Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

GS. HÀ VĂN TẤN - NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN "NỀN TẢNG VÀ KINH ĐIỂN"


GS Hà Văn Tấn - người để lại di sản 'nền tảng và kinh điển'

Quốc Phương 

BBC News Tiếng Việt
7 tháng 12 2019
 


Giáo sư sử học Hà Văn Tấn (1937-2019) đã để lại một di sản không chỉ to lớn mà còn mang tính chất 'nền tảng, kinh điển' trong các lĩnh vực chuyên môn mà ông từng cống hiến, một Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mới đây nói với BBC News Tiếng Việt.

"Sự nghiệp của Giáo sư Hà Văn Tấn để lại rất nhiều công trình nghiên cứu đã trở thành kinh điển, làm nền tảng cho hiểu biết về khoa học đối với lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ tiền sử và sơ sử," hôm 29/11, Giáo sư Vũ Minh Giang, người đồng thời từng là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nói về người thầy vừa qua đời của mình.

"Hầu hết những công trình nghiên cứu về thời kỳ này đều trên cơ sở nghiên cứu của Giáo sư Tấn, cái di sản này rất là quan trọng. Hay là trong lịch sử trung đại Việt Nam, cuộc kháng chiến chống đế chế Mông - Nguyên, tôi thấy cũng chưa có công trình nào vượt qua.

"Vừa rồi viết bộ sách vẫn quen gọi là quốc sử, tôi là chủ biên hai tập, trong đó có tập về thời Trần, khi viết về cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, tất nhiên có nhiều tài liệu mới bổ sung, nhưng vẫn trên cơ sở cuốn sách kháng chiến chống Nguyên - Mông mà Giáo sư Tấn đã viết từ cách đây mấy chục năm rồi.

"Nhưng tôi nghĩ cái mà Giáo sư Tấn muốn thế hệ sau tiếp tục, mà cái này tôi thấy là chúng tôi vẫn đang làm được, tức là nghiên cứu lịch sử Việt Nam phải gắn với lịch sử thế giới và khuyên cả những người nghiên cứu lịch sử thế giới cũng phải luôn luôn tham chiếu với lịch sử Việt Nam. 

"Bởi vì có một thời kỳ rất dài nghiên cứu lịch sử thế giới và Việt Nam không gắn với nhau. Việc dạy lịch sử thế giới là cứ dạy lịch sử thế giới, thế còn (dạy sử) Việt Nam cứ đi theo các tuyến của Lịch sử Việt Nam.

"Nhưng mà từ lâu Giáo sư Hà Văn Tấn đã nói là muốn hiểu lịch sử sâu sắc, thì luôn luôn phải hiểu cái tọa độ khu vực và thế giới, mà Giáo sư hay nói là cái 'context' cái bối cảnh chung là thế nào, thì phải có được cái hiểu sâu sắc đó."

Cũng từ Hà Nội, hôm 07/12, nhà nghiên cứu sử học và lý luận lịch sử Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, ĐHKHXH và Nhân văn tại Hà Nội, chia sẻ với BBC những gì ông mới viết khi suy ngẫm và hồi niệm về người thầy của mình:

"Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn bị một cơn đột quỵ nặng ngày 18/4/2001, khi mà sức làm việc của Ông còn tràn đầy năng lực sáng tạo. Đó là một tổn thất to lớn không thể bù đắp đối với nền học thuật nước nhà, trên con đường nhận thức sự biến đổi văn hóa và lịch sử Việt Nam.


"Gần hai mươi năm trên giường bệnh, Ông đã không khuất phục số phận đen đủi giáng vào mình, vẫn chiến đấu kiên cường trên con đường truy tìm sự thật lịch sử, bản sắc văn hóa, đặc điểm tư tưởng, tôn giáo của các sắc dân sinh tụ trên đất Việt Nam. Đọc lời mở đầu ông viết cho cuốn sách Chữ Trên Đá Chữ Trên Đồng, xuất bản năm 2002 và Sự Sinh Thành Việt Nam xuất bản năm 2017, khiến ta kinh ngạc về sự uyên bác, thông tuệ của Ông.

"Hai mươi tuổi trở thành giảng viên đại học, hai hai tuổi khảo cứu, chú giải Dư Địa Chí, ba mươi tuổi viết Chống Nguyên Mông. Ông để lại cho hậu thế gần 300 công trình khảo cứu về các nền văn hóa xưa, về văn minh Sông Hồng, về lịch sử cổ trung đại Việt Nam, về lịch sử tư tưởng Việt, về triết học Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam, về lý luận sử học... Ở lĩnh vực nào, Ông cũng để lại dấu ấn của một trí tuệ trác việt. Ông nhất định là tài năng kiệt xuất, là nguyên khí hiếm hoi mà quốc gia có được." 

'Nhà bách khoa thư và danh sư'

Không chỉ gọi Giáo sư Hà Văn Tấn là một nhà khoa học 'lỗi lạc', nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh cho rằng Giáo sư Tấn còn là một 'danh sư' và là 'một nhà bách khoa thư' với 'bộ óc kiệt xuất' của Việt Nam.

"Không chỉ lỗi lạc trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Thầy Hà Văn Tấn còn là bậc danh sư được các đồng nghiệp và học trò kính trọng, nể phục. Các bài giảng của Ông về bất kỳ lĩnh vực nào cũng mang lại một lượng thông tin mới mẻ, phong phú và hệ thống. Và hơn thế, chúng truyền cảm hứng say mê khám phá cho học trò.

"Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Thầy giảng hàng loạt chuyên đề - phương pháp luận sử học, sử liệu học, văn bản học, các trường phái triết học lịch sử phương tây, lịch sử sử học, triết học Ấn Độ - cho cán bộ trẻ khoa sử. Nhóm thành viên bộ môn Phương pháp luận Sử học gồm các anh Phạm Xuân Hằng, Trần Kim Đỉnh, Hoàng Hồng và tôi được khai tâm như thế. Thầy là cha đẻ ngành lý luận sử học hiện đại của đất nước.

"Năm 1988, trong bài điếu tiễn biệt Giáo sư Đào Duy Anh, Hà Văn Tấn ví thầy mình như một tòa lâu đài tri thức mà ông chỉ có thể soi vào đó qua một ô cửa. Có thể Ông khiêm cung giữ vững đạo thầy trò. Phải rất lâu nữa, đất nước mới xuất hiện những bộ óc kiệt xuất như các ông Đào Duy Anh - Hà Văn Tấn.

"Xin vĩnh biệt Thầy Hà Văn Tấn, một nhân cách lớn, một nhà bác học lớn, và có thể nhà bách khoa thư cuối cùng của Việt Nam."

Nhà sử học, Giáo sư Hà Văn Tấn còn được biết đến là người có vai trò và đóng góp to lớn đa lĩnh vực khoa học, trong đó có đóng góp cho ngành khảo cổ học đương đại ở Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội trong dịp này giới thiệu trên trang mạng của mình một bài viết từ trước, vinh danh ông của tác giả Đỗ Lai Thúy, bài viết có đoạn:


"Khảo cổ học đòi hỏi một hiểu biết rộng và những tri thức liên ngành. Bởi vậy, ngành đầu tiên mà Hà Văn Tấn phải lấn sang là Nhân học hình thể (Anthropologie Physique), đặc biệt là nghiên cứu về sọ. Ông đã đọc sách và tìm gặp GS. Đỗ Xuân Hợp (chuyên gia số 1, người ngay từ trước 1945 đã cùng với Huart viết nhiều sách về nhân học hình thể người Việt). Rồi toán học thống kê cũng vậy.

"Khi đọc các tài liệu cổ học và nhân học nước ngoài thường gặp những công thức thống kê khó hiểu, cáu tiết Hà Văn Tấn bỏ thời giờ học lại lý thuyết xác suất và thống kê, tham khảo các sách viết về phương pháp thống kê áp dụng trong sinh học, y học và sử học. Cũng như vậy với khảo cổ học Đông Nam Á tiền sử. Bởi, muốn nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam, không thể không hiểu biết khảo cổ học vùng Nam Trung Hoa và Đông Nam Á. Hà Văn Tấn phải đọc rất nhiều sách, tạp chí tiếng Anh, tiếng Pháp để cập nhật được tình hình sôi động của khảo cổ học khu vực này. Rồi những dịp sang Pháp, ông đều ngồi lỳ trong các thư viện, nhất là thư viện Bảo tàng Con người ở Paris để thu thập tài liệu về văn hóa và nhân chủng Đông Nam Á. 

"Còn về tình hình khảo cổ học nam Trung Quốc, thì phần lớn Hà Văn Tấn phải đọc tư liệu của Hồng Kông, Đài Loan, bởi tài liệu của lục địa thì do thời tiết chính trị nên lúc có lúc không. Hà Văn Tấn thấy rằng trên thế giới có nhiều trường phái khảo cổ học, nên ông muốn tìm hiểu các nhà nghiên cứu thuộc các trường phái đó đã xây dựng lý thuyết của mình dựa trên những điểm xuất phát nào. Dĩ nhiên, có khác nhau mà cũng có giống nhau, nhưng quan trọng hơn là ông nhận thức được rằng trong khoa học không phải vấn đề nào cũng có thể quy về ý thức hệ.

"Có một điều đáng lưu ý là, mỗi khi khám phá và chinh phục được mảnh đất mới nào là Hà Văn Tấn để lại dấu ấn của mình trên mảnh đất ấy. Về nhân học hình thể, ông viết "Vấn đề người Indonesien và loại hình Indonesien trong thời đại nguyên thủy Việt Nam" được các nhà nhân chủng học nổi tiếng thời đó của Liên Xô là M.G.Lêvin và N.N. Cheboksarov đánh giá cao. 

"Về toán học thống kê, có Ứng dụng thống kê toán học trong khảo cổ học, thậm chí còn có khóa trình giảng dạy Toán thống kê trong khảo cổ học cho sinh viên. Ở nhiều lĩnh vực khác cũng thế, Hà Văn Tấn không bao giờ học để học, mà học để ra sản phẩm dưới dạng này hoặc dạng khác. Từ đó, ông rút ra hai kinh nghiệm quý giá cho các nhà khoa học sau ông là "muốn học có kết quả môn nào thì phải biết gắn những điều đã học với nghiên cứu giảng dạy" và "say mê không đủ, phải bền gan, và có chút ít liều mạng, liều mạng một cách nghiêm túc!". 

'Kiêu và học giả thuần thành'

Không chỉ đề cập di sản khoa học, vai trò và đóng góp học thuật của Giáo sư Hà Văn Tấn, bài viết trên trang mạng của Đại học Quốc gia Hà Nội bởi tác giả Đỗ Lai Thúy cũng đưa ra bình luận về nhân cách, phong cách của học giả này.

"Nếu người ta chú ý đến cái bụi của Trần Quốc Vượng, cái nghiêm túc của Phan Huy Lê, thì ở Hà Văn Tấn người ta chú ý đến cái kiêu. Có lẽ, trong các xã hội thang bậc của chúng ta từ trước nay, tự kiêu là cái tính được người ta vừa yêu vừa ghét. 

"Nhưng với Hà Văn Tấn thì hẳn người ta dễ cảm thông hơn. Trước hết vì ông giỏi và thắng thắn bộc lộ cái giỏi đó. Sau nữa, thái độ tự kiêu của ông là để đối lập, để vạch mặt cái kiểu tự kiêu giả để che dấu cái dốt thật.


"Cuối cùng, trong nhiều trường hợp tự kiêu trùng với tự trọng. Hiểu được giá trị của bản thân và kiên quyết gìn giữ nó cho bằng được. Hà Văn Tấn là thế đó!"

Còn trên trang Facebook cá nhân, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng trong dịp này chia sẻ cảm tưởng về Giáo sư Hà Văn Tấn, không lâu sau tang lễ của cố học giả:

"Tứ Trụ: Lâm - Lê - Tấn - Vượng. Đó là bốn ông Thầy của Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. 

"Ai đặt ra danh ngữ Tứ trụ và từ bao giờ? Đến tận mùa hè năm 1997, chính ông Phan Huy Lê cũng thừa nhận: "Cho đến nay, tôi vẫn không biết rõ tự đâu và từ bao giờ, ra đời câu nói 'Lâm - Lê - Tấn - Vượng, Tứ trụ đại thần'. Dĩ nhiên là từ sinh viên khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi qua các thế hệ sinh viên tốt nghiệp công tác ở khắp nơi lưu truyền lan rộng ra cả nước".

"Trong 4 ông: Ông Lâm là một ông giáo làm sử. Mực thước và êm đềm! Ông Vượng là một nghệ sĩ. Ông làm sử như một nghệ sĩ. Hay ông là một nghệ sĩ làm sử? Ông Lê là một chính khách. Ông làm sử như một chính khách. Hay ông là một chính khách làm sử?

"Ông Tấn là một học giả thuần thành. Không bị chính trị chi phối. Không bị thiên kiến. Không cảm xúc chính trị. Không bị thời tiết chính trị làm xổ mũi.

"Vì là sử gia thực thụ, nên ông Tấn ham học hỏi nhất, biết nhiều nhất. Cái gì cũng làm đến cùng kỳ lý, vừa sâu rộng, vừa chắc chắn. Và đương nhiên Ông có phông rộng và chắc nhất. Văn phong của Ông Tấn rất khuôn thước, đĩnh đạc, chắc chắn; rất sang trọng và đầy quyền uy.

"Ông Tấn ít xuất hiện trên truyền thông, và chỉ lên tiếng khi có vấn đề liên quan đến chuyên môn.

"So trong 3 đám tang các ông Phan Huy Lê - Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn thì đám tang ông Tấn là vắng hơn cả. Đám tang ông Vượng, người ta đến viếng là vì con người quảng giao và nghệ sĩ của ông.

"Đến viếng ông Lê là vì chính bản thân người đến viếng, phần lớn là quan chức (kể cả các học trò của ông). Và vì thế báo chí đưa bài và tin rất dày và chi tiết. Đến viếng ông Tấn chỉ có giới học thuật nhỏ bé. Họ lặng lẽ đến tiễn biệt Ông vì biết ơn ông và hiểu sự nghiệp vĩ đại của ông. Ông là một nhà bác học thực sự!," Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện chia sẻ quan điểm riêng của ông trên trang mạng cá nhân.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét