Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

BỘ CÔNG THƯƠNG LÀM TRÁI CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG?

Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục xuất khẩu gạo - Ảnh: Ngọc Trinh

Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo


Người lao động
24-03-2020 - 08:12 PM 

(NLĐO)- Bộ Công Thương ngày 24-3 đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo ngay sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP và một số đơn vị trực thuộc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3.


Ngày 24-3, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP và một số đơn vị trực thuộc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3.
Theo Bộ Công Thương, sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, bộ kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm dừng thực hiện mục b, khoản 2 và một phần mục c, khoản 2 của Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23-3 để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn thực kho thực tế ở các doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.

Trước đó, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc về vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo.

Trong công văn do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành ky đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3. Đồng thời, giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên.

Tổng cục Hải quan giao giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cục Hải quan các tỉnh, TP, Cục Điều tra chống buôn lậu có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc Tổng cục Hải quan có công văn nêu trên là thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động bởi dịch Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 929.000 tấn, thu về hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.

Philippines là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, chiếm 36% trong tổng kim ngạch, đạt 357.000 tấn, tương đương 155 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng thị trường Iraq trong hai tháng đầu năm 2019 không tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng hai tháng đầu năm 2020, lượng xuất khẩu rất cao 90.000 tấn, tương đương 48 triệu USD.

Malaysia là thị trường nhập gạo Việt Nam lớn thứ ba, tăng 149% về lượng và tăng 128% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 10% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Đáng chú ý là gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD. 
Minh Chiến
____________


Ý kiến đáng chú ý của Trung Gàn Thế Kỷ

Đơn giản thế này. An ninh lương thực quốc gia được tính từ 3 đến 6 tháng dự trữ. Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn kho bãi dành cho dự trữ quốc gia và xuất khẩu. Bộ CT tính toán số lượng xk sau khi đã trừ đi lượng dự trữ (có tính đến lưu chuyển mùa vụ).

Khi thủ tướng y/c dừng đó là phòng ngừa trong dài hạn, dịch bệnh, mất mùa, hạn hán.. (lưu chuyển mùa vụ không đáp ứng đủ hoặc không kịp thời).

Còn Bộ Công thương chỉ tính trên thời điểm hiện tại là số dự trữ 3 đến 6 tháng đang dư, cộng thêm áp lực doanh nghiệp nên kiến nghị cho xuất.

Nghiệp vụ con buôn thì có lời là xuất (đúng quy trình)

Khi xuất hết lượng dư thừa nếu lưu chuyển mùa vụ không kịp thì dự trữ thành ra thiếu. Thiếu thì kiến nghị nhập (đúng quy trình).


Lúc nhập lại giá bao nhiêu là do người bán quyết định.

Đó là nguyên lý quản lý kinh tế của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải Quan:

Công văn cũng Hỏa tốc của Bộ Công thương:

4 nhận xét :

  1. Tiền hậu bất nhất .Nhóm lợi ích đã xuất hiện......

    Trả lờiXóa
  2. Rất hoan nghênh và ủng hộ những chỉ đạo, điều hành quyết sách kịp thời, quyết liệt và tầm nhìn xa của Thủ Tướng, các Bộ ngành đừng vì những chỉ tiêu trước mắt mà làm trái lệnh của Thủ Tướng.

    Trả lờiXóa
  3. Lưu lượng xuất gạo phụ thuộc nhiều yếu tố. An ninh lương thực là số 1. Nếu xuất quá đà để tạo ‘uy tín qui hoạch lãnh đạo’ với thiên triều, dân thiếu đói, chu di!

    Trả lờiXóa
  4. Đồng bằng sông Cửu long bị hạn và xâm nhập mặn, có nơi tới 70km. Tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm, nghĩa là chưa chắc gì cho tương lai. Nên an toàn lương thực là số 1? biết đâu giá gạo lại bất ngờ tăng cao do các quốc gia trên thế giới tích trữ lương thực vào thời gian tới. Cho nên dừng xuất khẩu gạo là sáng suốt.

    Trả lờiXóa