Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Dấu lặng cuối tuần: ĐAU VÀ THƯƠNG


Các thầy cô ăn chặn 2,8 tỉ thì học sinh ăn ve sầu chắc?
 
Lao Động
06/06/2020 | 12:32

Vâng, đây là một tin chính xác: Chỉ 3 cán bộ phòng giáo dục đã ăn chặn 2,8 tỉ đồng tiền ăn trưa của học sinh. Ăn chặn, có nghĩa là ăn tất, ăn hết. Ăn đến mức không còn một xu nào để chi tiền ăn cho các cháu.

Chưa qua cơn bàng hoàng trước vụ ăn bớt của cô hiệu trưởng một trường tiểu học ở Ninh Bình thì dư luận lại muốn tăng xông khi có thêm một “quả bom giáo dục” khác chấn động dư luận: Vụ ăn bớt ở Phòng GDĐT huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Cơ quan này được giao dự toán cấp phát tiền hỗ trợ ăn trưa cho các trẻ 3, 4 và 5 tuổi. Nhưng sau khi nhận tiền, những người lãnh đạo Phòng đã dùng để mua sắm, để tiếp khách, để quà biếu... để đủ thứ để, duy nhất để chi tiền ăn trưa cho học sinh thì không.

Chi bạo đến mức chỉ còn tồn quỹ 55 triệu đồng. Tiêu phá đến độ không còn một xu để chi tiền ăn trưa cho các cháu.

Việc chi sai và chiếm dụng số tiền 2,8 tỉ này đã khiến 2.890 trẻ mầm non và 110 học sinh tiểu học ở huyện Chư Pưh không có tiền ăn trưa.

Khi bị các trường đòi tiền chế độ, vị trưởng phòng thậm chí ráo hoảnh: “Chưa được cấp kinh phí”.

Nói đây là một “quả bom” của ngành giáo dục bởi nó không còn chỉ là chuyện ăn bớt, ăn xén mà thật sự là ăn chặn. Ăn không còn một đồng nào xuống được tới học sinh.

Trong vụ hiệu trưởng rút khẩu phần, ăn bớt 533 triệu đồng của học sinh, đã có câu hỏi được đặt ra: Vậy thì những đứa trẻ còn gì để ăn?

533 triệu là rất lớn, rất nhẫn tâm, rất rất khủng khiếp khi nó được bớt xén khẩu phần ăn của chỉ vài trăm học sinh trong năm học 2018-2019.

Nhưng sang đến vụ chiếm dụng 2,8 tỉ tiền hỗ trợ ăn trưa, nó mang thêm một màu sắc mới là sự trắng trợn.

Nếu toàn bộ hỗ trợ ăn trưa bị chiếm dụng, bị ăn chặn vậy thì 2.890 trẻ mầm non và 110 học sinh ở huyện Chư Pưh đã ăn gì?

Hôm qua, dư luận lên cơn sốc khi chứng kiến bữa ăn “cơm nguội ve sầu” của những đứa trẻ ở Vụ Bổn, Krông Pắk, Đắk Lắk.

Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, ông Lê Viết Nhượng vừa giải thích: ''Trẻ em ở xã vẫn thường bắt ve sầu, châu chấu, cào cào về ăn với cơm”. Và chuyện này “không có gì lạ” vì “đây là phong tục, tập quán của người dân địa phương”. Ông Nhượng cũng nói chính bản thân ông cũng đã ăn ve sầu như lũ trẻ.

Phong tục có thể là cách lý giải để có một cái đúng, để dư luận tin “không có gì lạ”. Nhưng cũng có một cái đúng khác là sự đói khát, lem luốc, nghèo khổ - điều mà dư luận nhìn thấy trong ảnh.

Đặc sản, hay một thứ đạm hoang dã khi không có gì để ăn có một khoảng cách. Khoảng cách ấy, sẽ rất đau nếu là ở cách nhìn.

Cũng giống như việc nhìn tiền chỉ là một thứ phải “ăn” bằng mọi cách thì người ta sẽ không từ khoản tiền nào, dẫu đó là tiền ăn của những đứa trẻ. 
 
Anh Đào

10 nhận xét :

  1. Nếu cứ xem nhiều những cảnh thế này – vì tôi tin đây chỉ là 1 trong muôn vàn cảnh ngộ tương tự – thì tất nhiên không thể dung hòa với câu: „Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như ngày hôm nay“ (TBT), vì đơn giản đất nước nếu có tiến lên thì nó đã không giúp cho những số phận cháu bé này được hạnh phúc hơn, mà tôi thấy nó phục vụ nhóm người khác, và đó là điểm yếu chết người khi làm không giống nói hay lý thuyết (như theo HP 2013: Điều 34: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội …. Điều 37 1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục …)

    Trả lờiXóa
  2. Là một người dân bình thường có lương tri phẩm chất đạo dức đã khó, làm người cán bộ mà như mấy ông này thì quả thật không còn gì để nói. Hành động cướp miếng ăn đang và vào miệng của các cháu học sinh thì phải nói rằng, khốn nạn, khốn nạn và vô cùng khốn nạn. Rất mong những bản án thích đáng để làm dịu bớt cơn đau đang dằn vật lương tri làm người.

    Trả lờiXóa
  3. Cần bắt ngay bọn này và lập tòa án lưu động đén trường các cháu xử tăng nặng hình phạt. bọn này phạm tội trời không dung, đất không tha.

    Trả lờiXóa
  4. " Ăn bẩn " đến mức này thì không thể tin nổi : Vừa tàn ác , vừa man rợ , vừa liều lĩnh ( trước sau thì cũng lộ ), vừa ... Tóm lại mấy gã này đúng là con quỷ tác oai tác quái, coi trời bằng vung .
    Ba con quỷ này không thể ăn một mình , nhất định có nhiều người biết và đồng lòng ...cùng ăn . Nhớ câu bà phó Roan nhận xét : Chúng ( quan tham ) ăn không còn gì để dân ăn . Quả là đúng .

    Trả lờiXóa
  5. ông Lê Viết Nhượng giải thích: ''Trẻ em ở xã vẫn thường bắt ve sầu, châu chấu, cào cào về ăn với cơm”. Và chuyện này “không có gì lạ” vì “đây là phong tục, tập quán của người dân địa phương”.
    Đây là cách nói lấp liếm, nói lấy được của quan xã ăn chặn tiền của dân chứ làm gì có phong tục dân tộc nào ở Việt Nam ăn ve sầu? Chỉ có 1 số bộ lạc ở châu Phi ăn châu chấu với mật ong rừng khi đi săn thôi! Ông quan này đang tìm cách chạy tội cho mình bằng cách đổ cho phong tục tập quán! Và ông ta nói là ông ta cũng ăn ve sầu, có thể là đúng vì ông ta nhậu ve sầu với rượu ngoại trong nhà hàng đặc sản thì có!

    Trả lờiXóa
  6. Thầy cô thời thổ tả nó vậy! Có cựu học sinh nào muốn quay về trường cũ để thấy thầy cô một thời ép học sinh học thêm, móc tiền cha mẹ họ và đánh cắp thì giờ học sinh!
    Một đất nước mà mọi giá trị đều tan nát!

    Trả lờiXóa
  7. 2,8 tỉ không phải chỉ có 3 đứa này hút máu, hút mủ học sinh. Ba đứa này sẽ cúng cho các quan trên cùng vui bữa tiệc máu! Có như thế ba đứa này sẽ an thân tại vị đón chờ bữa tiệc máu lần sau!

    Trả lờiXóa
  8. Không chỉ có ở chỗ này thôi đâu, còn nhiều chỗ khác nhưng chưa bị phát hiện ra ! Chả thế mà tất cả lực lượng công quyền hiện nay đều tham gia chạy chức. Bé chạy chức bé, lớn chạy chức lớn !

    Trả lờiXóa
  9. Những cán bộ đảng viên này được rèn luyện "Đạo đức cách mạng" kiểu gì mà đến nỗi như thế? Tình trạng bòn rút của công - tham nhũng - hối lộ đã thành hệ thống rồi. Chế độ này phải tự thay đổi cho hợp ý Trời và lòng dân, nếu không thì phải bị nhân dân tận diệt thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Nên chuyển các cảnh này đến đúng địa chỉ: quan quân lập dự án và duyệt chi trăm tỉ, ngàn tỉ cho tượng đài, cổng chào, cờ hoa băng rôn... chào mừng XX.

    Trả lờiXóa