Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

TS. Phương Lan: MỘT BẢN ÁN THỰC SỰ CHƯA THỂ HIỆN CÔNG LÝ


ĐÔI ĐIỀU BĂN KHOĂN TỪ PHIÊN XỬ GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN HỒ DUY HẢI

TS Vũ Thị Phương Lan 
- GV Trường luật HN
 
Trong vài ngày qua, xã hội nói chung và giới khoa học pháp lý nói riêng rất xôn xao về kết quả Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Người không thuộc chuyên ngành luật thì thấy dường như có điều gì đó chưa thực sự thuyết phục. Người có chuyên môn luật thì thấy dường như có điều gì sai sai.

Cũng như nhiều người đang bàn luận về câu chuyện này, tôi không quen Hồ Duy Hải. Tôi cũng không biết Hồ Duy Hải thực sự vô tội hay có tội. Nhưng với kiến thức pháp lý của mình và lương tâm của một người học luật, tôi thấy có nhiều băn khoăn muốn chia sẻ về phiên xử giám đốc thẩm. Điều tôi quan tâm nhiều hơn cả là một nền tư pháp Việt Nam thực sự bảo vệ công lý và cho thấy công lý hiện diện trong xã hội. Hồ Duy Hải, cho dù thực sự là có tội đi chăng nữa thì cũng phải được xét xử công bằng, và chỉ có xét xử công bằng của một nền tư pháp vì công lý đích thực mới có thể kết tội Hồ Duy Hải hay bất kỳ ai khác. Tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ như sau và xin diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường, tối giản ngôn ngữ pháp lý. 

1. Tính hợp pháp của kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Một vấn đề được HĐXX TANDTC nêu ra là kháng nghị của VKSNDTC không đúng quy định của pháp luật vì Chủ tịch nước đã có Quyết định 639/2012 bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Hàm ý ở đây là khi Chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm án tử hình thì VKSNDTC không được quyền kháng nghị.

Tôi cho rằng không thể đem Quyết định của CTN để quy chiếu tính hợp pháp của quyết định kháng nghị của VKSNDTC bởi vì chức năng của hai cơ quan này là khác nhau và nội dung của hai văn bản đề cập tới những khía cạnh khác nhau cho dù là về cùng một vụ việc. CTN là nguyên thủ quốc gia chứ không phải cơ quan tố tụng. Hiến pháp, pháp luật trao cho CTN quyền ân giảm đối với tội phạm chứ không phải khẳng định một người có tội hay không. Khi CTN xem xét đơn xin ân giảm thì vấn đề có tội hay không có tội đã được tòa án quyết định, có hiệu lực và CTN tôn trọng điều đó. CTN chỉ xem xét với những tình tiết nhân thân thì người phạm tội đó có đáng được ân giảm hay không. Quyết định không ân giảm của CTN không có nghĩa là lời khẳng định quyết định buộc tội tử hình của tòa án là đúng.

VKSNDTC thực hiện quyền kháng nghị của mình theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND và Bộ luật tố tụng hình sự. Quyền kháng nghị có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào đối với các bản án của tòa án mà VKS cho là sai, có thể là sai về tố tụng hoặc áp dụng pháp luật nội dung. Trong trường hợp vụ án Hồ Duy Hải, VKSNDTC có thể cho rằng thủ tục tố tụng đã bị vi phạm nghiêm trọng và/hoặc phán quyết của tòa án cấp dưới không có cơ sở. Khi VKSND đưa kháng nghị thì Tòa án phải xem lại xem bản án cấp dưới có thực sự sai không mặc dù rồi cuối cùng có thể vẫn cho rằng bản án đó đúng. Quyền kháng nghị của VKS được thực hiện như là một phép kiểm tra đối với việc xét xử của tòa án. Đó là một điểm tuyệt vời trong hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam. Ở đây tôi muốn nói rằng, cơ sở pháp lý của kháng nghị của VKSNDTC là Hiến pháp và các luật liên quan và VKSNDTC hoàn toàn có quyền kháng nghị ngay cả khi CTN đã có quyết định bác đơn ân giảm án tử hình. Trường hợp VKSNDTC kháng nghị đúng, người tử tù được tuyên không có tội thì cũng không có nghĩa là CTN đã ra quyết định sai. Đặt câu hỏi VKSNDTC kháng nghị có đúng không khi CTN đã bác đơn xin ân giảm án tử hình là một câu hỏi không phù hợp.

2. Sự độc lập của Hội đồng xét xử

Nhiều ý kiến nêu liệu HĐXX trong trường hợp này là HĐTP TANDTC có độc lập không khi Chủ tọa hội đồng đó, người đồng thời là Chánh án TANDTC, trước đây là Viện trưởng VKSNDTC và đã từng ra quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm trong cùng vụ án. Quan điểm của tôi cho rằng ý kiến này là có cơ sở.

Tòa án và VKSND thực hiện chức năng khác nhau nhưng lại giải quyết các vấn đề giống nhau khi thụ lý cùng một vụ việc. Cụ thể trong vụ việc giám đốc thẩm này: trước đây khi hồ sơ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm gửi lên Viện trưởng VKSNDTC thì vấn đề mà Viện trưởng VKSNDTC phải xem xét là liệu bản án của tòa án có bị sai không và nếu sai thì có đáng để kháng nghị không. Khi quyết định kháng nghị tức là Viện trưởng đã cho rằng có sai sót trong đó còn nếu quyết định không kháng nghị có nghĩa là Viện trưởng đã cho rằng không có sai sót trong đó hoặc có sai nhưng không đáng để nêu vấn đề. Bây giờ, khi xét xử giám đốc thẩm thì HĐXX cũng giải quyết chính vấn đề đó, trả lời đúng câu hỏi đó, tức là bản án cấp dưới (trong đó có cả quy trình tố tụng) có sai sót không, trong trường hợp có sai sót thì có đáng bị hủy hay không. Cùng một người nếu trước đây đã cho rằng bản án không sai thì bây giờ sao có thể phủ định chính mình khi trả lời câu hỏi tương tự trong khi vụ án không có tình tiết mới. Điều này chẳng khác nào chưa xét xử thì quan điểm của vị chủ tọa HĐXX đã được ấn định.

3. Về vấn đề “có sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án”

Câu hỏi đầu tiên mà HĐTP TANDTC nêu để biểu quyết trong vụ Hồ Duy Hải là “Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?”. 17/17 thành viên biểu quyết là “Không thay đổi bản chất vụ án”. Đặt ra câu hỏi này để biểu quyết, HĐTP TANDTC đã mắc một số sai lầm.

Thứ nhất, với câu hỏi đó, thông điệp mà cơ quan xét xử cao nhất của Việt Nam truyền đi là dù quá trình xét xử có vi phạm tố tụng thì bản án vấn được công nhận nếu hội đồng giám đốc thẩm tin rằng người đó có tội. Không rõ từ khi nào tòa án lại xem nhẹ pháp luật tố tụng đến vậy. Bất cứ ai học luật từ bậc học cử nhân đều hiểu rằng công lý được bảo đảm bằng pháp luật tố tụng. Đứng trước một vụ án hình sự bao giờ phía nạn nhân và phía buộc tội cũng muốn bị cáo phải bị kết tội và chịu án nghiêm khắc. Đối với họ, như vậy mới là công lý. Còn đối với phía bị cáo và gia đình bị cáo thì phải tuyên vô tội hay có tội với hình phạt nhẹ hơn mới là công lý. Như vậy, công lý không nằm ở có tội hay không có tội, hình phạt nặng hay nhẹ mà ở chỗ thủ tục điều tra, truy tố, xét xử có công bằng không, người bị buộc tội có được bảo đảm quyền tố tụng của mình không, chứng cứ có đủ cơ sở để buộc tội không … Đó là lý do tại sao vi phạm pháp luật tố tụng có thể dẫn tới hủy án. Sai sót về tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải phải được xem xét nghiêm túc từ chính nó để cân nhắc có hủy án hay không. Không thể lấy cái gọi là “bản chất vụ án không thay đổi” để biện minh và sau đó là bỏ qua cho sai sót về tố tụng.

Thứ hai, đặt câu hỏi như vậy HĐTP TANDTC đã đi lạc đề vì nó không phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm. Nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm không phải là xem xét người bị buộc tội thực sự có tội hay không, đó là nhiệm vụ của tòa án sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm là xem xét bản án cấp dưới có sai không và nếu sai thì có bị hủy không. Cái sai ở đây có thể về thủ tục tố tụng trong quá trình từ điều tra đến xét xử hoặc sai về áp dụng pháp luật. Như vậy, câu hỏi mà HĐTP TANDTC cần đặt ra phải là “Với những sai sót trong tố tụng của vụ án Hồ Duy Hải, kéo theo đó là sự không hợp lệ của một số chứng cứ như đã nêu thì liệu có đủ cơ sở để buộc tội Hồ Duy Hải như bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã làm không?” Nói cách khác TANDTC cần loại bỏ tất cả những chứng cứ thu thập có vi phạm thủ tục tố tụng và đặt câu hỏi: “Với tất cả các chứng cứ còn lại thì liệu có đủ cơ sở kết luận Hồ Duy Hải phạm tội không?” Nếu đặt đúng câu hỏi như vậy thì câu trả lời “Không đủ cơ sở” là hết sức rõ ràng bởi chỉ cần qua thông tin trên báo chí trong những ngày qua cũng có thể thấy các chứng cứ được thu thập một cách trái pháp luật đều là những chứng cứ chủ chốt để tòa án dựa vào đó buộc tội Hồ Duy Hải.

Thứ ba, HĐTP TANDTC đã quá chú trọng đến chuyện Hồ Duy Hải có tội hay không có tội mà quên đi nhiệm vụ quan trọng nhất của xét xử giám đốc thẩm là nêu và chấn chỉnh những cái sai trong quá trình tố tụng hình sự và sai trong áp dụng pháp luật hình sự trong xét xử. Nói cách khác, nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm là giải thích pháp luật để làm rõ cái đúng cái sai trong quá trình tố tụng và trong quá trình xét xử. Tư duy của HĐTP TANDTC, do đó, không chỉ bó hẹp trong vụ việc cụ thể mà phải ở tầm bao quát hơn để “chữa lỗi” của các cơ quan tố tụng nếu có. Chỉ ra cái sai của cơ quan tố tụng và bản án cấp dưới không có nghĩa là phơi ra điểm yếu của hệ thống tư pháp. Chưa cần nói tới việc Hồ Duy Hải có bị oan hay không, nếu HĐTP TANDTC hủy bản án đã kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải do vi phạm tố tụng thì tác động sẽ như thế nào. Bên cạnh chuyện chỉ ra cái đúng, cái sai thì điều đó sẽ chứng tỏ rằng công lý của nền tư pháp Việt Nam đã được thực thi cho dù cơ quan tố tụng cấp dưới đã có những sai sót. Xã hội sẽ thấy đó là một phần trong cơ chế xét xử công bằng của hệ thống tòa án. Tuyệt vời hơn, nó sẽ truyền đi thông điệp rằng các cơ quan tố tụng cấp dưới từ cơ quan điều tra, công tố tới xét xử phải tự hoàn thiện mình trong quá tình tiến hành tố tụng bởi đối với TANDTC vi phạm tố tụng là vi phạm nghiêm trọng và sẽ đem lại hậu quả pháp lý. Đó mới là việc TANDTC cần phải làm cho xã hội. TANDTC hãy quan tâm nhiều hơn đến việc chấn chỉnh và chữa các lỗi do sai sót trong quá trình tố tụng thay vì chỉ băn khoăn với câu hỏi liệu người bị cáo có thực sự phạm tội hay không.

Thật đáng tiếc phải nói rằng quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC trong vụ Hồ Duy Hải là một bản án thực sự chưa thể hiện công lý.
 

7 nhận xét :

  1. Rất hay và bổ ích đối với tôi. Cám ơn TS Vũ Thị Phương Lan về bài viết.

    Trả lờiXóa
  2. "Người không thuộc chuyên ngành luật thì thấy dường như có điều gì đó chưa thực sự thuyết phục. Người có chuyên môn luật thì thấy dường như có điều gì sai sai." Còn 17 thẩm phán tòa án tối cao thì có ý đồ gì hay chỉ là những thằng bờm?!

    Trả lờiXóa
  3. Thật đáng tiếc phải nói rằng quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC trong vụ Hồ Duy Hải là một bản án thực sự chưa thể hiện công lý.
    (tiến sĩ luật Vũ Thị Phương Lan)
    ----------
    Toà án tối cao mà chưa thể hiện công lý tức là công lý bị tước bỏ, bị chà đạp ngay tại nơi lẽ ra công lý phải được thực thi!

    Trả lờiXóa
  4. Rất xác đáng và chặt chẽ. Nhưng đã đưa bài này lên truyền thông chính thông chưa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tổng biên tập cao nhất không đồng ý!

      Xóa
  5. Quá tuyệt vời

    Trả lờiXóa
  6. Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Công Lý mất
    Đồng Khởi lên rồi - mất Tự Do

    Trả lờiXóa