Cờ Trung Quốc-Hồng Kông được những người thân Bắc Kinh trương lên chào mừng Hoa Lục thông qua, ban hành luật an ninh cho đặc khu hành chính ngày 30/06/2020.
Bắc Kinh khẩn cấp ra luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông
Hôm nay, 30/06/2020, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua luật liên quan đến an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Luật được ban hành ngay trước ngày kỉ niệm 23 năm Hồng Kông được Anh trao lại cho Trung Quốc, ngày 01/07/1997.
Đối với Bắc Kinh, luật cho phép bảo vệ Hồng Kông chống lại các hoạt động « lật đổ », « ly khai », « khủng bố ». Đối với giới bảo vệ nhân quyền, với luật này, Bắc Kinh có thể thẳng tay đàn áp mọi hình thức đối lập về chính trị tại cựu thuộc địa Anh Quốc.
Luật an ninh quốc gia
cho Hồng Kông được soạn thảo chỉ trong vòng sáu tuần. Hơn 7 triệu người
Hồng Kông không hề hay biết về nội dung của luật. Việc thông qua luật
liên quan đến Hồng Kông, nhưng hoàn toàn không có sự tham gia của cơ
quan lập pháp Hồng Kông. Đây là điều chưa từng có.
Lãnh đạo đặc
khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) giữ im lặng vào thời
điểm luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, trong lúc các đảng phái,
báo chí thân Bắc Kinh ở Hồng Kông, cũng như rất nhiều báo địa phương
khác, đồng loạt đăng tải thông tin này.
Đối lập Hồng Kông lo sợ
trước viễn cảnh luật về an ninh quốc gia nói trên sẽ được sử dụng để bóp
nghẹt mọi tiếng nói phản kháng, chà đạp các quyền tự do cơ bản và quy
chế bán tự trị mà đặc khu Hồng Kông đang được hưởng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình:
Theo
báo South China Morning Post, trong vòng chưa đầy 15 phút đồng hồ, 162
thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc đã hoàn toàn nhất
trí thông qua dự thảo luật, trong lần xem xét thứ hai. Ủy Ban Thường Vụ
Quốc Hội là cơ quan lập pháp có thẩm quyền cao nhất.
Trước
đó, Quốc Hội Trung Quốc đã họp ít nhất hai lần, trong hai tuần lễ, để
hoàn tất việc biên soạn dự luật, bị Washington và Bruxelles, cũng như
những người tranh đấu cho dân chủ tại Hồng Kông lên án. Tuy nhiên, đối
với các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc, luật này là biện
pháp rất cần thiết để « bảo vệ an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính
Hồng Kông ».
Ông Wu Qiang, một nhà bình luận
chính trị ở Bắc Kinh, giải thích : « Nếu như các đại biểu Quốc Hội quyết
định họp lại một cách gấp gáp như vậy, rõ ràng là vì Bắc Kinh đang sốt
ruột. Luật sẽ có hiệu lực ngay sau cuộc bỏ phiếu này. Mục tiêu là để kịp
ngăn chặn các phản kháng trước dịp 23 năm ngày Hồng Kông được trao lại
cho Trung Quốc.
Và một mặt nào đó, đối với chính quyền
Trung Quốc, với việc thông qua luật về an ninh quốc gia này, coi như là
‘‘Hồng Kông trở về với Trung Quốc lần thứ hai’’. Luật cho phép chính
quyền trung ương gia tăng quyền lực, với việc thiết lập một cơ quan phụ
trách an ninh, các tòa án đặc biệt, cũng như một ủy ban an ninh quốc
gia. Bộ luật này rất quan trọng với chính quyền Trung Quốc.
Hiện
tại, mới chỉ có một vài đại biểu Hồng Kông trong Quốc Hội Trung Quốc có
điều kiện đọc được văn bản này, theo báo South China Morning Post. Đối
với các dân biểu khác, dự kiến sẽ có một buổi thông tin về luật vào hôm
nay, trước khi thảo luận về việc đưa các biện pháp mới này vào phụ lục
III của « Luật Cơ bản », tên gọi chính thức của Hiến pháp Hồng Kông ».
Đảng Demossito giải thể do sợ bị luật an ninh nhắm đến
Theo
AFP, chỉ vài giờ sau khi luật an ninh quốc gia áp dụng cho Hồng Kông
được Trung Quốc thông qua, đảng Demossito đã tuyên bố giải thể do lo
ngại bị luật mới nhắm đến. Trước đó, bốn nhà lãnh đạo trẻ của đảng là
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow), La Quán Thông
(Nathan Law) và Jeffrey Ngo, đã từ chức.
Sau Nhật Bản, Liên Hiệp
Châu Âu lấy làm tiếc về việc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông
và lo ngại về những hậu quả của đạo luật mới này đối với đặc khu hành
chính. Trong khi đó, Đài Loan cảnh báo công dân về những rủi ro có thể
xảy ra khi đến Hồng Kông, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ người
dân đặc khu hành chính.
Trọng Thành
Dân Hồng Kong nên tự tổ chức trưng cầu dân ý để trở về với Anh. Sống dưới trướng Tầu thì chắc sẽ chết dần chết mòn.
Trả lờiXóaHK đã từng là trung tâm tài chính thế giới khi còn thuộc Anh.