Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

THƯ GỬI NGÀI BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Gửi ngài Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo

Nguyễn Đắc Kiên
20-11-2019

Thưa ngài Bộ trưởng,

Tôi biết chắc chắn ngày hôm nay ngài sẽ đến một ngôi trường hay một cơ sở giáo dục nào đó, bắt tay, tặng hoa và nói những lời có cánh dành tặng thầy cô.

Việc đó không sai, nhưng suy cho cùng thì nó chẳng để làm gì.

Tại sao tôi lại nói vậy?

Ngài có thể tìm căn cớ ở câu hỏi liền sau đây.

“Thưa ngài Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ngài có biết thầy cô, những nhà giáo của chúng ta đang cần gì nhất không?”

Đừng lo lắng. Tôi sẽ trả lời ngay giúp ngài.

Họ cần ba điều.

Dễ lắm, đầu tiên họ cần sống được với nghề.

Ai cũng phải sống, thầy cô của chúng ta cũng phải sống, và bao năm nay họ vẫn khát khao có thể sống được với nghề giáo của mình. Tôi nhắc lại, nếu lỡ ngài có quên, năm 2006, cũng dịp 20/11, ngài Nguyễn Thiện Nhân – Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khi đó đã tuyên bố và được báo chí đưa tin rầm rộ, rằng năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương*. Bây giờ là năm 2019, và lời hứa này vẫn còn đương treo đó.

Thưa ngài Bộ trưởng, thứ hai họ cần được tôn trọng.

Thầy cô giáo của chúng ta cần nhận được sự tôn trọng đầu tiên từ chính các cấp quản lý họ, đó là ban giám hiệu, là phòng, sở và tiếp đến là Bộ Giáo dục, thưa ngài.

Có thể ngài sẽ ngạc nhiên, nhưng ngài cứ thử nhìn lại xem, có phải thầy cô của chúng ta đang thiếu đi sự tôn trọng từ chính các cấp quản lý mình hay không? Có phải các ngài đang xem thầy cô từ cấp mầm non, tiểu học cho đến đại học như những công cụ hành chính để thực hiện những mục tiêu hành chính được ban truyền từ trên xuống hay không?

Nói vậy thì có vẻ trừu tượng, tôi sẽ đưa ra ngay một ví dụ nhỏ để thấy các ngài đã và đang hành chính hóa, công cụ hóa thầy cô như thế nào.

Bây giờ, xin ngài hãy thử mở ra xem các quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên và tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng cho giáo viên xem.

Ngài thấy gì trong đó?

Ngài sẽ thấy người giáo viên có thể bị xếp thành bốn loại: “tốt”, “khá”, “đạt”, và “không đạt”. Ngài sẽ thấy người giáo viên có thể bị xếp thành bốn loại: “tốt”, “khá”, “trung bình”, và “yếu”.

Ngài có thấy phương thức xếp hạng như vậy là đang xúc phạm các nhà giáo không? Ngài có nghĩ đến cảm xúc của thầy cô, khi cuối mỗi năm học phải tự chấm điểm cho mình, và để người ta chấm điểm thi đua cho mình không?

Với hệ thống phân loại này, cuối mỗi năm học người ta có thể dán nhãn cho thầy cô là nhà giáo “tốt”, nhà giáo “khá”, nhà giáo “trung bình”, nhà giáo “yếu”, đúng không thưa ngài?

Chưa hết, trên thực tế, các ban giám hiệu, các phòng, sở địa phương… còn có thể biến các tiêu chí xếp loại và thi đua khen thưởng này thành công cụ đắc lực để buộc thầy cô phải thực hiện các chỉ tiêu hành chính ngoài chuyên môn dạy học.

Trong các chỉ tiêu hành chính ngoài chuyên môn có một thứ ám ảnh với cả phụ huynh lẫn thầy cô, nhất là thầy cô làm công tác chủ nhiệm, đó là: “các khoản thu đầu năm”.

Bằng cách gắn vào các tiêu chí thi đua, khen thưởng thầy cô bị đẩy ra tuyến đầu để đối mặt với phụ huynh trong vấn đề nhạy cảm là “các khoản thu đầu năm” này. Và như thế, một lần nữa, họ lại có thể trở thành nạn nhân của sự thiếu tôn trọng đến từ chính các phụ huynh học sinh và sau đó là cả xã hội.

Điều thứ ba, thưa ngài Bộ trưởng, muốn vun trồng nên những con người tự do, trước hết phải có những người thầy tự do.

Thầy cô cần tự do.

Thầy cô, không chỉ cần được giải phóng khỏi mọi gánh nặng gạo tiền, mọi gông cùm hành chính để được dạy học và chỉ cần dạy học, họ còn phải được giải phóng khỏi mọi nhiệm vụ chính trị, mọi thứ giáo điều tư tưởng, để được làm người tự do, với đầy đủ sự trưởng thành, lương tri và phẩm giá cao quý, con người.

Thưa ngài Bộ trưởng, bây giờ đến trường học nào ngài cũng có thể thấy khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Nhưng có lẽ khẩu hiệu này mới chỉ có một nửa, dành cho các em học sinh. Như vậy là thiếu, thiếu lắm, thiếu hẳn một nửa dành cho thầy cô.

Thay vì những bó hoa, hay những lời chúc tụng, ngài hãy làm sao, để với thầy cô của chúng ta, mỗi ngày đến trường cũng là một ngày vui, mỗi giờ lên lớp cũng là một giờ hạnh phúc.

Đó mới chính là những điều thầy cô, các nhà giáo của chúng ta đang cần, thưa ngài Bộ trưởng.

1 nhận xét :

  1. Thầy cô, không chỉ cần được giải phóng khỏi mọi gánh nặng gạo tiền, mọi gông cùm hành chính để được dạy học và chỉ cần dạy học, họ còn phải được giải phóng khỏi mọi nhiệm vụ chính trị, mọi thứ giáo điều tư tưởng, để được làm người tự do, với đầy đủ sự trưởng thành, lương tri và phẩm giá cao quý, con người.

    Trả lờiXóa