mình! Mình nói cần phải “bạch hoá” những vùng “mù mờ”, và rất cần những bài học từ quá khứ cho thế hệ tương lai!!!...💕
Nhớ ông, nhớ “người văn” “chung thủy” mấy chục năm ròng cùng “Nhà Phụ nữ”… Các tác phẩm quan trọng của ông đều xuất bản ở “Nhà Phụ nữ” dù ngoài kia, bao nhiêu rập rờn cuốn hút… Năm 2017 ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, ông đã làm một tiệc ngọt liên hoan nho nhỏ, và thế hệ hậu sinh BTV chúng tôi trêu rằng, đó là “đám cưới” của “lão nhà văn” 85 tuổi và em “Nhà Phụ nữ” 65 tuổi…😀
Có lẽ cả cuộc đời “người văn” Nguyễn Xuân Khánh đã sống và thực hành theo lối sống âm tính mà ông tâm đắc ấy, để rồi qua bao nhiêu khổ đau cùng cực, ông vẫn bền bỉ cảm nhận được mọi cung bậc của niềm vui, của hạnh phúc;… để rồi ông vẫn bền bỉ yêu tha thiết đất nước này, văn hóa dân tộc này,… yêu tha thiết cuộc đời này…!!!
Hoa Phượng. NXB PN VN
Hà Nội, 13.6.2021 - Nhớ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-16/2021).
*Tác giả Khúc Thị Hoa Phượng là Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét