Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

TP HCM: 20 NĂM CHƯA XÂY XONG MỘT CÂY CẦU NHỎ XÍU


Người dân mong mỏi đi trên cầu Long Kiểng mới vì cầu cũ xuống cấp, không an toàn.
 
Thành phố Hồ Chí Minh:
Gần 20 năm chưa xây xong một cây cầu

Lao Động
6/06/2020 | 10:00
"Nếu không do sự cố chiếc xe quá tải làm sập hồi đầu năm 2018 thì có lẽ dự án xây dựng cầu Long Kiểng mới vẫn chưa được triển khai, nhưng dù vậy dự án đã ngưng nửa năm nay nên chưa biết khi nào xong" - ông Lê Văn Thông (55 tuổi, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) vừa nói vừa ngao ngán nhìn cầu Long Kiểng cũ đang rung bần bật mỗi khi xe chạy qua.


Cầu mới ngưng xây, cầu cũ mục nát

Xây dựng từ những năm 1975, cầu Long Kiểng cũ hiện đã xuống cấp trầm trọng và mới được sửa chữa, gia cố tạm sau sự cố sập cách đây 2 năm. Mỗi ngày cây cầu "già" này vẫn phải "gánh" hàng ngàn lượt phương tiện chạy qua.

Không chỉ thấp thỏm vì cầu đã xuống cấp trầm trọng, người dân còn ngao ngán bởi tình trạng kẹt xe liên tục. "Cầu hẹp, xe đông, nên chỉ cần một ôtô hay xe ba gác chạy qua là các phương tiện phía sau bị ùn lại. Cao điểm sáng và chiều dòng xe chen cứng trên cầu, càng nguy hiểm hơn vì tải trọng lớn có thể gây sập bất cứ lúc nào" - ông Lê Văn Thông nói.
.
 
Cầu hẹp, xe đông, nên chỉ chỉ cần một ôtô hay xe ba gác chạy qua là kẹt xe.

Một ngày kẹt xe 4-5 lần, người dân mong mỏi cầu Long Kiểng mới sớm xây xong.

 
Các thanh chắn sắt trên cầu gỉ sét, bong tróc; mặt cầu lởm chởm, trơn trượt, các trụ cầu xuống cấp nhưng phải gánh hàng nghìn lượt xe mỗi ngày. Ảnh: Minh Quân

Dự án xây dựng cầu Long Kiểng được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001 (Quyết định số 3082/QĐ-UB ngày 28.5.2001). Tuy nhiên sau đó dự án không được triển khai do TPHCM chưa bố trí được nguồn vốn và gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tới năm 2007 và 2017 UBND TPHCM có hai quyết định (Quyết định số 4126/QĐ-UBND ngày 13.9.2007) và Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 20.1.2017) điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cầu Long Kiểng.

Cầu Long Kiểng được phê duyệt điều chỉnh năm 2017 có chiều dài 318 m, rộng 15 m được xây dựng bằng nguồn ngân sách thành phố với trị giá 557 tỉ đồng; trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 150 tỉ đồng.

Dự án chưa được triển khai thì đầu năm 2018, một tài xế xe tải chở đá nặng khoảng 15 tấn, chạy lên cầu Long Kiểng cũ (cho phép xe dưới 3,5 tấn lưu thông) khiến một nhịp trên khoang thông thuyền bị sập hoàn toàn. 8 tháng sau sự cố, Sở GTVT TPHCM mới gấp rút khởi công xây dựng cầu Long Kiểng mới và dự kiến hoàn thành vào tháng 11.2019.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, công trình mới chỉ hoàn thành được 7 trụ cầu và phải ngưng thi công vì vướng mặt bằng.
  
Cầu Long Kiểng mới đã dừng thi công khoảng 6 tháng nay. Ảnh: Minh Quân
 
Công trình phải tạm ngưng vì vướng mặt bằng hai đầu cầu. Ảnh: Minh Quân

Người dân mong được sớm di dời, để cầu xây nhanh

Bà Nguyễn Thị Lan (63 tuổi, xã Phước Kiển) - người dân có nhà nằm trong diện giải tỏa để lấy mặt bằng làm cầu, cho biết gia đình bà rất muốn dọn đi để cầu sớm được xây tiếp và gia đình ổn định cuộc sống.

"Đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra phương án đền bù thỏa đáng cho dân. Tôi rất mong cây cầu sớm hoàn thành để việc đi lại được thuận tiện, tránh cảnh kẹt xe thường xuyên như hiện nay” bà Lan nói.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết tại dự án có 138 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó đã bồi thường giai đoạn 1 là 25 hộ và đang thực hiện giai đoạn 2 với 113 hộ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là địa phương không có sẵn quỹ nền đất tái định cư cho các hộ dân nên làm ảnh hưởng đến việc triển khai các bước tiếp theo.

Do đó, ông Tùng cho biết huyện kiến nghị UBND TPHCM và sở ngành liên quan xem xét sớm chấp thuận đơn giá mua 56 nền đất trong Khu nhà ở Thanh Nhựt tại xã Phước Kiển để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong dự án này.
 
Người dân bức xúc với cảnh kẹt xe, thấp thỏm lưu thông qua cầu cũ, còn cầu mới 
thì cứ “nằm ì“. Ảnh: Minh Quân

Tại buổi giám sát tiến độ dự án cầu Long Kiểng mới đây, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng dự án xây cầu Long Kiểng phê duyệt gần 20 năm trước, có những khó khăn nhất định nhưng cũng do sự phối hợp giữa các bên chưa tốt.

Do đó, bà Lệ đề nghị chủ đầu tư cần xác định là đầu mối, chủ động phối hợp với địa phương cùng các sở, ngành liên quan trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là sâu sát hơn việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư phải gấp rút xem lại việc điều phối nguồn vốn, bởi nếu thuận lợi thì quý 4 năm nay, huyện Nhà Bè có thể bàn giao mặt bằng, khi đó phải sẵn sàng để chi trả bồi thường.

MINH QUÂN

2 nhận xét :

  1. Cầu này cần hay nhà hát giao hưởng thành phố cần xây, chủ tịch UBND Tp HCM có trả lời được không?

    Trả lờiXóa
  2. Vì đơn giản toàn dân nghèo đi qua, chứ có quan chức cao cấp thành phố hay đại gia có uy tín, nhiều tiền đi qua thì xong từ lâu rồi!

    Trả lờiXóa