Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Lê Văn Sinh: LỊCH SỬ & HUYỀN THOẠI


LỊCH SỬ & HUYỀN THOẠI
 
1. Huyền thoại Hùng Vương.

Người Việt - trong các gia đình hạt nhân, các gia tộc đến dân tộc - có tục thờ cúng tổ tiên, từ quá khứ xa xưa đến tận ngày nay. Tuy nhiên, có sự khác biệt căn bản là các bậc tiên tổ của gia đình và dòng họ là những người thật thì tổ tiên của tộc Việt là một nhóm các nhân vật huyền thoại. Đó là thánh Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18 Vua Hùng. Đền thờ các đức thánh tổ của người Việt được dân chúng dựng lên tại nhiều địa phương nhằm thỏa mãn nhu cầu thờ tự của họ.


2. Lich sử hóa huyền thoại.

Hùng Vương là nhân vật huyền thoại, nhưng có lúc được lịch sử hóa. Người ta cố gắng chứng minh có một thời đại như thế trong lịch sử Việt Nam (1).

Sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc (1263 - 1342) viết năm 1307 (2) không có chữ nào nói về các Vua Hùng.

Truyền thuyết Hùng Vương được ghi chép lần đầu tiên trong sách Lĩnh Nam Chích Quái thời Hậu Trần. Đến thế kỷ XV, Ngô Sĩ Liên (1400 - 1499) đưa truyền thuyết này vào bộ quốc sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Sử quan họ Ngô không đặt truyền thuyết này vào phần bản kỷ. Điều đó nói lên rằng, Ngô Sĩ Liên đã tuân thủ nghiêm ngặt truyền thống viết sử biên niên.

Những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, giới sử gia miền Bắc dấy lên câu chuyện Hùng Vương dựng nước. Có lẽ việc lịch sử hóa huyền thoại được bắt nguồn từ cảm hứng từ câu nói của Hồ Chí Minh : " Các Vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước " và trong bối cảnh một cuộc đấu tranh sinh tử nhằm thống nhất đất nước?

3. Khôi phục các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.

Có thể là người Việt thời Hậu Lê và sớm hơn đã thờ cúng các Vua Hùng. Nhưng được ghi thành lệ luật bởi chính quyền thì phải đến năm Khải Định thứ 2 (1917) mới định ngày 10 tháng 3 (AL) là quốc giỗ; nghi thức tế lễ vào năm tròn do nhà nước làm chủ tế, các năm còn lại do địa phương tỉnh Phú Thọ chủ tế. Điều này nói lên ý thức dân tộc mạnh mẽ của người Việt Nam trước người láng giềng khổng lồ phía Bắc.

Năm 1946, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng chủ tế trong ngày quốc giỗ. Ông dâng lên các Vua Hùng tấm bản đồ Việt Nam và thanh gươm quý, như một lời thề kháng chiến kiến quốc của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Sau năm 1954, ở miền Bắc và sau năm 1975 trên cả nước, chính quyền thực thi đồng thời ba cuộc cách mạng (3) nhằm xây đựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Các nghi lễ thờ cúng tại nhà thờ họ, đình làng, các đền, phủ, chùa, miếu bị cấm đoán ngặt nghèo. Chỉ còn thờ cúng gia tiên trong mỗi gia đình là chính quyền không thể với tay tới. Trong bối cảnh đó, lễ hội tại đền Hùng không ai ngó ngàng đến, âu cũng là lẽ thường.

Dưới tác động của Đổi Mới, vào những năm cuối thập niên 80 và trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, một phong trào khôi phục sinh hoạt họ mạc, khôi phục đình làng và hội làng bùng lên mạnh mẽ. Ban đầu, chính quyền tại các làng xã không tham dự, sau đó vài năm, chủ tịch xã đứng vai chủ tế.

Năm 2000, nhà nước tổ chức long trọng lễ hội giỗ tổ Hùng Vương. Ông Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh làm chủ tế. Sự kiện này gửi đi thông điệp giới lãnh đạo đất nước đã quay lại với chủ nghĩa dân tộc sau sự tan vỡ của Liên Xô và các quốc gia cộng sản đông Âu. Cùng với sự bùng phát của các loại lễ hội của Phật giáo, các hội làng thờ cúng thành hoàng, các lễ hội của các đền, phủ, cùng các loại phương thuật phù thủy, bói toán trong đời sống tinh thần của con người cho thấy xã hội Viêt Nam từ một hệ tư tưởng vô thần trở lại đời sống tâm linh truyền thống vốn có trong lịch sử.

Năm 2001, Chính phủ ra Nghị định 82 lấy ngày 10 tháng 3 (AL) là ngày quốc giỗ; những năm tròn do Bộ Văn hóa chủ trì, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc Hội dự, năm còn lại do tỉnh chủ trì, lãnh đạo Bộ Văn hóa dự.

Năm 2007, Quốc Hội sửa Luật Lao động, ấn định ngày 10 tháng 3 là ngày nghỉ lễ.

4. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid - 19, mọi sinh hoạt kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó ngày quốc giỗ không thể tổ chức như đã thành lệ hơn hai chục năm qua.

Xin có mấy dòng vắn tắt về huyền thoại Hùng Vương. Theo truyền thống hiếu đễ và kính trọng tiên tổ, tôi xin thắp nén hương thành kính dâng lên các Vua Hùng của đất Việt.

----------
Ghi chú.
1.Hùng Vương Dựng Nước ( nhiều tập). NXBKHXH, Hà Nội, 1970.
2.Lê Tắc hoàn thành cơ bản sách An Nam Chí Lược năm 1307, nhưng ông còn tu chỉnh, bổ khuyết sách này đến năm 1335.
3. Ba cuộc cách mạng :
- Cách mạng quan hệ sản xuất,
- Cách mang khoa học kỹ thuật,
- Cách mạng tư tưởng, văn hóa.

1 nhận xét :

  1. Lịch sử Việt Nam không có chính sử. Vì 1000 năm Bắc thuộc người Hán đã cố tình xóa hết những gì thuộc về chính sử của dân tộc Việt. Người Việt phải neo vào huyền sử để giữ bản sắc riêng của mình. Ví mình là con rồng cháu tiên, cùng sinh ra từ mẹ Âu Cơ nên mới có chữ ĐỒNG BÀO. Từ ngàn năm nay vẫn tin như thế. Ngàn năm sau con cháu ta vẫn sẽ tin. Cho dù mẹ Âu cơ chỉ sinh ra 100 người con trai, không có con gái. Nhưng người Việt bãn sinh sôi trên dải đất hình chữ S cả trăm triệu đồng bào rùi. MUÔN NĂM VIỆT NAM!

    Trả lờiXóa