'Không vội vàng khẳng định về bãi cọc ở Hải Phòng'
Minh Nhật
Zing
14:17 24/12/2019
GS Vũ Minh Giang và GS Phạm Hồng Tung cho rằng nhận định ban đầu về bãi cọc được phát hiện ở Hải Phòng liên quan trận chiến của nhà Trần năm 1288 cần cẩn trọng, không thể vội vàng.
Việc phát hiện bãi cọc ở Hải Phòng nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà sử học, khảo cổ và người dân vì rất có thể đây là vết tích liên quan trận đánh quân Mông - Nguyên của nhà Trần năm 1288.
Chính vì ý nghĩa và giá trị quan trọng của bãi cọc này, nhiều nhà khoa học cho rằng các cơ quan chức năng và nhà nghiên cứu nên có sự thận trọng khi nhận định nguồn gốc, vai trò lịch sử của nó.
Toàn cảnh bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Sở VHTT HP.
Phải rất thận trọng
GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), là một trong những nhà khoa học đề xuất cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trước khi khẳng định bãi cọc được phát lộ ở Hải Phòng liên quan trận đánh quân Mông - Nguyên của nhà Trần năm 1288.
Theo GS Tung, vị trí khai quật bãi cọc ở Hải Phòng hiện nay phù hợp với những hình dung, giả thuyết của nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu về trận đánh chống quân Mông - Nguyên của nhà Trần trên sông Bạch Đằng.
"Khi phát hiện bãi cọc ở Quảng Yên (Quảng Ninh), nhiều nhà khoa học đã dứt khoát cho rằng bên kia sông, tức là vùng Hải Phòng, chắc chắn phải có những dấu vết rất quan trọng liên quan trận chiến trên sông Bạch Đằng của nhà Trần. Do đó, vị trí phát hiện bãi cọc lần này ở Hải Phòng phù hợp những hình dung về trận chiến mà chúng ta đã nghiên cứu từ trước tới nay", GS Tung nói.
Theo ông, nhiều trận đánh xảy ra trên sông Bạch Đằng và kế đóng cọc trên sông cũng được nhân dân ta sử dụng nhiều lần. Do đó, để khẳng định bãi cọc ở Hải Phòng thuộc về trận chiến nào, phải nghiên cứu thận trọng.
.
Lịch sử ghi nhận trên sông Bạch Đằng có 3 trận đánh do Lê Hoàn, Ngô Quyền và Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Ngay sau trận chiến trên sông Bạch Đằng của nhà Trần, đầu thế kỷ XIV, cha con nhà Hồ cũng đối diện nguy cơ xâm lược của giặc Minh.
"Có tài liệu ghi chép rằng cha con Hồ Quý Ly đã đề nghị các địa phương cung cấp cọc gỗ, xích sắt để đóng cọc, khóa các cửa sông, đề phòng nguy cơ xâm lược của quân Minh. Chưa kể trước đó, Chế Bồng Nga từng dẫn quân Chăm-pa đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long bằng đường thủy, nên cũng có thể quân dân nhà Trần có một trận địa cọc để chống lại quân Chăm-pa", ông Tung nêu quan điểm.
GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết các cọc gỗ ở Hải Phòng đã được đưa đi giám định niên đại bằng phương pháp đồng vị carbon C14. Kết quả cho thấy niên đại các cọc gỗ này vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế XIV.
Nhiều trận đánh xảy ra trên sông Bạch Đằng và kế đóng cọc trên sông cũng được nhân dân ta sử dụng nhiều lần. Do đó, để khẳng định bãi cọc ở Hải Phòng thuộc về trận chiến nào, phải nghiên cứu thận trọng.
GS Phạm Hồng Tung
GS Phạm Hồng Tung nhận định các tài liệu lịch sử không ghi hướng đi của quân Minh khi xâm lược nước ta theo đường biển. Ông và nhiều nhà khoa học khác nghiêng về phương án đây là trận địa cọc của quân dân nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên năm 1288.
Dù vậy, GS Tung vẫn cho rằng các nhà khoa học sẽ phải cần gia cố cho phán đoán này bằng rất nhiều tài liệu, thông tin sử học và nghiên cứu liên ngành khác.
"Cần nghiên cứu kỹ thêm"
Là người có mặt tại bãi cọc Hải Phòng để nghiên cứu trong những ngày qua, GS Vũ Minh Giang cho hay đến nay, chưa có ai khẳng định bãi cọc được phát hiện ở Hải Phòng là vết tích của trận chiến chống quân Mông - Nguyên của nhà Trần năm 1288.
"Khi phát hiện, khai quật được cọc gỗ, đưa đi giám định niên đại, kết quả cho phép chúng ta nghĩ rằng đây là những cọc gỗ được chôn vào thời nhà Trần. Cùng các tài liệu lịch sử, nghiên cứu lâu nay, các nhà khoa học đặt ra giả thuyết đây là bãi cọc trong trận chiến chống quân Nguyên - Mông năm 1288 của nhà Trần. Nhưng không có ai và cơ quan nào khẳng định điều này", ông Giang nói.
Tuy nhiên, niên đại của các cọc gỗ cùng những ghi chép về lịch sử trận đánh của quân dân nhà Trần hiện ủng hộ giả thuyết đây là bãi cọc trong trận chiến năm 1288.
.
Các nhà nghiên cứu thực địa bãi cọc được phát hiện ở cánh đồng
xã Cao Quỳ (Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Dương.
Theo Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, vị trí, hình dáng, hướng chôn cọc được phát hiện ở Hải Phòng phù hợp những nghiên cứu trước đây về cách đánh, lối đánh, cách chôn cọc của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng.
“Hiện, chưa có thông tin, căn cứ là trái lại với giả thuyết trên. Tuy nhiên, để khẳng định được điều này thì vẫn cần phải nghiên cứu, làm thêm rất nhiều việc và chắc chắn là chúng ta phải rất thận trọng, nghiêm túc, tỉ mỉ. Đó là công việc bắt buộc, không ai có thể vội vàng cả. Đến nay vẫn chưa ai vội vàng khẳng định bãi cọc ở Hải Phòng là bãi cọc trong trận đánh quân Mông - Nguyên năm 1288”, ông Giang nhấn mạnh.
Theo ông Giang, từ phỏng đoán, giả thuyết đến kết luận còn rất nhiều việc cần làm nhưng trước nhất là thành phố Hải Phòng phải xây dựng cơ chế bảo tồn khu bãi cọc được phát hiện để phục vụ việc nghiên cứu.
"Việc phát hiện bãi cọc thu hút rất nhiều người hiếu kỳ đến xem mà hiện chúng ta vẫn chưa có công tác bảo vệ, bảo quản. Trước khi bàn đến các việc khác, chúng ta phải giữ nó nguyên vẹn trước đã, sau đó mới tính đến việc nghiên cứu như thế nào, tiếp tục đào sâu hay mở rộng phạm vi khai quật cũng cần phải bàn bạc", Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói.
Ngoài ra, GS Giang mong muốn thời gian tới, một cuộc nghiên cứu có tính chất liên ngành lịch sử, khảo cổ, địa lý, quân sự để kết luận về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của bãi cọc.
"Dù bãi cọc ở Hải Phòng thuộc về trận chiến nào, đây cũng là phát hiện rất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc. Nếu đây là trận địa kết liễu quân Mông - Nguyên của nhà Trần năm 1288 thì từ đây sẽ cho chúng ta những phát hiện mới về quy mô, tầm vóc và ý nghĩa của trận chiến này", GS Giang nhận định.
Tôi thấy có nhiều nghi ngờ lắm, cho nên khi kết luận cần phải thận trọng là đúng.
Trả lờiXóa