Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Tin buồn: THÀNH KÍNH CHIA BUỒN CÙNG NHÀ BÁO QUỐC PHƯƠNG


.
.
. .
..

TIN BUỒN
Chúng tôi vô cùng kính tiếc báo tin, thân mẫu
Nhà báo Ngô Quốc Phương (BBC) 


Cụ bà TRẦN THỊ NGUYÊN
(Bà Ngô Linh Ngọc)  

Sinh ngày 24/01/1927

thường trú ở Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, 
quận Hoàng Mai, Hà Nội

đã tạ thế hồi 03h01, thứ Sáu, 19/06/2020.
(tức ngày 28/04 Âm lịch). Thọ 94 tuổi.

Lễ viếng tổ chức vào hồi 9h30, Chủ nhật 21/06/2020,

Tại Nhà tang lễ Thành phố, 125 Phùng Hưng, 
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lễ truy điệu vào hồi: 10h15, cùng ngày
Lễ di quan vào hồi: 10h30, cùng ngày

Hỏa táng cùng ngày tại đài Hóa thân Hoàn vũ, 
Văn Điển, Hà Nội. 

An táng tại nghĩa trang quê nhà: Thôn Khả Do, 
xã Nam Viên, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
***
Xin dâng lời cầu nguyện Đức Phật A Di Đà và chư Phật tiếp dẫn hương linh Cụ bà Trần Thị Nguyên thung dung về cõi Tịnh độ an lạc vĩnh hằng.

Và nghiêng mình chia buồn cùng Nhà báo Ngô Quốc Phương cùng toàn thể tang quyến trước mất mát vô cùng lớn lao này!


Ngô Quốc Phương

Một kho ký ức gia đình đã mất đi

Hôm qua, 19/6/2020, ngay sau khi mẹ tôi, bà Trần Thị Nguyên (tức Phạm Thị Hằng) qua đời, chị ruột tôi từ Quebec, Canada nối máy sang và kể chuyện về mẹ tôi.

Hai chị em đều trong hoàn cảnh 'bị kẹt' không thể về dự đám tang của mẹ chúng tôi dự kiến vào ngày 21/6/2020, mà với chị tôi thì do sức khỏe và trở ngại của việc xuất nhập cảnh từ Canada do đại dịch Covid-19...

Chị chia sẻ với tôi một audio clip mà chị mới lục lại trong lần về thăm nhà ở Việt Nam cách đây không lâu, một tư liệu mà khi nghe xong tôi vô cùng trân quý và lại càng tiếc thương khi mẹ chúng tôi đã ra đi mà với tôi và nhiều thành viên trong nhà thì cũng theo đó đã vĩnh viễn mất đi một kho ký ức về gia đình.

Câu chuyện ôn về mẹ chúng tôi giữa hai chị em có nhiều chi tiết và chắc sẽ còn nhiều lần nữa tôi chắc sẽ được nghe các anh chị em trong gia đình chia sẻ thêm, nhưng vào thời điểm này, tôi liên hệ điều được nghe chị chia sẻ qua audio clip trên với một sự việc cách đây không lâu.

Đó là vài tháng trước, một nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có đề cập đến công việc của bố tôi, nhà báo và nhà thơ Ngô Linh Ngọc tại tạp chí Tổ Quốc, cơ quan báo chí của giới trí thức Việt Nam, thuộc Đảng Xã hội Việt Nam trước đây và hỏi về bố tôi thời kỳ làm việc ở đó, tại tòa soạn 53 Nguyễn Du, Hà Nội,

Khi đó, tôi có chia sẻ rằng khi bố tôi nghỉ hưu ở báo Tổ Quốc một thời gian thì Đảng Xã hội được tuyên bố giải thể (cùng với đảng Dân chủ), và tạp chí Tổ Quốc tại đảng Xã hội cũng có sự thay đổi để trở thành "Khoa học & Tổ quốc" thuộc cơ quan chủ quản mới cũng được đặt trụ sở mới tại đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta).

Khi đó một vị cấp bậc Thứ trưởng đã tới tận nhà riêng của bố mẹ chúng tôi tại 58 Lý Thường Kiệt, Hà Nội và trao đổi với bố tôi để mời ông ra làm việc trở lại trên cương vị Tổng Biên tập tạp chí mới.

Nhưng đã có kế hoạch trước, mà cũng thống nhất với ít nhất một lần trước đó khi tạp chí Tổ Quốc cũ có thay đổi Tổng biên tập, bố tôi đã chân thành cảm ơn, và giới thiệu người khác, cũng như không ngại ngần chia sẻ lời khuyên về công việc báo chí, đặc biệt ông dánh nhiều lời khen ngợi tới đông đảo các đồng nghiệp cũ mới và mong cơ quan tổ chức quan tâm tới các anh chị em...

ĐIỀU GÌ MỚI BIẾT THÊM TỪ MẸ TÔI?

Khi chia sẻ câu chuyện trên, tôi chỉ được biết đến thế vì tình cờ có mặt tại nhà trong thời gian sự việc trên xảy ra, nhưng cho tới hôm qua thì tôi biết thêm qua những gì chị gái tôi từ Canada chia sẻ qua băng audio chị tình cờ thu được mẹ kể.

Mẹ tôi biết hết những lần và sự việc tương tự như thế, mẹ tôi nói với chị tôi là bố tôi không giấu mẹ việc gì, mà luôn chia sẻ vì bố tôi không chỉ yêu thương vợ mình mà còn thực sự nể phục bà.

Mẹ tôi nói trong mọi lần bố tôi đều luôn được mẹ tôi hỗ trợ, giúp đỡ, Mẹ tôi nói với bố tôi rằng bố tôi cứ nghỉ công việc ở những nơi đó để tập trung vào nghiên cứu, viết lách, sáng tác, dịch thuật, mọi sự về kinh tế gia đình mẹ tôi sẽ lo, kể cả khi cơ quan tổ chức hứa là sẽ mời bố tôi trở lại với các bậc chuyên viên khá cao, như trên thực tế đã có những lời đề nghị như thế.

Mẹ tôi nói với bố tôi: "Anh cứ yên tâm sáng tác, làm việc, nghỉ những chỗ đó, đã có em lo cuộc sống gia đình!"

Và sau khi mẹ tôi nghỉ hưu từ vị trí một manager (quản lý) ở một bộ phận tại Bệnh viện K ở Hà Nội, mẹ tôi về mở một doanh nghiệp vừa và nhỏ thời ấy trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giúp nuôi sống cả chừng dăm chục người và cả trăm miệng ăn của gia đình các đồng nghiệp cộng sự trực tiếp hay gián tiếp.

Những ai từng ăn 'bánh sắn Hỏa Lò' thời bao cấp ấy ở ngay địa điểm giao điểm giữa phố Lý Thường Kiệt, phố Hỏa Lò, phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, với bánh sắn vỏ mềm, gói lá chuối với nhân tròn thơm lựng với thịt mỡ, đậu xanh, hành khô, hồ tiêu v.v... bên trong (bên cạnh các mặt hàng thực phẩm và đồ uống khác), thì biết đến Tổ phục vụ của bà Hằng, tức mẹ tôi, do bà là Chủ nhiệm...

Thời bao cấp khó khăn lắm, nhưng nhờ làm ăn trọng chất lượng, danh dự, công hiến, phục vụ là chính và trên hết, Tổ phục vụ và cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống này đã nuôi sống nhiều con ngườivà cũng góp thêm một chất lượng phục vụ thức ăn, thực phẩm cho khách hàng ở Hà Nội và thập phương thời gian ấy.

Khi thu nhập đem lại điều kiện để mẹ tôi mua sắm về nhà TV trắng đen, rồi tủ lạnh, quạt trần, quạt máy để bà con hàng xóm sang nhà xem truyền hình đều có dịp quần tụ thêm bên nhau, nhất là vào giờ thời sự tối, thì lúc đầu bố tôi lo lắm và còn nhiều băn khoăn, không lo sao được vì đồng lương hưu cán bộ hai vợ chồng ba cọc, ba đồng, một nách con thơ với đàn con tới 7 đứa cơ mà, người ta có thể báo cáo tổ chức, hay đơn giản là nghi ngờ thì sao?

"Anh đừng lo, em làm ăn đàng hoàng, moi thứ đều nộp thuế, có sổ sách đứng đắn, công khai, minh bạch, thu nhập cũng là chính đáng, ai hỏi sẽ cho họ xem, anh cứ yên tâm làm việc!"

Trên thực tế, Tổ phục vụ của mẹ tôi sáng lập đã được nhận nhiều khen ngợi của khách hàng, bà con, được những ghi nhớ tặng khen từ chính quyền cơ sở và có nhiều người ở những nơi, địa phương khác đến để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, phục vụ v.v... và mỗi lần ấy mẹ tôi đều vui vẻ, cởi mở chia sẻ những gì là 'bí quyết', như mọi người hay dùng từ, nhưng mà với mẹ tôi thì chẳng có gì là bí kíp, bí mật cả, làm ăn chân thật, lòng thành, trong danh dự, ấy là 'bí quyết' mà thôi!

Lai xin kể tiếp, tới khi đó bố tôi mới bớt lo hơn.

Rồi từ công việc mới đó, nhà tôi dần dần bước những bước thoát khỏi cảnh quá khó khăn, bần hàn, xơ xác như thời bao cấp đã xảy ra với biết bao gia đình cán bộ và người dân và bố tôi có thêm cái đài radio Pháp để nghe tin tức, rồi sau này là cái máy chữ v.v... và nhất là tiền trà thuốc để giao tiếp với các bè bạn, đồng nghiệp trí thức, khách khứa, và nuôi được nghề viết văn, làm thơ, dịch thuật và khảo cứu văn hóa, nghệ thuật của ông.

Có thể nói nhờ quyết định táo bạo đột phá này của mẹ tôi mà bố tôi thấy gia đình giảm nhiều khó khăn và bố tôi đã nuôi được nghề viết lách, dịch thuật của mình, bố tôi biết ơn mẹ tôi không phải là không có lý do.

Nhưng còn những việc khác mà bố tôi nói là đã 'phục' mẹ tôi trong đối nhân xử thế những lúc giông bão mà bố tôi, ông nội tôi gọi là 'vận nước nó thế rồi' thì ra sao?

Xin được viết tiếp trong chia sẻ tiếp theo...
(còn nữa)

2 nhận xét :

  1. Sáng mai, mấy đứa bọn anh sẽ đến Viếng Cụ, Phương ạ. Xin chia buồn với đại Gia đình và em.

    Trả lờiXóa
  2. Phương ơi, các bạn Huyền, Lan, Hằng đấy. Thê là sáng mai cậu không về với Bà được a? Bọn tớ luôn tự hào về cậu, Phương ạ. Nhưng cái nghề như cậu sao nghiệt ngã thế. Đám tang Mẹ mà cũng không về được. Bọn tớ không hiểu cậu...

    Trả lờiXóa