Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Trần Ngọc Đông: NẶNG NGHĨA HẠ LÔI


NẶNG NGHĨA HẠ LÔI

Tuần trước, đọc tin thấy các báo dồn dập đưa tin làng hoa Hạ Lôi bỗng trở thành ổ dịch viêm phổi Vũ Hán, lòng bồn chồn nhớ đến Hạ Lôi với những gì đã từng biết trước đây.

Làng Hạ Lôi xưa có tên cổ xưa là Cổ Lôi Trang thuộc đất quận Chu Diên, cũng gọi là Mê Linh. Đến đời Lê thuộc huyện Yên Lãng, xứ Đoài- Sơn Tây.Đến khi Pháp thành lập tỉnh Phúc Yên năm 1903, làng Hạ Lôi thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên. Sau này. tỉnh Vĩnh Yên sáp nhập với tỉnh Phúc Yên gọi là Vĩnh Phúc. 

Tương truyền làng Hạ Lôi chính là quê hương của Hai Bà Trưng. Để trả thù nhà, dựng lại nghiệp xưa của các vua Hùng , hai bậc nữ lưu ấy đã đứng lên khởi nghĩa lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt, lưu danh muôn đời trong sử xanh của dân tộc. Sau ngày thất thủ, Hai Bà tuẫn tiết trên dòng sông Hát, người dân tại quê nhà đã lập đền thờ để tưởng nhớ công đức. Vì thế đền thờ Hai Bà còn có tên gọi khác là đền Hạ Lôi.

Hàng năm cứ nhằm ngày mùng 6 tháng Giêng, dân làng mở hội lớn, kỉ niệm ngày Hai Bà mở tiệc khao quân, có câu ca về hội làng Hạ Lôi tự xa xưa:

“Có về thăm hội Hạ Lôi
Tháng Giêng mùng sáu cho tôi đi cùng
Kiệu bà đi trước Kiệu ông
Nữ Binh hộ giá khăn hồng hài hoa”


Cùng với các đền Hai Bà Trưng ở Hát Môn- Phúc Thọ, đền Hạ Lôi là một trong những nơi thờ Hai Bà Trưng lớn nhất miền Bắc.

Tự hào về quê hương Hạ Lôi của Hai Bà Trưng, những năm trước, tỉnh Vĩnh Phúc đã lấy hình ảnh Hai Bà cưỡi voi dựng cờ khởi nghĩa làm biểu trưng của tỉnh nhà.

Đầu năm 2008, cùng với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh được cắt một phần về Hà Nội. Thế là quê hương Hai Bà cũng chuyển khẩu về thủ đô, niềm tự hào về vùng đất sản sinh ra hai bà chỉ còn trong những trang sách cũ của Vĩnh Phúc. Từ dạo về thủ đô, đền Hạ Lôi được sửa sang mở rộng nhiều lần, không còn là đền làng mà trờ thành đền của quốc gia.

Với Hương Canh quê tôi, khi nhắc tới làng Hạ Lôi, người xưa còn nhắc tới với sự biết ơn và mối tình thân giữa hai làng anh em.

Các cụ kể rằng : Vào những năm cuối đời Hậu Lê, giặc giã bốn phương nổi lên như ong, ở xứ Sơn Tây có Nguyễn Danh Phương người làng Tiên Sơn (làng Cói), tục danh gọi là Quận Hẻo, nổi lên cầm đầu toán quân khởi nghĩa chống lại triều đình. 

Quận Hẻo đóng quân ở chân núi Tam Đảo dựa vào chỗ hiểm làm lũy, vét lương chiêu quân đặt làm sào huyệt”. Quận Hẻo lại là người mưu trí, thỉnh thoảng thấy thế lực không địch được quân triều đình thì lại xin hàng làm kế hoãn binh.

Khi triều đình còn phải dẹp cuộc khởi nghĩa của quận He (Nguyễn Hữu Cầu) ở xứ Đông, thì ở phía Tây, Quận Hẻo tiến đánh các làng, buộc các làng phải thuận theo nếu không sẽ giết cả làng. Nhiều làng thưa dân hay yếu thế, sợ hãi đành phải quy hàng. Quận Hẻo tự xưng là đại vương và thu thóc lúa các làng chiếm được.

Quận Hẻo bị tật chân đi tập tễnh, vì hồi bé để trâu ăn lúa nên bị người làng Bồ Điền cắt gân nên người dân cũng gọi là giặc Thằng Què.

Khi tiến đánh làng Hương Canh tục danh gọi là làng Cánh , quận Hẻo gặp phải sự kháng cự quyết liệt, Hương Canh bên trong có ba làng sống hỗn canh hỗn cư, xung quanh có lũy tre dầy bao bọc, ngoài là hào nước sâu, đông dân lại có cả đội tráng đinh bảo vệ làng nên nhiều lần đánh bật quân quận Hẻo.

Quận Hẻo cho quân bao vây làng cô lập Hương Canh, cứ hễ lúa chín là kéo quân về gặt sạch, người Hương Canh rút vào trong lũy tre làng rau cháu nuôi nhau. Nhà nghèo rút mái rạ cho trâu bò nhà giàu ăn khỏi chết đói, nhà giàu giã gạo nấu cháo cho người nghèo ăn. Tuy đói khổ nhưng nhất quyết không hàng giặc. 

Đánh mãi không được, có người Tàu xưng là thầy địa lý bày kế cho quận Hẻo đánh Hương Canh, hắn bèn bày kế đào đào đường hầm xuyên lũy tre rồi độn thổ mà lên. Người trong làng đã biết mưu nên đã bày quân mật phục chờ sẵn. Khi địch vừa chui lên, người thủ lĩnh trong làng đã giết được kẻ đi đầu cầm chiêng của quận Hẻo, nên dùng chiêng ấy thúc quân. Cái chiêng ấy quân quận Hẻo thu được ở làng Lương Câu, chiêng có pha vàng nên tiếng rất vang, chẳng ngờ đó cũng là lệnh tiến của giặc , quân giặc cứ thế ùn ùn kéo lên,tráng đinh chém không xuể thế là vỡ làng. Các cụ kể lại chỗ giặc tràn lên máu người chảy thành dòng, lội đến ngang mắt cá chân. Chỗ ấy bây giờ gọi là Dãy Đánh Đòn.

Quân Quận Hẻo tràn lên, điên cuồng chém giết dân, đốt phá nhà cửa để trả thù . Khiếp đảm, dân làng Hương Canh vội bỏ nhà cửa, cứ thế rồng rắn nhau nhằm hướng kinh thành mà chạy về. Vè cổ của làng có kể:

Cũng có người mất cha cùng mẹ
Cũng có người mất chị cùng em
Đau xót thay ruột héo,gan mềm
Kêu khóc lóc như bầy ong vỡ tổ
Chẳng biết là sinh tử nơi nao.

Khi chạy đến thì tới làng Hạ Lôi thì trời đã tối , người Hạ Lôi liền mở cổng làng cho người Hương Canh vào lánh nạn . Những người còn lại ở Hương Canh không chạy kịp,bất kể già trẻ gái trai, đều bị quân Quận Hẻo giết cả, hầu như nhà nào cũng có người chết, nhiều nhà không còn ai sống sót.

Hôm ấy nhằm ngày 29 tháng 4 năm Canh Ngọ (1750), về sau gọi là ngày giỗ trận của làng.

Người Hương Canh ở Hạ Lôi được người làng Hạ Lôi cưu mang đùm bọc suốt mấy tháng trời. Người Hạ Lôi còn cho mượn đồng ruộng, trâu bò để cày cấy, đến nay vẫn còn những cánh đồng người Hương Canh đã từng ở đấy.
.
Lại nói, sau khi Quận Hẻo chiếm được Hương Canh thì lấy luôn làng làm Trung Đồn. Đầu năm sau (1751), chúa Trịnh Doanh thân chinh đi đánh quận Hẻo. Quận Hẻo thua, bỏ chạy và bị chúa bắt được ở làng Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch rồi bị đóng cũi nhốt lại, giải về Thăng Long xử chém. Hết giặc giã, nhà vua phủ dụ dân chúng về quê cũ làm ăn, ban thưởng cho những làng đã kiên cường chống giặc. Vì thế Hương Canh được hai biển khen của nhà vua là “Trung Nghĩa Dân” và “Tứ Kiên Nghĩa”.

Nửa năm sau từ phải bỏ làng, Người Hương Canh rời làng Hạ Lôi về quê . Biết ơn người Hạ Lôi đã cứu giúp, cưu mang qua nạn giặc giã, người Hương Canh xin kết nghĩa anh em, xưa gọi là kết chạ với Hạ Lôi, cũng là ghi lại ơn nghĩa của người Hạ Lôi.

Từ ấy trở đi, hai làng giao hảo đi lại thân thiết với nhau. Cứ đến ngày tiệc tháng hai ở Hương Canh hay hội đền tháng Giêng ở Hạ Lôi người hai làng đều chuẩn bị lễ lạt rồi ra đi từ lúc gà gáy để kịp đến làng kia làm lễ thánh. Mỗi khi có việc lớn, hai làng đều cắt cử người về giúp đỡ nhau, dưới Hạ Lôi xây đình, sửa chùa đều có người Hương Canh đến giúp.

Tình nghĩa hai làng cứ thế trải qua gần hai trăm năm không đổi, Sau ngày cách mạng tháng 8, việc tế lễ ở các làng hủy bỏ nên không đến được thường niên, nhưng người của hai làng vẫn nhớ lại chuyện cũ và rất quý nhau.
 
Hạ Lôi là đất trồng rau, Hương Canh là nơi có chợ lớn vì thế người Hạ Lôi vẫn thường mang rau lên chợ Cánh để bán, mãi đến những năm hợp tác, người Hạ Lôi lên chợ Cánh bán rau vẫn không ai lấy thu vé chợ, cứ hỏi người Hạ Lôi thì được coi như người làng.

Thời gian trôi qua, những thế hệ người già ở hai làng đã dần đi xa. Làng quê cũng có nhiều thay đổi, vào những năm sau ngày đất nước mở cửa người Hạ Lôi chuyển trồng rau sang trồng hoa, người Hương Canh thì chuyển nghề gốm sang làm ngói khắp cả xã. 

Một ngày nọ, khoảng năm đầu thập kỷ 90, có một tốp người đàn ông có tuổi dưới Hạ Lôi đạp xe lên Hương Canh đề đạt việc hai làng nối lại mối tình thân như ngày xưa các cụ. Nhưng thật buồn, sau khi làm việc với ủy ban xã, những bí thư và chủ tịch năm ấy đều không hay biết chuyện xưa nên họ đành phải quay về Hạ Lôi. Khi ấy Hương Canh đang bận làm ngói và hội làng cũng chưa mở lại. 

Từ đó, không ai nói lại chuyện đi lại giữa hai làng nữa. Câu chuyện xưa về giặc thằng Què về ngày giỗ trận ở Hương Canh đã ít người còn nhớ, và ơn nghĩa của Hạ Lôi với Hương Canh cũng dần đi vào dĩ vãng của thời gian

Nhân mùa dịch, nhắc đến Hạ Lôi, xin biên lại đôi dòng, cúi xin anh linh của Hai Bà phù trì cho người Hạ Lôi vượt qua đại dịch, rồi ngày mai, hoa sẽ lại nở trên những cánh đồng của Hạ Lôi.....

Hương Canh- Mùa dịch 2020

 Tượng Hai Bà Trưng ở đền Hạ Lôi Ảnh: Trần Hiếu.
 
 Logo cũ Tỉnh Vĩnh Phúc của họa sĩ Lê Tiến Vượng.
 
Bảng khen Trung Nghĩa Dân ở Hương Canh.
 

1 nhận xét :

  1. Nói về đất Nê Linh cũng long đong lắm! Thời Pháp lập ra tỉnh Phúc Yên. Sau nhập với Vĩnh Yên thành Vĩnh Phúc. Rồi một ngày đẹp trời. Nhạp với Phú Thọ có cố đô Phong Châu thành tỉnh Vĩnh Phú. Đến năm 1978. Với tầm nhìn của lãnh đạo thời bấy giờ. Từ Xuấn Hoà đến Xuân Mai, các huyện Sóc Sơn. Mê Linh và thị xã Phúc Yên được nhập về Hà Nội cùng gàn hết Sơn Tây cũ. Đến đầu những năm 90 của TK trước xứ Đoài-Sơn Tây được trả về cho Hà Tây. Con TX Phúc Yên và huyện Mê Linh thì trả về cho Vĩnh Phúc ( đã tách khỏi Vĩnh Phú). Cứ tách ra nhập vào, Hai Bà Trưng khi thì hộ khẩu Cói Đô. Khi thì hộ khẩu Thủ đô. Đến năm 2008. Thì Mê Linh cùng với cả tỉnh Hà Tây lại nhập về Hà Nội. Cứ tách ra. Nhập vào. Nhưng con người Mê Lình, Hạ Lôi thì cuộc sống chẳng thay đổi là mấy.vẫn trồng lúa, trồng hoa. Chỉ là khổ hơn vì nhập về Thủ đô, đất bị thu hẹp dành cho các dự án. Cầu ming cho đại dịch ở làng Hạ chóng qua mau. Để người dân đỡ khổ. Ming lãnh đạo ở trên đừng tách nhập đất Mê Linh thêm nữa. Khỏi lắm rồi!

    Trả lờiXóa