Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Hoàng Quốc Hải: TẠI SAO TA PHẢI "THOÁT TRUNG"? - Phần 1


TẠI SAO TA PHẢI ‘’THOÁT TRUNG’’?

Hoàng Quốc Hải
Kính gửi nhà văn Ngô Thị Kim Cúc

Bạn có nhã ý mời tôi viết bài cho ‘’Văn Việt’’với một số câu hỏi gợi ý đề tài. Trong đó có phần về lịch sử rất thú vị. Đang chuẩn bị viết thì trên mạng xã hội rộ lên các đề xuất với Nhà nước,nhân dịp nạn Covid-19 xuất xứ từ Vũ Hán, làm cho nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, khiến ta cũng đứng ngồi không yên.Vì rằng,nhiều ngành sản xuất của ta có tới 80% nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện nay nguyên liệu dành cho sản xuất chỉ dự trữ được 2 tháng. Qúa hạn đó, hàng loạt nhà máy đóng cửa.Tức là nếu Trung Quốc có sự cố,thì cả nhập lẫn xuất của kinh tế Việt Nam đều lao đao.

Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan gợi ý Nhà nước phải nhanh chóng nắm lấy cơ hội này, cơ cấu lại nền kinh tế, phải đa phương và đa dạng hóa các đối tác đầu vào cũng như đầu ra.

Thật vậy, ngoài Trung Quốc, ta còn nhiều đối tác tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Đặc biệt ta vừa ký hiệp định EVFTA với EU. Đó là cơ hội vô cùng thuận lợi cho ta thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Nhiều người cho đó là cơ hội "Thoát Trung’’. Đúng vậy, đây chính là cơ hội vàng để ta gỡ cái ách phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc từ mấy chục năm nay. Việc này nếu Nhà nước quyết liệt cùng với khối doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh, trong ngắn hạn ta có thể làm được. Nhưng chớ để khối quốc doanh làm chủ đạo, sẽ thất bại, sẽ mất cả chì lẫn chài, không chừng còn bị cột chặt vào Trung Quốc như một cái đuôi.

Tuy nhiên, muốn ‘’Thoát Trung’’chỉ riêng về kinh tế không thì sẽ không bao giờ thoát nổi. Muốn ‘’Thoát Trung,’’ là phải thoát về mặt văn hóa, về ý thức hệ, về tư duy độc lập.

Vấn đề là ở chỗ đó, chỉ khi nào ta có tư duy độc lập, khi đó ta mới thoát ra khỏi sự ràng buộc vô hình của văn hóa Trung Hoa. Chỉ khi ấy,ta mới thật sự là ta.

Bạn Ngô Thị Kim Cúc thân mến,nhân chuyện này,tôi xin chuyển đề tài sang việc ‘’Thoát Trung’’.Nhưng thoát về ý thức hệ,về tư duy độc lập; nói chung là phải ‘’Thoát Trung’’ về mặt văn hóa.

Xin thưa, đây là việc làm nghiêm túc có quan hệ đến vận mệnh của cả dân tộc,chứ không phải chuyện phiếm nơi bàn trà,hoặc chém gió nơi xó bếp.Và cũng nói luôn, bàn đến vận mệnh đất nước là quyền của mọi công dân theo đúng Hiến Pháp hiện hành, không ai được phép độc quyền yêu nước.

Nhớ khi ta toàn thắng quân xâm lược nhà Minh thế kỷ 15, Nguyễn Trãi viết ‘’Bình Ngô đại cáo,Người đã khẳng định: “Duy ngã Đại Việt chi quốc. Thực vi văn hiến chi bang.Sơn xuyên chi phong vực ký thù.Nam-Bắc chi phong tục diệc dị.’’ (Nghĩa là: Như nước Đại Việt ta từ trước.Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Non sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc-Nam cũng khác. – (Ngô Tất Tố dịch).

Phong tục chính là biểu hiện của văn hóa. Điều Nguyễn Trãi khẳng định, có nghĩa là văn hóa nước ta với văn hóa Trung Hoa là hai dòng chảy khác nhau. Độc lập về bờ cõi, phải đi đôi với độc lập về văn hóa mới là một quốc gia độc lập hoàn chỉnh. Không những thế, Nguyễn Trãi còn khẳng định nước ta là một nước văn hiến. Quốc gia ấy ‘’Cùng với Hán – Đường hùng cứ một phương’’.

Tiếc rằng tinh thần độc lập tự chủ đó, cứ dần dần mai một, do chính quyền các đời nối tiếp không đủ tầm vóc duy trì, và từng bước ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung Hoa.Đặc biệt từ khi giới cầm quyền Việt Nam thiên trọng về Nho giáo,rồi độc tôn Nho giáo,tiến tới nô lệ cho Nho giáo cả về tư duy triết học lẫn nhân sinh quan xã hội.

Vậy là cả thế giới quan lẫn nhân sinh quan của tầng lớp trí thức phong kiến Việt Nam, từ nhà Lê kéo tới nhà Nguyễn (hơn 500 năm) đều bị trói chặt vào tư duy Khổng-Mạnh.Do đó,tuy ta có thắng quân xâm lược nhà Minh,nhà Thanh, độc lập tự chủ về mặt bờ cõi,nhưng cả thế giới quan và nhân sinh quan vẫn bị chi phối bởi Nho giáo.Đặc biệt nhà Nguyễn,không chỉ ảnh hưởng mà còn sao chép từ việc tổ chức bộ máy đến luật lệ,thậm chỉ cả y phục và tên làng xã, từ tên Nôm phải đổi thành tên Hán-Việt. Ví dụ, Kẻ Mơ phải đổi thành Hoàng Mai. Làng Neo đổi thành Xuân Nẻo v.v… Nghiã là mọi thứ nhà vua đều bắt toàn dân toa rập theo kiểu người Trung Hoa, như một tên đầy tớ mong bắt chước sao cho thật giống ông chủ.Sở dĩ có tình trạng thảm hại trên,là bởi giai cấp thống trị nước ta không đủ tầm vóc văn hóa để thoát Trung từ cái nhỏ nhất.

Vua Minh Mạng bắt phụ nữ cả nước phải vận áo quần cho giống với người Trung Hoa, rất may là nhân dân ta đủ thông minh để âm thầm chống lại, nhằm bảo tồn sắc thái dân tộc.Cho dù đã hai lần nhà vua xuống dụ khiển trách quan lại từ Linh Giang (sông Gianh) ra Bắc, vẫn còn để dân chúng mặc “quần một ống”(váy), mà không chịu cải đổi cho có mĩ quan như người Bắc quốc.

Lịch sử nước ta phải thừa nhận Minh Mệnh là một vị vua giỏi.Thời Minh Mệnh trị vì địa vị nước ta nổi nhất Đông Nam Á, cường thịnh nhất Đông Nam Á; và bờ cõi cũng rộng lớn nhất so với trước kia và cả ngày nay. Tuy vậy, vua Minh Mệnh cũng không đủ tầm vóc để vượt khỏi tư duy Khổng-Mạnh.

Trái lại, người dân có ý thức tự bảo tồn văn hóa dân tộc, cho nên tới trước 1945, trên 90% phụ nữ phía bắc nước ta vẫn còn vận váy. Đặc biệt phụ nữ nông thôn thì 100% vận váy. Chính vì có sức mạnh văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong nông thôn, nên dù có trải qua đêm trường Bắc thuộc, thực dân Trung Hoa cũng không tài nào đồng hóa nổi nhân dân Việt Nam.

Thật vậy, ngoài cái rừng phong tục, chúng ta còn có ngôn ngữ, huyết thống, truyền thống, lịch sử và nhiều thứ khác nữa vẫn được nhân dân, đặc biệt là người dân trong các làng xã bảo tồn; mà mỗi làng xã tựa như một pháo đài bất khả xâm phạm. Bọn thực dân nắm quyền cai trị, chỉ có một dúm quan lại người bản xứ làm tay sai cho chúng tại các lỵ sở làm các công việc hành chính,còn nông thôn vẫn giữ được tính độc lập tương đối.

Có một chuyện hết sức cảm động, và cũng là một tấm gương về bảo tồn văn hóa dân tộc, để giữ gìn quốc thể. Đó là vào khoảng năm 1788, khi biết ngôi nước của mình bị lung lay, vua Lê Chiêu Thống bèn chạy sang Tàu, cầu cứu nhà Mãn Thanh. Trong số các cận thần tòng vong có Lê Quýnh.Nhưng khi quân Thanh bị vua Quang Trung đánh bại.Và Càn Long cũng thấy sức mạnh của Đại Việt lúc này là không thể xem thường.Nên Càn Long đã chính thức giao thiệp với Quang Trung mà coi vua tôi Lê Chiêu Thống như những kẻ tị nạn chính trị.Họ chu cấp cho Lê Chiêu Thống còn tạm được, nhưng những người tòng vong bị đuổi về một miền quê xa xôi,cấp cho đất đai tự cấy trồng lấy mà sinh sống.Biết thân phận của kẻ sa cơ, nên họ cũng chẳng phản ứng gì.Nhưng khi nhà Thanh bắt họ phải gọt tóc và thay đổi y phục, cho giống với dân Tàu thì họ không chịu.Lê Quýnh đã phản ứng quyết liệt,không cho chúng đụng đến thân thể mình.Ông nói:’’Ngã bối đầu khả đoạn,phát bất khả thế.Bì khả tước,phục bất khả dịch dã’’( nghĩa là-Có thể chặt đầu ta,nhưng không thể cắt được tóc ta.Có thể lột da ta,nhưng không thể bắt được ta phải cải đổi y phục.)Đương nhiên là giặc giết Lê Quýnh.

Lê Quýnh nhẹ dạ mà nhất thời chịu tiếng ngu trung,nhưng trước sau ông vẫn ý thức được mình là người Việt Nam, phải bảo vệ văn hóa Việt Nam. Do vậy, lịch sử nước nhà không chỉ cảm thông mà còn kính trọng ông như một người yêu nước-người có lòng tự trọng dân tộc,người biết giữ gìn quốc sỉ.

Thật vậy, nước Việt Nam sở dĩ hiên ngang tồn tại cho tới ngày nay, là nhờ nhân dân có ý thức lưu giữ và biết bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Khác xa với những kẻ vong bản làm tay sai cho giặc,luôn thỏa hiệp với giặc, thậm chí vào hùa với giặc, tiếp tay cho giặc để mạt sát nền văn hóa của chính tổ tiên mình.

Việc không thủ tiêu nổi nền văn hóa Việt Nam, khiến người Tàu đến nay vẫn còn hậm hực. Ta nhớ,vụ giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014, tờ Hoàn Cầu thời báo, phụ bản của Nhân Dân nhật báo đảng cộng sản Trung Quốc lên tiếng than vãn:’’Không hiểu tại sao tổ tiên ta trước đây lại không đồng hóa được người Việt Nam. Nếu đồng hóa được họ, thì Biển Đông bây giờ còn kẻ nào dám tranh chấp với Trung Quốc.’’Ôi, giọng lưỡi kẻ xâm lăng!

Rút kinh nghiệm đó, nhà cầm quyền Trung Quốc đang hối hả đồng hóa người Uygur (Duy-ngô-nhĩ) .Duy-ngô-nhĩ mới bị nhà Thanh thôn tính năm 1785. Nước này có diện tích tới 1.600.000 km2, có biên giới với 8 quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…Vì là miền đất mới chiếm được, nên Càn Long cho tên gọi Tân Cương.Tức biên cương mới.Tên này được đặt vào năm 1821.

Còn như Tây Tạng thì mãi 1950,Trung Quốc mới đem quân vào thôn tính. Đây là một quốc gia Phật giáo lâu đời, coi việc tu dưỡng tâm linh là mục đích tối thượng của cả dân tộc, nên việc binh bị là thứ yếu. Vì vậy, họ không đủ tiềm lực quân sự chống lại đội quân xâm lược Trung Hoa với cả một biển người hung bạo.

Hai dân tộc này đang bị đồng hóa với tốc độ chóng mặt. Ví dụ năm 1949, số lượng người Hán ở Tân Cương mới chỉ có 4% thì năm 1995, người Hán chiếm tỉ lệ 46%, năm 2000 người bản xứ chỉ còn chiếm 46%, người Hán 54%. Nhưng hiện nay như Phương Tây thông báo, thì họ lập những trại tập trung cực lớn, nhốt cả triệu đàn ông Duy-ngô-nhĩ vào đó lấy cớ là dạy nghề. Còn các gia đình người Duy-ngô-nhĩ thì cho lính Trung Quốc đến ở cùng.

Chính sách man rợ này y hệt lũ giặc Minh tàn bạo đối với nhân dân ta thế kỷ 15.( Ai muốn rõ hơn tội ác của giặc Minh, xem trong Đại Việt sử ký toàn thư).Nghĩa là chúng sát phu hiếp phụ,nhằm thay máu người bản địa.

Còn đối với Tây Tạng, họ đang cải đổi truyền thống tâm linh của xứ này.Tức là vị Đại Lạt Ma, theo truyền thống là sau khi tìm được hậu thân của Ngài.Tức là chờ Ngài tái sinh ở đâu đó.Có thể là trên đất Tây Tạng,cũng có thể là ngoài Tây Tạng.Vì thế việc tìm kiếm hậu thân của Ngài với cả dân tộc,như thể chuyện mò kim đáy biển.Nhưng chưa bao giờ người Tây Tạng lại không tìm ra vị thủ lĩnh tôn giáo của mình.Ngày nay Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong,nhưng vẫn giữ vị trí là bậc tối đẳng tối giác của nhân dân Tây Tạng.

Dường như nhà cầm quyền Trung Quốc không chịu nổi việc này.Họ đang tìm cách thay thế chế độ hậu thân.Trước mắt,các cấp trưởng trong tổ chức hành chính của Tây Tạng,họ đã thay bằng người Hán,và các chức sắc tôn giáo Tây Tạng cũng có người Hán kèm cặp.Và họ cũng cấp tập di dân Hán tới Tây Tạng.Dần dần họ không chỉ pha loãng máu của các dân tộc Hồi ( người Duy-ngô-nhĩ theo đao Hồi), Tạng; biến họ thành dân tộc thiểu số, mà cơ bản là họ triệt tiêu văn hóa của các dân tộc này.Vì chỉ có thủ tiêu nền văn hóa của một dân tộc, thì mới biến được họ thành tộc người khác.

Việc biến các dân khác thành dân của mình, người Trung Quốc có kinh nghiệm từ cả mấy ngàn năm rồi.Nghĩa là việc đầu tiên phải tước đoạt cho bằng được văn hóa của kẻ bị chinh phục,khiến dân đó chỉ còn cái thân xác rỗng tuyếch; từ đó họ mới thổi hồn Trung Hoa vào.Và chỉ vài thế hệ sau, dân đó tự nhận tổ tiên mình là Hoa Hạ hoặc Hán.Ví dụ sinh động nhất là từ thế kỷ thứ 12 trở về trước,người Trung Hoa khốn đốn với các dân tộc phương Bắc,mà họ gọi xách mé là ‘’Rợ Hồ’’.Đến nỗi nhà Tần phải đắp Vạn lý trường thành để ngăn chặn sự xâm nhập của người phương bắc.Nhà Hán phải đem cả cung phi nhan sắc bậc nhất là nàng Chiêu Quân sang cống cho người Hồ, để mua lấy sự yên ổn.Thế kỷ thứ 10-12 hết người Liêu đến người Kim chèn ép.Nhà Tống phải nhận triều cống thường niên,phải cắt đất cho nhà Kim để cầu hòa;thậm chí vua nhà Tống phải chấp nhận gọi Kim Ai tông là bá phụ ( bác-anh của bố),trong khi cậu vua nhà Kim nhóc con này mới 12 tuổi. Sang thế kỷ 17, người Kim đánh bại nhà Minh lập ra nhà Mãn Thanh.

Nhà Thanh thống trị Trung Hoa từ năm 1649 đến cách mạng Tân hợi (1911),Trung Hoa mới trở thành Trung Hoa dân quốc.Nhưng năm 1939,nước Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu, đó là đất cũ của người Thanh,lập ra Mãn Châu quốc.

Từ tháng 10/1949, Mãn Châu trở thành các tỉnh cực bắc của Trung Hoa.Nếu tính đến 1966,ngày 29 tháng 8 là ngày nhà văn Lão Xá nhảy xuống hồ Hòa Bình ở Bắc Kinh tự tử trong thời Cách mạng văn hóa, thì chỉ có 17 năm mà người Trung Hoa làm tiêu tan cả một nền văn hóa của người Mãn. (Trong khi người Mãn thống trị Trung Hoa tới 262 năm mà vẫn trắng tay. Không những mất hết mà còn bị đồng hóa thành giống dân khác ).Lão Xá chết là bởi ông không chịu nổi sức ép và cả sự kỳ thị của người Hán. Lão Xá chết,có nghĩa là nền văn hóa của người Mãn cũng cáo chung.Lão Xá là người cuối cùng viết tiểu thuyết bằng ngôn ngữ Mãn.Độc giả Việt Nam hẳn còn nhớ tiểu thuyết ‘’Tường Lạc Đà’’ nổi tiếng của ông.

Vậy đừng có ai mơ hồ về lòng tốt của nhà cầm quyền Trung Hoa về tất cả mọi phương diện. Họ chưa hề hợp tác với ai một cách trung thực,dù cam kết đến mấy cũng vậy thôi.Các nước xung quanh họ, lớn nhỏ mặc lòng, họ đều tìm cách gậm nhấm biên giới đất đai của nước láng giềng. Họ kiên nhẫn đớp từng centimet. Thì cứ quan sát các vùng biên giới Việt-Trung là rõ. Thật đau lòng, khi ta biết khá nhiều quan chức Việt Nam chỉ biết nước mình trong các lâu đài hoặc các đô thị sầm uất, hoặc chỉ nhìn thấy hình hài Tổ quốc trên bản đồ, nhưng cũng chẳng hình dung nổi nó to nhỏ thế nào được ghi chú qua tỉ lệ xích. 
(Còn tiếp...)

7 nhận xét :

  1. Một TQ tham vọng bá quyền toàn cầu hung hăng lợi dụng dịch bệnh xâm lấn biển đảo thì không nhất thiết phải nhân đạo với nó. Phương Tây cần dùng máy bay không người lái tàng hình rải mầm bệnh khắp các đô thị lớn TQ. Đại đa số nhân dân toàn thế giới đồng thuận điều đó.

    Trả lờiXóa
  2. Sự thật bao giờ cũng phũ phàng. Nhưng nói được sự thật ra với mọi người như nhà văn Hoàng Quốc Hải là rất đáng kính trọng. Nhạc sỹ Phạm Duy đã nói lúc sinh thời : Tiếng Việt Còn, nước Việt còn. Nay thêm: Văn hóa Việt trường tồn, nước Việt trường tồn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải Phạm Duy nói mà Ông Phạm Quỳnh, quang Thượng thư của chế độ nhà Nguyễn thời Bảo Đại nói:
      "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn;
      Tiếng ta còn, nước ta còn".
      Ông Phạm Quỳnh sau đó đã bị Việt Minh giết chết. Khi ra pháp trường, Phạm Quỳnh đã tuyên bố: Tôi vẫn tin tưởng rằng nước Việt Nam phải có một nước như nước Pháp dìu dắt thì mới có thể đi tới văn minh và độc lập được.
      Câu nói này đúng hay sai mời các bạn suy gẫm!

      Xóa
    2. Ông Phạm Quỳnh là một trí thức nổi tiếng có quan điểm ủng hộ việc tự trị của Việt Nam dưới sự bảo hộ của Pháp, việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam) và kiên trì chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ.
      Ông làm Thượng thư Bộ học (tức là Bộ Giáo dục ngày nay) của chế độ nhà Nguyễn.
      Nếu VN không bị ảnh hưởng của cộng sản, theo cách làm của Phạm Quỳnh thì VN cũng sẽ được độc lập vào khoảng những năm 1950 theo chính sách trao trả độc lập cho các nước thuộc địa của Pháp. Và như vậy, VN sẽ không có những cuộc kháng chiến đánh Pháp, đánh Mỹ, không phải chạy theo TQ, Liên xô và không bị chia cắt 2 miền dẫn đến tang thương, chết chóc, kinh tế lụn bại hàng chục năm. VN sẽ phát triển ngay từ những năm 1950 dưới sự bảo trợ của Pháp và phương Tây. Không bị lệ thuộc vào TQ như ngày nay!
      NGẪM LẠI THẬT ĐÁNG THƯƠNG VÀ ĐÁNG TIẾC CHO DÂN TỘC VÀ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM CHÚNG TA!

      Xóa
  3. Cám ơn Hoàng Quốc Hải! Bài của anh quá hay! Nó tổng hợp, chắt lọc từ đời thực nâng thành lý luận lấp lánh. Nó khác xa kiểu lý luận lá nho, hoang đường, nuôi trồng bằng xác người và súng đạn. Thoát Trung hay là chết! Không gây sự, không đối đầu, không kết thân với Hán, (BA KHÔNG). (Biết mà không thân). Ghế vua quan là dân nuôi, sao lại nhờ người khác giữ bằng súng đạn? Dân không bao giờ bán nước, chỉ vua quan có thể.

    Trả lờiXóa
  4. Kính chào nhà lịch sử, nhà văn hóa, nhà văn Hoàng Quốc Hải! Chúc ông luôn mạnh khỏe./.

    Trả lờiXóa
  5. Phạm Quỳnh bị thủ tiêu cùng với hai vị họ Ngô (hai cha con người anh ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm). Không có chuyện ông "tuyên Bố" ở pháp trường.

    Trả lờiXóa