Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

HRW KÊU GỌI CHÂU ÂU GÂY ÁP LỰC NHÂN QUYỀN VỚI VN

Giám đốc điều hành Human Rights Watch Kenneth Roth trong cuộc họp báo tại trụ sở 
Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, ngày 14/01/2020 Johannes EISELE / AFP 

HRW kêu gọi Liên hiệp Châu Âu gây áp lực
buộc Việt Nam tôn trọng nhân quyền

RFI
18.2.2020

Ngày 19/02/2020, cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam lần thứ 9 sẽ mở ra tại Hà Nội. Trong một thông cáo báo chí công bố vào hôm nay, 18/02 tại Bangkok, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã kêu gọi Bruxelles tranh thủ cơ hội này để yêu cầu Hà Nội cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Bản thông cáo trước hết lưu ý là cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam lần này mở ra chỉ một tuần sau khi Nghị Viện Châu Âu thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mại và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư giữa Liên Âu và Việt Nam. Do đó Bruxelles cần “cảnh báo chính quyền Việt Nam rằng thất bại trong việc thực hiện các cam kết (về cải cách nhân quyền mà Việt Nam từng đưa ra) có thể dẫn đến đình chỉ các lợi ích trong thỏa thuận”.

HRW, trụ sở ở New York, đã nhắc lại rằng vào tháng Giêng vừa qua, họ đã gởi cho Liên Hiệp Châu Âu một tờ trình để chuẩn bị cho cuộc đối thoại, đề nghị tập trung vào năm lĩnh vực cần ưu tiên: tình hình những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị, tình trạng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và đi lại, đàn áp quyền tự do thông tin, đàn áp quyền tự do tôn giáo, nạn công an bạo hành.

HRW đặc biệt nêu bật trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt giữ vào tháng 11 năm ngoái 2019 trong một vụ mà tổ chức cho là “đáng lưu ý'' vì “liên quan đến các hiệp định giữa EU và Việt Nam”.

Sau khi nhắc lại rằng Việt Nam đã cáo buộc ông Phạm Chí Dũng về các tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, tổ chức nhân quyền Mỹ cho là có “rất nhiều khả năng do ông đã ngỏ lời với Nghị Viện Châu Âu về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam”.

Đối với HRW, châu Âu cần gây sức ép để Việt Nam “chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam giữ”, sửa đổi một số điều khoản có tác dụng hạn chế các quyền tự do của người dân trong các bộ luật hình sự, tố tụng hình sự, lao động, an ninh mạng…

Một yếu tố khác được HRW nhấn mạnh là “Việt Nam cũng cần có cam kết nghiêm túc về việc chấm dứt nạn công an bạo hành”, nhanh chóng đưa vào áp dụng “lộ trình yêu cầu nhân viên an ninh trên toàn quốc phải ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung” đã được thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phê chuẩn vào tháng Chín năm 2019.

Trên nguyên tắc, lộ trình này phải có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng Giêng năm nay, nhưng vào tháng 12 vừa qua đã bị Bộ Công An kiến nghị lui thời điểm triển khai.

Đối với HRW, Liên Hiệp Châu Âu “cần kết nối vị thế kinh tế của mình với các nguyên tắc nhân quyền mà Liên Âu vẫn tuyên bố sẽ gìn giữ”.

Mai Vân
__________

Ngày mai, chỉ cần các nhà hoạt động nhân quyền ở khắp cả nước bị canh cửa thì biết ngay Việt Nam có nhân quyền hay không! Khỏi họp hành mất thời gian!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét