Mạnh Kim
Thích Quảng Độ (1928-2020)
NHỮNG NGÀY THÁNG BIẾN ĐỘNG
Tại sao Hòa thượng Thích Quảng Độ bị ngược đãi và nằm trong tầm ngắm chính quyền suốt từ 1975 cho đến ngày ông mất? Đó là vì ông bất tuân hợp tác và kiên định không cúi đầu. Thái độ cứng rắn dứt khoát không khoan nhượng của ông là sự phản hồi trước sự đàn áp dữ dội của chính quyền đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN) sau 1975…
Ngay sau 30-4-1975, GHPGVNTN lập tức trở thành một trong những mục tiêu số một được nhắm đến. Chùa chiền bị chiếm. Sư sãi bị “đi cải tạo”. Các cơ sở tôn giáo bị tịch thu. Một trong những sự kiện chấn động đầu tiên như một phản ứng trước các chiến dịch đàn áp Phật giáo là vụ tự thiêu của 12 tu sĩ chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 22-11-1975. Trong bản tuyên bố để lại, Đại đức Thích Tuệ Hiền viết: “Chúng tôi sắp sửa thể hiện sự thiêu thân để bảo toàn Chánh Pháp, để bảo vệ danh nghĩa của giới tu sĩ tại địa phương cũng như toàn quốc… Hành động của chúng tôi ngày hôm nay là cốt đem tấm nhục thân này làm bó đuốc soi sáng cho những người mê muội vô ý thức, những người với lòng lang dạ thú… Chúng tôi, Tăng Ni chùa Dược Sư, tha thiết kêu gọi quý vị hãy tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả mọi tôn giáo…”.
Đã chẳng có sự “tự do tín ngưỡng” nào được tôn trọng. Thậm chí, tình hình sinh hoạt Phật giáo tại miền Nam ngày càng tệ hơn. Chưa đầy một năm sau sự kiện tự thiêu nói trên, ngày 22-7-1976, bằng Quyết định số 310/TTG với chữ ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chính quyền bắt đầu bắt buộc tu sĩ từ 18-25 tuổi phải “thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Ngày 9-2-1977, Viện trưởng Viện Hóa đạo Thích Trí Thủ gửi Văn thư 0031/VHĐ/VP đến Phạm Văn Đồng. Hai tháng sau, chính quyền “trả lời” bằng việc mở một chiến dịch quy mô vây bắt hàng loạt chức sắc Phật giáo trong đó có Hòa thượng Thích Huyền Quang (Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo), Thượng tọa Thích Thông Bửu (quyền Tổng vụ trưởng Tổng vụ cư sĩ), Hòa thượng Thích Quảng Độ (Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo)…
Sự đàn áp Phật giáo được thực hiện dữ dội và khốc liệt, như thể GHPGVNTN nói riêng và Phật giáo nói chung là lực lượng đối lập “nguy hiểm” cần phải bị tiêu diệt. Không chỉ tống Hòa thượng Thích Thiện Minh ra khỏi chùa, chính quyền còn ra lệnh tất cả chùa chiền không được “chứa chấp” hòa thượng này. Cuối cùng, tháng 4-1978, thầy Thích Thiện Minh bị bắt và giam ở số 4 Phan Đăng Lưu. Sau đó, ông được đưa qua Chí Hòa và bị tra tấn đến chết. Như một cách phi tang chứng cứ, công an đưa xác thầy Thích Thiện Minh ra trại cải tạo Hàm Tân (Phan Thiết). Ba hôm sau, thầy Thích Trí Thủ được thông báo đi nhận xác. Thi thể thầy Thiện Minh vẫn còn đầy vết bầm sưng tím và có dấu hiệu của xiết cổ…
Ngày 9-12-1978, chính quyền tổ chức phiên tòa xét xử tội “chống đối nhà nước và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng” đối với các tăng sĩ bị bắt một năm rưỡi trước đó. Thầy Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị kết án bốn năm (hai năm tù giam, hai năm tù treo). Tuy nhiên, trước áp lực quốc tế, hai vị được thả ngay sau phiên tòa. Ngày 11-10-1981, Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ lại bị bắt. Việc tạm giam hai nhân vật có ảnh hưởng này là nhằm chuẩn bị cho cái gọi là Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày 4-11-1981. Gần một năm sau, cả hai vị được lệnh phải trở về nơi sinh quán. Thầy Huyền Quang bị áp giải ra Bình Định rồi đến Quảng Ngãi để “ổn định cư trú theo quy định”. Trong khi đó, thầy Thích Quảng Độ bị bắt đi cùng với mẹ già ra Thái Bình.
Sự đàn áp Phật giáo vẫn không dừng lại. Tháng 3-1984, hàng loạt học giả Phật giáo bị bắt: Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Nguyên Giác, Thích Như Minh, Thích Nữ Huệ Khương, Thích Nữ Trí Hải. Với loạt biến cố kinh khủng đối với Phật giáo, cùng với sự truy bức tinh thần dữ dội, thầy Trí Thủ đổ bệnh. Thay vì để ông ở chùa Già Lam trước thỉnh nguyện của nhiều Phật tử, ông được “nhà nước chăm sóc” bằng cách đưa vào Bệnh viện Thống Nhất (Bệnh viện Vì Dân trước 1975). Tại đây, ông đã chết một cách bất thường. Chưa đầy một tháng sau, Hòa thượng Thích Thanh Trí, cánh tay mặt của thầy Trí Thủ, cũng chết một cách không bình thường tại một bệnh viện ở Huế…
Ngày 27-3-1992, sau hơn 10 năm bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện (Phú Nhuận, Sài Gòn) và sống như lưu đày ở Thái Bình, thầy Thích Quảng Độ tự ý bỏ vào Nam sau khi nhiều lần bị công an Thái Bình bác bỏ “đơn xin đi đường” của ông. Tháng 4-1992, công an TP.HCM ra công văn số 47/TL/PC13 yêu cầu thầy Quảng Độ rời Thanh Minh Thiền Viện và phải trở ra Thái Bình trước ngày 19-4-1992. Bất chấp, thầy Quảng Độ vẫn ở lại Sài Gòn. Tháng 10-1994, ông thậm chí công khai dựng bảng “Văn phòng Tổng thư ký Viện Hóa đạo Lưu vong” tại Thanh Minh Thiền Viện.
Tiếp đó, ông ra Thông cáo số 85/VPLU/VHĐ đề ngày 14-10-1994, tuyên bố chính thức tái hoạt động với cương vị Tổng thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN, đồng thời kêu gọi Phật giáo toàn quốc “dựng lại bảng tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tại các cơ sở, chùa chiền thuộc Giáo hội”. Kết quả, ngày 31-12-1994, công an tràn vào chùa Thanh Minh, lục soát, tịch thu tài liệu và dọa bắt thầy Quảng Độ nếu ông “tiếp tục ngoan cố”. Ngày 4-1-1995, lúc 3g15 chiều, công an vây kín chùa Thanh Minh, bắn bể ổ khóa cửa phòng riêng của thầy Quảng Độ và bắt ông đi. Lần này thì không ai có thể biết ông bị giam ở đâu… Bất bình trước vô số hành động trấn áp Phật giáo nói chung và trước sự kiện thầy Quảng Độ bị bắt, một nữ Phật tử người Đức tên Sabine Kratze, 25 tuổi, đang du học tại Việt Nam, từng quy y tại chùa Linh Mụ, đã tự thiêu. Sự kiện xảy ra lúc 7g15 tối ngày 3-9-1995, trong căn phòng F 2/2 ở lầu bốn, khách sạn Mini, số 179 Lý Tự Trọng, quận 1, Sài Gòn.
Trong bài Nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật giáo Việt Nam, được “viết tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tháng 1 năm 1992 (ngày 14 tháng 12 năm Tân Mùi). Kỷ niệm năm thứ 10 bị quản thúc lưu đày” – như được ghi ở cuối bài, thầy Thích Quảng Độ nói rằng ông “chẳng ân hận gì khi phải chết cho sự thật”. Ông viết:
“Nay đến lượt tôi cũng đã bị cộng sản Việt Nam giam cầm đày đọa suốt mười mấy năm rồi, chỉ vì cái ‘tội’ trung thành với lý tưởng đạo Phật, muốn bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản tinh thần và kiến trúc vật chất của tổ tiên, thế thôi, chứ có tranh giành quyền lợi gì với ai đâu. Vì, theo tôi, văn hóa truyền thống và di sản tinh thần của tổ tiên rất là quan trọng, nhờ đó mà dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hóa bởi các thế lực phong kiến, đế quốc và thực dân xưa cũng như nay, khi thống trị Việt Nam trước sau có tới hơn nghìn năm. Dĩ nhiên, vì đã lâu đời nên nền văn hóa cổ truyền của chúng ta cũng đã có những cái lỗi thời, ta nên bỏ đi, rồi học hỏi những cái hay cái đẹp của thế giới mà bồi bổ thêm cho mạnh thì được, chứ nếu chúng ta bảo nó đã lâu đời quá rồi, không còn thích hợp với đời mới nữa, thôi bỏ hết nó đi để thay vào đó một thứ văn hóa hoàn toàn mới, hoàn toàn xa lạ, thì chúng ta sẽ bị rơi vào tình huống:
Tây chẳng phải Tây, Đông chẳng Đông
Quỷ quái sinh ra lũ cuồng ngông
Mồ mả tổ tiên cày xới hết
Đình chùa miếu mạo phá bằng không
Ông bà xem nhẹ hơn con lợn
Bố mẹ coi như khúc gỗ thông
Phảng phất non sông hồn Lạc Việt
Bốn nghìn tuổi sử tủi hay không?!"
“Tủi hay không?”. Điều gì khiến không chỉ ông tủi mà dường như dân tộc này cũng đau lòng khôn dứt? Có phải đó là hiện trạng Phật giáo không chỉ biến tướng mà còn được thay bằng một thứ tôn giáo trá hình? Hay là cái thực tế “Ông bà xem nhẹ hơn con lợn/ Bố mẹ coi như khúc gỗ thông”? Hoặc phải chăng là một tình trạng đầy ngao ngán “Tây chẳng phải Tây, Đông chẳng Đông/Quỷ quái sinh ra lũ cuồng ngông”?...
Tủi hay không? Có ai còn biết tủi hổ nữa hay không?
(Nguồn tham khảo chính: Phật Giáo Việt Nam - Biến cố và Tư liệu, Văn phòng Thường trực Điều hành, Phật Lịch 2540/1996)
Thích Quảng Độ (1928-2020)
NHỮNG NGÀY THÁNG BIẾN ĐỘNG
Tại sao Hòa thượng Thích Quảng Độ bị ngược đãi và nằm trong tầm ngắm chính quyền suốt từ 1975 cho đến ngày ông mất? Đó là vì ông bất tuân hợp tác và kiên định không cúi đầu. Thái độ cứng rắn dứt khoát không khoan nhượng của ông là sự phản hồi trước sự đàn áp dữ dội của chính quyền đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN) sau 1975…
Ngay sau 30-4-1975, GHPGVNTN lập tức trở thành một trong những mục tiêu số một được nhắm đến. Chùa chiền bị chiếm. Sư sãi bị “đi cải tạo”. Các cơ sở tôn giáo bị tịch thu. Một trong những sự kiện chấn động đầu tiên như một phản ứng trước các chiến dịch đàn áp Phật giáo là vụ tự thiêu của 12 tu sĩ chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 22-11-1975. Trong bản tuyên bố để lại, Đại đức Thích Tuệ Hiền viết: “Chúng tôi sắp sửa thể hiện sự thiêu thân để bảo toàn Chánh Pháp, để bảo vệ danh nghĩa của giới tu sĩ tại địa phương cũng như toàn quốc… Hành động của chúng tôi ngày hôm nay là cốt đem tấm nhục thân này làm bó đuốc soi sáng cho những người mê muội vô ý thức, những người với lòng lang dạ thú… Chúng tôi, Tăng Ni chùa Dược Sư, tha thiết kêu gọi quý vị hãy tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả mọi tôn giáo…”.
