Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

MỸ: TRUNG QUỐC HÀNH XỬ TRẺ CON LẮM !


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - Ảnh: REUTERS

Mỹ: Trung Quốc hành xử trưởng thành hơn chút đi! 

Tuổi trẻ

20/02/2020

TTO - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thể hiện sự không hài lòng trước quyết định hủy thị thực báo chí đối với 3 nhà báo Mỹ và cho rằng Trung Quốc cần hành xử một cách trưởng thành hơn. 

Người Mỹ mua hàng Trung Quốc qua mạng cũng lo... corona!
Mỹ tuyên bố coi Tân Hoa xã, Nhân Dân Nhật Báo là 'cơ quan ngoại giao'
Trung Quốc rút thẻ 3 nhà báo của Wall Street Journal

"Các nước trưởng thành và có trách nhiệm đều hiểu rằng một nền báo chí tự do là trưng ra sự thật và bày tỏ ý kiến", ông Pompeo nhấn mạnh trong một thông cáo ngày 20-2.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng điều Trung Quốc nên làm là phản biện lại bằng các lập luận chứ không phải bắt người khác im miệng. Ông Pompeo nhấn mạnh ông hi vọng một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ cho phép "người dân Trung Quốc được tiếp cận những thông tin chính xác" như người Mỹ.


Theo Hãng tin Reuters, quyết định trục xuất 3 nhà báo của Wall Street Journal (WSJ) được đưa ra sau khi xuất hiện một bài viết trên tạp chí này với tiêu đề "Trung Quốc là con bệnh thực sự của châu Á".

Bài viết đề tác giả là giáo sư Walter Russell Mead thuộc Đại học Bard ở New York. Trong đó ông Mead chỉ trích các phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới và bác bỏ các nỗ lực cấp quốc gia của Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã chỉ trích bài viết này trong cuộc họp báo ngày 19-2, mô tả tựa đề này cho thấy sự phân biệt chủng tộc và xúc phạm Trung Quốc.

Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh WSJ đã không xin lỗi, do đó Bắc Kinh quyết định sẽ hủy thị thực báo chí đối với 3 nhà báo WSJ tại văn phòng Bắc Kinh và yêu cầu họ rời khỏi Trung Quốc trong vòng 5 ngày.

WSJ xác nhận những người bị hủy thị thực gồm phó trưởng văn phòng Bắc Kinh Josh Chin và phóng viên Chao Deng, phóng viên Philip Wen. Trong đó Wen là người Úc, Chin và Deng giữ hộ chiếu Mỹ.

Phản hồi mới nhất sau quyết định Trung Quốc trục xuất 3 phóng viên, WSJ cho biết cả ba nhà báo này đều làm tin tức thời sự, không liên quan đến những trang bình luận "Op-Ed". WSJ cũng có sự tách bạch nghiêm khắc giữa hai đội ngũ nhân sự đưa tin và nhân sự bình luận.

Trong khi đó, giáo sư Mead lại ám chỉ tiêu đề bài viết không phải do ông đặt. "Ở Mỹ, người viết thường không đặt tiêu đề bài viết. Muốn thì tranh luận với biên tập viên về tiêu đề, phản biện với người viết về nội dung của nó", ông Mead viết trên Twitter cá nhân.

Ông William Lewis, giám đốc điều hành của Dow Jones, công ty mẹ của báo WSJ, cho biết ông rất thất vọng trước quyết định đó và yêu cầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc xem xét lại.

"Bài bình luận được xuất bản độc lập với phòng tin tức của WSJ và không nhà báo nào trong số những người bị trục xuất có liên quan gì tới nó", ông Lewis nói.

"Các trang bình luận của chúng tôi thường xuất bản những bài báo có các quan điểm mà mọi người có thể không đồng ý hoặc đồng ý với nó, và chúng tôi cũng không cố ý gây xúc phạm với tít tựa bài bình luận đó", ông Lewis nói tiếp.

"Tuy nhiên điều này rõ ràng đã gây bức xúc là lo ngại với những người Trung Quốc và chúng tôi lấy làm tiếc vì điều đó", ông Lewis nói thêm.

Trong thông báo gửi các nhân viên ở lĩnh vực tin tức, tổng biên tập Matt Murray co biết báo WSJ sẽ nỗ lực đảo ngược các quyết định trục xuất này và sẽ tiếp tục đeo đuổi việc đưa tin cho thấy Trung Quốc như một thế lực đang nổi lên trên phạm vi toàn cầu.

Cụm từ "con bệnh của châu Á" được sử dụng vào đầu cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 khi Trung Quốc bị các nước đế quốc xâu xé. Giới học giả Trung Quốc thường sử dụng cụm từ "thế kỷ ô nhục" để chỉ giai đoạn này khi "thiên triều" trở thành "cái bánh" bị chia cắt.Thời Báo Hoàn Cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói thẳng vụ trục xuất các nhà báo Mỹ là sự trả đũa của Bắc Kinh khi Washington siết chặt quản lý với các tờ báo, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc có văn phòng ở Mỹ.

BẢO DUY - D.KIM THOA 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét