Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

DIỄN BIẾN VỤ ÁN ĐỒNG TÂM: LUẬT SƯ CHƯA ĐƯỢC TIẾP CẬN HỒ SƠ

 
Diễn biến vụ án Đồng Tâm:  
CÁC LUẬT SƯ CHƯA ĐƯỢC GẶP BỊ CÁO,
CHƯA ĐƯỢC TIẾP CẬN HỒ SƠ VỤ ÁN

 
 
Hôm nay, sau 07 ngày phát hành, thì một số luật sư tham gia vụ án Đồng Tâm đã nhận bản Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 ngày 24/06/2020 của VKSND TP.Hà Nội gởi qua đường bưu điện. Kèm theo cáo trạng là văn bản Thông báo về việc quyết định truy tố. Dài 51 trang, nội dung bản Cáo trạng không quá khác biệt với bản Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT TP.Hà Nội.

Trước đó, ngày 29/06/2020, một nhóm luật sư đã đến Trại tạm giam số 2 Thường Tín, Hà Nội để tiếp xúc với các bị cáo trong vụ án. Nhưng đã bị từ chối với lý do không “dính” gì đến với các quy định pháp luật có liên quan : Vì chưa biết hồ sơ vụ án đang do cơ quan nào thụ lý. Đáp trả lại sự đấu tranh của các luật sư, thì các nữ cán bộ trực ban chỉ còn biết cười trừ vô tội.

Cũng thế, cho đến nay, dù đã phát hành cáo trạng, thì các luật sư cũng vẫn chưa tiếp cận được với hồ sơ vụ án.

Tuy vậy, thông qua bản Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, các luật sư cũng đã phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục và đã chọn hai trong số đó để kiến nghị khẩn cấp, gồm: 
1. Về cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án :

Chính thức qua bản Kết luật điều tra, thì “tác giả” tấn công và xâm nhập vào tư gia công dân Lê Đình Kình vào rạng sáng ngày 09/01/2020 là các đơn vị thuộc Công an TP.Hà Nội.

Trong vụ án, thì người phối ngẫu của ông Lê Đình Kình là bà Dư Thị Thành đã gởi đơn tố giác tội phạm giết hại ông Lê Đình Kình. Trước đó, thì một số công dân khác cũng có gởi đơn tố giác tương tự. Cả hai đơn đều nghi vấn cá nhân trong lực lượng tấn công vào tư gia ông Lê Đình Kình có thể là tội phạm giết hại công dân. Trong trường hợp này, rõ ràng đơn vị thuộc Công an TP.Hà Nội cũng chính thức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, cá nhân (chưa rõ danh tính) nổ súng bắn vào công dân Lê Đình Kình là đối tượng đang bị tố giác tội phạm. Theo đó, một đơn vị của Công an TP.Hà Nội là Cơ quan Cảnh Sát Điều tra lại đứng ra thực hiện điều tra vụ án là không thể bảo đảm sự khách quan, vô tư theo quy định tại điều 21 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
 

2. Về bổ sung người tham gia tố tụng :

Trong việc tấn công, xâm nhập vào tư gia các công dân Lê Đình Chức, Lê Đình Công và Lê Đình Kình vào rạng sáng ngày 09/01/2020, ngoài 03 chiến sĩ thiệt mạng được xác định là bị hại, thì các chiến sĩ còn lại có trực tiếp tham gia đều có tư cách là những nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trong đó, người trực tiếp bắn vào công dân Lê Đình Kình có tư cách là người bị tố giác tội phạm.

Các luật sư cần có sự hiện diện của các nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người bị tố giác tội phạm này tại phiên tòa xét xử vụ án để trực tiếp xét hỏi tất cả những sự việc có liên quan được trình bày trong cáo trạng, kể cả nội dung theo đơn tố giác tội phạm của bà Dư Thị Thành và các công dân khác.

Qua đó, các luật sư đã kiến nghị với cơ quan chức năng hai vấn đề : Điều chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra khác có thẩm quyền để điều tra vụ án. Đồng thời, bổ sung người tham gia tố tụng.

Saigon, ngày 01/07/2020

LS Đặng Đình Mạnh

Liên quan:
773. Đơn khiếu nại của hai luật sư về nội dung Kết luận điều tra vụ án Đồng Tâm.

771. Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị yêu cầu của luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án ‘Giết người; Chống người thi hành công vụ’ ở Đồng Tâm

1 nhận xét :

  1. Với các nước pháp quyền thì việc gặp nghi phạm, bị can, bị cáo luôn dễ dàng, hoặc theo công ước quốc tế và luật tố tụng hình sự thì cơ quan tố tụng đều tuân thủ. Còn vì sao ở Việt nam luôn khó khăn thì có lẽ phải đọc thêm bài của GS Hoàng Xuân Phú để hiểu đặc thù VN: http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=RuiChoPhuongUyen-MayChoDimitorop-20130814. Và nếu ông Nguyễn Ái Quốc khi bị bắt ở Hòng Kông cũng bị gây khó khăn thế này thì liệu Ông có đượcc luật sư giúp cho thoát được vụ bắt hồi đó để về Việt nam lãnh đạo cách mạng Việt nam hay không thì những người làm công tác tố tụng nên suy nghĩ tìm hiểu để ít nhất khỏi vi phạm luật tố tụng Việt Nam và công ước quốc tế về quyền con người!

    Trả lờiXóa