Đã chẳng có sự “tự do tín ngưỡng” nào được tôn trọng. Thậm chí, tình hình sinh hoạt Phật giáo tại miền Nam ngày càng tệ hơn. Chưa đầy một năm sau sự kiện tự thiêu nói trên, ngày 22-7-1976, bằng Quyết định số 310/TTG với chữ ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chính quyền bắt đầu bắt buộc tu sĩ từ 18-25 tuổi phải “thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Ngày 9-2-1977, Viện trưởng Viện Hóa đạo Thích Trí Thủ gửi Văn thư 0031/VHĐ/VP đến Phạm Văn Đồng. Hai tháng sau, chính quyền “trả lời” bằng việc mở một chiến dịch quy mô vây bắt hàng loạt chức sắc Phật giáo trong đó có Hòa thượng Thích Huyền Quang (Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo), Thượng tọa Thích Thông Bửu (quyền Tổng vụ trưởng Tổng vụ cư sĩ), Hòa thượng Thích Quảng Độ (Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo)…
Sự đàn áp Phật giáo được thực hiện dữ dội và khốc liệt, như thể GHPGVNTN nói riêng và Phật giáo nói chung là lực lượng đối lập “nguy hiểm” cần phải bị tiêu diệt. Không chỉ tống Hòa thượng Thích Thiện Minh ra khỏi chùa, chính quyền còn ra lệnh tất cả chùa chiền không được “chứa chấp” hòa thượng này. Cuối cùng, tháng 4-1978, thầy Thích Thiện Minh bị bắt và giam ở số 4 Phan Đăng Lưu. Sau đó, ông được đưa qua Chí Hòa và bị tra tấn đến chết. Như một cách phi tang chứng cứ, công an đưa xác thầy Thích Thiện Minh ra trại cải tạo Hàm Tân (Phan Thiết). Ba hôm sau, thầy Thích Trí Thủ được thông báo đi nhận xác. Thi thể thầy Thiện Minh vẫn còn đầy vết bầm sưng tím và có dấu hiệu của xiết cổ…
Ngày 9-12-1978, chính quyền tổ chức phiên tòa xét xử tội “chống đối nhà nước và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng” đối với các tăng sĩ bị bắt một năm rưỡi trước đó. Thầy Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị kết án bốn năm (hai năm tù giam, hai năm tù treo). Tuy nhiên, trước áp lực quốc tế, hai vị được thả ngay sau phiên tòa. Ngày 11-10-1981, Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ lại bị bắt. Việc tạm giam hai nhân vật có ảnh hưởng này là nhằm chuẩn bị cho cái gọi là Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày 4-11-1981. Gần một năm sau, cả hai vị được lệnh phải trở về nơi sinh quán. Thầy Huyền Quang bị áp giải ra Bình Định rồi đến Quảng Ngãi để “ổn định cư trú theo quy định”. Trong khi đó, thầy Thích Quảng Độ bị bắt đi cùng với mẹ già ra Thái Bình.
Sự đàn áp Phật giáo vẫn không dừng lại. Tháng 3-1984, hàng loạt học giả Phật giáo bị bắt: Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Nguyên Giác, Thích Như Minh, Thích Nữ Huệ Khương, Thích Nữ Trí Hải. Với loạt biến cố kinh khủng đối với Phật giáo, cùng với sự truy bức tinh thần dữ dội, thầy Trí Thủ đổ bệnh. Thay vì để ông ở chùa Già Lam trước thỉnh nguyện của nhiều Phật tử, ông được “nhà nước chăm sóc” bằng cách đưa vào Bệnh viện Thống Nhất (Bệnh viện Vì Dân trước 1975). Tại đây, ông đã chết một cách bất thường. Chưa đầy một tháng sau, Hòa thượng Thích Thanh Trí, cánh tay mặt của thầy Trí Thủ, cũng chết một cách không bình thường tại một bệnh viện ở Huế…
Ngày 27-3-1992, sau hơn 10 năm bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện (Phú Nhuận, Sài Gòn) và sống như lưu đày ở Thái Bình, thầy Thích Quảng Độ tự ý bỏ vào Nam sau khi nhiều lần bị công an Thái Bình bác bỏ “đơn xin đi đường” của ông. Tháng 4-1992, công an TP.HCM ra công văn số 47/TL/PC13 yêu cầu thầy Quảng Độ rời Thanh Minh Thiền Viện và phải trở ra Thái Bình trước ngày 19-4-1992. Bất chấp, thầy Quảng Độ vẫn ở lại Sài Gòn. Tháng 10-1994, ông thậm chí công khai dựng bảng “Văn phòng Tổng thư ký Viện Hóa đạo Lưu vong” tại Thanh Minh Thiền Viện.
