LỄ VU LAN - SỰ TIẾP BIẾN VĂN HÓA - TÔN GIÁO
Nguyễn Xuân Diện
Lễ Vu Lan là 1 nghi lễ Phật Giáo được du nhập Việt Nam. Khi Phật Giáo đến với Việt Nam đã nhanh chóng có sự giao hòa với tín ngưỡng Đạo Mẫu và tục thờ cúng tổ tiên của người bản địa từ ngàn xưa.
Sự giao lưu, tương tác này với Đạo Mẫu và tục thờ cúng tổ tiên của Việt Nam đã tạo nét đặc sắc mới cho Lễ Vu Lan và những biểu hiện văn hóa của con người Việt Nam trong toàn bộ nghi lễ Vu Lan được diễn ra trong ngày rằm tháng 7 hàng năm. Nét đặc sắc thể hiện ở chỗ là Lễ Vu Lan chỉ để tưởng nhớ đến cha mẹ, đặc biệt thể hiện đạo hiếu với Mẹ. Nhưng khi đến Việt Nam thì Vu Lan không những thể hiện lòng thờ kính cha mẹ mà còn thể hiện lòng kính trọng tưởng nhớ đối với tổ tiên, và hơn nữa thể hiện sự tương thông cảm ứng đối với các cô hồn vốn không có thân thích với mình. Chúng ta có thể biết điều đó trong có bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du.
Từ chỗ tưởng nhớ đến cha mẹ, tổ tiên đã khuất đến chỗ tưởng nhớ tất cả những người đã khuất mà khi sống đã trải qua đủ mọi cung bậc cuộc đời, đến khi chết cũng là khói lạnh hương tàn, bơ vơ cô quạnh. Lễ Vu Lan đã thức tỉnh lòng người dân Việt Nam lòng trắc ẩn với những kiếp người, thể hiện sự thương cảm rất nhân văn mà chúng ta thấy rõ điều đó trong bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du cũng như những nghi lễ được tiến hành trong dịp này, ví dụ như đàn mông sơn thí thực, giải oan cắt kết… Một số nghi lễ có những nơi diễn ra đến 3-4 ngày liền, thể hiện tất cả các khoa cúng khác nhau và biểu thị thông qua các nghi thức canh, kệ, tán, tụng trong Phật Giáo.
16h30 ngày 12.08.2011.
(trích trả lời PV Đài Tiếng nói VN)
Tuy có nguồn gốc từ Trung quốc du nhập vào nước ta , nhưng trải qua hàng ngàn năm LỄ VU LAN đã được thuần hóa Việt : nhân văn hơn . Nhưng tục đốt vàng mã thì nên bỏ vì tốn kém và ô nhiễm môi trường.
Trả lờiXóa