Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Nguyễn Xuân Diện: Ý KIẾN QUANH HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG


Ý KIẾN QUANH HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG

Nguyễn Xuân Diện

Việc Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch mới đây đã nhanh chóng trở thành một sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. BBC thực hiện một Bàn tròn Thứ Năm về Hòa thượng Thích Trí Quang. Nhà báo Quốc Phương có mời tôi tham gia bàn tròn nhưng tôi đã từ chối với lý do “Tôi ko có đủ tư cách và hiểu biết để tham gia chương trình này”.

 

Dư luận quan tâm đến Hòa thượng ở các khía cạnh: Hòa thượng rốt cục là nhà chính trị hay nhà tu hành; Ông là người của Cộng sản Bắc Việt hay của CIA; Tại sao sau năm 1975 ông hoàn toàn im lặng; Di sản của ông để lại là gì v.v…

Vừa rồi, Nhà báo Đoàn Bảo Châu (FB Chau Doan) lại thực hiện thêm cuộc phỏng vấn nữa với Tiến sĩ Thái Kim Lan.


Tôi có ý kiến về Hòa thượng Thích Trí Quang và các vấn đề đang gây tranh cãi như sau:

1- TS Triết học Thái Kim Lan đưa ra góc nhìn của mình là ý riêng của bà. Chúng ta tôn trọng ý kiến của một người có quyền phát biểu khi được BBC và Chau Doan hỏi đến (bà không tự viết gì để phát biểu). Vì vậy mọi sự mạt sát hay mắng nhiếc bà là không nên.

2- Hòa thượng Thích Trí Quang thời trẻ có tham gia các hoạt động chính trị xã hội với vai trò của một nhà tu hành hay một người hoạt động chính trị, cùng với thời gian, các hồ sơ tài liệu sẽ được mở ra và soi chiếu, bình luận. Cho đến nay chưa phải là đã có được kết luận cuối cùng, cần tiếp tục khám phá và nhận định.

3- Cho đến nay cũng chưa thể khẳng định Hòa thượng theo hoặc phò Cộng sản Bắc Việt. Cho đến mãi sau này, Hòa thượng không được Cộng sản hoặc bất cứ ai đền công, vinh danh, ban thưởng. Tự điều đó đã nói lên rằng ông không hoạt động để được vinh danh. Lại càng không thấy ông bưng bô hoặc tham gia bất cứ hoạt động gì sau 1975.

4-. Kết luận Hòa thượng có vai trò đặc biệt to lớn để lật đổ hai nền Cộng hòa ở Miền Nam là nhận xét thiếu khách quan, vì ông không thể làm được điều đó.

5- Sự yên lặng của Hòa thượng từ sau năm 1975 là một việc vô cùng đúng đắn và cần thiết vì không thể tự nói ra điều gì. Sự yên lặng này chỉ có các bậc tu hành hoặc những người đại giác ngộ mới có thể làm được. Việc hay dở đúng sai đã lùi vào lịch sử, quá khứ, mà lời bình luận thì là việc của hậu thế hoặc tha nhân chứ mọi biện bạch của Hòa thượng đều không cần thiết. Nếu ông có tội thì biện bạch bao nhiêu cũng không thể xóa đi được!

6- Trước khi chết, ông đã để lại di huấn việc hậu sự theo đúng phép tắc của Kinh Niết Bàn (điều mà ít nhà tu hành làm được). Ông không có đệ tử nhưng môn đồ pháp quyến đã thực hiện khá trọn vẹn di huấn điều đó cho thấy ông là một bậc tu hành được trọng vọng. (Ghi chú: Kể cả hai phái Phật giáo: Phật giáo Thống nhất lẫn Phật giáo quốc doanh đều tôn trọng di nguyện của Hòa thượng, không phái nào tranh đến làm tang lễ hoặc lợi dụng sự viên tịch của Hòa thượng để gây tiếng vang hoặc làm truyền thông).

Nguyễn Xuân Diện
20.11.2019

2 nhận xét :