Tiếp đó, ông ra Thông cáo số 85/VPLU/VHĐ đề ngày 14-10-1994, tuyên bố chính thức tái hoạt động với cương vị Tổng thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN, đồng thời kêu gọi Phật giáo toàn quốc “dựng lại bảng tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tại các cơ sở, chùa chiền thuộc Giáo hội”. Kết quả, ngày 31-12-1994, công an tràn vào chùa Thanh Minh, lục soát, tịch thu tài liệu và dọa bắt thầy Quảng Độ nếu ông “tiếp tục ngoan cố”. Ngày 4-1-1995, lúc 3g15 chiều, công an vây kín chùa Thanh Minh, bắn bể ổ khóa cửa phòng riêng của thầy Quảng Độ và bắt ông đi. Lần này thì không ai có thể biết ông bị giam ở đâu… Bất bình trước vô số hành động trấn áp Phật giáo nói chung và trước sự kiện thầy Quảng Độ bị bắt, một nữ Phật tử người Đức tên Sabine Kratze, 25 tuổi, đang du học tại Việt Nam, từng quy y tại chùa Linh Mụ, đã tự thiêu. Sự kiện xảy ra lúc 7g15 tối ngày 3-9-1995, trong căn phòng F 2/2 ở lầu bốn, khách sạn Mini, số 179 Lý Tự Trọng, quận 1, Sài Gòn.
Trong bài Nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật giáo Việt Nam, được “viết tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tháng 1 năm 1992 (ngày 14 tháng 12 năm Tân Mùi). Kỷ niệm năm thứ 10 bị quản thúc lưu đày” – như được ghi ở cuối bài, thầy Thích Quảng Độ nói rằng ông “chẳng ân hận gì khi phải chết cho sự thật”. Ông viết:
“Nay đến lượt tôi cũng đã bị cộng sản Việt Nam giam cầm đày đọa suốt mười mấy năm rồi, chỉ vì cái ‘tội’ trung thành với lý tưởng đạo Phật, muốn bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản tinh thần và kiến trúc vật chất của tổ tiên, thế thôi, chứ có tranh giành quyền lợi gì với ai đâu. Vì, theo tôi, văn hóa truyền thống và di sản tinh thần của tổ tiên rất là quan trọng, nhờ đó mà dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hóa bởi các thế lực phong kiến, đế quốc và thực dân xưa cũng như nay, khi thống trị Việt Nam trước sau có tới hơn nghìn năm. Dĩ nhiên, vì đã lâu đời nên nền văn hóa cổ truyền của chúng ta cũng đã có những cái lỗi thời, ta nên bỏ đi, rồi học hỏi những cái hay cái đẹp của thế giới mà bồi bổ thêm cho mạnh thì được, chứ nếu chúng ta bảo nó đã lâu đời quá rồi, không còn thích hợp với đời mới nữa, thôi bỏ hết nó đi để thay vào đó một thứ văn hóa hoàn toàn mới, hoàn toàn xa lạ, thì chúng ta sẽ bị rơi vào tình huống:
Tây chẳng phải Tây, Đông chẳng Đông
Quỷ quái sinh ra lũ cuồng ngông
Mồ mả tổ tiên cày xới hết
Đình chùa miếu mạo phá bằng không
Ông bà xem nhẹ hơn con lợn
Bố mẹ coi như khúc gỗ thông
Phảng phất non sông hồn Lạc Việt
Bốn nghìn tuổi sử tủi hay không?!"
“Tủi hay không?”. Điều gì khiến không chỉ ông tủi mà dường như dân tộc này cũng đau lòng khôn dứt? Có phải đó là hiện trạng Phật giáo không chỉ biến tướng mà còn được thay bằng một thứ tôn giáo trá hình? Hay là cái thực tế “Ông bà xem nhẹ hơn con lợn/ Bố mẹ coi như khúc gỗ thông”? Hoặc phải chăng là một tình trạng đầy ngao ngán “Tây chẳng phải Tây, Đông chẳng Đông/Quỷ quái sinh ra lũ cuồng ngông”?...
Tủi hay không? Có ai còn biết tủi hổ nữa hay không?
(Nguồn tham khảo chính: Phật Giáo Việt Nam - Biến cố và Tư liệu, Văn phòng Thường trực Điều hành, Phật Lịch 2540/1996)
Thì ra là vậy !
Trả lờiXóa