Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

ANH - PHÁP - ĐỨC GỬI CÔNG HÀM PHẢN BÁC YÊU SÁCH TRUNG CỘNG

 
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh được cho là sẽ tới Biển Đông 
vào năm tới - Ảnh: Hải quân hoàng gia Anh

Anh, Pháp, Đức cùng gởi công hàm phản bác yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông 
 
Tuổi trẻ
17/09/2020 15:33 GMT+7

TTO - Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức ngày 16-9 đã gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản bác lại 7 công hàm của Trung Quốc. Công hàm chung nhấn mạnh các yêu sách đường cơ sở thẳng, 'quyền lịch sử' Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo UNCLOS 1982.

Đức dấn thân vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
EU và Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Úc gửi công hàm lên LHQ, bác hết mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) khẳng định ngay từ đầu công hàm các nước này lên tiếng với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), nhấn mạnh công ước này là "khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương".

Công hàm nhấn mạnh quyền đi lại không gây hại, tự do hàng hải và hàng không như đã nêu trong UNCLOS phải được tôn trọng, đặc biệt tại Biển Đông.

Mặc dù công hàm chung tái khẳng định E3 không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông, việc chỉ ra những cái sai của Trung Quốc là một hành động rất có ý nghĩa.

Công hàm của Anh, Pháp và Đức khẳng định đường cơ sở thẳng Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa của Việt Nam và "quyền lịch sử" mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở dựa trên UNCLOS.

"Các yêu sách liên quan đến việc thực thi "quyền lịch sử" trên Biển Đông là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS", công hàm chung nhấn mạnh đồng thời khẳng định "quyền lịch sử" mà Trung Quốc nêu ra đã bị bác bỏ trong phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.

Theo nhóm E3, phần II và phần IV của UNCLOS đã quy định đầy đủ và rõ ràng cách xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo. Do đó, việc Trung Quốc - một quốc gia lục địa - tự ý vẽ đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa (PV - thuộc chủ quyền của Việt Nam) là "không có cơ sở pháp lý".

Hoạt động bồi đắp và cải tạo các thực thể mà Trung Quốc đã chiếm đóng hay bất kỳ tác động nhân tạo nào khác sẽ không làm thay đổi phân loại đối tượng địa lý theo UNCLOS.

"Các tranh chấp yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp đã được đưa ra trong UNCLOS", công hàm của E3 kêu gọi.


Đường cơ sở thẳng Trung Quốc tự ý vẽ ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng năm 1974 - Ảnh chụp màn hình

"Với tư cách là các quốc gia thành viên UNCLOS, Pháp, Đức và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do của mình như được quy định trong UNCLOS, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực theo quy định của công ước", công hàm kết thúc.

"Cuộc chiến công hàm" về Biển Đông - cách gọi hiện nay của nhiều người trước việc các nước liên tục gửi công hàm/công thư lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc - phát sinh sau một công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12-2019.

Hành động mở màn cuộc chiến công hàm của Malaysia đã kéo theo cả những nước không tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông như Indonesia, Mỹ, Úc và mới nhất là nhóm E3 tham gia vào cuộc chiến công hàm này - góp phần làm nổi bật sự phi lý và bất hợp pháp trong các yêu sách của Trung Quốc.

Duy Linh

5 nhận xét :

  1. Trong chuyến thăm một số nước EU vừa qua, ngay giữa thủ đô Berlin, Vương Nghị đã hỗn xược phê phán và đe dọa Séc vì có một nghị sĩ Séc đã sang thăm Đài Loan. Ngay lập tức ngoại trưởng Đức Maas đã phê phán thái độ láo xược của Vương Nghị và bệnh vực Séc, một thành viên của EU. Vương Nghị phải cụp đuôi như con chó khi bị chủ mắng.

    Trả lờiXóa
  2. Đây là những công hàm cực kỳ quan trọng. Đã có 3/5 ủy viên thường trực HĐBA LHQ phản bác quan điểm vô căn cứ của TQ. Chỉ còn Nga là nước chiếm đoạt Crum của Ucraina là công khai ủng hộ Trung Quốc. Qua đây, cũng là ời cảnh tỉnh cho những kẻ cuồng Nga, cũng dần rõ ai là bạn. Ai là thù trong tranh chấp biển đảo hiện nay.

    Trả lờiXóa
  3. Ai cũng biết yêu sách về biển Đông của Trung Quốc là phi lý nhưng thực tế thì nó vẫn chiếm Hoàng Sa , 7 đảo ở Trường Sa và khoảng 80% vùng nước .

    Trả lờiXóa
  4. Lý luận nền tảng, ‘BIỂN ĐÔNG YÊN TĨNH’! Không rối lên, làm mất YÊN TĨNH BIỂN ĐÔNG! Đây là việc giữa hai đảng cộng sản Trung Việt anh em!?.

    Trả lờiXóa
  5. TG Trương Nhân Tuấn đã có bài viết trên báo Tiếng dân https://baotiengdan.com/2020/09/18/ve-cong-ham-cua-ba-nuoc-anh-duc-phap-gui-lien-hiep-quoc/ có những nhận xét tôi cho là xác đáng về vấn đề này. Tuy nhiên chúng ta biết Trung Quốc không phải là nước dễ dàng tuân thủ pháp luật, và sẵn sàng giẫm đạp lên luật pháp khi có lợi. Bên cạnh đó Trung Quốc còn tự tin khi được Nga ủng hộ những hành vi phi pháp – ví dụ cụ thể theo Wikipedia : „Ngày 5 tháng 9 năm 2016, trong cuộc họp báo diễn ra ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc sau khi hội nghị G20 kết thúc, tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc các bên thứ ba không nên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp. Đối với phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực, Nga không công nhận phán quyết này về mặt pháp lý.“ Chúng ta sẽ chờ xem sau tuyên bố của 3 nước trên thì Nga còn dở trò gì để gây bất lợi cho Việt Nam!

    Trả lờiXóa